Thứ Năm Tuần 7 Phục Sinh

THỨ NĂM TUẦN 7 PHỤC SINH

“Xin cho chúng nên một”.

 

Lời Chúa: Ga 17, 20-26

Khi ấy, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời cầu nguyện rằng: “Con không cầu xin cho chúng mà thôi, nhưng còn cho tất cả những kẻ, nhờ lời chúng mà tin vào Con, để mọi người nên một, cũng như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để cả chúng cũng nên một trong Ta, để thế gian tin rằng Cha đã sai Con.

Con đã ban cho chúng vinh hiển mà Cha đã ban cho Con, để chúng nên một như Chúng Ta là một. Con ở trong chúng, và Cha ở trong Con, để chúng được hoàn toàn nên một và để thế gian biết rằng Cha đã sai Con, và Con đã yêu mến chúng như Cha đã yêu mến Con.

Lạy Cha, những kẻ Cha ban cho Con thì Con muốn rằng Con ở đâu, chúng cũng ở đấy với Con, để chúng chiêm ngưỡng vinh quang mà Cha đã ban cho Con, vì Cha đã yêu mến Con trước khi tạo thành thế gian. Lạy Cha công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng Con biết Cha, và những người này cũng biết rằng Cha đã sai Con. Con đã tỏ cho chúng biết danh Cha, và Con sẽ còn tỏ cho chúng nữa, để tình Cha yêu Con ở trong chúng, và Con cũng ở trong chúng nữa”.

TÌNH YÊU VÀ SỰ SỐNG

(ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Hợp nhất là sự sống trong tình yêu. Chúa Ba Ngôi chính là nguồn mạch tình yêu và sự sống trong sự hợp nhất trọn vẹn. “Cha ở trong Con và Con ở trong Cha”. “Cha và Con là Một”. “Ai thấy Thầy là thấy Cha”. Kết hợp sâu xa trong một tình yêu hoàn hảo được biểu lộ trong chuyển động dâng hiến trọn vẹn: “Mọi sự của Cha là của Con. Và mọi sự của Con là của Cha”. Sự dâng hiến làm nên sự sống. “Lương thực của Thầy là làm theo ý Đấng sai Thầy”. “Thầy sống nhờ Cha”. Cuộc trao đổi dâng hiến làm cho tình yêu không bao giờ vơi cạn. Và sự sống ngày càng sung mãn.

Tình yêu và sự sống đó lan tràn đến nhân loại. Nhưng để lãnh nhận con người phải hòa mình vào đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi. Hình ảnh rất đẹp mà Chúa Giê-su đã dùng là cây nho: “Thầy là cây nho. Anh em là nhành nho”. Như cành cây phải gắn liền với thân cây. Muốn nhận lãnh sự sống từ Thiên Chúa ta phải gắn liền vào Thiên Chúa. Muốn gắn liền vào Thiên Chúa ta phải có tình yêu. Tình yêu làm cho ta ở trong Chúa và Chúa ở trong ta. Khi ta ở trong Chúa Giêsu thì Chúa Cha ở trong ta: “Con ở trong chúng và Cha ở trong Con”. Tình yêu đó phất sinh sự sống trong ta. Một sự sống dồi dào sung mãn.

Khi hợp nhất với Thiên Chúa, người ta tự nhiên hợp nhát với nhau. Đó chính là hình ảnh của cộng đoàn tín hữu sơ khai. Yêu mến Thiên Chúa nên bỏ của cải làm của chung. Vì thế cộng đoàn có một sức sống mãnh liệt. Và đó là một cộng đoàn chứng nhân. Thế gian thấy họ mà tin vào Chúa: “Con ở trong họ và Cha ở trong Con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con”.

Thế gian tin và muốn gia nhập cộng đoàn tín hữu sơ khai. Vì từ thâm tâm ai cũng hướng về tình yêu và sự sống. Trong hợp nhất tình yêu và sự sống được biểu lộ. Trở thành sức hấp dẫn với mọi người.

Phao-lô có sức hấp dẫn vì ông luôn kết hợp với Chúa: “Tôi sống nhưng không còn là tôi, nhưng là chính Đức Kitô sống trong tôi”. Chúa hài lòng về điều đó nên mời gọi ông: “Con hãy tiếp tục làm chứng cho ta tại Rô-ma nữa

HIỆP NHẤT ĐỂ YÊU THƯƠNG

(Lm. Vinhson Ngọc Biển SSP)

Trong thời gian qua, lòng con dân Nước Việt luôn thể hiện lòng yêu mến quê hương đất nước và mong sao cho quê hương được thanh bình, không có chiến tranh. Lòng yêu mến đó được chứng minh qua sự can đảm, bất chấp mọi khó khăn... sẵn sàng đứng lên để đấu tranh cho sự thật, công lý và hòa bình trên Biển Đông. Qua những gì vừa xảy ra, hẳn ai cũng hiểu được rằng: chỉ có hiệp nhất, chung lòng thì mới có thể chiến thắng được ngoại xâm.

"Xin cho chúng nên một". Đây là lời nguyện khẩn thiết của Đức Giêsu dâng lên Chúa Cha cho các môn đệ của mình. Đức Giêsu cũng nêu lên mẫu gương hiệp nhất giữa Chúa Cha và Ngài. Và như thế, Đức Giêsu cũng mời gọi các môn đệ cũng hiệp nhất với nhau như Chúa Cha và Chúa Con là một. Qua đó, mọi người sẽ nhận ra chúng ta là môn đệ của Thầy, đó là chúng ta yêu thương nhau.

Ngày nay, người Kitô hữu chúng ta sống sự hiệp nhất ấy qua lời cầu nguyện, bằng hành vi đức tin và sự liên đới. Sự hiệp nhất chỉ có thể có khi chúng ta chấp nhận “hiệp nhất trong đa dạng”. Biết lắng nghe, thông cảm và tôn trọng mọi người.

Lời cầu nguyện và mong muốn của Đức Giêsu khi xưa cho các môn đệ được hiệp nhất, cũng chính là lời cầu nguyện và mời gọi của Ngài dành cho chúng ta hôm nay.

Lạy Cha, ơn cứu độ Cha ban cho chúng con không chỉ dành riêng cho người Kitô hữu, nhưng là cho toàn thể nhân loại. Xin cho chúng con biết loan báo lời của Con Cha cho mọi người không phân biệt, và biết làm chứng cho Cha trong sự hiệp nhất của chúng con. Amen.

SỐNG TRONG HIỆP NHẤT

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong bữa tiệc ly cũng là lời cầu nguyện cho sự hiệp nhất giữa các môn đệ và giữa tất cả những người tin nhận Chúa Giêsu từ Thiên Chúa. Chúa Giêsu cầu nguyện cách đặc biệt cho tất cả chúng ta được trở nên một như các thành phần chi thể trong một thân mình duy nhất của Ngài, đó là Hội Thánh. Cũng như Ngài và Chúa Cha đã kết hợp nên một. Sự hiệp nhất giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha là sự hiệp nhất trong tình yêu thương và sự vâng phục, và đó là sự hiệp nhất mật thiết nhất. Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta trước nhất và Ngài kết hợp với chúng ta trong bí tích thánh tẩy, qua đó chúng ta được kêu gọi để sống trong sự hiệp nhất tình yêu.

Lời cầu nguyện của Chúa trước lúc khổ nạn cho chúng ta thấy tình yêu cao cả và sự tín cẩn mà Thiên Chúa đã trao cho các môn đệ của Ngài, vì thế Ngài vẫn trao cho các ông một sứ mạng vô cùng lớn lao là rao giảng tên Ngài khắp nơi trên thế gian và cho đến tận cùng thời gian. Chúa Giêsu chết đi và sống lại để tất cả mọi người trở nên một như Ngài ở trong Cha và Cha ở trong Ngài. Chúa Giêsu nói: “Con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con để họ được là một như chúng ta là một”.

Lời Chúa trong bài Phúc Âm hôm nay nói tới sự vinh quang mà Ngài ban cho các môn đệ và Ngài cũng mời gọi tất cả chúng ta hãy mở rộng vòng tay để đón nhận sự vinh quang đến từ tình yêu của Chúa Cha, để tất cả được trở nên một. Tuy nhiên, đây là sự vinh quang khác biệt với sự vinh quang phát sinh từ lòng kiêu ngạo của con người, vì loại vinh quang này chỉ đem tới sự chia rẽ. Sự vinh quang của Chúa Giêsu là sự vinh quang của Ðấng đã tự hạ mình xuống ngang hàng với nhân loại để yêu thương và phục vụ như Ngài đã rửa chân cho các môn đệ. Ðó là sự vinh quang của Ðấng đã không màng tới sự vinh quang của cá nhân, vì thế mà Chúa Cha đã vinh danh Ngài. Thánh Phaolô tông đồ trong thư gởi các tín hữu Philipphê đã nói rằng Chúa Giêsu trong lúc còn sống tại trần thế đã lãnh nhận vinh quang của Thiên Chúa. Vì Ngài tuy là Thiên Chúa nhưng đã trút bỏ vinh quang và mặc lấy thân nô lệ và sống nên người phàm nhân. Ngài lại còn tự hạ mình xuống và vâng lời Cha để chết trên thập giá cho sự cứu rỗi của nhân loại. Chính vì thế mà Cha Ngài đã suy tôn Ngài và ban cho Ngài một danh hiệu vượt trổi hơn các danh hiệu khác. Chính Chúa Cha đã dành cho Con Ngài sự vinh quang vượt lên trên các vinh quang của trần thế. Chúa Giêsu đã có được sự vinh quang đó không phải vì Ngài ưa thích tìm kiếm mà vì Chúa Cha đã ban cho Ngài. Thiên Chúa đã chỉ cho chúng ta phương cách để trở nên một đó là đón nhận sự vinh quang mà Ngài đã ban cho chúng ta, sự vinh quang giúp chúng ta biết phục vụ cho những người khác và mở rộng trái tim đến tất cả mọi người. Sự vinh quang giúp chúng ta biết hạ mình sống gần gũi với tầng lớp của những người anh em khốn khó của mình.

Lạy Chúa, xin hãy thương xót nhân loại và chữa lành các vết thương chia rẽ của chúng con. Xin cho tất cả các tín hữu Kitô sống trong sự hiệp nhất như Ngài đã cầu xin Cha. Xin hãy đổi mới chúng con bằng sức mạnh của Thần Khí để chúng con trở thành dấu chỉ của sự hiệp nhất và làm tăng thêm trong chúng con tình yêu đối với anh chị em khác trong Chúa Kitô.

 

bài liên quan mới nhất

Ngày 09/6: Thánh Ephrem, Phó tế, Tiến sĩ Hội thánh (308-373)

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng