Lưu giữ tro cốt người quá cố ở đâu? câu trả lời của Bộ Giáo lý Đức tin

LƯU GIỮ TRO CỐT NGƯỜI QUÁ CỐ Ở ĐÂU? CÂU TRẢ LỜI CỦA BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN

Bộ Giáo lý Đức tin trả lời các câu hỏi của ĐHY Matteo Zuppi liên quan đến khả năng lưu giữ tro cốt của một người quá cố đã được rửa tội ở những nơi chung tương tự như nơi để hài cốt, hoặc giữ một phần nhỏ tro cốt ở một nơi có ý nghĩa đối với người quá cố. Trong cả hai trường hợp, câu trả lời đều là thuận. Theo Bộ, phải tránh “bất kỳ sự hiểu lầm phiếm thần, sùng bái thiên nhiên hoặc thuyết hư vô nào”.

Có thể dành một nơi linh thiêng “để tích lũy hỗn hợp và lưu giữ tro của những người quá cố đã được rửa tội”, nghĩa là một nơi chứa hài cốt chung, trong đó tro cốt của từng cá nhân được chuyển vào. Đây là điều mà Bộ Giáo lý Đức tin khẳng định khi trả lời hai câu hỏi của Đức Tổng Giám mục Bologna, Matteo Zuppi, về việc hỏa táng các tín hữu đã qua đời. Câu trả lời thứ hai nêu rõ rằng thẩm quyền Giáo hội cũng có thể xem xét và đánh giá yêu cầu của các thành viên trong gia đình về việc lưu giữ “một phần tối thiểu” tro cốt của người quá cố ở một địa điểm có ý nghĩa đối với lịch sử của người quá cố.

Đối diện với “sự gia tăng của các lựa chọn hỏa táng” và việc rải tro cốt trong thiên nhiên, nhưng cũng để “không ưu tiên cho các lý do kinh tế, được đề xuất bởi chi phí rải tro thấp hơn, và đưa ra các chỉ dẫn về đích đến của tro, khi thời hạn lưu giữ đã hết“, với mong muốn “không chỉ đáp ứng yêu cầu của những người thân yêu, mà đặc biệt đáp ứng lời loan báo của Kitô giáo về sự sống lại của thân xác và về sự tôn trọng dành cho họ“, Đức Hồng y Zuppi đã đưa ra hai câu hỏi. Câu hỏi thứ nhất: “Do giáo luật cấm rải tro của một người đã qua đời – theo cách những gì xảy ra trong các nơi chứa hài cốt – liệu có thể tạo ra một nơi linh thiêng, xác định và thường hằng, để “tích lũy hỗn hợp và lưu giữ tro cốt của người quá cố đã được rửa tội, bằng cách chỉ rõ dữ liệu cá nhân của từng người trong số họ hay không?” Và câu hỏi thứ hai: “Chúng ta có thể cho phép một gia đình lưu giữ một phần tro cốt của một trong những thành viên của mình ở một nơi có ý nghĩa trong lịch sử của người đã khuất không?

Lưu giữ ở một nơi linh thiêng

Trong một văn bản được ký bởi Đức Hồng y Victor Fernandez, Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, và được Đức Thánh Cha phê chuẩn vào ngày 9/12/2023, Bộ đã trả lời đồng ý. Trước tiên, Bộ nhắc lại rằng theo huấn thị Ad resurgendum cum Christo 2016 (số 5), “tro cốt phải được lưu giữ ở một nơi linh thiêng (nghĩa trang), cũng như trong một không gian dành riêng cho mục đích này, với điều kiện là nó đã được được thẩm quyền Giáo hội chỉ định cho việc này”. Lý do cho sự lựa chọn này được giải thích, đó là nhu cầu “giảm nguy cơ loại bỏ người quá cố khỏi ký ức và lời cầu nguyện của những người thân yêu và cộng đoàn Kitô hữu” và để tránh “sự lãng quên và thiếu tôn trọng”, cũng như “những thực hành không phù hợp hoặc mê tín dị đoan”.

Tiếp đến, Bộ nhắc lại: “Đức tin của chúng ta nói với chúng ta rằng chúng ta sẽ được sống lại với cùng một thân xác vốn là chất thể”, mặc dù “chất thể này sẽ được biến đổi, thoát khỏi những giới hạn của thế giới này. Theo nghĩa này, sự phục sinh sẽ diễn ra trong xác thịt này mà chúng ta đang sống bây giờ”. Nhưng sự biến đổi này “không ngụ ý việc thu hồi các bộ phận chất thể giống hệt nhau vốn đã hình thành nên thân xác”. Vì vậy, thân xác phục sinh “sẽ không nhất thiết phải có cùng những yếu tố như những yếu tố mà nó đã có trước khi chết. Vì không phải là việc hồi sinh đơn giản một xác chết, nên sự phục sinh có thể diễn ra ngay cả khi cơ thể đã bị phá hủy hoàn toàn hoặc phân tán. Điều này cho phép hiểu tại sao, ở nhiều nghĩa trang, tro cốt của người quá cố được lưu giữ chung với nhau, mà không tách rời”.

Bộ tiếp tục nhấn mạnh rằng “tro cốt của người quá cố đến từ hài cốt chất thể vốn đã là một phần của cuộc hành trình lịch sử mà người đó trải qua, đến mức Giáo hội có sự quan tâm và sùng kính đặc biệt đối với thánh tích của các thánh. Sự quan tâm và ký ức này cũng dẫn chúng ta đến một thái độ kính trọng linh thiêng” đối với tro cốt, mà “chúng ta lưu giữ ở một nơi linh thiêng thích hợp cho việc cầu nguyện”.

Chuyển tro cốt vào một nơi chung

Do đó, Bộ trả lời cho ĐHY Zuppi rằng “có thể thiết lập một nơi linh thiêng, xác định và thường hằng, để tích lũy và lưu giữ hỗn hợp tro cốt của những người quá cố đã được rửa tội, bằng cách chỉ rõ dữ liệu cá nhân của mỗi người để không làm mất đi ký ức danh tính”. Do đó, Giáo hội chấp nhận khả năng chuyển tro cốt vào một nơi chung, như trường hợp các nơi chứa hài cốt, trong khi vẫn gìn giữ ký ức danh tính của mỗi người đã khuất. Cuối cùng, Bộ nêu rõ rằng loại trừ “bất kỳ sự hiểu lầm phiếm thần, sùng bái thiên nhiên hoặc thuyết hư vô nào”, và phù hợp với các quy tắc dân sự, nếu tro cốt của người quá cố được lưu giữ ở một nơi linh thiêng, thì thẩm quyền Giáo hội “có thể xem xét và đánh giá yêu cầu của một gia đình được lưu giữ cách hợp thức một phần tro cốt tối thiểu của người thân của họ ở một địa điểm có ý nghĩa” đối với lịch sử của họ.

Trả lời câu hỏi của truyền thông Vatican, Bộ giải thích rằng sự can thiệp và đánh giá của thẩm quyền Giáo hội không chỉ thuộc bản chất giáo luật mà còn mục vụ nữa, nhằm giúp gia đình phân định các lựa chọn cần thực hiện bằng cách tính đến các yếu tố khác nhau. Cuối cùng, vì một số luật pháp không cho phép phân chia tro cốt của người quá cố, nên Bộ nói thêm rằng câu hỏi thứ hai bắt nguồn từ cuộc đối thoại giữa các Giám mục từ các quốc gia khác nhau, mà Đức Hồng y Zuppi đã lên tiếng, và Bộ đã xem xét khả năng từ một quan điểm thần học hơn là quan điểm dân sự, như đã được làm rõ trong câu trả lời.

Tý Linh chuyển ngữ

theo Vatican News

Nguồn: xuanbichvietnam.net

 

bài liên quan mới nhất

Thứ Ba tuần V Phục Sinh: "Thầy ban bình an của Thầy cho các con"

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng