Thứ Sáu tuần 17 thường niên, Thánh Matta, Maria và Ladarô

THỨ SÁU TUẦN 17 THƯỜNG NIÊN

THÁNH NỮ MÁTTA, MARIA VÀ LADARÔ. LỄ NHỚ.

“Mát-ta đã đón Chúa vào nhà mình, Maria đã chọn phần tốt nhất”.

* Mát-ta là chị của cô Maria và ông Lagiarô ở Bêtania. Trong sách Tin Mừng, thánh nữ xuất hiện ba lần: lần thứ nhất trong bữa ăn ở Bêtania, khi cùng với cô em là Maria tiếp đãi Đức Giêsu; lần thứ hai khi ông Lagiarô được Chúa cho phục sinh, lúc đó thánh nữ đã tuyên xưng lòng tin vào Chúa Giêsu; và lần cuối trong bữa tiệc đãi Chúa Giêsu sáu ngày trước lễ Vượt Qua.

Trong cả ba câu chuyện, ta luôn thấy thánh nữ đóng vai trò chủ nhà.

Lời Chúa: Lc 10, 38-42

Khi ấy, Chúa Giêsu vào một làng kia, và có một phụ nữ tên là Mát-ta rước Người vào nhà mình. Bà có người em gái tên là Maria ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người.

Mát-ta bận rộn với việc thết đãi khách. Bà đứng lại thưa Người rằng: “Lạy Thầy, em con để con hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao? Xin Thầy bảo em con giúp con với”. Nhưng Chúa đáp: “Mát-ta, Mát-ta, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện. Chỉ có một sự cần mà thôi: Maria đã chọn phần tốt nhất, và sẽ không bị ai lấy mất”.

Hoặc:

Lời Chúa: Ga 11, 19-27

“Con đã tin Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, nhiều người Do-thái đến nhà Mát-ta và Maria để an ủi hai bà vì người em đã chết. Khi hay tin Chúa Giêsu đến, Mát-ta đi đón Người, còn Maria vẫn ngồi nhà.

Mát-ta thưa Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết. Tuy nhiên, ngay cả bây giờ, con biết Thầy xin gì cùng Thiên Chúa, Thiên Chúa cũng sẽ ban cho Thầy”. Chúa Giêsu nói: “Em con sẽ sống lại”. Mát-ta thưa: “Con biết ngày tận thế, khi kẻ chết sống lại, thì em con sẽ sống lại”.

Chúa Giêsu nói: “Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ. Con có tin điều đó không?” Bà thưa: “Thưa Thầy: vâng, con đã tin Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian”.

THÁNH MÁT-TA, MỘT CON NGƯỜI PHỤC VỤ

(Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT)

Tin Mừng thánh Luca thuật lại rằng: “Trong khi Thầy trò đi đường, Đức Giêsu vào làng kia. Có một phụ nữ tên là Mát-ta đón Người vào nhà. Cô có người em gái tên là Maria, cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy. Còn cô Mát-ta thì tất bật lo việc phục vụ” (Lc 10, 38-40 ). Tin Mừng cũng cho thấy, Mát-ta cũng đón Chúa dùng bữa với gia đình sáu ngày trước lễ phục sinh. Trong hai bữa ăn đó, Mát-ta tỏ ra tất bật, lo lắng cho Chúa Giêsu và các môn đệ. Cô Mát-ta có lòng hiếu khách một cách triệt để: thánh nữ bận rộn với việc bếp núc, cố gắng làm những món ăn ngon, hợp khẩu vị để thết đãi Chúa Giêsu và các môn đệ. Lần khác, Chúa Giêsu tới Bêtania và làm cho Lazarô chết bốn ngày, đã nặng mùi, được sống lại. Trước khi làm phép lạ, Mát-ta đã tuyên xưng lòng tin của mình: “Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian” ( Ga 11,27) Lòng tin của Mát-ta đưa nhân loại liên tưởng tới lời tuyên xưng của thánh Phêrô. Chính lời tuyên xưng đức tin của vị tông đồ trưởng làm cho Ngài trở nên tảng đá vững chắc, Chúa xây dựng Giáo Hội của Người trên ấy. Mát-ta tuyên xưng Chúa là Đức Kitô, Con Thiên Chúa. Điều này nói lên, chính Thiên Chúa đã mạc khải cho thánh nữ và Thánh Thần đã tác động trong thánh nữ để Mát-ta nhận ra Chúa là Đấng thiên sai phải đến trong thế gian. Mát-ta bận rộn, lo lắng và trong sự mệt mỏi, thánh nữ đã than phiền về việc Maria không chịu giúp cô làm bếp để hầu hạ và phục vụ Chúa Giêsu cùng các môn đệ: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay” (Lc 10, 40 ). Sự thực Chúa Giêsu rất trân trọng thái độ hiếu khách của Mát-ta, tuy nhiên, Ngài cũng trách Mát-ta quá lo âu, lo lắng mà quên đi việc chính yếu là lắng nghe lời Chúa: “Mác ta! Mát-ta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi”( Lc 10, 41-42 ).

Thái độ nào cần phải có?

Maria em cô Mát-ta đã lấy thuốc thơm xức cho Chúa, đã ngồi bên chân Chúa mà nghe Chúa giảng dạy (Lc 10,39). Cả hai thái độ của Mát-ta và Maria đều đáng trân trọng, nhưng phải làm sao để đời sống hoạt động và đời sống chiêm niệm, cầu nguyện trở nên hài hòa. Lo lắng, băn khoăn, náo động mà quên đi phải có những lúc tĩnh, những lúc yên nghỉ để lắng đọng tâm hồn, kết hợp với Chúa, là điều thiếu xót, chưa hoàn hảo. Chúa Giêsu muốn con người vừa phục vụ nhưng phải biết hồi tỉnh để cầu nguyện. Maria và Mát-ta sẽ bổ túc cho nhau để đời sống trở nên hoàn hảo.

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xưa Con Một Chúa đã nhận lời mời và đến trú ngụ tại nhà thánh nữ Mát-ta. Nhờ lời thánh nữ cầu thay nguyện giúp, xin Chúa cho chúng con hết tình phục vụ Đức Kitô hiện diện trong mọi người để mai sau được Chúa đón nhận vào nhà Chúa (Lời nguyện nhập lễ, lễ thánh nữ Mát-ta).

CHIÊM NIỆM VÀ HOẠT ÐỘNG

(Trích Mỗi Ngày Một Tin Vui)

“Mát-ta, con lo lắng chi nhiều việc chỉ có một điều cần mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất rồi”. Câu trả lời của Chúa Giêsu cho Mát-ta đáng cho chúng ta suy nghĩ thêm. Các nhà chú giải đề ra hai điểm:

Trước hết Chúa Giêsu không có ý định giảm giá trị của việc đón rước Chúa mà Mát-ta đang làm, nhưng Ngài trực tỉnh Mát-ta về nguy hiểm mà chị đang lao vào đó là thái độ ganh tị. Kế đến Chúa Giêsu làm nổi bật một điểm tốt mà Maria đã rút ra từ hoàn cảnh, đó là đến ngồi bên chân Chúa, lắng nghe Người nói.

Việc lắng nghe có ưu tiên hơn “vì con người không chỉ sống nguyên bởi bánh mà thôi nhưng còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra. Vì thế hãy tìm Nước Thiên Chúa trước, rồi mọi sự khác sẽ được ban cho dư đầy” (Mt 4,4). Tuy nhiên, Chúa Giêsu không đề ra một sự chọn lựa giữa một trong hai điều hoặc thái độ làm việc của Mát-ta hoặc thái độ chiêm niệm của Maria để rồi chỉ chấp nhận có một thái độ duy nhất của Maria thôi.

Không có sự đối nghịch giữa hoạt động và chiêm niệm trong đời sống của người Kitô, bởi vì cả hai đều phát xuất từ một nguồn mạch là Lời Chúa và cùng hướng đến một việc, một mục tiêu là phục vụ Nước Chúa. Việc lắng nghe Lời Chúa được hướng đến hành động và hành động cần được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa. Ðây là hai khía cạnh của mối phúc thật “lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa”. Ðó là khi trả lời cho người phụ nữ trong dân chúng cất tiếng chúc tụng Mẹ Chúa cũng như khi trả lời cho những kẻ báo tin cho Chúa biết là có Mẹ và anh em Chúa đang chờ, nhưng Chúa trả lời “những kẻ nghe Lời Chúa mà đem ra thực hành, kẻ đó mới là Mẹ Ta và anh em Ta” (Mt 12, 50).

Hai chị em Mát-ta và Maria nhắc nhở cho cộng đoàn Kitô cũng như cho mọi người Kitô qua mọi thời đại về hai thái độ luôn bổ túc cho nhau. Ðể tiếp nhận Lời Chúa hiện diện nơi chính Chúa Giêsu Kitô không phải chỉ cầu nguyện chiêm niệm mà thôi, cũng không phải chỉ có hoạt động vì hoạt động. Nhưng chiêm niệm và hoạt động phải là hai chiều kích luôn được kết hợp với nhau của cùng một chức vụ, đây là hai yếu tố không thể nào thiếu vắng đi được trong việc theo Chúa.

Trong những hoàn cảnh cụ thể và tùy theo hoàn cảnh ấy, người đồ đệ Chúa có thể hòa hợp việc làm một cách cụ thể giữa cầu nguyện và hoạt động theo một chương trình riêng. Nhưng thật là sai lầm nếu chúng ta muốn canh tân Giáo Hội mà không cầu nguyện, nghĩa là không lắng nghe Lời Chúa, không đối thoại với Ngài, ngõ hầu để hoạt động của chúng ta có thể trổ sinh kết quả. Người đồ đệ của Chúa cần dành thời giờ im lặng để lắng nghe Lời Chúa và đối thoại với Ngài. Trong ý nghĩa này chiêm niệm là phần tốt nhất mà Maria đã chọn, nhưng không phải tách rời ra khỏi việc làm. Ðức tin phải có sức tác động qua đức bái ái. Ðàng khác, cầu nguyện không làm cho người đồ đệ xa lạ với cuộc sống và những vấn đề của con người, nhưng ngược lại cầu nguyện làm cho người đồ đệ có thêm sức mạnh hoạt động biến đổi xã hội, ngõ hầu Thiên Chúa được tôn vinh và con người được hạnh phúc.

Lạy Chúa,

Xin giúp chúng con hiểu và thành công hòa hợp được hai yếu tố không thể tách rời của đời sống Kitô đích thực là làm việc và cầu nguyện. Ước chi việc chúng con làm đều phát xuất từ lời cầu nguyện là việc lắng nghe Lời Chúa và được nâng đỡ bởi sức mạnh của Chúa, sức mạnh trao ban trong những giây phúc chúng con trở về lắng nghe Chúa nói.

THÁNH NỮ MÁT-TA Ở BÊTANIA

(Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Hai chị em Mát-ta và Maria đón tiếp Chúa Giêsu tại làng Bêtania, nơi mà Chúa Giêsu đã quen biết hai chị em. Lúc Chúa tới nhà, Mát-ta lo lắng chuẩn bị bữa ăn trong lúc Maria ngồi yên bên Chúa để nghe lời Ngài. Câu trả lời của Đức Giêsu trước đề nghị của Mát-ta không có nghĩa là Ngài phủ nhận tất cả sự quan tâm lo lắng của Mát-ta. Nhưng Đức Giêsu muốn cho thấy một điều cao quý hơn là: lắng nghe Lời Chúa. Lo lắng cho Chúa là điều đáng quý, nhưng để hết tâm trí lắng nghe và thi hành Lời Chúa lại càng quý giá gấp bội.

Theo truyền thống của các giáo phụ, Mát-ta và Maria trong Tin mừng hôm nay là đại biểu của hai lối sống về người môn đệ Chúa Kitô. Mát-ta đại diện cho những người thích lối sống hoạt động. Còn Maria đại diện cho lối sống chiêm niệm và cầu nguyện. Lời trách móc của Mát-ta như gián tiếp cho rằng việc của mình làm là đúng, là tốt hơn người khác. Nhân cơ hội này Chúa Giêsu chỉ cho Mát-ta và chúng ta một bài học về sự lượng giá một công việc. Chúa bảo: “Chỉ có một chuyện cần mà thôi”, đó chính là ngồi nghe Lời Chúa dạy. Chúa không phủ nhận những việc bác ái, phục vụ cộng đoàn. Nhưng tất cả những hoạt động phục vụ sẽ trở thành vô ích, nếu không khởi đi từ tinh thần Tin mừng. Việc bác ái, tông đồ chỉ thực sự mang lại ơn ích cho người khác khi nó xuất phát từ một tâm hồn cầu nguyện, thích nghe Lời Chúa (5 phút Lời Chúa).

Hoạt động và cầu nguyện là hai trạng thái luôn đi đôi với nhau trong đời sống của người Kitô hữu. Đôi khi chúng ta cảm thấy thành công vì những hoạt động bên ngoài, nhưng chúng ta quên đi điều vô cùng quan trọng là đời sống cầu nguyện. Chính những lúc đó chúng ta đang tìm chính mình. Để hoạt động có hiệu quả, chúng ta cần lắng nghe tiếng Chúa trong cầu nguyện. Chính những giây phút ấy, chúng ta được tiếp thêm sức mạnh để dấn thân và hoạt động hăng say hơn. Chúa không chê trách Mát-ta nhưng Chúa mời gọi bà  hãy biết nghỉ ngơi bên Chúa, Người sẽ bổ sức cho.

Trong Tông huấn Lời Chúa (Verbum Domini) số 3, Đức Giáo hoàng Bênêdictô XVI nhấn mạnh vai trò của Lời Chúa: “Xuyên suốt dòng lịch sử, Dân Chúa gặp thấy sức mạnh nơi Lời Chúa và ngày nay cũng vậy, Giáo hội tăng cường nhờ nghe, cử hành và học hỏi Lời Chúa”.

Trong Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu cũng khẳng định vai trò quan trọng bậc nhất của Lời Người. Mát-ta tất bật công việc phục vụ là tốt, nhưng Maria đã chọn phần tốt nhất, là ngồi dưới chân và lắng nghe Lời Chúa. Ngày nay, nhiều người chẳng đoái hoài, thậm chí còn thấy chán ngán với việc lắng nghe Lời Chúa, bởi vì Lời Chúa luôn thách thức và đòi hỏi con người thay đổi não trạng, hành vi của mình để sống đúng phẩm giá hơn. Ước gì chúng ta luôn có được niềm vui khi lắng nghe Lời Chúa, và có động lực để thực thi Lời ấy trong cuộc sống hằng ngày (Học viện Đa Minh).

Chắc hẳn Chúa Giêsu đã đánh giá cao sự hy sinh bận rộn của Mát-ta. Đó là biểu hiện lòng mến cao độ. Tuy nhiên, qua cử chỉ của cô Maria, Chúa Giêsu đã nhận được một tâm tình cao đẹp hơn. Đó là lắng nghe Lời Chúa, đặt Ngài vào chỗ nhất trong cuộc sống, chọn Ngài làm tất cả. Chúa Giêsu muốn lấy cử chỉ đó làm biểu tượng nói lên sự chọn lựa đúng đắn của con người. Đó là chọn Ngài làm cơ nghiệp, là đặt Ngài vào trọng tâm của cuộc sống.

Lời Chúa hôm nay một lần nữa mời gọi chúng ta thống nhất đời sống. Có những giây phút ưu việt dành cho cầu nguyện, thờ phượng, còn phần lớn thời giờ được dành cho những sinh hoạt khác. Đối với người Kitô hữu phải biến mọi sinh hoạt thành lời cầu nguyện kéo dài, thành những hy tế trên bàn thờ. Chính qua những sinh hoạt ấy, chúng ta gặp gỡ, lắng nghe, thực thi thánh ý Thiên Chúa.

Truyện: Con người chỉ vĩ đại khi cầu nguyện

Frederic Ozanam, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng của Giáo hội Pháp vào cuối thế kỷ 19 đã trải qua một cuộc khủng hoảng đức tin trầm trọng lúc còn là sinh viện đại học.

Một hôm, để tìm một chút thanh thản cho tâm hồn, anh bước vào một ngôi thánh đường cổ ở Paris. Đứng cuối nhà thờ, anh nhìn thấy một bóng đen đang quỳ cầu nguyện cách sốt sắng ở dãy ghế đầu. Đến gần, chàng sinh viên mới nhận ra người đang cầu nguyện ấy không ai khác hơn là nhà bác học Ampère. Anh đứng lặng lẽ một lúc để theo dõi cử chỉ của nhà bác học. Và vừa khi đứng lên ra khỏi giáo đường, người sinh viên đã theo gót ông về cho đến phòng làm việc của ông.

Thấy chàng thanh niên đang đứng trước cửa phòng với dáng vẻ rụt rè, nhà bác học liền lên tiếng hỏi:

- Anh bạn trẻ, anh cần gì đó? Tôi có thể giúp anh giải một bài toán vật lý nào không?

Chàng thanh niên đáp một cách nhỏ nhẹ:

- Thưa thầy, con là một sinh viên khoa văn chương. Con dốt khoa học lắm, xin phép thầy cho cho con hỏi một vấn đề liên quan đến đức tin!

Nhà bác học mỉm cười cách khiêm tốn:

- Anh lầm rồi, đức tin là môn yếu nhất của tôi. Nhưng nếu được giúp anh điều gì, tôi cũng cảm thấy hân hạnh lắm.

Chàng sinh viên liền hỏi:

- Thưa thầy, có thể vừa là một bác học vĩ đại, vừa là một tín hữu cầu nguyện bình thường không?

Nhà bác học ngỡ ngàng trước câu hỏi của người sinh viên, và với đôi môi run rẩy đầy xúc cảm, ông trả lời:

- Con ơi, chúng ta chỉ vĩ đại khi chúng ta cầu nguyện mà thôi!

bài liên quan mới nhất

Ngày 03/6: Thánh Carôlô Lwanga và các bạn, tử đạo (1885-1887)

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng