Ta đến để cho Con được sống mỗi ngày mỗi sung mãn hơn

Trong bài luận đầu tiên của chúng ta, chúng ta đã nói về cách Chúa Giêsu muốn ban cho chúng ta nhiều hơn là sự tha thứ tội lỗi và niềm hy vọng lên thiên đàng. Chúng ta đã thấy làm thế nào chúng ta có thể trở nên giống như Chúa Giêsu. Trong bài tiểu luận này, chúng ta muốn xem xét một số ân huệ đáng kinh ngạc mà Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta vì cái chết và sự phục sinh của Người. Chúng ta muốn đảm bảo rằng chúng ta không bỏ lỡ bất cứ ân huệ nào trong số đó.

Ân Huệ (Quà Tặng) 1Một mối tương quan sống động. Bạn có nhớ câu chuyện dụ ngôn của Chúa Giêsu về người thu thuế và người Pharisêu không? Người Pharisêu cầu nguyện rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không giống như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình hay như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con” (Lc 18,11-12). Người Pharisêu này là người Do Thái không tốt sao. Thực tế, ông là một người Do Thái trung thành, nhưng ông đang dùng một cách tiếp cận (với Chúa) bằng một “danh sách kiểm tra” về đức tin của ông. Ông chắc chắn rằng ông đã làm những gì ông nghĩ rằng Thiên Chúa mong đợi ở ông. Ông nghĩ nếu ông có thể đáp ứng những yêu cầu đó, ông sẽ được công chính và đẹp lòng Chúa.

Trong khi đó, người thu thuế đã có một lời cầu nguyện đơn giản hơn nhiều: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18,13). Anh biết rằng anh đã xúc phạm đến Thiên Chúa. Và anh cầu xin sự tha thứ để mối tương quan của anh với Chúa có thể được hồi phục.

Đó là chìa khóa. Cuộc sống Kitô hữu không phải nói về một danh sách kiểm tra; nó nói về một mối tương quan. Chúng ta không nói với con cái của chúng ta: “Ừ, hôm nay mẹ đã dẫn con đến trường và chắc chắn rằng con đã làm bài tập về nhà khi con về nhà. Và mẹ đã cho con ăn tối và cho con đi ngủ. Mẹ phải là một người mẹ tốt”. Với tư cách là cha mẹ, chúng ta làm tất cả những việc đó và chúng ta còn làm nhiều hơn thế nữa. Chúng ta yêu thương con cái của chúng ta, chúng ta cho chúng thấy tình cảm và lắng nghe chúng. Chúng ta khuyến khích họ và chúng ta chỉ cho họ cách sống đúng đắn. Hơn bất cứ điều gì khác, chúng ta cầu nguyện cho họ.

Thế đó, với Chúa chỉ đơn giản thế thôi. Dĩ nhiên, chúng ta cần phải tuân theo mệnh lệnh của Thiên Chúa. Điều đó có nghĩa là trở thành môn đệ của Chúa Giêsu, vì thế đây là những điều chúng ta nên làm. Nhưng Thiên Chúa muốn có một mối tương quan với chúng ta, một mối tương quan có ảnh hưởng đến chúng ta mỗi ngày. Và với tư cách là Cha của chúng ta, Chúa muốn nói rõ ràng Người làm cho chúng ta nhiều hơn những gì chúng ta có thể làm cho Người!

Giống như một người chồng và người vợ chia sẻ những gì trong tâm trí của họ, bao gồm cả những cuộc chiến đấu và niềm vui của họ, vì thế Thiên Chúa muốn chúng ta chia sẻ với Người bất cứ điều gì trong tâm hồn chúng ta. Thiên Chúa muốn chúng ta đến với Người kể cả khi chúng ta đã phạm tội để nhận được lòng thương xót của Người. Và khi chúng ta đối diện với nhiều thử thách của cuộc sống, Chúa muốn ban cho chúng ta tất cả ân sủng, bình an và sự khôn ngoan mà chúng ta cần để đối phó với những thử thách ấy. Cuộc sống Kitô hữu là nói về một mối tương quan của tình yêu. Chính Chúa Giêsu nói rằng Chúa gọi chúng ta là bạn của Chúa (x.Ga 15,14-15) và nhờ tình bạn của chúng ta với Chúa, chúng ta trải nghiệm được sức mạnh của Chúa không chỉ để tha thứ cho tội lỗi của chúng ta mà còn làm cho chúng ta tràn đầy niềm vui và sự bình an của Chúa, không quan trọng những gì đang xảy ra xung quanh chúng ta

Ân Huệ (Quà Tặng) 2Một tình yêu làm cho chúng ta có khả năng để yêu thương. Dụ ngôn của Chúa Giêsu về người Samaritanô tốt lành cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa muốn các môn đệ tiếp cận với những người khác bằng tình yêu. Vị tư tế và ông Lêvi, cả hai đều là người Do Thái trung thành, đi ngang qua một người bị thương nằm bên vệ đường. Chính người Samaritanô, một người có vẻ như ít liên kết nhất với Thiên Chúa, lại là người có trái tim trắc ẩn và là người đã chăm sóc người bị thương kia (x. Lc 10,29-37). Đức tin của ông một cách nào đó đã cho ông sức mạnh để ông thể hiện tình yêu thương nơi mà những người khác đã không làm được.

Nơi nào chúng ta tìm thấy sức mạnh để yêu thương những người khác, kể cả những người khó yêu thương nhất? Trong sự hiện diện của Thiên Chúa dấu yêu của chúng ta. Chúng ta tìm thấy điều đó trong Thánh Lễ, trong giờ chầu Thánh Thể và trong nhóm những người bạn tốt. Qua tất cả những con đường này và nhiều hơn nữa, Thiên Chúa tuôn đổ tình yêu của Người vào chúng ta để trái tim chúng ta trở nên dịu hiền với người khác. Sau đó, chúng ta sẽ cảm thấy bắt buộc phải chia sẻ tình yêu đó với họ.

Một ngày nọ trong kỳ đi nghỉ, Carole đi dạo lúc sáng sớm trên bãi biển. Khi chị đang cầu nguyện và tạ ơn Chúa vì một ngày đẹp trời, chị đã nhìn thấy một người phụ nữ khác đang ở một mình. Carole đã không muốn gián đoạn lời cầu nguyện của mình, nhưng chị cảm thấy Thiên Chúa dường như muốn chị đến gặp người phụ nữ này và bắt đầu một cuộc trò chuyện. Mặc dù miễn cưỡng, chị tiếp cận người phụ nữ và nói xin chào. Khi họ trò chuyện, người phụ nữ kia chia sẻ rằng chị đã đến vực nước một mình để suy nghĩ về một số vấn đề của gia đình mà chị đang phải vật lộn. Carole đề nghị cầu nguyện với chị. Người phụ nữ chấp nhận và trước khi họ rời đi, người phụ nữ nói với Carole: “Bây giờ, tôi biết tại sao tôi đến đây sáng nay. Chị là sứ giả của Thiên Chúa, được gửi đến để khuyến khích tôi!”

Carole giống như người Samaritanô. Chị vẫn mở lòng để nghe tiếng nói nhỏ, thì thầm của Thiên Chúa, đang mời gọi chị hãy nói chuyện với người phụ nữ kia. Và Chúa đã dùng Carole để cho người phụ nữ này biết rằng Chúa sẽ ở bên chị khi chị khám phá ra những vấn đề đang gây phiền phức cho chị.

Ân Huệ (Quà Tặng) 3Anh chị em trong Chúa Kitô. Chúa Giêsu không chỉ muốn chúng ta có mối tương quan với Người; Chúa cũng muốn chúng ta có những mối tương quan trao ban sự sống cho nhau. Những tình bạn này có thể giúp chúng ta lớn lên và vững mạnh trong đức tin và nâng đỡ chúng ta trong những lúc khó khăn. Dĩ nhiên, phải mất một số nỗ lực để tìm kiếm và xây dựng các loại kết nối này, nhưng đó là một phúc lành lớn khi nó xảy ra!

Jack là một người chồng và người cha tốt, người đã làm việc chăm chỉ trong những năm qua để lo cho vợ con. Mỗi Chúa nhật, anh đi lễ cùng gia đình, nhưng anh cảm thấy như thể anh không có nhiều thời gian để làm quen với các anh chị em giáo dân trong cùng giáo xứ của anh. Mặc dù anh và vợ ngồi trong cùng một khu vực của nhà thờ mỗi tuần, Jack vẫn không thể nhớ hầu hết tên của họ cho đến lúc có dấu hiệu của sự bình an.

Tất cả đã thay đổi khi một người hàng xóm mời Jack đến dự một bữa điểm tâm hàng tuần mà một số người đàn ông trong giáo xứ đang bắt đầu. Jack quyết định với cảm giác đi vì bổn phận. Nhưng những gì bắt đầu như một cuộc viếng thăm trước đó đã phát triển thành một cam kết hàng tuần mà hiếm khi anh bỏ lỡ. Jack đánh giá cao cách những người đàn ông có thể chia sẻ về đức tin và việc cầu nguyện, cũng như các vấn đề bóng đá và nuôi dạy con cái. Tình bạn mới bắt đầu phát triển và anh bắt đầu cảm thấy thân tình hơn khi đến tham dự Thánh lễ vì anh sẽ thường xuyên gặp những người bạn mới của mình ở đó. Vì họ, giáo xứ của anh cảm thấy giống như một gia đình hơn là một tổ chức.

Vài tháng sau đó, vợ của Jack, được chẩn đoán mắc bệnh ung thư. Anh nhớ lại: “Đó là một thời gian khó khăn nhưng ân phúc”. Thật khó khăn vì nỗi buồn khi thấy vợ phải chiến đấu và cuối cùng phải chịu thua căn bệnh của mình. Nhưng cũng thật hạnh phúc vì sự hỗ trợ mà anh nhận được từ những người bạn mới. Họ đã giúp tổ chức bữa ăn cho Jack và vợ của anh, và họ bắt đầu cầu nguyện với anh để xin Chúa ban sức mạnh và sự an ủi.

Jack nói: “Tôi cảm thấy như thể Chúa đang yêu tôi thông qua những người đàn ông này. Tôi thực sự rất nhớ vợ, nhưng tôi không cảm thấy như thể tôi chỉ còn lại một mình. Vì tôi có nhóm bạn này và tôi có giáo xứ của tôi. Những người này đã trở thành anh em thực sự trong Chúa Kitô và tình bạn của họ đã giúp tôi đối diện với sự đau buồn và cô đơn bằng đức tin hơn là tức giận. Tôi rất biết ơn vì tôi không bước đi một mình”.

Theo nhiều cách, đức tin của chúng ta mang tính cá nhân. Thiên Chúa yêu thương chúng ta như những cá thể độc nhất. Nhưng đức tin của chúng ta cũng là chung (mang tính cộng đồng). Chúng ta đều là thành viên của Giáo Hội, Thân Thể của Chúa Kitô. Tất cả chúng ta là một phần của một dân tộc mà Thiên Chúa đã kêu gọi cho chính Chúa. Hơn nữa, tình bạn của chúng ta với Chúa Kitô đã đưa chúng ta vào sự hiệp thông của tình yêu tồn tại trong Ba Ngôi. Chính sự hiệp thông này giúp chúng ta tận hưởng tình bạn sâu sắc với nhau.

Khi chúng ta nghĩ lại về cuộc sống của chính mình, thường có một người khác là chất xúc tác cho sự cam kết sâu sắc hơn của chúng ta đối với Chúa. Có lẽ cách họ nói về Chúa Giêsu và tình yêu của Người khiến chúng ta nghĩ rằng họ có niềm tin mạnh hơn nhiều so với điều mà chúng ta nhận ra. Hoặc có thể họ mời chúng ta tham dự Thánh Lễ hoặc một buổi cầu nguyện hoặc học hỏi Kinh Thánh. Khi chúng ta biết họ, cuộc sống của chúng ta bắt đầu thay đổi. Chúng ta nhận ra rằng chúng ta có thể có một tình bạn gần gũi hơn với Chúa Giêsu. Có lẽ chúng ta cũng đã giúp những người khác nhận ra điều đó.

Nhiều Hơn Nữa. Thiên Chúa có rất nhiều điều dành sẵn cho chúng ta hơn chúng ta có thể tưởng tượng. Chúa muốn có một mối tương quan với chúng ta. Chúa muốn tình yêu của Người tác động đến chúng ta đến mức chúng ta chia sẻ tình yêu đó với mọi người xung quanh. Thậm chí Chúa còn ban cho chúng ta có các anh chị em trong Chúa Kitô mà tình bạn và tấm gương của họ có thể thúc đẩy chúng ta tin tưởng và phó thác vào Chúa nhiều hơn. Khi chúng ta suy ngẫm về sự phục sinh của Chúa Giêsu trong mùa Phục Sinh đầy vinh quang này, chúng ta hãy cố gắng nắm lấy tất cả những ân huệ này. Chúng ta hãy mở lòng mình ra cho sự sống thánh thiêng mà Chúa Giêsu đã đến để ban cho chúng ta.

Theo The Word Among Us
Easter 2019 Issue
Chuyển ngữ:  Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương

bài liên quan mới nhất

Thứ Ba tuần VII Phục Sinh: “Lạy Cha, xin hãy làm vinh hiển Con Cha”

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng