Một Năm Ân Sủng và Phúc Lành

Lòng thương xót của Chúa Giêsu đối với mọi khía cạnh của cuộc sống của chúng ta.

Bạn có bao giờ nhận thấy Kinh Thánh nói về lòng thương xót của Chúa nhiều thế nào không? Ngay cả Cựu Ước, thường được cho là miêu tả Đức Giavê là một vị Thiên Chúa của sự phẫn nộ và phán xét, vậy mà cũng chứa đầy những lời chứng về tình yêu dịu dàng của Thiên Chúa đối với dân của Người.

Trước hết, chúng ta có thể nghĩ rằng những tuyên bố này chỉ nói về việc Thiên Chúa tha thứ cho những hành động sai trái của chúng ta. Tuy nhiên, Thiên Chúa không chỉ muốn tha thứ cho chúng ta. Thiên Chúa yêu chúng ta rất nhiều, đến nỗi Người muốn đưa chúng ta đến sự trải nghiệm trọn vẹn nhất trong cuộc sống bao nhiêu có thể. Cha trên trời của chúng ta muốn xóa sạch mọi dấu vết của bóng tối trong tâm hồn chúng ta để chúng ta có thể được dư đầy đến độ tràn ngập tình yêu của Người.

Khi chúng ta sống ngày này qua ngày khác, có thể dễ dàng làm giảm nhẹ sứ điệp Phúc Âm thành một loạt các điều làm và những điều không được làm. Chúng ta có thể bắt đầu nghĩ rằng những nỗ lực của chúng ta là đủ để kiếm cho chúng ta một chỗ trên thiên đàng. Nhưng Kinh Thánh dạy chúng ta một điều khác biệt: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Đây là trọng tâm của sứ điệp Phúc Âm: Không có Chúa Giêsu, chúng ta bất lực và không thể tự chữa lành chính mình.

Câu chuyện về việc Chúa Giêsu cho Ladarô sống lại (x. Ga 11,1-44) cho chúng ta một minh họa hấp dẫn về nhu cầu của chúng ta đối với lòng thương xót của Chúa. Xuyên suốt câu chuyện, Gioan cố gắng hết sức để nhấn mạnh tình trạng của Ladarô. Gioan nói với chúng ta rằng, khi nghe tin Ladarô bị bệnh, Chúa Giêsu đã quyết định không đến gặp anh ngay. Thay vào đó, Chúa Giêsu đợi thêm hai ngày nữa trước khi rời đi (x. Ga 11,6). Sau đó, khi Chúa Giêsu đến, Ladarô đã chôn được bốn ngày. Gioan cho thấy không nghi ngờ gì nữa: Ladarô đã chết và cơ thể anh ta bắt đầu thối rữa.

Ladarô không thể làm bất cứ điều gì cho chính mình. Anh không thể cầu xin Chúa Giêsu giúp đỡ. Anh không thể cầu nguyện. Anh không thể tìm kiếm sự chữa lành. Anh không thể đi đến hội đường hoặc ăn chay hay thực hiện các công việc của lòng thương xót. Ladarô đã chết 100 phần trăm và Chúa Giêsu đã đưa anh ta trở lại cuộc sống mà không cần bất kỳ sự giúp đỡ nào từ anh.

Chúa muốn chúng ta hiểu rằng chúng ta giống như Ladarô. Người muốn chúng ta nhận biết sâu thẳm trong trái tim chúng ta rằng Chúa Giêsu đã cho chúng ta trỗi dậy từ cái chết đến sự sống. Điểm đức tin này rất quan trọng đối với sự lớn lên (về đức tin) của chúng ta. Nếu đó không phải là vì thập giá, tất cả chúng ta sẽ giống như Ladarô – 100 phần trăm chết trong tội lỗi (x. Ep 2,5). Chúng ta đã được cứu độ bởi lòng thương xót và tình yêu của Thiên Chúa. Chính nhờ ân sủng của Người mà chúng ta đã được nâng lên. Chúng ta đã không kiếm được ân sủng ấy. Chúng ta đã không xứng đáng với ân sủng ấy. Chúng ta chỉ lãnh nhận.

Trong Tin Mừng Luca, chúng ta đọc chuyện một người phụ nữ tội lỗi đã vào nhà của ông Simon, một người Pharisêu, chị bắt đầu khóc những giọt nước mắt của tình yêu và sự ăn năn dưới chân Chúa Giêsu. Khi chị tuôn trào nước mắt của chị trên Chúa Giêsu, Chúa Giêsu đã tuôn đổ lòng thương xót của Người đối với chị. Một món quà tình yêu quá ngông cuồng như vậy từ một “kẻ tội lỗi” và một sự đáp trả đầy lòng thương xót từ Chúa Giêsu đã khiến ông Simon bị sốc và khiến ông phải đặt câu hỏi về sự thánh thiện của Chúa Giêsu (x. Lc 7,39).

Ông Simon nghĩ rằng Chúa Giêsu là một người khôn ngoan và ông muốn nghe những lời của Chúa. Nhưng bởi vì ông không thể nhận ra nhu cầu của ông đối với lòng thương xót và sự tha thứ của Chúa Giêsu, nên ông đã bỏ lỡ sự sống và tình yêu mà Chúa Giêsu dành cho ông. Trong khi đó, người phụ nữ tin rằng Chúa Giêsu có thể giải thoát chị khỏi cái chết. Kết quả là, chị đã mở ra một trải nghiệm thay đổi cuộc sống về lòng thương xót và tình yêu.

Đây là một sự thật mà chúng ta nhớ lại và vui mừng mỗi khi chúng ta cử hành Thánh lễ. Theo Giáo lý, tại Thánh Lễ, “Hy tế duy nhất của Đức Kitô Đấng Cứu Độ” được hiện tại hóa cho chúng ta (CCC, 1330), và để đáp lại, chúng ta tuyên bố: “Bằng cái chết, Chúa đã phá hủy cái chết của chúng con. Bằng việc sống lại, Chúa đã khôi phục lại sự sống cho chúng con”. Chúng ta tuyên bố cách tự do và rõ ràng lòng thương xót mà Chúa Giêsu dành cho chúng ta. Chúng ta tuyên bố cách tự do và rõ ràng rằng chúng ta không bao giờ có thể tự cứu độ được chính mình.

Kinh Thánh được trình bày sâu sắc với những thí dụ về những con người, như người phụ nữ ăn năn sám hối này, đã trải nghiệm lòng thương xót của Chúa Giêsu. Trong cuộc trò chuyện với Chúa Giêsu khi họ ngồi bên bờ giếng, một phụ nữ Samaria đã nhận biết lòng tha thứ của Chúa Giêsu và chấp nhận Người là Đấng Cứu Độ (Ga 4,1-26). Sau khi mời gọi Mátthêu người thu thuế trở thành môn đệ, Chúa Giêsu đã dùng bữa tối tại nhà của ông cùng với nhóm những người thu thuế và những “kẻ tội lỗi” – và Chúa Giêsu đã ban ơn tha thứ và ơn cứu độ cho mọi người có mặt ở đó (x. Mt 9,9-13).

Lòng thương xót của Chúa Giêsu không bị giới hạn trong việc tha thứ cho những người tội lỗi. Chúa Giêsu còn quan tâm đến mọi khía cạnh của cuộc sống của họ. Chúa Giêsu thương xót những người đau khổ vì các vấn đề thể xác, như anh mù Batimêô, người đã được Chúa Giêsu phục hồi thị giác (x. Mc 10,46-52). Khi người phong hủi nói: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”, thì Chúa Giêsu trả lời: “Tôi muốn” – và Chúa Giêsu đã chữa lành cho anh ta (Mt 8,24). Ngay cả viên đại đội trưởng Rôma, một người ngoại giáo, đã xin Chúa Giêsu chữa lành cho người đầy tớ của ông, và Chúa Giêsu đã chữa, thậm chí Chúa Giêsu không cần đi gặp người đầy tớ hay đặt tay lên anh ta (Mt 8,5-13).

Chúa Giêsu cũng thương xót những người đang than khóc về cái chết của một người thân yêu.  Chúa Giêsu đã làm cho con gái ông Giaia sống lại từ cõi chết (x. Mc 5,40-42). Chúa Giêsu đã khóc tại ngôi mộ của người bạn Ladarô và sau đó Người đưa anh trở lại cuộc sống (x. Ga 11,35.43-44). Chúa Giêsu động lòng trắc ẩn trước một góa phụ đau buồn có đứa con trai duy nhất vừa qua đời. Chúa Giêsu nói với bà ấy: “Bà đừng khóc nữa!” và rồi Người đã cho chàng trai trẻ sống lại từ cõi chết và trao cậu lại cho bà (Lc 7,11-16).

Chúa Giêsu cũng thương xót những gia đình cần sự giải thoát. Người phụ nữ xứ Canaan cầu xin Chúa thay mặt cho cô con gái của bà bị thần ô uế ám và cô gái nhỏ đã được chữa lành (x.Mt 15,21-28). Cha của một cậu bé bị quỷ ám đã cầu xin Chúa Giêsu giúp đỡ. Chúa Giêsu không chỉ giải thoát người con trai khỏi quỷ ám mà còn cứu giúp cho lòng tin yếu kém của người cha (x. Mc 9,23-26). Chúa Giêsu luôn tỏ lòng thương xót đối với những người tìm kiếm Chúa.

Hai ngàn năm trước, Chúa Giêsu đã biểu lộ lòng thương xót của Thiên Chúa qua lời nói và hành động của Người. Chúa Giêsu là nguồn thương xót cho tất cả những ai hướng về với Người và tin vào Người. Ngày nay, Chúa Giêsu vẫn là nguồn thương xót lớn nhất của chúng ta. Bạn có tin rằng Chúa Giêsu phục sinh và vinh quang có thể mang những sự kiện lịch sử của các sách Phúc Âm vào trong cuộc sống của bạn ngày hôm nay không? Bạn có tin rằng Chúa Thánh Thần muốn làm tràn ngập trái tim bạn với một kinh nghiệm về lòng thương xót được viết trong rất nhiều câu chuyện Phúc Âm không? Tất cả những gì Thiên Chúa yêu cầu là bạn hướng mắt về Chúa Giêsu trong cầu nguyện, trong Kinh thánh và trong Thánh Lễ.

Chúa Thánh Thần muốn dùng những câu chuyện Phúc Âm để ghi khắc một dấu ấn không thể xóa nhòa của Chúa trong lòng chúng ta. Chẳng hạn, khi chúng ta đọc câu chuyện về người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình (x. Ga 8,1-11), Thánh  Thần muốn cho chúng ta thấy rằng chúng ta cũng có khả năng phạm tội giống như người phụ nữ này hoặc chúng ta có khả năng hành động giống như những người muốn ném đá chị. Dấu ấn không thể xóa nhòa này của Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta tin rằng không có tội lỗi nào quá lớn đối với Thiên Chúa để tha thứ. Nếu Chúa Giêsu luôn sẵn sàng tha thứ cho chúng ta khỏi mọi tội lỗi, chúng ta nên sẵn sàng tha thứ cho những người khác một cách tự do như thế.

Theo The Word Among Us
Personal Spirituality Resources
Chuyển ngữ:  Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương

bài liên quan mới nhất

Thứ Ba tuần VII Phục Sinh: “Lạy Cha, xin hãy làm vinh hiển Con Cha”

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng