Thứ sáu Tuần 22 Thường niên

THỨ SÁU ĐẦU THÁNG, TUẦN 22 THƯỜNG NIÊN

“Khi tân lang phải đem đi khỏi họ, bấy giờ họ ăn chay”.

Lời Chúa: Lc 5, 33-39

Khi ấy, những người biệt phái và luật sĩ nói với Chúa Giêsu rằng: “Tại sao môn đồ của Gioan năng ăn chay và cầu nguyện, cả môn đồ của những người biệt phái cũng vậy, còn môn đệ của Thầy lại cứ ăn uống?” Người đáp lại rằng: “Các ông có thể bắt các bạn hữu đến dự tiệc cưới, ăn chay, đang khi tân lang còn ở với họ chăng? Nhưng sẽ đến những ngày mà tân lang phải đem đi khỏi họ, bấy giờ họ sẽ ăn chay trong những ngày ấy”.

Người còn nói với họ thí dụ này rằng: “Không ai xé miếng vải áo mới mà vá vào áo cũ; chẳng vậy, áo mới đã bị xé, mà mảnh vải áo mới lại không ăn hợp với áo cũ. Cũng chẳng ai đổ rượu mới vào bầu da cũ; chẳng vậy, rượu mới sẽ làm vỡ bầu da, rượu chảy ra và bầu da hư mất. Nhưng rượu mới phải đổ vào bầu da mới, thì giữ được cả hai. Và không ai đang uống rượu cũ mà lại thèm rượu mới, vì người ta nói: 'Rượu cũ thì ngon hơn'”.

ĐẠO CỦA NIỀM VUI

(ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)

Chúa Giêsu đến mang luồng gió mới cho tương quan Thiên Chúa – con người. Trong đạo cũ, dù biết bao lần Thiên Chúa bày tỏ tình yêu thương, sự gần gũi, nhưng con người vẫn cảm thấy Thiên Chúa không những xa cách mà còn hà khắc và hay trừng phạt. Vì thế đạo cũ mang nặng mầu sắc sợ sệt, buồn bã. Chúa Giêsu giáng trần làm cho con người được gần gũi Thiên Chúa. Hơn nữa Người còn mặc khải cho ta biết đạo mới là đạo tình thương. Thiên Chúa yêu thương gần gũi con người. Thiên Chúa cưới lấy con người. Chúa Giê-su chính là chàng rể đem đến hạnh phúc làm cho đời sống vui tươi. “Chẳng lẽ các ông lại có thể bắt khách dự tiệc cưới ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ”? Thiên Chúa ở với con người. Thiên Chúa nên một với con người. Quả là một hạnh phúc mà con người từng mơ ước từ ngàn đời. Thiên Chúa biến đổi thân phận con người. Đó là một đạo mới. Đó là thứ rượu mới. Rượu đem lại vui tươi phấn khởi cho người mới. Rượu mới phải chứa trong bầu da mới. Đạo mới phải có con người mới. Có cung cách mới.

Nếu đạo cũ cần nhiều luật lệ thì đạo mới chỉ cần Chúa Ki-tô. Chỉ cần ở trong Chúa Ki-tô là đủ. Chúa Ki-tô là tất cả. Người là nguồn mạch mọi hiện hữu, “là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thụ tạo, vì trong Người, muôn vật được tạo thành”. Người là nguyên lý tồn tại của mọi loài: “Người có trước muôn loài môn vật, tất cả đều tồn tại trong Người”. Và tuyệt vời hơn nữa nay Người qui tụ chúng ta thành một thân thể mà Người là Đầu: “Người cũng là đầu của thân thể, nghĩa là đầu của Hội Thánh”. Là đầu để đưa các chi thể đến vinh quang. Đầu tiến đến đâu thì chi thể cũng tiến đến đấy. Người đã sống lại nên chúng ta cũng sẽ được sống lại: “là trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại”. Người đã đạt tới tầm vóc viên mãn để chúng ta cũng được viên mãn với Người: “vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người” (năm lẻ).

 Người nên một với ta. Người trở thành vận mệnh của ta. Vận mệnh đó tuỳ thuộc ta có kết hợp chặt chẽ với Người hay không. Có trung thành với Người hay không.. Thánh Phao-lô ao ước được trở nên “người đầy tớ của Đức Ki-tô”. Nghĩa là hoàn toàn tuỳ thuộc vào Chúa. Sống cho Chúa. Chết cho Chúa. Sự trung thành từ đáy thâm tâm sẽ được tỏ lộ vào ngày sau cùng: “chính Người sẽ đưa ra ánh sáng những gì ẩn khuất trong bóng tối, và phơi bày những ý định trong thâm tâm con người. Bấy giờ, mỗi người sẽ được Thiên Chúa khen thưởng đích đáng”. Lúc đó niềm vui của những kẻ trung tín trong một kết hợp trọn vẹn với Chúa Ki-tô sẽ nên hoàn hảo (năm chẵn).

TINH THẦN MỚI TRONG LỀ LUẬT MỚI

(Lm. Vinhsơn Ngọc Biển SSP)

Trong truyền thống của người Dothái, việc ăn chay luôn mang ý nghĩa là chờ mong Đấng Cứu Thế. Vì vậy, ta thấy các người Pharisêu và Luật Sĩ lên tiếng thắc mắc khi thấy môn đệ của Đức Giêsu không ăn chay.

Khi được hỏi, Đức Giêsu đã nói: "Các ông có thể bắt các bạn hữu đến dự tiệc cưới, ăn chay, đang khi tân lang còn ở với họ chăng?”.

Tại sao Đức Giêsu lại nói như vậy? Thưa! Vì Đức Giêsu chính là Tân Lang, Ngài là Đấng Cứu Thế đã đến và hiện diện với các môn đệ rồi, nên không cần phải ăn chay nữa.

Vì thế, tinh thần của người đi dự tiệc cưới là không được rầu rĩ, thiểu não, mà thay vào đó là thái độ hân hoan vui mừng, để cùng hòa vào với những tiếng đàn ca nhẩy múa trong những ngày diễn ra tiệc cưới.

Như vậy, tiệc cưới là một trong biến cố làm thay đổi đời sống thường ngày của người Dothái và người môn đệ. Tiệc cưới cũng làm cho việc ăn chay phải tạm ngưng. Đây là một lựa chọn hợp lý và khôn ngoan. Sự khôn ngoan này lại được cụ thể hóa qua hai ví dụ: vải mới, áo cũ; rượu mới, bầu da cũ.

Ở đời, không bao giờ người ta lại đi lấy vải mới để vá vào áo cũ cả. Cũng không nên rót rượu mới vào bầu da cũ.

Qua những thí dụ này, Đức Giêsu muốn nói đến đặc tính mới của Nước Trời và của Giáo Hội.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy mặc lấy tâm tình mới là sự hoán cải tận căn chứ không chỉ những thứ bề ngoài. Sẵn sàng biến đổi nhờ ơn Chúa Thánh Thần. Dẹp bỏ những cái cũ rích không thể hợp với cái mới trong tinh thần của Thiên Chúa. Đồng thời cần phải có một tinh thần mới, lối sống đạo thực tâm chứ không phải hình thức bề ngoài.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết can đảm để bỏ qua những thứ không phù hợp với Tin Mừng. Xin cũng cho chúng con biết thể hiện tinh thần mới là bác ái, yêu thương trong khi thi hành sứ vụ. Amen.

KIM CHỈ NAM CỦA CUỘC SỐNG

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Theo sách Giảng Viên: "Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời, một thời để chào đời, một thời để lìa thế, một thời để khóc lóc, một thời để vui cười, một thời để than van, một thời để múa nhảy". Trong Tin Mừng hôm nay khi giải thích về lý do tại sao Ngài và các môn đệ của Ngài không ăn chay, có lẽ Chúa Giêsu cũng muốn lặp lại lời dạy của sách Giảng Viên: "Mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời. Có một thời không ăn chay và một thời để ăn chay". Thời gian của Giáo Hội là thời gian vừa ăn chay vừa không ăn chay. Ðúng hơn, thời gian của Giáo Hội là thời gian của cử hành.

Khi chúng ta nói về cử hành, chúng ta thường dễ nghĩ đến lễ lạc, trong đó chúng ta có thể quên đi những khó khăn của cuộc sống và hòa mình vào đàn ca múa nhảy, ăn uống, cười vui. Thật ra, trong ý nghĩa Kitô giáo, cử hành hoàn toàn xa lạ với bầu khí ấy. Trong Kitô giáo, cử hành chỉ có thể có được khi chúng ta ý thức một cách sâu xa rằng sự sống và cái chết là hai thực tại không bao giờ tách lìa nhau. Cử hành chỉ thực sự đến khi nào tình yêu và nỗi lo sợ, niềm vui và nỗi buồn, nước mắt và nụ cười, có thể hiện hữu chung với nhau. Cử hành chỉ có thể đến khi nào chúng ta ý thức được rằng sự sống là điều quí giá vô cùng. Và sự sống quí giá không những vì nó có thể được thấy, được sờ, được cảm nghiệm, mà còn ngay cả khi nó mất. Khi chúng ta cử hành một đám cưới, chúng ta cử hành sự kết hợp và chia tay cùng một lúc; khi chúng ta cử hành cái chết, chúng ta cử hành một tình bạn đã mất nhưng đồng thời cũng cử hành một sự tự do và có được. Có thể có nước mắt sau đám cưới và những nụ cười đám tang. Thật thế, chúng ta có thể làm cho những nỗi buồn cũng như niềm vui của chúng ta trở thành một phần của cuộc cử hành cuộc sống với ý thức sâu xa rằng sống và chết không phải là hai điều đối nghịch nhau mà là bạn hữu thân tình với nhau trong mỗi một phút giây của cuộc sống chúng ta. Khi chúng ta chào đời, chúng ta được tự do để hít thở khí trời, nhưng chúng ta lại đánh mất sự an toàn trong lòng mẹ. Khi chúng ta đi học, chúng ta được tự do để đi vào một xã hội rộng lớn hơn nhưng lại đánh mất một chỗ đặc biệt trong gia đình chúng ta. Khi chúng ta lập gia đình, chúng ta tìm được một người bạn đường nhưng lại đánh mất mối liên kết đặc biệt với cha mẹ chúng ta. Khi chúng ta tìm được công ăn việc làm, chúng ta có được sự độc lập để làm ra tiền, nhưng lại đánh mất khung cảnh vô tư của trường học. Khi chúng ta có con cái, chúng ta khám phá ra một thế giới mới, nhưng lại đánh mất đi một phần tự do đi lại. Khi chúng ta được thăng cấp trong công việc, chúng ta trở nên quan trọng hơn trước mắt người khác nhưng lại đánh mất những cơ may khác. Khi chúng ta về hưu, cuối cùng chúng ta có cơ may làm điều chúng ta muốn nhưng lại đánh mất niềm vui trong công việc. Khi chúng ta có thể cử hành sự sống trong mọi giây phút quyết liệt, trong đó cái được và cái mất quyện lấy vào nhau, lúc ấy chúng ta có thể cử hành ngay cả cái chết của chúng ta, bởi vì chúng ta đã học được từ cuộc sống rằng ai mất sẽ tìm thấy.

Trong mọi sự, lời của thánh Phaolô trong thư gởi cho giáo đoàn Philipphê 4,4 đáng được chúng ta lấy làm kim chỉ nam cho cuộc sống: "Anh em hãy vui lên trong Chúa, tôi nhắc lại một lần nữa, anh em hãy vui lên vì Chúa ở gần chúng ta". 

 

bài liên quan mới nhất

Ngày 24/11: Thánh Anrê Dũng Lạc và các bạn tử đạo

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng