Thứ Ba Tuần 11 Thường Niên

THỨ BA TUẦN 11 THƯỜNG NIÊN

"Các ngươi hãy yêu thương thù địch".

Lời Chúa: Mt. 5, 43-48

Khi ấy, Chúa phán cùng các môn đệ rằng: "Các con đã nghe dạy: "Ngươi hãy yêu thân nhân, và hãy thù ghét địch thù". Còn Ta, Ta bảo các con: Hãy yêu thương thù địch và làm ơn cho những kẻ ghét các con, hãy cầu nguyện cho những ai bắt bớ và nguyền rủa các con: để như vậy các con nên con cái Cha các con, Đấng ngự trên trời: Người khiến mặt trời mọc lên cho người lành kẻ dữ, và cho mưa xuống trên người liêm khiết và kẻ bất lương.

Vì nếu các con yêu thương những ai mến trọng các con, thì các con được công phúc gì? Các người thu thuế không làm thế ư? Nếu các con chỉ chào hỏi anh em các con thôi, thì các con đâu có làm chi hơn? Những người ngoại giáo không làm như thế ư?

Vậy các con hãy nên hoàn hảo như Cha các con trên trời là Đấng hoàn hảo".

YÊU KẺ THÙ

(ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Yêu kẻ thù. Ai cũng bảo là không thể. Đó là vì ta theo thói quen. Để đối tượng qui định tình cảm. Gặp người tốt thì ta quý. Gặp người dễ thương thì ta thương. Người làm ơn cho ta thì ta biết ơn và quý trọng. Gặp người xấu thì ta tránh xa. Gặp người khó thương thì ta chối từ. Đó chẳng có gì lạ. Nhưng đó là để cho đối tượng qui định tình cảm của mình. Ta đâu có chủ động. Vì ta không có nền tảng. Phải có nền tảng tình yêu ở nơi Chúa. Phải có tình yêu từ trong trái tim mình. Khi đó ta sẽ yêu bất chấp ngoại cảnh thế nào. Vẫn yêu bất chấp người đối diện là thế nào. Vẫn yêu bất chấp người khác có làm gì cho ta, dù tốt, dù xấu. Như thế yêu kẻ thù là có thể. Ta không yêu để đáp lại kẻ thù. Nhưng ta yêu vì tình yêu đầy trong trái tim ta. Đó chính là tình yêu của Thiên Chúa. Thiên Chúa là Tình Yêu. Trong Người chỉ có yêu thương. Như mặt trời. Như cơn mưa. Không phân biệt.

Chính vì thế Chúa luôn tha thứ. Luôn chạnh lòng thương. A-kháp phạm tội tầy đình. Nhưng khi nghe Chúa tuyên án, ông khóc lóc ăn năn. Chúa liền tha thứ. “Khi nghe những lời ấy, vua A-kháp xé áo mỉnha, khoác áo vải bố bám sát vào thịt, ăn chay, nằm ngủ với bao bì và bước đi thiểu não. Bấy giờ có lời Đức Chúa phán với ông Ê-li-a, người Tít-be rằng: “Ngươi có thấy A-kháp đã hạ mình trước mặt Ta thế nào không?...nên Ta sẽ không giáng hoạ trong buổi sinh thời của nó”. Quả thật là tình yêu nguyên tuyền. Chỉ có yêu thương (năm chẵn).

Thánh Phao-lô khen ngợi tín hữu Ma-kê-đô-ni-a. Vì họ đã có tình yêu của Chúa. Trong mọi gian nan thử thách họ vẫn vui tươi. Vì họ có Chúa ở cùng. “Trải qua bao nỗi gian truân, họ vẫn được chan chứa niềm vui; giữa cảnh khó nghèo cùng cực, họ lại trở nên những người giàu lòng quảng đại. Họ đã tự nguyện theo sức họ, và tôi xin làm chứng là quá sức họ nữa; họ khẩn khoản nài xin chúng tôi cho họ được phúc tham dự vào việc phục vụ các người trong dân thánh”. Yêu thương. Quảng đại. Họ đã nên hoàn thiện như Cha trên trời.

Thánh Phao-lô dùng tấm gương đó mà khích lệ tín hữu Cô-rin-tô. Và cả chúng ta nữa. Hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời. Có Chúa trong ta sẽ có tình yêu trong ta. Có tình yêu ta sẽ tràn đầy niềm vui. Và tình yêu sẽ lan toả đến khắp mọi người. Kể cả kẻ thù. Vì bấy giờ tim ta không có gì khác ngoài tình yêu. Nó không còn bị qui định bởi đối tượng bên ngoài. Chỉ biết toả lan tình yêu. Như Chúa Giê-su “Chúa chúng ta,…Người vốn giầu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (năm lẻ).

HÃY YÊU KẺ THÙ

Xem lại CN 7 TN A.

(Lm. Vinhson Ngọc Biển SSP)

 “Yêu mến anh em, là sống chu toàn giới luật. Yêu mến người lành và yêu thương kẻ gian ác. Chính do tình yêu mà chúng ta được cứu độ, thành con Chúa Trời và thành bạn hữu Chúa Kitô”. Đây là lời bài hát mà có lẽ ai cũng thuộc vì nó được lặp lại nhiều lần trong Mùa Chay.

Đây cũng chính là lệnh truyền của Đức Giêsu cho các môn đệ, đồng thời cũng là lời mời gọi cho những ai đang bước theo Đức Giêsu trên lộ trình cứu độ.

Thật vậy, cốt lõi Đạo Công Giáo của chúng ta là tình yêu thương. Tại sao vậy? Thưa vì Đạo chúng ta bắt nguồn từ Thiên Chúa, mà bản chất của Thiên Chúa là Tình Yêu. Vì thế: "Người làm cho mặt trời mọc lên trên người lành cũng như kẻ dữ, làm cho mưa xuống trên kẻ lành cũng như người bất lương...".

“Yêu thương kẻ thù" là một nghĩa cử anh hùng, một nỗ lực vượt thắng tình cảm tự nhiên, vượt trên phản ứng thường tình của con người. "Yêu thương kẻ thù" là bước vào thế giới siêu nhiên của con cái Chúa, sống nhân hậu và hoàn thiện như Cha trên trời.

Khi dạy "hãy yêu kẻ thù", Đức Giêsu không có ý cổ võ sự nhu nhược, nhát đảm, nhưng là đề nêu cao tinh thần khoan dung, hiền từ, quảng đại, tha thứ. 

"Hãy yêu kẻ thù", đó là lệnh truyền khó thi hành nhất trong các lệnh truyền của Đức Giêsu. Tuy nhiên, chính Ngài đã nêu gương khi sẵn sàng tha thứ cho kẻ hại mình và cầu xin Chúa Cha tha cho họ. Ý tưởng ấy rất cao và rất khó nhưng nó tạo nên ý nghĩa.

Như vậy, Đức Giêsu mở ra con đường mới cho nhân loại. Con đường lấy thiện thắng ác, lấy tình yêu vượt thắng hận thù. Chỉ có yêu thương mới làm cho thù hận tiêu tan.

Là những Kitô hữu, chúng ta được mời gọi đứng về phía bất bạo động. Tuy nhiên đó không phải là một chọn lựa cho sự nhu nhược hay thụ động leo thang, nhưng chọn lựa bất bạo động có nghĩa là tin tưởng mạnh mẽ vào sức mạnh của chân lý, của công bằng và tình yêu hơn là sức mạnh của chiến tranh, vũ khí và hận thù… Chúng ta phải cố gắng dùng điều tốt nhất để đáp lại điều xấu nhất.

Hãy nhớ rằng: “Viên đạn căm thù chỉ có thể làm thương tổn kẻ thù sau khi đã xuyên qua thân xác chúng ta trước”. Khi nuôi trong mình sự trả thù thì đồng nghĩa với việc ta đào thêm một cái hố nữa để chôn chính ta. Người Hy Lạp cổ thường ví von như sau: “Người khôn ngoan thà chịu đựng sự ác hơn là làm điều ác”.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con hiểu rằng đây là con đường nằm trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, và chỉ khi nào chúng con đạt được điều đó, ấy là lúc chúng con trở thành môn đệ đích thực của Chúa. Amen.

YÊU LÀ MỘT SỰ THAM DỰ

Nhiều đoạn trong bài giảng Trên Núi làm chúng ta ngạc nhiên về lối diễn tả nghịch lý, và đặc biệt đoạn này: Hãy yêu thương thù địch và làm ơn cho những kẻ làm khổ ngươi. Đây là điều gây vấp phạm nặng cho những khuynh hướng tự nhiên của chúng ta. Nhưng đâu là ý nghĩa đích thực của những lời này? Thật khó mà xác định ý nghĩa cách mạnh mẽ, và nhất là phải tránh làm giảm giá chúng với ý định làm cho chúng trở nên dễ chấp nhận hơn. Tuy nhiên chúng ta có thể đưa ra một vài suy tư sau đây:

Danh từ ‘thù địch’ thời Chúa Giêsu có nghĩa trước nhất là đối thủ và kẻ bắt bớ dân thánh. Cũng có thể là kẻ xa lạ với dân được lựa chọn. Chính trong nghĩa này mà dư luận Do thái thời bấy giờ áp dụng cho từ ngữ Chúa Giêsu nhắc đến: Hãy ghét thù địch. Hơn nữa, cần nhớ là chữ “ghét” không phải luôn luôn có nghĩa mạnh như chúng ta thường hiểu. “Ghét” có thể là: từ chối mọi liên lạc, ruồng bỏ, xa lánh. Chẳng hạn các tư tế và Lêvi thành Giêrusalem xem những người xứ Samaria là “thù địch”; điều này cắt nghĩa thái độ của thầy tư tế và Lêvi trong dụ ngôn đã bỏ rơi người xứ Samaria với số phận của họ.

Trên bình diện thứ nhất này Chúa Giêsu phán, và Ngài phán điều đó với Giáo Hội của Ngài hôm nay: hãy yêu thương thù địch, kẻ bách hại và cầu nguyện cho họ, vì Cha trên trời cũng muốn họ được rỗi.

Trên bình diện thực tế hơn, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta vượt mọi hiềm khích. Người Kitô hữu không những phải tránh mọi tình cảm ghen ghét và thù hằn, mà còn phải mong muốn biến cải kẻ thù mình thành bạn hữu. Nếu thực tế đôi khi rất khó thực hiện, thì ít là bên trong tâm hồn mình điều đó phải được thực hiện. Nghị lực con người sẽ không đủ. Người Kitô hữu thành công được là người múc lấy sức mạnh trong tình yêu và gương sáng của Chúa Kitô.

Phải nhớ rằng hiềm khích không hẳn là một sự kiện như những sự kiện khác. Hậu quả trực tiếp của nó là Thập Giá Chúa Kitô, Thập Giá mà chúng ta tham dự vào. Cách thức chúng ta vượt thắng hiềm khích tùy thuộc cách thức chúng ta tham dự vào Thập Giá Chúa Kitô. Nếu chúng ta chấp nhận điều đó, chúng ta sẽ yêu thương thù địch vì, với Đức Kitô trên Thập Giá, chúng ta hoạt động cho sự cứu rỗi của họ.

Tôi đã dùng sự đau khổ của tôi cho kẻ nào làm khổ tôi chưa?

 

bài liên quan mới nhất

Thứ Năm tuần VIII Thường niên: "Hỡi con vua Ðavít, xin thương xót tôi"

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng