Phật giáo Mông Cổ, mũi nhọn của Đối Thoại Liên Tôn

nhà sư Gabju Choijamts Demberel

Chiếm đa số ở đất nước của Thành Cát Tư Hãn, các Phật tử đã thiết lập mối quan hệ hài hòa từ những năm 1990 với những nhà truyền giáo Công giáo đầu tiên đến nước này. Một tình bạn đã được khẳng định vào Chúa Nhật 3/9/2023 trong cuộc gặp gỡ liên tôn xung quanh Đức Thánh Cha Phanxicô, gần Ulan Bator.

Đó là những dấu quan tâm thể hiện sự tôn trọng sâu sắc của các nhà lãnh đạo Phật giáo đối với Đức Giáo hoàng. Trước khi vào Nhà hát Hun, nằm trên một ngọn đồi gần Ulan Bator, Đức Thánh Cha Phanxicô đã được đồng hành bởi Gabju Choijamts Demberel, người đứng đầu trung tâm Phật giáo Mông Cổ, điều hành tu viện Gandantegchinlin ở thủ đô Mông Cổ, nơi có nhiều tăng sĩ sinh sống. Vào cuối cuộc gặp gỡ, vị sư thầy này đã đảm bảo cho chiếc áo dòng của Đức Giáo hoàng không bị vướng vào xe lăn của ngài. Nhiều lần, nhà sư chắp tay chào Đức Phanxicô và nở nụ cười trên môi.

Đối với các nhà lãnh đạo Phật giáo Mông Cổ, vốn chiếm đa số trong nước (theo cuộc điều tra dân số mới nhất năm 2020, 52% dân số là Phật tử), cuộc gặp gỡ liên tôn này trong chương trình nghị sự chuyến tông du của Đức Thánh Cha là một thời điểm quan trọng để tái khẳng định tình bạn của họ với thiểu số Công giáo.

Con đường tình bạn đã rất lâu đời

La người đầu tiên phát biểu với Đức Thánh Cha khi bắt đầu cuộc gặp gỡ liên tôn, nhà sư giải thích: “Tôi tin rằng mặc dù các tôn giáo lớn trên thế giới như Phật giáo, Kitô giáo, Hồi giáo và Ấn Độ giáo khác nhau về mặt triết học trong thế giới quan của họ, nhưng chúng ta có những lời cầu nguyện và hoạt động chung cho cùng một mục tiêu – hạnh phúc của nhân loại”.

Đối với Đức Hồng y Giorgio Marengo, Phủ doãn Tông Tòa Ulan Bator, kinh nghiệm về tình bạn và sự hợp tác giữa các truyền thống tôn giáo khác nhau, bắt đầu từ Phật giáo “cho thấy rằng mọi truyền thống tôn giáo đích thực đều đóng góp theo cách riêng của mình cho sự phát triển của xã hội”.

Nhà sư Altenkhu, đến từ tu viện Gandantegchinlin, có mặt tại cuộc gặp gỡ, tâm sự: “Đối thoại liên tôn là rất quan trọng, để hiểu chúng ta và củng cố mối liên kết của chúng ta”. Đối với ngài, “Giáo hội Công giáo là động lực phát triển đối thoại liên tôn trên thế giới”.

Cuộc đối thoại được củng cố

Từ hai năm nay, các cuộc gặp gỡ đối thoại liên tôn và chung sống với các nhà lãnh đạo Phật giáo đã diễn ra hai tháng một lần ở Mông Cổ, trong khi trước đây chúng diễn ra cách xa nhau hơn. Một dấu hiệu của cuộc đối thoại này được thực hiện từng bước giữa các nhà truyền giáo Công giáo và các tăng sĩ Tây Tạng “đội mũ vàng”, đặc trưng của trường phái Gelupa. Nhà sư Altenkhu nhớ lại những nhà truyền giáo Công giáo đầu tiên đã đến Mông Cổ vào những năm 1990, đặc biệt là Đức cha Wencesclas Padilla, vị Phủ doãn Tông Tòa đầu tiên của Ulan Bator vào năm 2002.

Trong lễ tấn phong giám mục một năm sau đó, ngài giải thích: “Mối ưu tiên là có mối quan hệ tốt đẹp với mọi người, không phân biệt kỳ thị, bằng cách làm chứng cho tình yêu của Chúa Kitô đối với các Phật tử, với các Kitô hữu khác, với người Hồi giáo và với tất cả người dân Mông Cổ”.

Tý Linh chuyển ngữ

(theo Olivier Bonnel, Vatican News)

Nguồn: xuanbichvietnam.net

bài liên quan mới nhất

Lễ Đức Mẹ Mân Côi: “Thiên Thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai”

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng