Nếu chỉ còn một ngày để sống

Lá xanh hay lá vàng có thể “rụng” bất kỳ lúc nào, dù gió to hay gió thoảng; trái xanh hay trái chín cũng có thể được (hay “bị”) người ta “hái” bất cứ lúc nào, dù sáng hay chiều.

Không ai muốn nói đến sự chết. Người ta cho đó là “chuyện xui xẻo”. Nhưng “chết” là điều có thật, không ai tránh khỏi. Chết là vấn đề rất thật, thật hơn cả sự thật: “Nếu chỉ còn một ngày để sống…”.

Bạn sẽ phản ứng thế nào và sẽ làm gì? Bạn có bao giờ nghĩ như vậy? Chết lúc nào tốt, lúc nào xấu? Giờ nào thì chết “hên” và lúc nào thì chết “xui”? Ai có thể cưỡng lại Tử thần? Sao biết 9 giờ sáng là giờ hên mà không chết, lại chết vào 6 giờ tối? Xui hay hên là do mình. Chẳng ai biết mình chết lúc nào và chết cách nào. Khi sắp chết mới biết mình… sắp chết. Cũng có thể lúc đó là muộn rồi!

Quả thật, “Nếu chỉ còn một ngày để sống…” là một giả-thuyết-thực-tế, một cái “nếu” rất thật, thật đến nỗi điều đó có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, thậm chí là ngay bây giờ, dù bạn mới vài tuổi, ngoài đôi mươi, tứ tuần, trung niên, thất tuần, bát tuần, hoặc xấp xỉ… trăm tuổi!

Tình cờ nghe ca khúc “Nếu chỉ còn một ngày để sống” của NS Hoài An – nhạc sĩ ngày xưa, đã cao niên, nay ở hải ngoại, trong một chương trình của Paris By Night, tôi thực sự xúc cảm cái “đẹp” (đúng nghĩa ĐẸP) trong ca khúc đó về phương diện tích cực. Vâng, ca từ của ca khúc này đầy tính nhân bản, nguyên văn như sau:

Nếu chỉ còn một ngày để sống, người đưa tôi về đến quê nhà, để tôi thăm làng xưa nguồn cội, cho tôi mơ… mơ tiếng mẹ cha. Nếu chỉ còn một ngày để sống, người cho tôi một khúc kinh cầu, người tôi thương êm ấm môi cười, cho con tôi bước đời yên vui.

Nếu chỉ còn một ngày để sống, làm sao ta trả ơn cuộc đời, làm sao ta đền đáp bao người, nâng ta lên qua bước đời chênh vênh? Nếu chỉ còn một ngày để sống, làm sao ta chuộc hết lỗi lầm, làm sao ta thanh thản tâm hồn, xuôi đôi tay đi giữa hừng đông?

Cho tôi như bóng mây, lang thang qua cõi này, cho tôi được ngắm sao trên trời giữa hương đồng cỏ nội. Cho tôi như khúc ca, bay đi xa rất xa, cho tôi được cám ơn cuộc đời, cám ơn mọi người. Cho tôi được sống trong tim người bằng những lời ca.

Nếu chỉ còn một ngày để sống, muộn màng không lời hối lỗi chân thành? Buồn vì ai, ta làm ai buồn, xin bao dung tha thứ vì nhau. Nếu chỉ còn một ngày để sống, chợt nhận ra cuộc đời quá đẹp, phải chăng ta có lúc vội vàng, nên ra đi chưa được bình an?

Với cảm nhận của riêng tôi, giai điệu đẹp và ca từ cũng đẹp. Có thể NS Hoài An viết theo cảm nhận đời thường, nhưng cái “nếu” của ông rất gần với Công giáo.

Vâng, nếu chỉ còn một ngày để sống. Cách đặt vấn đề quá thực tế. Cái “nếu” này rất ý nghĩa và quan trọng biết bao – dù bạn là ai, ở bất kỳ cương vị nào, dù bạn có hay không có niềm tin tôn giáo! Tôi chợt nhớ tới thánh “nhí” Saviô. Một lần, khi đang giờ chơi, cậu Saviô (thuộc Khánh lễ viện của Thánh Don Bosco) được hỏi: “Nếu chỉ còn 1 giờ nữa con chết, thì con làm gì?”. Cậu bé Saviô đáp ngay: “Con vẫn tiếp tục chơi”.

Câu trả lời thật tuyệt vời, vì đó là thi hành Ý Chúa trong hiện tại. Giờ nào việc nấy. Dù là việc đọc sách thiêng liêng hay đọc kinh, cầu nguyện, thậm chí là đang được Chúa mặc khải, nếu không “đúng lúc” thì cũng vô nghĩa. Điều đó cho thấy “nhiệm vụ hiện tại” rất quan trọng qua cách thể hiện đức tin.

Vậy đó, con người quá yếu đuối, quá nhỏ bé, dù là gì thì cũng không là gì cả! Tôi chỉ nói ra cảm nhận riêng mà tôi khả dĩ chân nhận, tất nhiên không tránh khỏi tính chủ quan. Tôi biết tôi chỉ là con-số-không-to-lớn (a big zero), một “số không” lớn nhất trong những “số không” khác. Đó là một thực-tế-thật, dù rất có thể chính tôi không muốn… chấp nhận!

Theo tôi, dù là ai thì trước tiên vẫn phải là con người, mà là con người thì không chỉ phải giữ luật sống của một con người bình thường mà còn phải “lưu ý’ rằng cuối cùng mình cũng phải… chết! Đó là một thực tế vừa minh nhiên vừa mặc nhiên. Có sợ chết thế nào thì cũng không ai thoát chết!

Người giàu sang, có danh vọng, có địa vị hoặc chức tước, người giàu hay nghèo, người lớn hay nhỏ, nam hay nữ, người giỏi hay dốt, người tài năng hay bình thường, người có niềm tin tôn giáo hay không có niềm tin tôn giáo, người xấu hay đẹp, người cao hay thấp,… cuối cùng rồi ai cũng hoàn toàn giống nhau: “Tay trắng vẫn hoàn trắng tay”. Nhắm mắt xuôi tay là… “chấm hết”. Vua Thánh Louis đã làm gương là “để hai tay ra ngoài chiếc quan tài” cho người ta thấy một thực-tế-thật. Nhưng có lẽ người ta chỉ nghe cho biết, đọc cho vui, thấy để mà… thấy. Thế thôi!

Ai cũng biết vậy, thế mà người ta vẫn cứ tranh giành nhau, chi li từng chút – cả vật chất lẫn tinh thần! Thua một chút là cảm thấy “khó chịu”. Mà thua một chút thì có sao? Hơn nhau một chút thì được lợi gì? Phải chăng đó chỉ là ảo tưởng? Quả thật, “cái Tôi” của chúng ta rất LỚN, do đó mà Pascal xác định: “Cái TÔI là đáng ghét”. Nhưng mấy ai dám ghét mình? Chúa Giêsu nói “từ bỏ mình” theo nghĩa đen chứ chẳng bóng gió chi cả (x. Mt 10:37-39; Lc 14:26-27).

Con người rất dễ ảo tưởng, càng “lớn” càng dễ ảo tưởng, càng dễ độc đoán, càng muốn “chứng tỏ mình”, càng dễ áp chế và bóc lột người khác. Nhưng người ta vẫn cho đó là áp dụng theo Luật Chúa, theo Phúc Âm, là làm nhiệm vụ, là sống khiêm nhường, không ai muốn nhận mình là kiêu ngạo!

R.I.P. Xin Chúa cho các linh hồn được an nghỉ ngàn thu. Và xin Chúa cũng tha thứ mà cho chúng con được an nghỉ trong Lòng Thương Xót của Chúa muôn đời. Amen.

bài liên quan mới nhất

Giáo phận Bắc Kinh chuẩn bị Ngày cầu nguyện cho ơn gọi: “Sứ mệnh bước theo Chúa Kitô”

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng