THÁNH CA GRÉGORIEN LÀ GÌ?
Hình thành vào thế kỷ thứ VIII, ngày nay vẫn được hát trong các tu viện Biển Đức, thánh ca Grégorien giữ một vị trí nổi bật trong lời cầu nguyện của Giáo hội.
Đâu là nguồn gốc của thánh ca Grégorien?
Nguồn gốc của thánh ca linh thiêng này của Kitô giáo nằm ở bài thánh ca Rôma cổ của thánh lễ, một bài thánh ca của phụng vụ và giáo hội cổ xưa được sử dụng trong nhà nguyện của Giáo hoàng.
Dưới sự thúc đẩy của các Đức Giáo hoàng, phụng vụ của Giáo hội được tổ chức và được phong phú từ thế kỷ thứ V đến thế kỷ thứ VII. Nó đạt đến đỉnh cao dưới thời Đức Giáo hoàng Grêgôriô Cả, mà triều đại giáo hoàng của ngài kéo dài từ năm 590 đến năm 604. Ngài được cho là đã gia tăng và đổi mới các bài hát trong năm phụng vụ. Vì thế, hoàn toàn tự nhiên việc thánh ca về sau mang tên ngài sẽ được đặt dưới sự bảo trợ của ngài.
Vào thế kỷ thứ VIII, Đức Giáo hoàng Têphanô II đến gặp Pépin le Bref, vị vua của người Francs, để yêu cầu viện trợ quân sự chống lại người Lombard. Ngài đến với phụng vụ của mình, được cử hành vào năm 765 tại nhà thờ chánh tòa Metz. Đây là lần đầu tiên phụng vụ giáo hoàng được triển khai bên ngoài Rôma. Ảnh hưởng của nó sẽ mở rộng khắp Tây Âu.
Khoảng năm 1000, thánh ca đa âm xuất hiện, là một trong những nhánh của thánh ca Grégorien. Dưới tác động của những biến đổi ảnh hưởng đến giai điệu của nó, thánh ca Grégorien dần dần xuống cấp và phải đến thế kỷ XIX nó mới được tái sinh, đặc biệt là nhờ công của đan viện Solesmes (Sarthe).
Đâu là tính đặc thù của nó?
Các tiết mục (répertoires) Grégorien bằng tiếng Latin. Nó bao gồm các bài hát và lời cầu nguyện của thánh lễ, được tập hợp lại trong một cuốn sách phụng vụ lấy tên là sách hát lễ, và các bài hát và lời cầu nguyện của bảy kinh nhật tụng của đan tu viện (chủ yếu là 150 thánh vịnh của Thánh Kinh), được tập hợp lại trong sách điệp xướng.
Các thánh vịnh được xướng lên, nghĩa là được đọc-hát, theo cách đọc quen thuộc các bản văn thánh trong Do Thái giáo và Kitô giáo – do đó đảm bảo tính liên tục từ bốn nghìn năm qua…
Giọng của người hát (ca viên) hoặc của đội hợp xướng đồng thanh phát ra ở một cao độ cố định (tenor). Nó có thể kéo dài một nguyên âm hoặc kết hợp nhiều từ liên tiếp lại với nhau. Giọng điệu thay đổi theo cách rập khuôn để đánh dấu dấu câu (đặc biệt là ở cuối câu).
Ngoài các Thánh vịnh, nét hoa mỹ của giọng hát cũng được phát triển, làm nổi bật văn bản bằng cách đưa vào các biến thể của giai điệu. Chúng thậm chí có thể chuyển thành những bài luyện giọng (hát không lời), như với chữ “a” cuối cùng của bài hát Alleluia.
Thánh ca Grégorien đầu tiên được truyền miệng cho đến thế kỷ thứ IX, thời kỳ mà các ký hiệu âm nhạc Grégorien đầu tiên xuất hiện: các liên nốt, các ký hiệu…phía trên các từ bằng cách đặc biệt báo hiệu đặc tính mạnh dần hoặc giảm dần của chúng, “độ nhẹ” hay “độ nặng” của nốt nhạc, Jacques Viret, chuyên gia về thánh ca Grégorien[1] giải thích.
Những cách ghi nốt này đóng vai trò hỗ trợ trí nhớ cho ca viên, vốn trước đây đã ghi nhớ hàng nghìn giai điệu. Vào thế kỷ XI, việc đan sĩ Gui d’Arezzo phát minh ra khuông nhạc đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc học thánh ca Grégorien mà cho đến lúc đó cần phải có…mười năm đào tạo! “Ngày nay, thánh ca Grégorien được học chủ yếu bằng thính giác. Sau bốn hoặc năm năm, một tập sinh sẽ thành thạo toàn bộ tiết mục”, Cha Jacques-Marie Guilmard, một đan sĩ dòng Biển Đức từ đan viện Solesmes, người dạy thánh ca Grégorien, giải thích[2].
Nó đã trải qua sự phục hưng như thế nào?
Vào thế kỷ XIX, thánh ca Grégorien được phục hồi bởi Dom Guéranger (1805-1875), tu viện trưởng Solesmes, nhà cải cách dòng Biển Đức. Năm 1840, ngài xuất bản bộ Institutions liturgiques, một tác phẩm trong đó ngài ủng hộ việc quay trở lại với sự thuần khiết của các giai điệu thánh ca Grégorien, bằng cách dựa trên một nghiên cứu chặt chẽ về các bản thảo cổ, vốn sẽ được thực hiện bởi xưởng cổ tự học âm nhạc của Solesmes.
Trước chiến tranh 1914-1918, các đan sĩ đã đi khắp châu Âu để chụp ảnh các bản thảo cổ và so sánh chúng, nhờ đó thu thập được hàng ngàn bản thảo. Dominique Crochu, thành viên của nhóm Neumz, nhóm ghi lại di sản Grégorien như một phần của dự án Repertorium của Châu Âu, giải thích: “Khi một phiên bản giai điệu được truyền tải bởi phần lớn các bản thảo cổ, chúng tôi cho rằng chúng tôi đang đối mặt với một phiên bản đích thực”. Xưởng cổ tự học đã xuất bản 25 tập tái hiện các bản thảo cổ. Cha Guilmard nhớ lại: “Những ấn phẩm này đã khơi dậy sự nhiệt tình thực sự nơi các đan sĩ, nhạc sĩ, nhà soạn nhạc như Vincent d’Indy (1851-1931) hay Gabriel Fauré” (1845-1924).
Ngày nay nó chiếm vị trí nào trong phụng vụ của Giáo hội?
Năm 1903, trong Tự sắc về việc khôi phục thánh nhạc, Đức Giáo hoàng Piô X, một người rất ngưỡng mộ đan viện Solesmes, đã tuyên bố thánh ca Grégorien là cách thể hiện chính thức lời cầu nguyện được hát của Giáo hội. Ngài viết: “Một tác phẩm âm nhạc của Giáo hội càng linh thiêng và phụng vụ hơn nữa vì, về hình thức, cảm hứng và hương vị, nó gần hơn với giai điệu Grégorien”.
Công đồng Vatican II (1962-1965) đã lấy lại ưu ái này đối với thánh ca Grégorien. Hiến chế về phụng vụ Sacrosanctum Concilium tuyên bố: “Giáo hội nhìn nhận trong thánh ca Grégorien bài thánh ca thích hợp của phụng vụ Rôma; do đó, chính nó, trong các hành động phụng vụ, (…) phải chiếm vị trí đầu tiên”. Nhưng việc áp dụng nó trong các giáo xứ không mang lại hiệu quả: các bài hát bằng tiếng bản địa chiếm ưu thế. Tuy nhiên, nó vẫn được hát ở một số đan viện Biển Đức.
Alain Chobert, ca trưởng của Nhà thờ chánh tòa Dijon[3], lưu ý: “Việc vận dụng các bản nhạc Grégorien hoặc đa âm lớn vẫn luôn rất tinh tế và đòi hỏi phải đào tạo chuyên sâu về âm nhạc và giọng hát. Các ca đoàn trong các nhà thờ chánh tòa là những nơi ưu việt, nơi các tiết mục của Giáo hội được rèn giũa cẩn thận. Thánh ca Grégorien vẫn là nguồn cảm hứng thường xuyên cho các nhạc sĩ và tham gia trọn vẹn vào việc ca ngợi Thiên Chúa”.
—–——————————————
Một bài thánh ca “chạm vào trái tim người nghe”
Trích từ các sắc lệnh của công đồng Aix-la-Chapelle lần thứ 5 (năm 816), được trích dẫn trong Le Chant grégorien, des origines à nos jours, của Jacques Viret, tại nhà xuất bản Eyrolles.
“Giai điệu mà các ca sĩ sáng tác nhằm mục đích đưa ý thức của con người hướng tới suy tưởng và tình yêu về những sự trên trời, không chỉ bởi tính chất linh thiêng của ngôn từ mà còn bởi vẻ đẹp của âm thanh. Đây là lý do tại sao điều quan trọng là mỗi ca sĩ, theo truyền thống của các Đức Thánh Cha, phải lỗi lạc và nổi bật bởi giọng hát và nghệ thuật của mình, để có thể chạm đến trái tim người nghe qua con đường của niềm vui cảm xúc (…). Do đó, chúng ta sẽ đọc các Thánh vịnh trong nhà thờ, không quá nhanh, không quá to, cũng không với giọng lộn xộn và không có kỷ luật, nhưng một cách bình thản và nghe rõ, với tấm lòng rộng mở, sao cho tâm trí của những người đọc sẽ cảm thấy dễ chịu, và đôi tai của người nghe sẽ được say mê bởi cách phát âm của họ”.
du service national de la pastorale liturgique et sacramentelle.
——————————
Tý Linh chuyển ngữ
(theo Gilles Donada, nhật báo La Croix)
Nguồn: xuanbichvietnam.net
[1]La Tradition orale dans le chant grégorien, Cahiers d’ethnomusicologie, 1/1988.
[2]Auteur de L’Origine du chant grégorien. Études d’histoire du répertoire, Éd. de l’abbaye de Solesmes.
[3]Le Chant grégorien hier et aujourd’hui, une contribution publiée sur liturgie.catholique.fr, le site du service national de la pastorale liturgique et sacramentelle.