Suy Niệm Chúa Nhật XV Thường Niên – Năm B

NHƯ CHA SAI THÀY: ĐTGM Giuse Vũ Văn Thiên
Đức Giêsu là Đấng Thiên sai. Tại Hội đường Nagiaréth, khi về thăm quê và đọc Lời Chúa ngày Sabát, trước sự ngỡ ngàng của những người đồng hương, Chúa đã xác quyết Người là Đấng Thiên sai, khi tuyên bố: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh mà quý vị vừa nghe” (x. Lc 4, 16-22). Khi còn ở trần gian, Chúa Giêsu mời gọi mọi người cộng tác với sứ vụ thiên sai của Người. Người đã chọn gọi các môn đệ, đào tạo các ông và sai các ông lên đường để loan báo Tin Mừng cứu độ. “Như Cha sai Thày, Thày cũng sai anh em!”, Chúa Giêsu đã nói như thế khi sai các môn đệ. Noi gương Thày mình, các ông nhiệt thành lên đường. Sau khi Chúa Giêsu về trời, nhờ những vị thừa sai đầu tiên này mà Tin Mừng như một dòng chảy nhanh chóng lan toả đến mọi miền thế giới.

Những người được chọn và sai đi không hẳn là người uyên bác tài giỏi. Ngôn sứ Amos đã thú nhận: tôi không phải dòng dõi ngôn sứ, mà chỉ là một người chăn chiên bò và chuyên đi hái sung, nhưng Chúa đã chọn và gọi tôi và nói: ‘Ngươi hãy đi nói tiên tri cho dân Israel của Ta’. Sống ở thế kỷ thứ VIII trước Công nguyên, vào thời Nam Bắc phân tranh, Amos là người phía Bắc. Ông là vị ngôn sứ của người nghèo. Giáo huấn của ông gồm những lời phê phán mạnh mẽ những người giàu có bóc lột dân nghèo. Ông cũng kêu gọi dân chống bạo lực, gian dối, mời gọi họ trung thành với Chúa. Như thế, sự khôn ngoan can đảm nơi các ngôn sứ đến từ Chúa. Ngài sai các ông đi và hướng dẫn cho các ông những điều các ông rao giảng. Các ngôn sứ là người chuyển tải ý muốn của Chúa. Lời rao giảng của các ông vừa là lời động viên khen ngợi, nhưng cũng là những lời phê bình chỉ trích và đôi khi lên án quyết liệt những hành vi và lối sống sa đoạ của dân. Ngôn sứ không nhằm làm hài lòng con người và chiều theo những khuynh hướng đam mê của họ, nhưng là làm vừa lòng Thiên Chúa và giữ gìn kỷ cương trật tự.

Như Chúa đã sai các môn đệ, hôm nay Người cũng sai chúng ta, là những người tín hữu, nam cũng như nữ, giàu cũng như nghèo. Tất cả mọi tín hữu đều có ơn gọi thừa sai, loan truyền Danh Chúa trong mọi hoàn cảnh, phù hợp với bậc sống và điều kiện của mình. Thánh Phaolô đã nói lên vinh dự cao quý của người Kitô hữu: “Chiếu theo thánh ý Ngài, Ngài đã tiền định cho ta được phúc làm con nhờ Đức Giêsu Kitô, để chúng ta ca tụng vinh quang ân sủng của Ngài mà Ngài đã ban cho chúng ta được ơn cứu chuộc nhờ máu Người, được ơn tha tội theo sự phong phú của ân sủng Ngài” (Bài đọc II). Ca tụng vinh quang ân sủng của Chúa, đó chính là giới thiệu và loan truyền để Người được nhận biết giữa những người đang sống xung quanh chúng ta.

Thành công của sứ vụ loan báo Tin Mừng không lệ thuộc vào những phương tiện trần gian, cũng không do sức riêng của con người, nhưng là do Chúa. Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu đã dặn dò các môn đệ rất kỹ lưỡng. Người dạy các ông phải buông bỏ để thanh thoát nhẹ nhàng, dễ dàng lên đường mà không bị dính bén hay ràng buộc. Hành trang quan trọng là lòng tín thác nơi Thiên Chúa. Chúa cũng dạy các ông phải kiên trì. Bởi lẽ sứ điệp Tin Mừng không dễ dàng được chấp nhận bởi con người mọi thời đại, nhất là đối với những người đã có sẵn thành kiến với Giáo Hội. Truyền giáo không phải là mua chuộc, cũng không phải là gâp áp lực bắt người khác phải theo. Truyền giáo là nói về lòng nhân lành của Chúa, đồng thời trình bày niềm hạnh phúc của những ai tin vào Ngài. Niềm hạnh phúc ấy, không phải là một công thức bên ngoài, nhưng được cảm nghiệm và lan toả từ chính cuộc sống của người loan báo.

Mỗi khi thánh lễ kết thúc, linh mục chủ tế nói với cộng đoàn phụng vụ: “Lễ xong, chúc anh chị em đi bình an”. Nhiều người hiểu đây là một lời chào tạm biệt. Không phải vậy. Đó là lời sai đi. Linh mục vừa thay mặt Chúa Giêsu, vừa thay mặt cho Giáo Hội để sai chúng ta lên đường. Người tín hữu, sau khi đã được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa và Mình Chúa, nay lên đường với nghị lực mới. Thánh lễ là một cuộc lên đường, là một khởi đầu mới với những năng lượng đón nhận từ nơi Chúa.

Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Tôi là ánh sáng trần gian!” (Ga 8,12). Với các môn đệ, Người cũng khẳng định: “Anh em là ánh sáng thế gian” (x. Mt 5,14-67). Lời Chúa vừa nhắc đến danh dự của người tín hữu, vừa gợi cho họ nhớ đến sứ mạng phải toả sáng nơi lòng cuộc đời bằng chính đời sống khiêm nhường và yêu thương.

ĐỪNG ĐỂ LỠ CƠ HỘI– ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Ai đi xa cũng phải chuẩn bị hành trang. Chuyến đi càng xa thì hành trang càng nhiều. Chuyến đi càng quan trọng thì hành trang càng phải chọn lựa, tính toán. Hôm nay Đức Giêsu sai các môn đệ đi một chuyến quan trọng: tiếp nối sứ mạng của Người đem Tin Mừng đến khắp các làng mạc xa xôi. Để chuẩn bị cho chuyến đi quan trọng này, Đức Giêsu đã giúp các môn đệ sắp xếp hành trang. Sau khi đã loại bỏ những loại hành trang cồng kềnh không cần thiết, có hại cho nhiệm vụ, Đức Giêsu đã trao cho các môn đệ những hành trang thực sự cần thiết và hữu ích cho sứ vụ Tông đồ.

Hành trang của người môn đệ là sự gắn bó mật thiết với Đức Giêsu. Các môn đệ chỉ được sai đi sau khi đã có một thời gian sống bên cạnh Người. Thời gian sống bên Đức Giêsu cần thiết để các môn đệ hiểu biết, cảm thông và nhất là yêu mến, gắn bó mật thiết với Người. Đây chính là hành trang quan trọng nhất. Người được sai đi phải gắn bó mật thiết với Đấng đã sai mình. Sự gắn bó mật thiết là nguồn mạch, bảo đảm tính trung thực, là chìa khoá thành công của sứ vụ. Đức Giêsu đã nêu gương về điểm này khi luôn gắn bó mật thiết với Đức Chúa Cha, Đấng đã sai Người. Sự gắn bó ấy giúp Người hoàn toàn kết hiệp với Đức Chúa Cha, trở nên một lòng một ý với Đức Chúa Cha, luôn cầu nguyện, luôn từ bỏ ý riêng để làm theo ý Chúa Cha. Chính vì thế, sứ vụ của Người đã thành công tốt đẹp.

Hành trang của người môn đệ là tâm hồn đơn sơ phó thác. Khi chỉ thị cho các môn đệ: “không được mang gì khi đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền giắt lưng; được đi dép, nhưng không được mặc hai áo”, Đức Giêsu muốn các ông sống trong cảnh nghèo khó để hoàn toàn tin tưởng phó thác vào Chúa. Tiền của, tiện nghi vật chất dễ tạo ra một thứ an tâm giả tạo, dẫn con người đến chỗ tự mãn, tự kiêu, tự phụ cho rằng mọi thành công là nhờ tài sức riêng mình. Vì thế, dễ tha hoá, làm theo ý mình hơn là làm theo ý Chúa, sắp đặt chương trình cho Chúa hơn là tìm thực hiện chương trình của Chúa. Nghèo khó sẽ giúp người môn đệ ý thức sự nghèo nàn thiếu thốn, sự yếu ớt của mình, ý thức đó sẽ giúp người môn đệ biết khiêm nhường, tin tưởng phó thác cho Chúa. Tôi chỉ là hư vô, là cát bụi. Mọi thành công đều của Chúa, nhờ Chúa. Những thành công do tài sức con người sẽ mau tàn. Chỉ có công trình của Chúa mới bền vững. Vì thế đơn sơ phó thác là một hành trang rất cần thiết cho người môn đệ. Không mang theo gì của loài người, chỉ mang theo niềm tin yêu phó thác vào Thiên Chúa, đó chính là mang theo tất cả.

Hành trang của người môn đệ là tình liên đới. Đức Giêsu không sai các môn đệ đi riêng lẻ, nhưng sai từng hai người một. Người biết khả năng con người yếu kém, cần có tập thể nâng đỡ mới hoàn thành sứ mạng. Lời chứng của một cá nhân chưa đủ sức thuyết phục. Cần có sự đồng tâm nhất trí của một tập thể lời chứng mới thực sự đáng tin. Hơn nữa, Đức Giêsu không sai các môn đệ đi làm việc với giấy tờ hay đất đai, nhưng sai các ngài đến với con người. Các ngài phải sống giữa mọi người, nhờ mọi người giúp đỡ, chia sẻ cuộc sống với họ. Phải liên đới với con người. Tình liên đới không những cần thiết để giúp các ngài làm việc tông đồ một cách hữu hiệu. Chính qua tình liên đới mà Tin Mừng dễ dàng được đón nhận.

Hành trang của người môn đệ là trái tim biết cảm thương. Đức Giêsu sai các môn đệ đến với những người đau yếu bệnh tật, hoang đàng tội lỗi, bị quỷ ma hành hạ. Tức là đến với những người kém may mắn ở đời. Những người nghèo hèn yếu đuối. Những người bị xã hội bỏ quên. Để đến với những người anh em bé nhỏ, người môn đệ phải có trái tim biết cảm thương. Các ngài phải mang trái tim của Thiên Chúa luôn chạnh lòng thương khi nhìn thấy đám đông bơ vơ tất tưởi, túng thiếu, đói khát. Phải sẵn sàng băng rừng vượt suối đi tìm một con chiên lạc. Phải mở rộng vòng tay đón nhận đứa con hoang đàng trở về. Phải sẵn sàng tha thứ cho kẻ tội lỗi thật lòng hối cải ăn năn.

Mỗi người chúng ta đều là môn đệ của Chúa. Khi chúng ta lãnh nhận phép Rửa tội và Thêm sức, Chúa sai chúng ta đi rao giảng Tin Mừng của Người. Tôi thấy anh chị em ở Giáo xứ Cửa Nam rất tích cực trong việc tông đồ. Nhưng có lẽ anh chị em vẫn băn khoăn, không biết làm sao để việc tông đồ có kết quả tốt đẹp. Hôm nay, Đức Giêsu cho ta biết, muốn việc tông đồ có kết quả, ta phải gắn bó mật thiết với Chúa, phó thác mọi sự cho Chúa, đồng thời phải có tình liên đới và nhất là phải biết cảm thương anh chị em đồng loại. Một tay nắm lấy tay Chúa, một tay nắm lấy tay anh em. Một tình yêu anh chị em trong tình yêu mến Chúa. Liên kết mọi người trong tình yêu mến. Với tình yêu mến, chắc chắn việc tông đồ của ta sẽ đi đúng đường hướng của Chúa. Với tình yêu mến, chắc chắn việc tông đồ sẽ có kết quả tốt đẹp.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1- Chúa sai bạn đi làm tông đồ cho Chúa, bạn có cảm thấy điều đó không?
2- Mỗi khi đi làm việc tông đồ, bạn thường chuẩn bị những loại hành trang nào, những hành trang của bạn quan tâm có giống những hành trang Chúa chuẩn bị cho các môn đệ không?
3- Theo bạn, đâu là phương thế hữu hiệu nhất làm cho những người chung quanh nhận biết Chúa?
4- Đâu là những hành trang cần thiết của người môn đệ của Chúa?

CHÂN DUNG NGƯỜI ĐƯỢC SAI ĐI- Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
Ai là những người được sai đi?
Hằng năm cứ vào dịp hè về, các Chủng viện, các Hội Dòng tại Việt Nam thường có những tổ chức cắt cử người thụ huấn đi thực tập mục vụ, truyền giáo, với các văn thư sứ vụ hay còn gọi là “bài sai”. Hình như tâm trạng chung là vừa hí hững khi được dịp khẳng định mình và vừa hồi hộp không biết mình sẽ đi đâu và làm việc gì. Cần khẳng định rằng không phải chỉ có các linh mục, chủng sinh, thỉnh sinh, tập sinh hay tu sĩ nam nữ mới là những người được sai đi.

Những người được sai đi phải là những người được Thiên Chúa chọn gọi. Ngôn sứ Amốt đã trả lời với tư tế Amatgia cách tượng hình rằng: “Chính Đức Chúa đã bắt lấy tôi khi tôi đi theo sau đàn vật…”(Am 7, 15). Thánh sử Maccô ghi rõ “Khi ấy Chúa Giêsu gọi Nhóm Mười Hai và bắt đầu sai đi từng hai người một…”(Mc 6,7). Có thể nói rằng bất cứ ai là Kitô hữu cũng đều được sai đi, đặc biệt khi đã lãnh nhận hồng ân Thánh Thần qua Bí tích Thêm Sức để sống đời Kitô hữu cách trưởng thành, nghĩa là với sự ý thức, tự giác và tinh thần trách nhiệm. Một người dân quê, chăn nuôi súc vật và chăm sóc cây sung như Amốt cũng được sai đi. Tất thảy là vì “Trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã chọn chúng ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, chúng ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người” (Ep 1, 4).

Được sai đi để làm những gì?
Chúng ta có thể liệt kê một vài công việc của người được sai đi như sau: Trước hết là nhân danh Chúa truyền đạt ý định của Chúa cho tha nhân. Đây chính sứ vụ làm ngôn sứ mà Cựu ước thường gọi là đi tuyên sấm hay đi nói tiên tri và Tân ước thường gọi là đi rao giảng Tin Mừng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối. Công việc của người được sai đi còn là xua trừ ma quỷ, chữa lành bệnh tật, nghĩa là thi ân giáng phúc cả phần hồn lẫn phần xác cho nhân trần.

Một định luật dường như là tất yếu: Không ai có thể trao ban những gì mình không có. Để thực thi những điều, những việc vượt lẽ thường tình, thì những người được sai đi phải có khả năng cách nào đó cũng như phương tiện nào đó. Nhìn vào danh sách của Nhóm Mười Hai thì người ta có quyền nghi ngại về khả năng tự bản thân các ngài. Hơn nữa, khi các ngài được sai đi thì như với hai bàn tay trắng. Không tiền bạc, không lương thực, không bao bị, trên thân chỉ mỗi một manh áo, dưới chân chỉ có đôi dép và chiếc gậy trên tay, thế thì các ngài dựa vào đâu để chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ, rao giảng tin mừng và kêu gọi người ta ăn năn sám hối? Câu trả lời là đây: Chúa Giêsu ban cho các ngài quyền trên các thần ô uế (6,7).

Một nguồn lực để thực thi sứ mạng tông đồ: Có quyền trên các thần ô uế.
Có quyền trên một ai đó là ta thực sự làm chủ trên họ, ra lệnh cho họ và họ phải tuân theo. Thử hỏi các thần ô uế là những ai? Nếu cho rằng đó là thần dữ, là ma quỷ thì ít ai dám phản đối. Thế nhưng, người mà thần ô uế đành tuân lệnh thì phải Đấng Thánh của Thiên Chúa (x.Mc 1,23-24). Thần ô uế xét như là thế lực bên ngoài thì chính là ma quỷ. Chúng ta tin nhận Chúa Giêsu đã ban quyền cho các Tông đồ cách nào đó trên thế lực này. Xưa lẫn nay, cũng có nhiều đấng được thông ban ơn trừ quỷ. Tuy nhiên số các vị này rất ít. Thế thì những người khác không có ơn này thì không được sai đi để thi hành sứ vụ tông đồ ư? Dễ dàng trả lời là không phải như thế. Thử hỏi có mấy ai dám to gan cho rằng mình đủ khả năng đương đầu với ma quỷ? Trước kẻ thù bên ngoài như “sư tử gầm thét”, thì chúng ta không dám coi thường (x.1 P 5,8), nhưng chúng ta rất có thể xao lãng kẻ nội thù.

Vậy cần phải xem xét thêm một thứ thế lực ô uế bên trong con người chúng ta. Chúa Giêsu đã minh nhiên khẳng định những cái bên trong phát xuất ra làm cho người ta ra ô uế đó là “tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tị, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng” (Mc 7,21). Có quyền trên các thần ô uế thì cũng có nghĩa là làm chủ các khuynh hướng xấu, các ý định xấu, các việc làm xấu xa ở trên. Một điều chắc chắn rằng để được sai đi và có khả năng thực thi sứ mạng, thì người đựơc sai phải làm chủ một cách nào đó những cái bên trong vốn có thể làm chúng ta ra ô uế.

Đó đây có thể thiếu người được sai đi, nhưng ở Việt Nam hiện nay thì có thể nói vẫn chưa thiếu nếu không muốn nói là còn thừa. Với những người được sai đi thì Thiên Chúa không bao giờ dè sẻn ân ban. Thế nhưng, những người được sai đi có thực thi được sứ mạng hay thực hiện sứ mạng cách tốt, xấu ra sao, thì vẫn còn tùy ở việc họ có làm chủ được các thần ô uế bên trong, nghĩa là làm chủ những xung lực xấu ở bên trong, khả dĩ có thể làm cho họ ra ô uế như thế nào.

bài liên quan mới nhất

Ngày 09/5: Thánh GIUSE NGÔ DUY HIỂN. Linh mục, Tử đạo(1769-1840)

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng