Mối lợi tuyệt vời được biết Chúa

Ngày còn trẻ, tôi thường tự hỏi vì sao Chúa cho tôi một mối lợi tuyệt vời: đó là được biết Đức Giêu-Kitô, Chúa của tôi? (Pl 2, 8) Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.

Các em tôi nói, Chúa của mọi người, Chúa ở khắp mọi nơi, ai muốn biết thì cứ đi tìm để biết, vì sao chị biết, chị cho là mối lợi tuyệt vời rồi nhặng cả lên, gặp ai chị cũng nói tôi thật sung sướng được biết Chúa. Nghe nhiều quá rồi!

Nhưng tôi vẫn cứ nhắc đi nhắc lại, tôi như người đã chết chìm, nay được vớt lên sống lại, vì sao tôi không mừng, không thấy đó là một mối lợi!

Chết chìm, vì ngày xưa, dù làm gì tốt đi chăng nữa, tôi cũng thấy đời phi  lý.

Chết chìm, vì ngày xưa tôi nhìn cuộc đời với cặp mắt bi quan, tuyệt vọng, dù tôi cố gắng xây dựng gia đình, giáo dục con cái nên người.

Chết chìm, vì tôi rơi vào hố thẳm của ham muốn không ngừng.

Chết chìm, vì tôi không biết định hướng cuộc đời, không biết làm gì cho hết ngày giờ dài đăng đẳng trước mặt: vui chơi mãi cũng chán, làm việc hoài cũng không còn hứng.

Tôi cứ thắc mắc hoài, vì sao Chúa cho tôi biết Chúa? Các em tôi cười tôi lẫn tha lẫn thẫn! Ai muốn biết Chúa thì cứ biết, làm như chỉ có một mình chị biết sao!

Các em nói oan cho tôi quá, tôi xin giải thích.

Vì ngày xưa khi chưa biết Chúa, dù làm điều gì tốt, tôi cũng cảm thấy trong lòng bứt rứt không yên tâm, cứ tự hỏi tôi làm như vậy có đúng chưa, làm như vậy là vô ích không, nhưng nay biết Chúa, tôi không còn cảm thấy bất an về những chuyện này. Tôi có một xác quyết: tôi phải làm. Tôi làm và tôi có được bình an.

Vì ngày xưa khi chưa biết Chúa, tôi bi quan, tôi nghĩ chẳng ai có thể thay đổi bản chất ai, vẫn chứng nào tật đó! Nhưng biết Chúa, tôi phải học khiêm tốn, học kiên nhẫn, học hy vọng dù không thấy hy vọng. Tôi luyện, thanh tẩy không phải là việc làm chớp nhoáng nhưng phải kiên trì, kiên trì và kiên trì.

Vì ngày xưa khi chưa biết Chúa, tôi nghĩ với quyết tâm, mình có thể làm đủ mọi chuyện, tôi muốn mọi ham muốn của tôi phải được thỏa mãn ngay, nhưng biết Chúa, tôi hiểu con người có giới hạn, không thể thỏa mãn mọi ham muốn của mình, mọi ham muốn của mình phải đặt vào lòng Thiên Chúa, xin Chúa soi sáng để phân định ham muốn, giữ lại ham muốn tốt để đời mình có một hướng đi.

Câu hỏi vì sao Chúa cho tôi biết Chúa vẫn cứ lẫn quẫn trong đầu tôi, tôi chưa tìm được câu trả lời cho đến ngày 20/02/2000, lúc từ Montréal qua Hawai thăm người em dâu út sinh con đầu lòng, tôi mới tìm ra câu trả lời. Đi một chuyến bay xa như vậy, tôi thường đem sách theo đọc.

Là người có đạo, nhưng tôi chưa khi nào đọc Tân Ước từ đầu đến cuối, những gì tôi biết là nghe cha giảng ngày chúa nhật, bây giờ có dịp đi xa phải dứt khoát đọc! Tôi không đem sách gì ngoài quyển Tân Ước, ngồi bó chân trên trên máy bay, buộc lòng phải đọc! Và tôi giật mình khi đọc chuyện ông Cônêliô, chương 10 sách Công vụ Thánh Phaolô.

Tôi xúc động! Tôi hiểu vì sao Chúa cho tôi biết Chúa! Hóa ra Chúa thương cho tôi biết Chúa, vì tôi đã cầu nguyện và đã biết cứu giúp người nghèo. Câu chuyện của ông Cônêliô:

Ở Xêdarê có ông Conêliô làm đại đội trưởng một cơ đội Ý. Cũng như cả nhà ông, ông là người đạo đức và kính sợ Chúa, ông rộng tay cứu trợ dân và luôn luôn cầu nguyện với Chúa.            

Một hôm vào khoảng giờ chín, trong một thị kiến, ông thấy thiên sứ của Chúa vào nhà ông và nói: “Cônêliô!” Ông nhìn thiên sứ và sợ, ông nói: “Thưa ngài, có việc chi vậy?” Thiên sứ trả lời: “Lời cầu nguyện và việc cứu trợ của ông đã thấu tòa Thiên Chúa, khiến Người nhớ đến ông. Vậy bây giờ ông hãy sai người đi Giaphô mời ông Simôn Phêrô, ông đang trọ ở nhà người thợ thuộc da tên là Simôn ở gần bờ biển”. Khi thiên sứ vừa đi, ông gọi hai người nhà và một người lính đạo đức dưới quyền ông. Ông kể cho họ nghe rồi sai họ đi Giaphô. 

Hôm sau, đang khi họ đi đường và đến gần Giaphô, ông lên sân thượng cầu nguyện; ông thấy đói và muốn ăn. Khi đang dọn ăn thì ông xuất thần. Ông thấy trời mở ra và một vật gì sà xuống như tấm khăn lớn buộc bốn góc đang được thả xuống. Trong đó có mọi giống vật bốn chân và rắn rết sống trên đất, cùng mọi thứ chim trời. Có tiếng bảo ông: ‘Phêrô, đứng dậy làm thịt mà ăn!” Ông trả lời: ‘Lạy Chúa, không thể được, con không bao giờ ăn những đồ ô uế và không thanh sạch’. Lại có tiếng phán lần thứ hai: ‘Những gì Thiên Chúa đã cho là thanh sạch, thì ngươi chớ gọi là ô uế’. Việc ấy xảy ra đến ba lần, và lập tức vật ấy được đưa lên trời.

Ông còn đang phân vân tự hỏi thị kiến này có ý nghĩa gì thì những người ông sai đi đã tìm được nhà ông Simôn, họ đang đứng trước cổng. Họ lớn tiếng hỏi có phải ông Simôn Phêrô ở trọ đây không? Ông Phêrô vẫn còn phân vân về thị kiến, thì Thần Khí bảo ông: ‘Kìa có ba người đang tìm ông. Xuống mà đi với họ vì chính Ta đã sai họ đến’. Ông Phêrô xuống và nói: ‘Tôi đây chính là người các ông đang tìm. Vì lý do nào các ông đến đây?” Họ trả lời: ‘Ông đại đội trường Cônêliô, người công chính, kính sợ Thiên Chúa và được toàn dân do thái chứng nhận là tốt, đã được thiên sứ linh báo là phải mời ông đến nhà, để được nghe các lời ông dạy’.  Ông Phêrô mời họ vào nhà nghỉ lại. 

Hôm sau ông lên đường với họ; có mấy người anh em ở Giaphô cùng đi với ông. Hôm sau nữa, ông vào Xêdarê. Lúc đó ông Cônêliô đang đợi; ông mời thân bằng quyến thuộc đến. Khi ông Phêrô bước vào, ông Cônêliô ra đón và phủ phục bái lạy dưới chân ông. Nhưng ông Phêrô đỡ lên và nói: ‘Xin ông đứng dậy, vì tôi cũng là người phàm’. Thấy có đông người tụ họp ở đó, ông Phêrô nói với họ: “Quý vị biết: giao du hay vào nhà người khác chủng tộc là điều cấm kỵ với người do thái. Nhưng tôi được Thiên Chúa cho thấy, không được gọi ai là ô uế hay không thanh sạch. Vì thế khi được mời, tôi đi mà không chống cãi. Vậy tôi xin hỏi: vì lẽ nào quý vị mời tôi đến?”

Ông Cônêliô trả lời: “Cách đây bốn hôm, vào khoảng giờ này, lúc tôi đang đọc kinh giờ chín, bỗng có người mặc y phục rực rỡ đứng trước mặt tôi, người đó nói với tôi: “Ông Conêliô, Thiên Chúa đã nhận lời cầu nguyện của ông và nhớ đến việc cứu trợ của ông. Vậy ông hãy sai người đi Giaphô mời ông Simôn Phêrô; ông ấy trọ ở nhà ông Simôn người thợ thuộc da ở gần bờ biển. Lập tức tôi sai người đến mời ông, và ông đã có lòng tốt đến đây. Vậy bây giờ tất cả chúng tôi đang ở trước mặt Thiên Chúa, để nghe tất cả những gì Ngài  đã truyền cho ông”.

Khi đó, ông Phêrô nói: “Quả thật, tôi biết rõ Thiên Chúa không thiên vị người nào. Nhưng hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì dù thuộc dân tộc nào, cũng đều được Người tiếp nhận” (Cv 10, 1-35).

“Lời cầu nguyện và việc cứu trợ của ông đã thấu tòa Thiên Chúa, làm cho Ngài nhớ đến ông.

Biết cầu nguyện! Tôi chỉ đi lễ sốt sắng, đọc kinh mỗi ngày! Tôi không nghĩ đó là cầu nguyện, tôi chỉ tìm hiểu những gì người khác nói về Chúa. Tôi chưa đủ kiên nhẫn, đủ trí óc để đọc Thánh Kinh để biết Chúa nói về Chúa như thế nào. Tôi thích những chuyện trái khoáy như: bây giờ chẳng còn ai tin Chúa…Và Chúa kiên nhẫn với tôi, cứ để tôi lang thang, trình độ tôi ngang đâu, Chúa để tôi đọc ngang đó. Đọc nhiều, đọc lâu ngày, thế nào tôi cũng tìm được cái đúng, cái sai trong những chuyện tôi đọc! Và tôi đã kiên trì đọc như thế không biết bao nhiêu năm trời, mỗi đơn vị là mười năm, tôi đọc cũng được vài ba đơn vị! Tôi không nghĩ tôi cầu nguyện sốt sắng, nhưng tôi hiểu Chúa kiên nhẫn với tôi, cứ để tôi đọc, nguyện ngắm suy nghĩ về Chúa theo kiểu của tôi!

Biết cứu giúp người nghèo! Chuyện này thì tôi mang ơn mẹ tôi…Trong những năm 50 của thế kỷ trước, tôi lớn lên trong cảnh nghèo chung chung của đất nước dù gia đình tôi khá giả, nhìn đâu cũng thấy người nghèo, người đi xin hồi đó rất nhiều, mỗi buổi sáng ra sân là đã thấy họ ngồi xếp hàng từ cổng vào nhà…để chỉ nhận một lon gạo! Và nếu có ai báo cho mẹ tôi, họ có biết một người đang túng đói, mẹ tôi nhờ họ đem gạo cho, những trường hợp này mẹ tôi cho nhiều, họ đội một thúng gạo đem đi.

Lớn lên trong cảnh này, tôi đã quen với việc giúp người nghèo. Thấy tôi còn nhỏ đã biết nghĩ đến người nghèo, nhiều người lớn ngạc nhiên, gặp tôi họ nói: “Con còn nhỏ mà đã biết nghĩ đến người nghèo!” Có lẽ họ nghĩ “còn nhỏ thì ăn chưa no lo chưa tới, làm sao nghĩ đến người khác!”

Đọc xong chương trên, tôi giật mình! Hóa ra những việc thương người rất nhỏ của tôi đã được Chúa thương tình nhớ đến! Ngày nay, hình ảnh ông Cônêliô là hình ảnh người hiền từ hay giúp người, giúp vật chất, giúp công nhọc, giúp lắng nghe, thương cảm với những người đang gặp khó khăn. Người đó kiên trì làm… theo lẽ tự nhiên mà không ngờ có ngày Chúa thương tình nhớ đến, cho họ được biết Chúa…

Vì Chúa hiểu tôi hơn tôi hiểu tôi, dù đi tìm những chuyện ‘thiên hạ’ chống Chúa để đọc thì trong chiều sâu vô thức, lòng tôi vẫn gần Chúa, nếu giữa người với người đã dửng dưng thì làm sao sốt sắng với Chúa được? Qua năm tháng, tôi hiểu được câu của Thánh Augutinô: “Cứ yêu thương trước, rồi muốn làm gì thì làm!” Và đặc biệt câu của Thánh Bênađô: “Chỉ có bác ái mới làm hoán cải tâm hồn, vì bác ái làm tâm hồn hành động qua ý chí!” Vì nếu nghĩ được Chúa ban ơn mà không kiên trì làm thì cũng không lâu dài!

Và Chúa đã thương tôi trước…đã cho tôi có mẹ tôi, bổn mạng của bà là Thánh Isave Hungary, vị thánh của người nghèo, tên thánh của tôi cũng Isave, lễ kính ngày 17 tháng 11 và tôi sinh con đầu lòng ngày 17 tháng 11.

Tôi sinh ngày 4 tháng 4 với câu Huấn Ca 4, 4: “Kẻ khốn khó nài xin, con đừng từ chối. Gặp người nghèo con đừng ngoảnh mặt quay đi”. Và câu Tôbia 4, 7: “Với ai nghèo khổ, con đừng ngoảnh mặt làm ngơ”.

Tôi đã được Chúa yêu thương bảo bọc, kiên nhẫn với tôi cho đến ngày tôi học được ở chân phước Carlo đọc dấu chỉ đời mình qua những ngày tháng quan trọng của mình, tôi mới hiểu dù miệng chống Thiên Chúa thì trong chiều sâu vô thức, lòng vẫn gần Ngài, còn nếu giữa người với người đã dửng dưng thì làm sao gần Ngài được.Sống cho hết cuộc đời tôi mới thấm câu: “Cứ tìm nước Chúa trước đi đã!

Marta An Nguyễn

Nguồn: phanxico.vn

 

bài liên quan mới nhất

Đức Thánh Cha dâng lễ Chúa Ba Ngôi với các thiếu nhi

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng