Thứ Ba tuần 8 thường niên

THỨ BA TUẦN 8 THƯỜNG NIÊN

"Ngay ở đời này, lúc bị bắt bớ, các con lãnh được gấp trăm, còn đời sau các con sẽ được sự sống vĩnh cửu".

Lời Chúa: Mc 10, 28-31

Khi ấy, Phêrô thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Ðây chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy?"

Chúa Giêsu trả lời rằng: "Thầy bảo thật các con, chẳng ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái, đồng ruộng vì Thầy và vì Phúc Âm, mà ngay bây giờ lại không được gấp trăm ở đời này về nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái và ruộng nương cùng với sự bắt bớ, và ở đời sau được sự sống vĩnh cửu. Nhưng có nhiều kẻ trước nhất sẽ nên rốt hết, và những kẻ rốt hết sẽ nên trước nhất".

 

PHẤN ĐẤU VÌ NIỀM HY VỌNG

(ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Chúa Ki-tô là niềm hy vọng. Đó là điều các tiên tri loan báo từ ngàn xưa: ngày Chúa Ki-tô sẽ tỏ hiện. Bằng chịu đau khổ và đạt tới vinh quang. Nhưng thánh Phê-rô cho biết, để niềm hi vọng trở thành hiện thực, cần phải có thái độ tích cực chuẩn bị. Muốn mục đích phải muốn phương tiện. Muốn được thấy Chúa Ki-tô tỏ hiện, phải từ bỏ lối sống xưa cũ theo xác thịt để sống một đời sống mới theo thần khí, tiết độ, từ bỏ bản thân.”Đừng chiều theo những đam mê trước kia, lúc anh em còn mê muội. Anh em hãy sống thánh thiện trong cách ăn nết ở, đên giống Đấng Thánh đã kêu gọi anh em” (năm chẵn).

Sách Huấn ca hướng dẫn cách bày tỏ niềm hy vọng bằng việc từ bỏ. Trước hết là từ bỏ tội lỗi. “Từ bỏ gian tà thì đẹp lòng Đức Chúa. Chấm dứt bất công là dâng lễ đền tội”. Kế đến là từ bỏ đường tà. Đi theo đường ngay chính. Đó là tuân giữ Lề Luật của Chúa. “Tuân giữ Lề Luật là làm cho lễ phẩm thêm phong phú. Gắn bó với lệnh truyền là dâng lễ kỳ an”. Và sau cùng từ bỏ của cải. Dâng của lễ trọng hậu lên Chúa. Nhưng cũng phải dâng với tấm lòng quảng đại. Và nhất là với nét mặt vui tươi. Chắc chắn Chúa sẽ hài lòng. Và sẽ ban lại cho gấp bội. Đó chính là niềm hy vọng. “Hãy tôn vinh Đức Chúa với tấm lòng quảng đại…Dâng cúng chi, cũng phải giữ nét mặt tươi cười; dâng hiến của thập phân, hãy hân hoan vui vẻ. với tấm lòng quảng đại, hãy dâng hiến Đấng Tối cao, tuỳ theo nhưng gì Người ban tặng và tuỳ theo khả năng con có. Vì Đức Chúa là Đấng thưởng công, sẽ trả lại cho con gắp bảy lần” (năm lẻ).

Thánh Phê-rô cũng chính là người hỏi Chúa Giê-su về niềm hi vọng: Chúng con đã bỏ hết mọi sự mà theo Thầy, chúng con sẽ được gì bù lại? Chúa Giê-su không ngần ngại loan báo trước niềm hi vọng: Các con sẽ được lại gấp trăm.

Niềm hi vọng là được thấy Chúa tỏ hiện, được hưởng hạnh phúc trong Nước Chúa. Nhưng cần phải trải qua giai đoạn thanh luyện bằng từ bỏ. Địa vị trong Nước Chúa không được sắp xếp, đo lường bằng chức vị trong Giáo hội hay bằng thời gian theo Chúa, nhưng bằng mức độ từ bỏ. Càng từ bỏ nhiều thì càng gần Chúa. Càng gần Chúa thì càng hạnh phúc. Có những người theo Chúa đã lâu, nắm giữ những địa vị cao trọng trong Giáo hội, nhưng mức độ từ bỏ chưa cao. Trong khi có những người mới theo Chúa, giữ địa vị thấp kém trong Giáo hội, nhưng mức độ từ bỏ lại cao hơn. Vì thế Chúa Giê-su cảnh báo: “Quả thật, nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, còn những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu”.

 

THEO CHÚA, TA ĐƯỢC GÌ?

(Lm. Vinhson Ngọc Biển SSP)

Sự nguy hiểm của tiền bạc đã làm cho người thanh niên có tiếng là đạo đức lầm lũi ra đi, vì tiền của anh ở đâu thì lòng anh ở đó!

Thật là một sự xót xa cho số phận chàng thanh niên giàu có này! Thấy được sự nguy hiểm như vậy, nên  tiếp theo đó, Đức Giêsu đã thốt lên với các môn đệ: “Người giàu có khó vào Nước Thiên Chúa biết bao”; “Con lạc đà chiu qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa”.

Nghe đến đây, các môn đệ hiểu được sự nguy hiểm của tiền của, tuy nhiên, nó đã làm cho các ông hoang mang, bởi vì khó như thế thì có lẽ không ai vào được! Vì vậy, Phêrô đã đứng lên thay lời anh em và thưa với Đức Giêsu rằng: “Thế thì ai có thể được cứu?”; “Và chúng con đã bỏ mọi sự để đi theo Thầy thì được gì?”. Để giải thoát cho các ông về sự lo lắng này, Đức Giêsu đã mặc khải cho các ông biết: đối với loài người thì không thể làm được, nhưng đối với Thiên Chúa thì hoàn toàn có thể. Vì ơn cứu độ đến từ Thiên Chúa chứ không phải đến từ cố gắng hay phấn đấu thuần túy của con người. Nhân đây, Đức Giêsu cũng nói rõ để các môn đệ nhận ra những ân huệ mà Chúa ban cho những ai trung thành với Ngài, đó là sự sống đời sau.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con biết trung thành đi trên con đường Chúa đã đi, để chúng con gặp được Chúa là nguồn bình an, hạnh phúc ở cuối con đường cuộc đời trần gian. Amen.

 

PHẦN THƯỞNG GẤP TRĂM

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Bài Tin Mừng hôm nay tiếp liền những lời dạy của Chúa Giêsu cho các môn đệ về sự nguy hiểm của tiền của. Sau khi người thanh niên rời lìa Chúa, vì anh ta không thể từ bỏ của cải, Chúa Giêsu đã nói: "Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa". Ở đây rõ ràng Chúa Giêsu sử dụng kiểu nói khuyếch đại như người Ðông phương thường dùng để kích thích sự chú ý. Hình ảnh con lạc đà chở nặng trên mình cho thấy sự say mê dính bén tiền của là một ngăn trở không cho con người trở thành môn đệ đích thực của Chúa Giêsu.

Trước sự sửng sốt của các môn đệ: "Thế thì ai có thể được cứu?", Chúa Giêsu xác quyết rằng ơn cứu độ hoàn toàn vượt quá những khả năng của loài người; đó là một ơn nhưng không của Thiên Chúa, vì chỉ mình Ngài mới có thể cứu độ con người. Nhưng quan điểm này còn khiến các môn đệ hoang mang hơn. Bằng chứng là phản ứng của Phêrô. Nhân danh Nhóm Mười Hai, ông thắc mắc muốn biết sự dấn thân của các ông có được thưởng gì không? Chẳng lẽ lòng quảng đại của các ông lại vô ích sao? Nếu những người giàu có, mặc dù nhiều của cải không thể vào Nước Thiên Chúa đã đành, còn những người đã từ bỏ những của cải hợp pháp nhất, liệu họ không có cơ may được vào đó được sao?

Trả lời cho câu hỏi của Phêrô, Chúa Giêsu hứa ban gấp trăm ngay ở đời này và đời sau được hưởng sự sống đời đời. Kiểu nói "gấp trăm ở đời này" cần được hiểu theo nghĩa phẩm chất hơn là theo nghĩa số lượng: từ bỏ cha mẹ không có nghĩa là để được một trăm cha mẹ ngay ở đời này, nhưng là để được điều quý giá hơn cha mẹ, đó là cộng đoàn anh em sống hiệp nhất với nhau trong đức tin. Trong câu trả lời của Chúa, cần lưu ý một chi tiết, đó là ngoài những gì nhận được bây giờ, còn có sự bách hại nữa. Bị bách hại, bị ngược đãi là vận mệnh của người môn đệ; bước theo Chúa là chấp nhận phiêu lưu với Ngài trên con đường sống đức tin với những đau khổ, thử thách không thể tránh được.

Nguyện xin Chúa ban sức mạnh tình yêu để chúng ta sống trọn ơn gọi và chu toàn sứ mệnh Chúa đã trao phó.

 

 

bài liên quan mới nhất

Thứ Tư tuần III Phục Sinh: Hễ ai thấy Chúa Con thì thấy sự sống đời đời...

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng