Thứ Ba trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh - Năm C

Thứ Ba tuần BÁT NHẬT PHỤC SINH

"Tôi đã trông thấy và Người đã phán với tôi những điều ấy".

 

Lời Chúa: Ga 20, 11-18

Khi ấy, bà Maria đang còn đứng gần mồ Chúa mà than khóc. Nhìn vào trong mồ, bà thấy hai thiên thần mặc áo trắng đang ngồi nơi đã đặt xác Chúa Giêsu, một vị ngồi phía đàng đầu, một vị ngồi phía đàng chân. Hai vị hỏi: "Tại sao bà khóc?" Bà trả lời: "Người ta đã lấy mất xác Chúa tôi và tôi không biết người ta đã để Người ở đâu?"

Vừa nói xong, bà quay mặt lại, thì thấy Chúa Giêsu đã đứng đó, nhưng bà chưa biết là Chúa Giêsu. Chúa Giêsu hỏi: "Bà kia, sao mà khóc, bà tìm ai?" Tưởng là người giữ vườn, Maria thưa: "Thưa ông, nếu ông đã mang xác Người đi, thì xin cho tôi biết ông đã đặt Người ở đâu, để tôi đến lấy xác Người". Chúa Giêsu gọi: "Maria". Quay mặt lại, bà thưa Người: "Rabboni!" (nghĩa là "Lạy Thầy!"). Chúa Giêsu bảo bà: "Đừng động đến Ta, vì Ta chưa về cùng Cha Ta. Nhưng hãy đi báo tin cho các anh em Ta hay và bảo họ rằng: Ta về cùng Cha Ta, cũng là Cha các con; về cùng Thiên Chúa Ta, cũng là Thiên Chúa các con".

Maria Mađalêna đi báo tin cho các môn đệ rằng: "Tôi đã trông thấy Chúa và Chúa đã phán với tôi những điều ấy".

 

GIÊSU, MỤC ĐÍCH CUỘC ĐỜI

(ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Chúa Giê-su hỏi Ma-đa-lê-na: “Chị tìm gì”? Xác định mục đích cuộc đời là rất quan trọng. Nếu không có mục đích, ta không biết mình đi đâu, làm gì. Thánh Bê-na-đô ngày nào cũng tự hỏi mình: “Bê-na-đô, ngươi là ai? Ngươi đến đây làm gì”?

Chúa Giê-su luôn hỏi ta câu đó. Người đã hỏi hai môn đệ đầu tiên: “Các anh tìm gì”?(x. Ga 1, 35-39) Hôm nay Người lại hỏi Mađalêna: “Chị tìm gì”? Người hỏi ta hằng ngày: “Con tìm gì”? Ta có trả lời được không?

Xác định được mục đích ta sẽ không lẫn lộn, dừng lại ở những gì không phải mục đích. Ma-đa-lê-na chỉ đi tìm Chúa. Bà nhất quyết phải gặp được Chúa. Dù gặp thiên thần sáng láng tốt lành bà cũng không vui nên vẫn khóc và đi tìm. Vì Chúa mới là mục đích duy nhất. Vì Chúa mới là sự thiện tuyệt hảo. Vì Chúa mới là sự mỹ tuyệt đối. Chỉ có Chúa mới thỏa mãn mọi khát khao sâu thẳm trong tâm hồn.

Xác định được mục đích ta sẽ phải chọn lựa. Giữa Chúa và những gì không phải Chúa. Giữa Chúa và trần gian. Giữa sống theo Thần Khí và theo thói thế gian. Nên thánh Phê-rô khuyên nhủ các tín hữu đầu tiên: “Anh em hãy tránh xa thế hệ gian tà này”. Rất nhiều người muốn theo Chúa, nhưng không thể bỏ trần gian. Như chàng trẻ tuổi giầu có muốn được sự sống đời đời. Nhưng khi Chúa bảo phải về bán hết của cải thì buồn rầu. Chàng quay lưng lại với Chúa ngay. Vì chàng luyến tiếc trần gian(x. Mc 10, 17-22).

Chọn lựa phải có từ bỏ. Từ bỏ sẽ có đớn đau. Ma-đa-lê-na vì tìm Chúa mà phải khóc lóc. Những người tín hữu đầu tiên cũng đau đớn trong lòng. Như Chúa đã nói với các môn đệ: “Các con sẽ khóc lóc. Còn thế gian sẽ vui mừng”(Ga 16, 20).

Nhưng đúng như lời Chúa nói: “Ai tìm sẽ thấy”(Mt 7, 7) và “Phúc cho ai khóc lóc vì họ sẽ được an ủi”(Mt 5, 5). Ma-đa-lê-na đã được gặp Chúa. Nói sao cho vừa niềm vui của bà. Và lời chứng của bà giá trị biết bao. Dù chỉ đơn sơ: “Tôi đã thấy Chúa”.

Tôi có thấy Chúa không? Nói khác đi người khác nhìn vào đời sống tôi có thấy Chúa không. Nếu tôi sống đơn sơ khó nghèo không coi trọng những gì của trần gian, người khác sẽ nhìn thấy Chúa. Nếu tôi yêu thương phục vụ vô vị lợi những người nghèo khổ, tôi chiếu tỏa ánh sáng của Chúa là tình yêu. Người khác sẽ nhận ra.

Lạy Chúa xin cho con thực sự đi tìm Chúa và chỉ tìm một mình Chúa mà thôi. Và con chắc chắn sẽ gặp Chúa. Để con có thể nói với mọi người: “Tôi đã thấy Chúa”.

 

NIỀM TIN PHỤC SINH

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Trong một đêm tao ngộ do một nhóm thân hữu tổ chức tại Sydney, Australia, vào một tối Chúa Nhật cuối tháng 4/2001, nhạc sĩ Vũ Thành An, tác giả của những bài ca không tên bất hủ, đã xuất hiện không như một nhạc sĩ, mà như một nhà truyền đạo. Ở cao điểm của đêm tao ngộ, nhạc sĩ Vũ Thành An đã giới thiệu và trình bày những tác phẩm mà ông gọi là Những bài ca nhân bản và thánh ca. Như ông đã giải thích, những bài ca nhân bản đề cao tình người và những bài thánh ca ca tụng tình yêu Chúa này nói lên chính cuộc đổi đời của ông. Những dòng tâm sự và giọng hát của tác giả đã được khán thính giả đón nhận như một bài giảng thuyết về mầu nhiệm Phục Sinh.

Niềm tin và sự gặp gỡ của con người với Ðấng Phục Sinh thường đến sau những đổ vỡ, mất mát, thất bại và khổ đau. Ðiều này đã diễn ra với hầu hết các môn đệ của Chúa Giêsu. Vào giữa lúc họ buồn bã quay về làng cũ, họ gặp Ngài. Vào giữa lúc họ từ bỏ con đường đi theo Ngài để trở về sau chuyến bôn ba của cuộc sống, Ngài đến với họ. Ngài cũng đến với họ khi họ giam mình trong sợ hãi, buồn phiền. Maria Mađalêna cũng được gặp Ngài giữa tiếng khóc than. Chính lúc bà tưởng mình đã mất tất cả, Ngài đã đến với bà.

Quả thật, Ðấng Phục Sinh thường đến với con người vào những lúc bất ngờ nhất và dưới những hình dạng con người không hề chờ đón. Hầu hết trong mọi trường hợp, Ngài đến với họ như người vô danh, một người mà họ không thể nhận ra tức khắc. Phục sinh là một biến cố lịch sử, nhưng không có bất cứ một người nào đã chứng kiến giây phút lịch sử ấy, từ các môn đệ cho đến chúng ta ngày nay. Ðể tin nhận Ngài, con người luôn làm một bước nhảy vọt trong các biến cố của cuộc sống, những biến cố ấy thường là những mất mát, thất bại và khổ đau. Cần phải trải qua đau khổ để đến vinh quang, đó là định luật của niềm tin, phép rửa nhờ đó chúng ta trở thành tín hữu Kitô, không đương nhiên biến chúng ta thành những người thông minh đĩnh đạc hay may mắn thịnh vượng hơn người. Nhưng chúng ta phải xem mình là những người may mắn nhất, bởi vì giữa tăm tối của cuộc sống, chúng ta vẫn còn nhận ra được ánh sáng; giữa những đổ vỡ, mất mát, thất bại và khổ đau, chúng ta vẫn tiếp tục tin tưởng.

Niềm tin Phục Sinh mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì đã ban cho chúng ta niềm tin ấy và xin Ngài củng cố niềm tin ấy cho chúng ta.

 

YÊU ĐỂ TIN VÀ LÀM CHỨNG

(Lm. Vinhson Ngọc Biển SSP)

Chuyện kể rằng: sau khi Đấng Đáng Kính, Đức Hồng Y Fx. Nguyễn Văn Thuận bị bắt một thời gian, người ta không còn cách nào liên lạc được với ngài. Ngài đã đi vào cõi biệt vô âm tín. Vì thế, giáo dân nghĩ là ngài đã chết trong tù, nên nhiều người có lòng quý trọng, yêu mến và cảm phục ngài bởi nhân đức anh hùng, nhất là lòng đạo đức, nhân từ, hiền hậu và yêu thương, vì thế họ đã diễn tả lòng biết ơn và kính trọng của họ với ngài bằng cách: cầu nguyện và xin lễ cầu hồn cho ngài. Tuy nhiên, một thời gian sau, ngài được trả tự do và xuất hiện trước công chúng... Tin vui mừng này loan đi cách nhanh chóng, vì thế, chẳng mấy chốc, nhiều người đã biết được tin và họ không ngừng tạ ơn Chúa, trong số những người vui mừng nhất, có lẽ phải kể đến, đó chính là thân mẫu Đức Hồng Y.

Tin Mừng hôm nay trình thuật cho chúng ta thấy cảnh tang tóc, sầu thương, u buồn, tuyệt vọng đang  bao phủ tâm trạng Maria Madalena! Bà buồn vì tình cảm mà bà dành cho Đấng đã yêu thương và cứu thoát bà khỏi chết, thoát ra khỏi con đường tội lỗi, ban những lời dạy tuyệt vời..., hơn nữa, sự hy vọng của bà vào Đấng đã chữa lành mọi bệnh tật, làm cho kẻ chết sống lại, hóa bánh ra nhiều... sẽ đem lại cho bà một chỗ dựa vững chắc... Nhưng sau những trận đòn chí mạng, những mệt nhọc của chặng đường lên Gôngôtha, và cuối cùng là cái chết trên thập giá và được an táng trong mộ như bao nhiêu người khác... đã làm cho bà thất vọng. Sự tuyệt vọng ấy đi đến đỉnh điểm là ngay cả xác chết rồi mà cũng còn bị mất... Như thế, đặt mình vào tâm trạng của bà, chúng ta mới thấy được sự xót xa buồn tủi là dường nào!

Tuy nhiên, giữa cảnh sầu thương tang tóc ấy, đã bừng lên một niềm vui vô đối, không gì có thể sánh bằng, đó là Tin Mừng Phục Sinh. Phần thưởng của Đức Giêsu dành cho bà chính là cho bà thấy Ngài và Ngài đã gọi tên bà một cách thân mật, ngọt ngào: “Maria”.

Gọi tên là dấu chỉ thân mật của Thầy và trò, của cha mẹ với con cái, của người mục tử với đoàn chiên. Gọi tên là dấu nhận và biết cách cụ thể, là bảo vệ chở che.

Vì thế, khi vừa nghe thấy Thầy gọi tên mình, bà đã vội vàng thưa: “Rapbuni” (nghĩa là: lạy Thầy).

Nếu việc gọi tên là dấu chỉ, cách thức cho biết người được gọi thuộc về người gọi và người gọi phải có bổn phận với người mà họ đã gọi, thì khi người được gọi nghe thấy và thưa lại chính là sự xác minh cách cụ thể mối tương quan trên.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay nhắc cho chúng ta về Bí tích Thánh Tẩy đã lãnh nhận. Khi lãnh nhận Bí tích này, chúng ta được đổi tên thành Kitô hữu và được gọi vào hàng con cái của Thiên Chúa và được thông phần vào sự sống của Đức Kitô phục sinh.

Đứng trước hồng ân lớn lao đó, chúng ta không ngừng tạ ơn Chúa và lo sống xứng đáng bổn phận của mình. Nhất là trở nên chứng nhân của Chúa phục sinh trong môi trường và xã hội hôm nay.

Lạy Chúa Giêsu phục sinh, xin ban cho chúng con biết nhận ra tình thương của Chúa khi Chúa phục sinh chúng con từ đau khổ, tội lỗi thành bình an, hạnh phúc và niềm vui qua Bí tích Rửa Tội khi mỗi người chúng con được mang một tên mới và thuộc về Chúa. Amen.

bài liên quan mới nhất

Các bài Suy niệm Lễ Chúa Ba Ngôi – Năm B

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng