Thứ Ba Tuần 4 Mùa chay – Năm C

THỨ BA TUẦN 4 MÙA CHAY

"Tức khắc người ấy được lành bệnh".

 

Lời Chúa: Ga 5, 1-3a. 5-16

Hôm đó là ngày lễ của người Do-thái, Chúa Giêsu lên Giêrusalem. Tại Giêrusalem, gần cửa "Chiên", có một cái hồ, tiếng Do-thái gọi là Bếtsaiđa, chung quanh có năm hành lang. Trong các hành lang này, có rất nhiều người đau yếu, mù loà, què quặt, bất toại nằm la liệt. Trong số đó, có một người nằm đau liệt đã ba mươi tám năm.

Khi Chúa Giêsu thấy người ấy nằm đó và biết anh đã đau từ lâu, liền hỏi: "Anh muốn được lành bệnh không?" Người đó thưa: "Thưa Ngài, tôi không được ai đem xuống hồ, mỗi khi nước động. Khi tôi lết tới, thì có người xuống trước tôi rồi". Chúa Giêsu nói: "Anh hãy đứng dậy vác chõng mà về". Tức khắc người ấy được lành bệnh. Anh ta vác chõng và đi. Nhưng hôm đó lại là ngày Sabbat, nên người Do-thái bảo người vừa được khỏi bệnh rằng: "Hôm nay là ngày Sabbat, anh không được phép vác chõng". Anh ta trả lời: "Chính người chữa tôi lành bệnh bảo tôi: "Vác chõng mà đi". Họ hỏi: "Ai là người đã bảo anh "Vác chõng mà đi?" Nhưng kẻ đã được chữa lành không biết Người là ai, vì Chúa Giêsu đã lánh vào đám đông tụ tập nơi đó.

Sau đó, Chúa Giêsu gặp anh ta trong đền thờ, Người nói: "Này, anh đã được lành bệnh, đừng phạm tội nữa, kẻo phải khốn khổ hơn trước". Anh ta đi nói cho người Do-thái biết chính Chúa Giêsu là người đã chữa anh ta lành bệnh.

Vì thế người Do-thái gây sự với Chúa Giêsu, vì Người đã làm như thế trong ngày Sabbat.

HÃY CHỖI DẬY

(ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Dòng nước Ê-dê-ki-en thấy chảy ra từ bên phải đền thờ chính là dòng nước chảy ra từ cạnh sườn bị đâm thâu của Chúa Giê-su. Đó là nước ơn thánh, nước rửa tội, tha thứ tội khiên và chữa lành tật nguyền. Tuy nhiên để lãnh nhận ơn tha tội và chữa lành, tự sức con người không thể được. Phải có ơn Chúa trợ giúp.

Anh bệnh nhân đã nằm bên bờ hồ Beth-da-tha 38 năm, muốn xuống nước để được chữa lành, nhưng tự sức anh không đến được. Anh không vượt qua được giới hạn của mình. Anh không vượt qua được chính mình. Nhưng anh thật may mắn, vì hôm nay Chúa đến cứu giúp anh. Chúa uy quyền toàn năng có thể tháo gỡ hết những khó khăn, trắc trở của con người. Cho con người đứng thẳng hiên ngang, có thể chu toàn được hết những nhiệm vụ của mình. Chúa truyền 4 mệnh lệnh.

Mệnh lệnh thứ nhất: “Hãy chỗi dậy”. Chỗi dậy là ý chí muốn thoát khỏi vũng lầy tội lỗi. Chỗi dậy là ý chí muốn vươn lên, vượt thoát, tự do, không còn bị trói buộc, đè nén nữa. Như đứa con hoang đàng, thấy mình bị hạ xuống ngang hàng súc vật, muốn trở lại làm người, nên đã tự nhủ: “Vâng, tôi quyết chỗi dậy”.

Mệnh lệnh thứ hai: “Hãy vác chõng”. Vác lấy những mệt mỏi, những yếu đuối. Hãy vác thánh giá Chúa gửi đến. Thánh giá bản thân yếu hèn. Thánh giá trách nhiệm nặng nề. Thánh giá số phận trớ trêu. Thánh giá cám dỗ thử thách.

Mệnh lệnh thứ ba: “Hãy bước đi”. Hãy tiến tới. Hãy dứt lìa quá khứ. Hãy lên đường. Đừng ngủ mê. Đừng tê liệt nữa. Đừng ngần ngại. Thiên Chúa luôn chờ ta ở phía trước. Hãy đi theo ơn của Thánh Thần thúc đẩy.

Mệnh lệnh thứ tư: “Đừng phạm tội nữa”. Đừng quay lại sau lưng. Đừng trở lại con đường xưa cũ. Hãy sống thành con người mới. Hãy vượt qua.

Đó chính là một cuộc vượt qua. Vượt qua của người được rửa tội. Người từ bỏ cuộc sống an nhàn hưởng thụ theo thói thế gian. Để đi theo tiếng gọi và ơn thúc đẩy của Chúa Thánh Linh. Đi về phía trước. Chấp nhận những khó khăn thử thách. Không quay về chiếc chõng hưởng thụ an nghỉ. Nhưng đứng thẳng người lên. Gánh vác lấy trách nhiệm phục vụ. Tiến tới dù phía trước đầy gian nan thử thách.

“ĐỪNG PHẠM TỘI NỮA”

(Lm. Vinhson Ngọc Biển SSP)

Nếu nói đạo là con đường, thì đạo Công Giáo là con đường dẫn đến sự thật. Sự thật đó là tình yêu. Vắng tình yêu, đạo Công Giáo không còn là con đường và đương nhiên không phải là đạo đúng nghĩa!

Khi đến trần gian, Đức Giêsu đã đề cao tinh thần sống đạo hơn là việc giữ đạo. Việc bề ngoài chỉ có ý nghĩa khi nó được tình yêu từ bên trong tâm hồn thúc bách. Bằng không, nó chỉ là một sự phù phiếm, mê tín mà thôi.

Hôm nay, Đức Giêsu đã vì tình yêu, mà Ngài vượt lên trên lề luật để cứu chữa một người ốm đã ba mươi tám năm.

Tuy nhiên, chính trong hành động yêu thương này mà Đức Giêsu bị những người Dothái không ưa chống đối. Họ cho rằng Đức Giêsu đã không tuân giữ lề luật và thường xuyên vi phạm ngày Sabát.

Đối với Đức Giêsu, luật vì con người chứ không phải con người vì luật. Hơn nữa, khi Đức Giêsu chữa anh này khỏi bệnh thì đồng thời Ngài cũng chữa anh khỏi những hệ lụy của nó mà người ta thường gán cho là tội. Không dừng lại ở đó, Ngài còn nhắc cho anh biết là hãy vác chõng mà về và đừng phạm tội nữa.

Vác chõng là việc anh phải làm để chu toàn bổn phận của chính mình. Đừng phạm tội là lời nhắc cho anh về việc từ nay anh đã được giải thoát khỏi tội và anh đã được thuộc về Chúa. Ngài đã tẩy rửa tâm hồn và thân xác anh sạch thì anh phải lo giữ nó, kẻo trở thành khốn khổ khi bệnh tình tái phát. Tội ở đây có ý muốn nói đến ảnh hưởng của sự dữ, thuộc về Ma Quỷ.

Mùa Chay là cơ hội để chúng ta quay trở về với Chúa và xin Ngài tha thứ, đồng thời cũng là dịp thuận tiện để ta hối cải, từ bỏ con đường cũ để làm lại cuộc đời.

Chúa không chấp nhận chúng ta ù lỳ trong tội, nhưng Ngài mời gọi chúng ta: “Hãy đứng dậy vác chõng mà ra đi”, đó là dứt khoát với con đường tội lỗi của mình, nếu không, chúng ta có thể sẽ khốn khổ hơn khi phạm tội.

Xin Chúa giúp chúng ta can đảm để sống điều mình quyết tâm trong Mùa Chay thánh này. Amen.

ÐỪNG PHẠM TỘI NỮA

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Việc Chúa Giêsu chữa bệnh trong ngày Sabát là một trong những nguyên nhân khiến cho người Do Thái tức tối. Họ chống đối Chúa ra mặt. Thậm chí còn muốn trừ khử Ngài cho rảnh mắt.

Trong bài Tin Mừng trên đây, chúng ta thấy có ba tuyến nhân vật: một là Chúa Giêsu, hai là người mắc bệnh nan y, và ba là những người Do Thái.

Hôm nay chúng ta đặc biệt lưu ý đến thái độ của người Do Thái và thái độ của Chúa Giêsu. Nhìn vào thái độ của người Do Thái, chúng ta hãy xét mình xem chúng ta có quá cứng nhắc trong các nguyên tắc, các luật lệ, đến độ vô cảm trước những nhu cầu bức thiết của anh chị em chung quanh hay không, chúng ta có lên án những người vì phục vụ lợi ích của anh chị em đồng loại mà làm những việc có vẻ như bất chấp luật lệ hay không. Phản ứng nông cạn của những người Do Thái trong bài đọc trên đây là một lời nhắc nhở để chúng ta nhớ lại cung cách sống của mình trong các tương quan với kẻ khác. Chúng ta đừng để mình rơi vào trường hợp đáng buồn như những người Do Thái.

Nhìn vào Chúa Giêsu, chúng ta cũng có thể xét mình theo thái độ của mình đối với anh chị em. Chung quanh chúng ta không bao giờ thiếu những người bất hạnh. Họ đau khổ trước nỗi bất hạnh của mình và chờ mong một ai đó chia sẻ nỗi khổ với họ. Con tim chúng ta có đủ can đảm để nhận ra tình cảnh khốn khổ của anh chị em mình hay không? Lời và việc làm của chúng ta có mang theo đủ tình thương để xoa dịu nỗi đau khổ của họ hay không? Chúng ta có đủ can đảm và quảng đại vượt qua những trở ngại bên ngoài để giúp đỡ người ấy ra khỏi tình cảnh khốn khó của họ hay không? Hình ảnh Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay giúp chúng ta can đảm dấn thân chia sẻ nỗi đau khổ với anh chị em chung quanh.

Lạy Chúa, xin cho con học được những bài học thiết thực khi Suy Niệm bài Tin Mừng của ngày hôm nay. Xin cho con biết kiên trì hy vọng lúc gặp đau khổ, biết lưu tâm chia sẻ những nỗi đau khổ của những người khác và biết uyển chuyển linh động khi đáp ứng những nhu cầu bức thiết của anh chị em chung quanh.

 

bài liên quan mới nhất

Các bài Suy niệm Lễ Chúa Ba Ngôi – Năm B

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng