Chiều thứ Sáu, ngày 08/3, Đức Thánh Cha đã chủ sự nghi thức thống hối trong bối cảnh sáng kiến “24 giờ cho Chúa” tại giáo xứ Thánh Piô V ở Rôma. Trong bài giảng ngài nói Bí tích Hoà giải không phải là một thực hành đạo đức, nhưng là nền tảng của đời sống Kitô hữu; không phải là vấn đề biết cách nói rõ tội, nhưng nhìn nhận mình là tội nhân và lao mình vào vòng tay của Chúa Giêsu chịu đóng đinh để được giải thoát; không phải là một cử chỉ luân lý, nhưng là sự phục sinh của tâm hồn.
Đây là lần thứ 11 sáng kiến “24 giờ cho Chúa” được cử hành. Vào lúc 4 giờ 15 phút chiều, từ Nhà trọ Thánh Marta, Đức Thánh Cha đến giáo xứ và chủ sự nghi thức thống vào lúc 4 giờ 30 chiều.
Sau phần phụng vụ Lời Chúa, ngài bắt đầu bài giảng với đoạn thư của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma: “Vì được dìm mình vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6, 4).
Đời sống mới được sinh ra từ Thánh tẩy
Đức Thánh Cha giải thích “đời sống mới” là một đời sống được sinh ra từ Bí tích Thánh tẩy, chúng ta được dìm mình trong cái chết và phục sinh của Chúa Giêsu và điều này làm cho chúng ta trở thành con Chúa mãi mãi, những người con của sự phục sinh, hướng đến sự sống đời đời.
Thánh Phaolô liên kết đời sống mới với động từ bước đi. Như vậy, đời sống mới bắt đầu từ Thánh tẩy, là một con đường. Và với thời gian bước đi trên hành trình này, có lẽ chúng ta đã đánh mất tầm nhìn về cuộc sống thánh thiện tuôn chảy bên trong. Chúng ta tìm kiếm những nhu cầu mới lạ, nhưng chúng ta quên rằng đã có một đời sống mới đang chảy trong chúng ta và giống như than hồng dưới lớp tro đang chờ đợi để bùng lên ngọn lửa chiếu sáng mọi thứ.
Tro này lắng đọng trong tim che giấu vẻ đẹp khỏi tầm nhìn của tâm hồn. Rồi Thiên Chúa, trong đời sống mới là Cha đến với chúng ta. Thay vì phó thác, chúng ta lại mặc cả với Người, thay vì yêu mến chúng ta lại sợ hãi Người. Và với người khác, thay vì là anh chị em, là con của cùng một Cha, lại là những trở ngại và đối thủ: những khuyết điểm của họ dường như bị phóng đại và điều tốt nơi họ lại bị che khuất.
Thực tế, chúng ta không còn có thể nhìn thấy rõ chính mình bên trong, cảm thấy có một sức mạnh không thể ngăn cản làm điều ác mà chúng ta muốn tránh. Một vấn đề cho tất cả mọi người như Thánh Phaolô đã thú nhận “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự xấu tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (Rm 7, 19). Điều này cho thấy chúng ta vẫn đang đi trên con đường, chúng ta cần một dấu chỉ mới, một hướng đi giúp chúng ta tái khám phá con đường Thánh tẩy, vẻ đẹp ban đầu của chúng ta.
Đón nhận sự tha thứ của Chúa để tiếp tục bước đi
Đức Thánh Cha chỉ cách để tiếp tục hành trình đời sống mới: sự tha thứ của Chúa. Sự tha thứ của Chúa làm cho chúng ta trở nên mới. Người thanh tẩy chúng ta từ bên trong, làm cho chúng ta trở lại tình trạng được tái sinh trong Bí tích Thánh tẩy. Hiệu quả của ơn tha thứ của Chúa: Trả lại cho chúng ta một đời sống mới và một cái nhìn mới. Nhưng để điều này xảy ra chúng ta cần phải đến với Chúa với tâm hồn rộng mở và thống hối, như người mắc bệnh phong trong Tin Mừng đã xin Chúa “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch” (Mc 1, 40). Trong những ngày này chúng ta cần phải lặp lại điều này “Lạy Chúa, nếu Chúa muốn, Chúa có thể thanh tẩy con”.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Chúa muốn điều này, bởi vì Chúa muốn chúng ta được đổi mới, tự do và cảm nhận sự nhẹ nhàng nội tâm, hạnh phục và bước đi, chứ không phải dừng lại trên những con đường cuộc sống. Chúa biết chúng ta dễ dàng vấp ngã, và muốn nâng chúng ta đứng dậy”.
Không từ chối ơn tha thứ của Chúa
Theo Đức Thánh Cha, chính vì điều này mà chúng ta không bao giờ được từ chối ơn tha thứ của Chúa, từ chối Bí tích Hoà giải. Đây không phải là một thực hành đạo đức, nhưng là nền tảng của đời sống Kitô hữu; đó không phải là vấn đề biết cách nói rõ tội, nhưng nhìn nhận mình là tội nhân và lao mình vào vòng tay của Chúa Giêsu chịu đóng đinh để được giải thoát; đó không phải là một cử chỉ luân lý, nhưng là sự phục sinh của tâm hồn. Vì thế, chúng ta hãy đi đón nhận sự tha thứ của Chúa.
Kết thúc bài giảng, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người đón nhận đời sống mới, bằng cách đến với toà giải tội, thú nhận với Chúa những gì cũ kỹ trong tâm hồn mỗi người. Đó là phong cùi của tội lỗi đã làm hoen ố vẻ đẹp của chúng ta.
Xin ơn thanh tẩy
Đức Thánh Cha cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, nếu Chúa muốn, Chúa có thể thanh tẩy con! Từ việc nghĩ rằng con không cần Chúa mỗi ngày: Lạy Chúa Giêsu, nếu Chúa muốn, Chúa có thể thanh tẩy con! Từ việc nghĩ rằng con không cần Chúa mỗi ngày: Lạy Chúa Giêsu, nếu Chúa muốn, Chúa có thể thanh tẩy con! Từ việc sống bình yên với sự dối trá của con, không tìm kiếm con đường dẫn đến tự do trong sự tha thứ của Chúa: Lạy Chúa Giêsu, nếu Chúa muốn, Chúa có thể thanh tẩy con! Khi những ý định tốt không được thực hiện trong thực tế, khi con trì hoãn việc cầu nguyện và gặp gỡ Chúa: Lạy Chúa Giêsu, nếu Chúa muốn, Chúa có thể thanh tẩy con! Khi con đối diện với sự ác, bất lương, giả dối, khi con phán xét người khác, khinh thường và nói xấu họ, phàn nàn về mọi người và mọi thứ: Lạy Chúa Giêsu, nếu Chúa muốn, Chúa có thể thanh tẩy con! Và khi con chỉ hài lòng với việc không làm điều xấu, nhưng con lại không làm điều tốt bằng cách phục vụ trong Giáo hội và xã hội: Lạy Chúa Giêsu, nếu Chúa muốn, Chúa có thể thanh tẩy con! Vâng, lạy Chúa Giêsu, con tin Chúa có thể thanh tẩy con, con tin con cần sự tha thứ của Chúa. Xin đổi mới con và con sẽ lại bước đi trong một cuộc sống mới.
Nguồn: vaticannews.va