Suy tư Tin Mừng Chúa Nhật VI Phục Sinh, năm B: “Ở lại trong tình thương của Thầy”


Các bạn thân mến!

Chúng ta hay nói Đạo Công Giáo là đạo yêu thương. Điều này rất đúng. Tuy nhiên nếu bạn tự hỏi, đâu là cơ sở, nền tảng, nội dung và ý nghĩa của Đạo này thì có lẽ câu trả lời sẽ rõ ràng hơn. Thiết nghĩ mối liên hệ năng động giữa Chúa Cha, Thầy và anh em trong tình yêu, ở lại và giữ lời là điều căn cốt làm nên giá trị của Đạo Công Giáo.

Trước hết Chúa Giêsu khẳng định rất rõ mối liên hệ giữa Chúa Cha, Thầy và anh em. Mối tương quan này thể hiện hai chiều giữa tình yêu và giữ lời. Chiều ở trên đi xuống đó là tình yêu. “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy”[1]. Tình yêu của Chúa Cha dành cho Thầy vừa là tương quan phụ thuộc vừa là tương quan khuân mẫu. Tình yêu của Thầy dành cho anh em như chính tình yêu của Chúa Cha dành cho Thầy. Tình yêu của Cha dành cho Thầy mang lại sức sống cho Thầy và là khuân mẫu cho tình yêu của Thầy với anh em. Như thế tình yêu của anh em với nhau phải được quy chiếu từ tình yêu của Thầy và Cha. Chiều ở dưới đi lên đó là việc giữ lời”. 10Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người”[2]. Khi anh em giữ điều răn của Thầy thì anh em được ở lại trong tình yêu của Thầy như cách Thầy đã giữ các điều răn của Cha và ở lại trong tình yêu của Người. Thực ra việc giữ điều răn và ở lại trong tình yêu chỉ là một vì nội dung của giới răn chính là sống trong tình yêu. Tình yêu từ trên xuống sẽ là tiêu chuẩn và khuân mẫu cho tình yêu từ dưới lên.

Thứ đến, Chúa Giêsu chỉ cho người môn đệ con đường để có được niềm vui đích thực là ở lại trong tình thương của Thầy. “Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy”. Đây là một điệp khúc mà Chúa Giêsu tha thiết mời gọi các môn đệ. Lời mời gọi của Đức Kitô mở ra cho bạn ba khía cạnh: bản tính của Thiên Chúa, con đường và điều kiện để có được hạnh phúc. Trước hết là bản tính Thiên Chúa. Thiên Chúa là tình yêu và bản tính của tình yêu là nên một cho nên Chúa Giêsu muốn các môn đệ hãy ở lại trong tình thương của Ngài. Thứ đến, Đây là con đường để giúp các môn đệ có được niềm vui thực sự vì người môn đệ không thể tìm thấy niềm vui đích thực bên ngoài mối tương quan ở lại trong tình yêu của Thầy. Cuối cùng, đây là điều kiện để có được niềm vui trọn vẹn. Chúa Giêsu nói với các môn đệ. 11Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn”[3]. Khi bạn và tôi chấp nhận ở lại trong tình yêu của Thầy thì bạn và tôi mới hưởng được niềm vui từ Thầy và niềm vui của bạn và tôi mới nên trọn vẹn. “Anh em không thể sinh hoa trái nếu không ở lại trong Thầy”[4].  

Cuối cùng chính trong tương quan tình yêu thân thiết ở lại giữa Cha, Thầy và anh em mà anh em được mời gọi sống tương quan liên vị.“Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”[5]. Khi nói đến điều răn, bạn hay nghĩ đến một nguyên tắc bên ngoài áp đặt lên đời sống của bạn. Tuy nhiên bạn nên nhớ rằng đây không phải là điều áp đặt từ bên ngoài nhưng đây là lối sống và khi bạn đi trên con đường này, lối sống này bạn trở thành một với đối tượng mà bạn mong muốn bước theo và chính đối tượng đó biến đổi đời sống các bạn. Nói cách khác, điều răn, con đường và nội dung chỉ là một vì tất cả đều quy về Đức Kitô. Yêu thương như Thầy là sống như Thầy đã sống, là chết cho người mình yêu và trao ban sự sống cho anh chị em mình. Yêu mến như Thầy được cụ thể hóa bằng bốn yếu tố: hy sinh cho bạn hữu, thay đổi tương quan, mặc khải điều bí nhiệm và trao ban sứ mạng. Chính Chúa Giêsu đã khẳng định: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”[6]. Đức Kitô đã yêu mến và hy sinh tính mạng vì bạn và tôi để rồi khi cảm nghiệm được tình yêu trao hiến đó, bạn và tôi được mời gọi đáp lại cùng một điều mà vì đó chính Ngài đã chết cho bạn và tôi. Chính ở điểm này mà bạn và tôi hiểu thế nào là “tình yêu đáp đền tình yêu”. Đồng thời chính nhờ tình yêu của Thầy dành cho các môn đệ mà tương quan của Thầy và các môn đệ bị thay đổi. “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nhưng gọi anh em là bạn hữu”.

Nhờ tương quan với Thầy mà phẩm vị của tôi được biến đổi. Chính tương quan của bạn và tôi với Thầy làm thay đổi tương quan của chúng ta. Chúng ta không còn là tôi tớ nhưng là bạn hữu của Chúa. Cũng thế, yếu tố thiết yếu làm nên tương quan bạn hữu là sự mạc khải điều bí nhiệm. “Tất cả những điều Thầy biết nơi Cha Thầy, Thầy cho anh em biết”. Chúa Giêsu mặc khải những điều sâu kín nhất về tương quan của Ngài với Chúa Cha cho các môn đệ và chính khi bước vào tương quan sâu kín đó mà người môn đệ hiểu biết được ý nghĩa của việc trở nên “bạn hữu của Chúa”. Cuối cùng, ơn gọi của người môn đệ trước hết và trên hết là xuất phát từ Chúa. “Không phải anh em đã chọn Thầy nhưng chính Thầy đã chọn anh em và cắt cử anh em ra đi để anh em sinh nhiều hoa trái”. Ơn gọi là món quà nhưng không trước hết đến từ Thầy. Thầy đã yêu mến, tin tưởng và chọn gọi anh em để anh em ra đi làm chứng cho tình yêu của Thầy.

Sinh nhiều hoa trái là làm cho tình yêu Chúa đụng chạm đến mọi phạm vi của cuộc sống con người và dẫn con người đến tận nguồn ơn cứu độ. Một mặt bạn được mời gọi để cho dòng chảy của tình yêu và sự sống của Thiên Chúa đụng chạm và biến đổi đời sống của mình. Mặt khác bạn được mời gọi trở nên bí tích tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Chính trong dòng chảy của tình yêu và trao ban sự sống của Chúa Cha, Thầy và anh em mà người môn đệ được mời gọi sinh hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy.

Lm Gioan Phạm Duy Anh, SJ

[1]Ga 15, 9

[2]Ga 10, 10

[3]Ga 10, 11

[4]Ga 15, 4

[5]Ga 15, 12

[6]Ga 15, 13

 

bài liên quan mới nhất

Tòa Thánh: Quyền tự do của Giáo hội tại Việt Nam vì thiện ích của toàn xã hội

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng