Chúa Giêsu Thăng Thiên và Đức Maria Lên Trời khác nhau thế nào?

 
CHÚA GIÊSU THĂNG THIÊN VÀ ĐỨC MARIA LÊN TRỜI KHÁC NHAU THẾ NÀO?
 

Không chỉ thay đổi về mặt từ ngữ, mà về cơ bản ý nghĩa của nó cũng khác nhau.

Lịch phụng vụ của Giáo hội Công giáo trình bày hai lễ này với những tên gọi giống nhau và có ý nghĩa tương đồng, nhưng thực chất rất khác nhau: Lễ Chúa Giêsu Thăng Thiên được mừng kính sau lễ phục sinh 40 ngày, và lễ Đức Mẹ Lên Trời được cử hành vào ngày 15 tháng 8.

Trong tiếng La tinh từ Ascensione “Thăng thiên” chỉ dành riêng cho Chúa Giêsu Kitô, nó có nghĩa là “đi lên”: Ngài đã lên trời, đã thăng thiên, tự thân, nghĩa là nhờ quyền năng của Ngài với tư cách là Thiên Chúa.

Với Đức Maria, từ Asumptione, muốn nói rằng : Mẹ “được đưa lên”, “được Thiên Chúa mang đi”. Mẹ được Chúa đưa về trời, không do khả năng của mình mà nhờ quyền năng của Thiên Chúa.

 Tín điều Đức Mẹ Lên Trời minh xác rằng: Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, đã được tôn vinh trọn cả xác hồn, và được đưa về trời sau khi kết thúc cuộc đời trần thế của Mẹ.
Tông hiến Munificentissimus Deus của Đức Giáo hoàng Piô XII ban hành vào ngày 1 tháng 11 năm 1950, đã trình bày cho chúng ta về chân lý đức tin này: “Đức Maria vô nhiễm, Mẹ Thiên Chúa, trọn đời đồng trinh, sau khi chấm dứt dòng đời dưới thế, đã được cất về vinh quang trên trời cả xác hồn”.

Lễ Chúa Giêsu Thăng Thiên

Lễ Chúa Thăng Thiên được cử hành sau lễ Phục sinh 40 ngày, dù thực tế, tại nhiều Giáo hội địa phương, lễ này được chuyển sang ngày Chúa nhật, vì lý do mục vụ, để các Kitô hữu có thể tham dự thánh lễ dễ dàng.

Kinh thánh nói gì

“Nói xong, Người được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa. Và đang lúc các ông còn đăm đăm nhìn lên trời phía Người đi, thì bỗng có hai người đàn ông mặc áo trắng đứng bên cạnh và nói: "Hỡi những người Ga-li-lê, sao còn đứng nhìn lên trời? Đức Giê-su, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời" (Cv 1,9-11).

Ý nghĩa

Trong Lễ Thăng Thiên, một phần của Mùa Phục sinh, Chúa Giêsu rời bỏ các tông đồ, nhưng chỉ theo nghĩa hữu hình : dù vậy, giờ đây Ngài vẫn luôn sẵn sàng tiếp bước với Giáo hội; Chúa vẫn tiếp tục hiện diện, cách vô hình, để hành động nơi Giáo hội. Hơn nữa, sự ‘chia ly’ chỉ là tạm thời, bởi vì Chúa Giêsu sẽ trở lại.
Trở về với Cha, Chúa Giêsu kết thúc sự tồn tại dưới phương diện nhân loại, đồng thời Ngài vượt qua sự phân chia giữa Trời và Đất: Ngài rời đi, nhưng chính xác là Ngài về Thiên đàng trước chúng ta, qua đó xác nhận rằng Thiên đàng là đích điểm của chúng ta. Bản tính con người, được Ngôi Lời nhập thể trong thân phận nghèo khó đưa về Trời và được tôn vinh.

Nguồn lịch sử

Các Tin mừng nói rất ít về sự kiện Chúa Thăng thiên: Tin mừng Matthêô và Gioan kết thúc các trình thuật bằng cuộc hiện ra của Chúa Giêsu sau Phục sinh; Thánh Marcô dành đoạn văn cuối cùng để nói về sự kiện này, trong khi Luca mô tả rất rõ ràng, chủ yếu trong sách Công vụ Tông đồ. Trong sách này, thánh sử Luca cho biết về con số 40 ngày sau Phục sinh – một con số rất tượng trưng trong toàn bộ Kinh thánh – Chúa Giêsu đưa các tông đồ đến Bêtania, lên núi Cây dầu, Ngài chúc lành cho họ và nói chuyện với họ trước khi về Trời. Trong diễn từ này Chúa Giêsu xác nhận lời hứa ban Chúa Thánh Thần, Ngài sẽ không để các ông mồ côi, và báo trước sự trở lại lần thứ hai của mình vào ngày sau hết.

Nguồn gốc của lễ trọng

Sử gia Eusebio thành Cesarea và Egeria đã làm chứng rằng : Lễ Thăng Thiên được mừng kính trong Giáo hội vào những thế kỷ đầu. Ngay từ đầu, lễ này được cử hành cùng với lễ Ngũ Tuần, nhưng chúng ta biết rằng, giữa thế kỷ V và VI hai lễ này đã được tách ra, bởi vì có những bài giảng của thánh Gioan Crisostomo và thánh Augustinô dành riêng cách đặc biệt cho lễ Thăng Thiên.

"Bên hữu Chúa Cha"

Trong các Tin mừng có những đoạn trong đó Chúa Giêsu cho biết trước những gì sẽ xảy ra trong ngày Ngài về Trời. Chẳng hạn, trong đêm Tiệc ly, Chúa nói rằng : “sẽ về cùng Cha”.

Thành ngữ “bên hữu Chúa Cha” ám chỉ đến vị trí danh dự của Con Thiên Chúa, bên cạnh vinh quang vĩnh cửu của Cha. Nếu Chúa Giêsu không trở về với Cha thì sẽ không có ơn cứu chuộc nào dành cho con người : bằng cách trở về với Cha, Ngài hoàn tất sự Phục sinh và gửi Thánh Thần An ủi đến cho thế giới.

G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ từ aleteia

(Nguồn: gpquinhon.org)

bài liên quan mới nhất

Ngày 09/10: Thánh Điônysiô, Giám mục và các bạn tử đạo; Thánh Gioan Lêônarđô, linh mục

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng