Thứ Sáu tuần 13 Thường niên

THỨ SÁU TUẦN 13 THƯỜNG NIÊN

"Người lành mạnh không cần đến thầy thuốc: Ta muốn lòng nhân từ, chớ không phải là hy lễ".

Lời Chúa: Mt 9, 9-13

Khi ấy, Chúa Giêsu đi ngang qua, thấy một người ngồi ở bàn thu thuế, tên là Matthêu. Người phán bảo ông: "Hãy theo Ta". Ông ấy đứng dậy đi theo Người. Và xảy ra là khi Người ngồi dùng bữa trong nhà, thì có nhiều người thu thuế và tội lỗi đến ngồi đồng bàn cùng Chúa Giêsu và các môn đệ của Người. Những người biệt phái thấy vậy, liền nói với các môn đệ Người rằng: "Tại sao Thầy các ông lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi như thế?"

Nghe vậy, Chúa Giêsu bảo rằng: "Người lành mạnh không cần đến thầy thuốc, nhưng là người đau yếu! Các ông hãy đi học xem lời này có ý nghĩa gì: "Ta muốn lòng nhân từ, chứ không phải là hy lễ". Vì Ta không đến để kêu gọi người công chính, nhưng kêu gọi người tội lỗi".

DÒNG DÕI A-BRA-HAM

(ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Áp-ra-ham là người trung tín với lời Chúa hứa. Chúa đã hứa cho ông một dòng dõi đông như sao trên trời như cát dưới biển. Ông không dám chung đụng với dân ngoại. Vì thế phải tìm vợ cho I-xa-ác trong dòng họ của ông. Thật là một sự trung tín đáng trân trọng. Ông vẫn nghĩ dòng dõi Chúa hứa là theo phương diện huyết thống thể lý. Nhưng ông cũng đã hiểu phải có một dòng dõi mới sống theo Lời Chúa Hứa. Nên bằng mọi cách phải đưa cô dâu đến. “Coi chừng, đừng có đưa con trai tôi về đó” (năm lẻ).

Quan niệm đó dần dần được Thiên Chúa thanh luyện. Khi dân Do thái không trung thành với Lời Chúa, lời hứa theo phương diện huyết thống thể lý mất hiệu nghiệm. A-mốt cho thấy dân phạm tội nên đánh mất lời hứa. “Chúng sẽ thất thểu từ biển này qua biển nọ, từ phương bắc đến phương đông, chúng sẽ lang thang để kiếm tìm lời Đức Chúa mà không gặp được”. Lòng họ trở nên thửa đất bờ ruộng, nơi chim trời đến tha mất Lời Chúa. Lòng họ trở nên gai góc sỏi đá bóp nghẹt Lời Chúa (năm chẵn).

Chúa Giêsu đến mở ra một chân trời mới, thiết lập dòng dõi mới của Áp-ra-ham. Biệt phái và Luật sĩ, Kinh sư tự hào mình là dòng dõi Áp-ra-ham nhưng lại đóng chặt cửa lòng không nghe Lời Chúa. Những kẻ tội lỗi lại mở lòng đón nhận. Một lời kêu gọi, lập tức Lê-vi chỗi dậy theo Chúa. Bỏ bàn thu thuế đầy tiền bạc. Bỏ nghề thu thuế nhiều lợi nhuận. Bước theo Chúa vào con đường phiêu lưu vô định.

Đây quả là dòng dõi mới của Áp-ra-ham. Biệt phái, Luật sĩ, Kinh sư tự hào là con cháu Áp-ra-ham nhưng không nối tiếp truyền thống thiêng liêng của tổ phụ. Chính Mát-thêu và những người tội lỗi nối tiếp truyền thống này. Như Abraham vừa nghe Lời Chúa đã từ bỏ quê hương, gia đình, tài sản, Lê-vi vừa nghe Lời Chúa đã từ bỏ tiền của, nghề nghiệp. Như Áp-ra-ham lên đường đến miền đất Chúa hứa, Lê-vi và các bạn lên đường theo Chúa Giê-su. Như Áp-ra-ham chỉ biết vâng lời Chúa không tính toán so đo, kể cả sát tế I-xa-ác dâng hiến Chúa, Lê-vi không tính toán, theo Chúa mà chẳng có gì thủ thân. Đây đích thực là dòng dõi mới của Áp-ra-ham. Dòng dõi theo đức tin chứ không còn theo huyết thống.

Tôi thuộc dòng dõi cũ hay dòng dõi mới của Áp-ra-ham? Tôi khép kín hay mở rộng tâm hồn lắng nghe, đón nhận và thực hành Lời Chúa?

CẢM NGHIỆM ĐỂ LÀM CHỨNG

Xem CN 10 TN A, thứ Bảy tuần 1 TN và thứ Bảy sau lễ Tro.

(Lm. Vinhson Ngọc Biển SSP)

Trong dịp lễ tạ ơn của một tân linh mục, mọi người hiện diện được nghe thấy cha mới chia sẻ lúc đầu lễ rằng: “Cộng đoàn cùng với con tạ ơn hồng ân Thiên Chúa đã ban cho con Thiên Chức linh mục, mặc dù con bất xứng, yếu hèn và vô dụng. Nhưng vì yêu thương, nên Chúa đã gọi và chọn con tiến lên bàn thánh để con trở thành linh mục của Chúa”. Câu nói đó của tân linh mục diễn tả một sự cảm nghiệm sâu xa tình thương mà Chúa dành cho cha.

Hôm nay, bài Tin Mừng thuật lại việc Đức Giêsu gọi ông Mátthêu, người thu thuế, hẳn ông cũng cảm thấy mình bất xứng vì công việc bất chính của ông đang làm. Tuy nhiên, Đức Giêsu đã gọi ông để ông trở thành môn đệ.

Khi nghe thấy tiếng Chúa mời gọi, ông đã cảm nghiệm được tình yêu của Đức Giêsu, nên ông đã dứt khoát đứng dậy, rời khỏi bàn thu thuế, nơi ông đang làm việc, nơi ông đã gắn bó, nơi là sự nghiệp đã nuôi sống ông và gia đình ông, để đáp lời mời gọi đầy trìu mến và đi theo Đức Giêsu.

Thật vậy, một tình yêu, một lòng mến, Đức Giêsu đã gọi ông. Cũng một tình yêu, một lòng mến, ông đã đáp lại tiếng Đức Giêsu mời gọi, để tiếp bước trên hành trình loan báo Tin Mừng tình thương của Chúa trong cuộc đời môn đệ nơi ông.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy nhận ra mình bất xứng để cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa dành cho mình. Mặt khác, từ những gì đã cảm nghiệm, Chúa cũng muốn mời gọi chúng ta sẵn sàng cảm thông cho những yếu đuối của anh chị em mình, sống khiêm tốn và đón nhận Thánh giá trong hành trình môn đệ của mình như một hồng ân.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con đã được Chúa yêu thương quá nhiều, dù chúng con bất xứng. Xin Chúa cho chúng con cảm nghiệm được tình yêu của Chúa dành cho chúng con, để rồi chúng con ra đi loan báo về tình yêu đó cho anh chị em mình. Amen.

BỮA TIỆC THÂN HỮU

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Trong hầu hết các nền văn hóa hiện hữu trên thế giới, bữa ăn là một thời điểm, một nghi lễ đặc biệt trong đời sống con người. Con người thường chia giờ giấc trong ngày theo các bữa ăn. Bữa ăn là giờ duy nhất trong ngày, trong đó mọi thành phần trong gia đình có mặt bên nhau, do đó bàn ăn thường là biểu trương của hiệp nhất. Vì là giờ hiệp nhất, nên bữa ăn cũng là giờ linh thiêng trong cuộc sống. Người ta vẫn nói: "Trời đánh tránh bữa ăn". Bữa ăn là dấu chỉ của hiệp nhất, cho nên thời xa xưa, thỏa ước giữa các bộ lạc cũng được ký trong bữa tiệc. Ngồi đồng bàn với nhau có nghĩa là chấp nhận chia sẻ với nhau, chấp nhận tình thân hữu của nhau.

Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy được ý nghĩa nổi bật của bữa ăn trong cuộc đời Chúa Giêsu. Phúc Âm thường ghi lại những lần Chúa Giêsu ngồi đồng bàn với những người thu thuế tội lỗi, những người bị đẩy ra bên lề xã hội. Ngồi đồng bàn với người nào là muốn chia sẻ, muốn nói lên tình thân thiện của người đó. Qua những lần ngồi đồng bàn với tất cả mọi hạng người, Chúa Giêsu bày tỏ cho chúng ta bộ mặt của một Thiên Chúa nhân hậu luôn hiện diện trong mọi sinh hoạt của con người, một Thiên Chúa chia sẻ cuộc sống của con người và muốn đi vào kết hiệp thâm sâu với con người.

Chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy Chúa Giêsu thường mượn hình ảnh bữa tiệc để nói về Nước Trời: "Nước Trời giống như vua kia làm tiệc cưới". Nước Trời giống như một tiệc vui. Tôn giáo mà Chúa Giêsu loan báo không phải là những nghi lễ hay những luật lệ cứng nhắc, mà là tôn giáo của tình yêu. Trích dẫn lời Tiên Tri Ôsê: "Ta muốn lòng nhân từ, chứ không phải lễ tế", Chúa Giêsu đả phá những tôn giáo chỉ xây dựng trên những nghi lễ trống rỗng, mà quên đi cái lõi của tôn giáo là tình thương.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại cách sống đạo của chúng ta. Bí tích Thánh Thể mà Chúa Giêsu để lại cho chúng ta là bữa tiệc dấu chứng tình yêu của Ngài. Tham dự vào bữa tiệc ấy là tham dự vào tinh thần yêu thương chia sẻ với Ngài. Nếu không có tinh thần yêu thương, thì tất cả những kinh kệ, những hành động phụng vụ chỉ là trống rỗng vô ích. Của lễ đẹp lòng Chúa nhất phải chăng không là những hành động yêu thương, chia sẻ, tha thứ đó sao? Lúc đó bàn thờ của chúng ta không chỉ nằm trong bốn bức tường nhà thờ, mà còn phải là gia đình, công sở, phố chợ. Nơi nào có hành động yêu thương, tha thứ, chia sẻ, thì nơi đó có Chúa hiện diện, có bình an, có Nước Trời.

 

 

bài liên quan mới nhất

Thứ Năm tuần VIII Thường niên: "Hỡi con vua Ðavít, xin thương xót tôi"

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng