Đức Phanxicô bảo vệ bậc sống độc thân của linh mục trong thông điệp gởi các chủng sinh Pháp

Các chủng sinh của Cộng đoàn Thánh Martinô trong giờ kinh chiều ở nhà nguyện Évron.

Đức Phanxicô gởi thông điệp cho khoảng 600 chủng sinh Pháp tập trung tại Paris từ ngày 1 đến ngày 3 tháng 12. Ngài đặc biệt nhắc lại bậc sống độc thân là căn tính “trọng tâm” của linh mục.

Trong thông điệp gởi các chủng sinh Pháp, được Quốc Vụ Khanh Pietro Parolin ký và công bố ngày 1 tháng 12, 2023, Đức Phanxicô nói: “Không ai có quyền thay đổi bản chất của chức linh mục và không ai có thể thay đổi vì Chúa Giêsu đã như vậy.” Trong thư dài hai trang được gởi cho các chủng sinh Pháp, Đức Phanxicô bảo vệ luật độc thân linh mục, trong khi gần đây có nhiều tiếng nói ủng hộ việc nới lỏng quy tắc này trong Giáo hội la-tinh.

Trong thông điệp, hồng y Parolin đặt đời sống độc thân “vào trung tâm” căn tính của linh mục. Đức Phanxicô khẳng định: “Linh mục là độc thân – và linh mục muốn như vậy – đơn thuần vì Chúa Giêsu là vậy. Yêu cầu độc thân chủ yếu không phải là thần học, mà là thần nghiệm. Trong Tin Mừng có nói: Ai hiểu được thì hiểu!”

Thay mặt giáo hoàng, hồng y Parolin kiên quyết: “Không ai có quyền thay đổi bản chất của chức linh mục và không ai có thể thay đổi nó, ngay cả khi các phương thức thực hiện chức linh mục nhất thiết phải tính đến những phát triển trong xã hội hiện tại và tình trạng khủng hoảng ơn gọi nghiêm trọng mà chúng ta đang trải qua”.

Những lời này đặc biệt gây tiếng vang khi vấn đề này thường xuyên  xuất hiện trong các cuộc tranh luận trong Giáo hội công giáo. Vì thế  trong phần kết luận của Con đường thượng hội đồng Đức kết thúc tháng ba vừa qua đã yêu cầu giáo hoàng “xem xét lại” kỷ luật độc thân đối với các linh mục.

Không có tiến trình “hữu ích”

Ngay trong tháng 10 năm 2019, Thượng hội đồng về Amazon đã bị đánh dấu bởi những tranh cãi về đề xuất phong chức cho những ông đã lập gia đình – ‘viri probati’ – để giải quyết tình trạng thiếu linh mục. Đề xuất được các thành viên hội đồng bỏ phiếu cuối cùng đã không được Đức Phanxicô giữ lại trong Tông huấn Querida Amazonia (2020).

Chủ đề này được nhắc lại một lần nữa trong Thượng Hội đồng tháng 10 gần đây về tương lai Giáo hội. Văn bản dùng làm cơ sở cho công việc đã đặt câu hỏi về khả năng “mở ra một suy tư” về các phương thức “tiếp cận chức linh mục của những ông đã lập gia đình”. Nhưng tài liệu cuối cùng chỉ xem “nghĩa vụ kỷ luật” của đời sống độc thân linh mục là một chủ đề “cần được xem xét thêm”.

Đức Phanxicô đã nói nhiều lần trong triều giáo hoàng của ngài, ngài chưa cảm thấy “sẵn sàng” xem xét lại quy tắc độc thân, đồng thời thừa nhận đó là vấn đề về kỷ luật, có thể được dỡ bỏ. Ngày 1 tháng 11 vừa qua, trên kênh truyền hình đại chúng Ý, ngài không nghĩ có bất kỳ một diễn biến nào là “hữu ích” cho chủ đề này.

Đơn giản, dịu dàng, khó nghèo là phong cách mục vụ

Đức Phanxicô nhận xét: “Dưới mắt nhiều người, chức linh mục đã mất thế giá, quyền lực tự nhiên, và tiếc thay họ còn thấy mình bị bôi nhọ. Vì thế chúng ta không còn dựa trên đó để có được sự tiếp nhận của những người chúng ta gặp. Các chủng sinh phải áp dụng phong cách mục vụ gần gũi, cảm thông, khiêm tốn, quảng đại, kiên nhẫn, dịu dàng, ơn tận hiến cho người khác, đơn sơ và khó nghèo”. Theo ngài, đây là cách khả thi duy nhất để tiến hành công cuộc tân phúc âm hóa, để mọi người đều có cuộc gặp cá nhân với Chúa Kitô. Tóm lại, một linh mục biết “mùi chiên của mình” và là người bước đi với đàn chiên, theo nhịp đi của đàn chiên (Lễ Dầu ngày 28 tháng 3-2013).

Các chủng sinh Pháp tụ họp về Paris: “Lạy Chúa con đây, con xin đến làm theo ý Chúa ”

Hình ảnh của người linh mục “không còn được công nhận”

Trong suốt thông điệp gởi chủng sinh, hồng y Parolin lưu ý ngày nay ở Pháp, “thể chế giáo hội, và cùng với nó là hình ảnh linh mục, không còn được công nhận nữa; dưới mắt đa số, chức linh mục đã mất hết uy tín, hết quyền lực tự nhiên, và đáng tiếc họ còn thấy mình bị bôi nhọ”.

Trong bối cảnh bị coi thường này, hồng y Parolin khuyên các linh mục tương lai nên dấn thân, như Đức Phanxicô đề xuất, vào “một phong cách mục vụ gần gũi, cảm thông, khiêm tốn, quảng đại, kiên nhẫn, dịu dàng, tận hiến bản thân một cách triệt để cho người khác, đơn giản và khó nghèo”. Ngài cảnh báo, đó là “điều cần thiết, nếu không chúng ta sẽ không được tin cậy hoặc được lắng nghe”.

Sự quảng đại và táo bạo của đức tin

Ngài đặc biệt khuyên các chủng sinh không tìm kiếm “thành công lớn trong mục vụ…, tình cảm vô trật tự, tai tiếng, không đi tìm những chức vụ có trách nhiệm lớn lao, không tạo sự nghiệp, cũng không tỏa sáng trước mắt thế gian, không thích thú với những cám dỗ của thế gian”.

Cuối cùng thông điệp của Đức Phanxicô ca ngợi “sự quảng đại và táo bạo trong đức tin” của những người trẻ dấn thân theo ơn gọi linh mục, “bất chấp những thời điểm khó khăn mà Giáo hội và các xã hội thế tục hóa phương Tây đang trải qua”. Trang web của các giám mục Pháp cho biết mỗi năm có khoảng 80 đến 100 tân linh mục được chịu chức ở Pháp. Những ứng viên này được đào tạo trong 25 chủng viện, một số chủng sinh Pháp được đào tạo tại Rôma, gần đền Pantheon.

fr.aleteia.org, I.Media, 2023-12-01

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Nguồn: phanxico.vn

 

bài liên quan mới nhất

Ngày 28/4: Thánh Phêrô Channe – Linh mục, tử đạo (1803-1841)

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng