Thứ Hai Tuần II Mùa Chay

THỨ HAI TUẦN 2 MÙA CHAY

“Hãy tha thứ thì các con sẽ được thứ tha”.

Lời Chúa: Lc 6, 36-38

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Ðấng nhân từ. Ðừng xét đoán thì các con khỏi bị xét đoán; đừng kết án thì các con khỏi bị kết án. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được tha thứ. Hãy cho thì sẽ cho lại các con: Người ta sẽ lấy đấu hảo hạng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo các con.

Vì các con đong bằng đấu nào, thì cũng được đong trả lại bằng đấu ấy!”

CON NGƯỜI LÀ CON ĐƯỜNG

(ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Mùa chay là mùa trở về với Chúa. Đa-ni-ên cho thấy con người thật xấu xa tội lỗi. Cần trở về với Chúa. Cần được Chúa xót thương tha thứ.

Nhưng muốn về với Chúa phải đi qua con đường. Hôm nay Chúa Giê-su cho biết con đường đó chính là con người. Thái độ của ta đối với đồng loại sẽ quyết định tương lai của ta. Con đường về với Chúa có bằng phẳng hay không là tùy mối quan hệ của ta với đồng loại có êm xuôi hay không.

Thiên Chúa là Cha nhân từ. Được đến với Chúa ta sẽ được hưởng lòng nhân từ của Chúa. Nhưng để đến được với Chúa ta cũng phải nhân từ như Chúa. Nhân từ vừa là kết quả của việc gặp gỡ kết hiệp với Chúa nhưng đồng thời cũng là điều kiện để được đến gặp gỡ Chúa.

Là kết quả. Ai đã gặp gỡ kết hiệp với Chúa sẽ trở nên giống Chúa, sẽ biết yêu thương đồng loại. Sẽ biết khoan dung, tha thứ, đối xử nhân từ độ lượng với đồng loại.

Là điều kiện. Ai muốn được Chúa nhân từ cũng phải nhân từ với anh em. Chúa cho ta tự do được lựa chọn quy luật xét xử. Nếu ta khắc nghiệt với anh em, Chúa cũng dùng sự khắc nghiệt đó để xét xử ta. Nếu ta khoan dung tha thứ đối xử rộng lượng với anh em, Chúa cũng khoan dung tha thứ, đối xử rộng lượng với ta.

Còn hơn thế nữa. Chúa không chịu thua lòng quảng đại của ta. Ta cho đi một thì Chúa trả lại gấp trăm ngàn lần.

Mùa Chay, phải tìm đường về với Chúa, chính vì thế phải tìm đường về với anh em. Vì con người chính là con đường Chúa muốn ta đi qua để đến với Chúa. Đường rộng hay hẹp, quanh co hay ngay thẳng, gồ ghề hay phẳng phiu là tùy ta quyết định. Ta tội lỗi xấu xa cần đến lòng thương xót của Chúa. Nhưng lòng thương xót ấy ta phải tự tạo khi ta tỏ lòng thương xót tha thứ cho anh em. Điều ta tìm kiếm ta sẽ gặp được. Ta được tha thứ khi chính trong ta có lòng tha thứ. Ta được thương xót khi lòng ta dâng lên mối cảm thương. Chính khi thương xót tha thứ cho anh em, ta được Chúa ở cùng ta. Ta mang tấm lòng Thiên Chúa. Đó chính là khởi điểm và cũng là đích điểm của mùa Chay. Tìm về với Chúa và đạt được chính Chúa. Xa mà gần biết bao.

LOAN BÁO TIN MỪNG BẰNG ĐỜI SỐNG

(Lm. Vinhson Ngọc Biển SSP)

Mahama Gandhi, một nhà ái quốc của Ấn Độ, đã dành lại độc lập cho đất nước ông bằng biện pháp bất bạo động. Nguyên nhân dẫn đến việc ông sử dụng đường lối không đổ máu để dành tự do là vì nguồn cảm hứng đến từ chính Tin Mừng, nhất là “Tám Mối Phúc” và cuộc đời của Đức Giêsu khi ông thường xuyên đọc Lời Chúa và có dịp tiếp xúc với người Anh tại Anh Quốc lúc còn trai trẻ thời tu học tại đây.

Tuy nhiên, khi tâm sự với bạn của ông, ông thốt lên: “Tôi rất yêu mến Đức Giêsu, nhưng tôi không thích người Công Giáo, vì họ không giống như Đức Giêsu. Nếu họ giống như Ngài, thì dân tộc Ấn Độ chúng tôi đã trở thành những Kitô hữu từ lâu rồi”. Chính vì lý do đó, ông đã không thể trở thành Kitô hữu!

Ôi sự thật xót xa! Tuy nhiên, chuyện tưởng chừng như xảy ra bên Ấn Độ hay Anh Quốc thời Mahama Gandhi, nhưng thực ra, nó đang thường trực qua lời nói, hành động và lối suy nghĩ của chúng ta nơi môi trường và cuộc sống hiện thời hôm nay.

Thật thế, bởi vì trong đời sống đạo của chúng ta hiện nay, nhiều khi chỉ có bề ngoài mà không có chiều sâu; chỉ có lượng mà không có phẩm; chỉ có nói mà không có hành động; chỉ có hô hoán yêu thương, nhưng khi gặp những chuyện cần phải giúp đỡ thì tìm cách lẩn tránh! Hay nhiều khi chúng ta ích kỷ và chia ô cuộc đời để tách biệt những điều trong Tin Mừng với cuộc sống!

Tuy nhiên, là Kitô hữu, chúng ta không được phép chia ô cuộc đời của mình như vậy. Không ai cho phép chúng ta tách biệt nhà thờ, thánh lễ, kinh nguyện ra khỏi cuộc sống nơi xóm làng, chợ búa, nhà ga, gia đình... Nhưng phải đưa Lời Chúa vào mọi ngõ ngách, chiều kích của cuộc sống.

Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu mời gọi chúng ta hãy sống những tâm tình của Chúa, đó là: đừng xét đoán hay kết án. Hãy tha thứ, cho đi..., đây không chỉ là một khuyến khích, nhưng nếu chúng ta sống như vậy, hẳn sẽ được Thiên Chúa đối xử với chính mình như thế.

Mong sao, chúng ta có Chúa trong tâm hồn và sống giới luật yêu thương, khi không kết án, xét đoán, nhưng tha thứ và cho đi, để chính chúng ta được cứu độ và chia sẻ niềm vui cứu độ ấy cho mọi người, ngõ hầu họ nhận ra tình yêu của Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con có lòng nhân từ, tha thứ như Chúa, để chúng con thuộc về Chúa và đem Chúa đến giới thiệu cho người khác bằng chính cung cách sống của chính mình. Amen.

ĐỪNG XÉT ĐOÁN

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Xét đoán người khác cho đúng sự thật là một việc rất khó. Xét đoán hành vi bên ngoài đã khó rồi, xét đoán tâm trí bên trong lại càng khó khăn hơn nữa. Chính vì thế mà Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ đừng xét đoán người khác.

Chúng ta thường nghe nói: “dò sông dò biển dễ dò, nào ai lấy thước mà đo lòng người”. Thời xưa, câu nói ấy đã đúng, ngày nay nó lại càng đúng hơn nữa. Với những tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhân loại ngày nay đã có thể đo được một cách dễ dàng núi cao, biển rộng, sông dài. Còn hơn thế nữa, họ đã đo được những khoảng cách vời vợi trong vũ trụ mà đơn vị phải tính bằng triệu năm ánh sáng. Ngược lại, họ cũng đã đo được những khoảng cách cực nhỏ mà đơn vị càng ngày càng được thu hẹp. Ðó là về đo lường. Còn về phân tích và thống kê, nhờ phát minh ra máy vi tính cực mạnh, có thể tính được nhiều phép tính trong vòng một giây, người ta đã phân tích và thống kê được nhiều thứ. Gần đây, người ta đã hầu như hoàn thành được bản đồ gien của con người. Thật là những thành quả đáng kinh ngạc.

Tuy nhiên, trước những thành quả thâm sâu của lòng người, những phát minh và ứng dụng đó tỏ ra bất lực. Có máy móc nào cho biết đích xác hàm ý của một nụ hôn không? Ông Giuđa ngày xưa đã chẳng nộp Chúa với một nụ hôn chỉ điểm đó sao? Tâm hồn chúng ta là một cõi thẳm sâu mầu nhiệm. Có thể nói đó là một chốn mênh mông vô tận mà ngay cả bản thân chúng ta cũng không thể nào khám phá ra hết. Dù có thành tâm thiện chí đến đâu đi nữa, chúng ta cũng không tài nào nắm bắt được hết mọi ngõ ngách của lòng mình, chúng ta nghĩ rằng mình hiểu quá rõ chính mình, nhưng thực tế không phải như vậy, chỉ có Thiên Chúa là Ðấng toàn trí toàn năng mới hiểu rõ hết mọi ngọn nguồn của tâm hồn chúng ta, và mới có thể phán xét chúng ta một cách chính xác trăm phần trăm. Còn chúng ta, ngay cả việc xét đoán mình, chúng ta cũng hoàn toàn có nguy cơ rơi vào sai lầm. Xét đoán mình đã khó đến thế, nói chi đến việc xét đoán kẻ khác. Nhờ ý thức được giới hạn của mình, chúng ta sẽ không chủ quan khi nhận xét những người chung quanh. Chúng ta không xét đoán được chính xác thì làm sao chúng ta có thể lên án họ một cách hồ đồ được chứ. Và nếu chúng ta không lên án họ thì chúng ta sẽ làm gì đây? Xin thưa: chúng ta sẽ thông cảm bao dung với họ, sẽ nhìn họ với đôi mắt yêu thương và con tim nhân ái. Và dù họ có thực sự là con người băng hoại đi nữa, chúng ta cũng sẽ thực lòng tha thứ cho họ và cầu nguyện giúp họ cải tà qui chính. Chúng ta không xét đoán chính mình, chúng ta cũng không xét đoán anh chị em chung quanh, nhưng chúng ta hãy phó thác tất cả cho lòng nhân từ của Thiên Chúa.

Lạy Chúa, xin ban cho con tấm lòng nhân ái bao dung để con biết thực tình yêu thương kính trọng mọi người chung quanh. Xin Chúa dạy con biết cẩn thận trong phán đoán, khách quan khi nhận định và độ lượng khi phân xử. Xin Chúa nhắc con luôn nhớ rằng con đong bằng đấu nào thì Chúa sẽ đong lại cho con bằng đấu đó.

 

 

bài liên quan mới nhất

Ngày 24/4: Thánh Phiđen Díchmarinh ngân, linh mục, tử đạo (1578-1622)

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng