Giáo lý cho bài giảng Lễ Thánh Gia năm B

GIÁO LÝ CHO BÀI GIẢNG
(Theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích)

LỄ THÁNH GIA NĂM B

Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của các lễ Chúa nhật, lễ trọng theo sự theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích trong Tập sách Hướng dẫn giảng thuyết được công bố qua Sắc lệnh ký ngày 29.06.2014.

Số 531-534: Thánh Gia

Số 1655-1658, 2204-2206: Gia đình Kitô giáo, một Hội Thánh tại gia

Số 2214-2233: Bổn phận của các phần tử trong gia đình

Số 529, 583, 695: Việc dâng Chúa Giêsu vào Đền thờ

Số 144-146, 165, 489, 2572, 2676: Ông Abraham và bà Sara là những mẫu gương đức tin

Bài Ðọc I: Hc 3, 3-7. 14-17a

Bài Ðọc II: Cl 3, 12-21

Phúc Âm: Lc 2, 22-40

Số 531-534: Thánh Gia

531. Phần lớn cuộc đời Người, Chúa Giêsu đã chia sẻ thân phận của đại đa số con người: một cuộc sống thường ngày không có vẻ cao trọng nào, một cuộc sống lao động tay chân, một cuộc sống suy phục Luật Thiên Chúa trong Dothái giáo[1], một cuộc sống trong cộng đoàn. Về toàn bộ quãng đời này, chúng ta được mạc khải là Chúa Giêsu đã vâng phục cha mẹ Người[2] và “ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn, và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (Lc 2, 52).

532. Sự vâng phục của Chúa Giêsu đối với Mẹ Người và cha nuôi của Người là chu toàn cách trọn hảo điều răn thứ tư. Sự vâng phục ở trần gian là hình ảnh của sự vâng phục con thảo của Người đối với Cha trên trời của Ngươi. Việc Chúa Giêsu hằng ngày vâng phục thánh Giuse và Mẹ Maria loan báo và tham dự trước vào sự tuân phục của lời cầu nguyện trong vườn Cây Dầu: “Xin đừng cho ý con thể hiện…” (Lc 22, 42). Sự vâng phục của Đức Kitô trong các hoàn cảnh thường ngày của cuộc đời ẩn dật đã khởi đầu công trình tái tạo những gì mà ông Ađam đã phá huỷ vì bất tuân[3].

533. Cuộc đời ẩn dật ở Nazareth cho phép mọi người hiệp thông với Chúa Giêsu qua những lối sống thông thường nhất:

“Ngôi nhà Nazareth là mái trường nơi chúng ta bắt đầu học về cuộc đời Chúa Giêsu; đây là trường dạy Tin Mừng. Trước hết là bài học về thinh lặng. Ước gì chúng ta biết quý chuộng sự thinh lặng, vì đó là bầu khí tuyệt vời và tối cần cho tâm hồn…Kế đến là bài học về đời sống gia đình: Ước gì Nazareth dạy chúng ta biết gia đình là gì, sự hiệp thông tình yêu của gia đình là gì, vẻ đẹp quan trọng và bừng sáng của gia đình là gì, tính chất thánh thiêng và bất khả xâm phạm của gia đình là gì…Sau cùng là bài học về lao động. Ôi Nazareth, ngôi nhà của “Con bác thợ mộc”, chính tại đây, chúng ta muốn hiểu biết và đề cao bổn phận lao động của con người, tuy nhọc nhằn nhưng đem lại ơn cứu chuộc…Sau hết, tại đây chúng tôi muốn chào mừng mọi người lao động trên toàn thế giới, và chỉ cho họ một mẫu mực vĩ đại, là người anh thần linh của họ”[4].

534. Việc tìm thấy Chúa Giêsu trong Đền thờ[5] là biến cố duy nhất phá vỡ sự im lặng của các sách Tin Mừng về những năm tháng ẩn dật của Chúa Giêsu. Ở đây, Chúa Giêsu cho chúng ta thoáng thấy mầu nhiệm của sự tận hiến của Người cho sứ vụ xuất phát từ tư cách làm Con Thiên Chúa của Người. “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2, 49) Đức Maria và thánh Giuse “không hiểu” lời này, nhưng đón nhận lời ấy trong đức tin, và Đức Maria “hằng ghi nhớ những điều ấy trong lòng”, suốt những năm dài Chúa Giêsu ẩn mình trong sự thinh lặng của cuộc đời bình thường.

Số 1655-1658, 2204-2206: Gia đình Kitô giáo, một Hội Thánh tại gia

1655. Đức Kitô đã muốn được sinh ra và lớn lên trong gia đình thánh của thánh Giuse và Mẹ Maria. Hội Thánh không là gì khác hơn là “gia đình của Thiên Chúa”. Ngay từ những buổi đầu, hạt nhân của Hội Thánh thường gồm những người trở thành tín hữu “cùng với cả nhà”[6]. Khi trở lại, họ ao ước cho “cả nhà mình” cũng được cứu độ[7]. Những gia đình trở thành tín hữu này, là những tiểu đảo của đời sống Kitô giáo giữa một thế giới ngoại giáo.

1656. Ngày nay, giữa một thế giới thường xa lạ và thậm chí thù nghịch với đức tin, gia đình các tín hữu là hết sức quan trọng, với tính cách là những lò lửa đức tin sống động và chiếu sáng. Vì vậy, Công đồng Vaticanô II dùng một thuật ngữ cổ xưa, gọi gia đình là Hội Thánh tại gia (Ecclesia domestica)[8]. Trong tổ ấm gia đình, cha mẹ phải là “những người đầu tiên truyền dạy đức tin cho con cái mình, bằng lời nói và gương sáng, cũng như cổ võ ơn gọi riêng của từng đứa con, đặc biệt quan tâm đến ơn gọi thánh thiêng”[9].

1657. Nơi đây, một cách đặc biệt, người cha, người mẹ, con cái, mọi phần tử trong gia đình, thực thi chức tư tế do Phép Rửa “trong việc lãnh nhận các bí tích, trong kinh nguyện và tạ ơn, qua chứng từ của một đời sống thánh thiện, qua sự từ bỏ, và qua lòng bác ái sống động”[10]. Bằng cách đó, gia đình là trường học đầu tiên về đời sống Kitô hữu và là “một trường học làm người cách phong phú hơn”[11]. Ở đó, người ta học được sự kiên nhẫn và niềm vui của lao động, tình yêu thương huynh đệ, sự tha thứ quảng đại, thậm chí tha thứ nhiều lần, và nhất là việc phụng thờ Thiên Chúa qua kinh nguyện và qua sự hiến dâng cuộc đời mình.

1658. Cũng phải nhắc đến một số người, phải sống trong những hoàn cảnh cụ thể – và thường là ngoài ý muốn – đặc biệt gần gũi với trái tim Chúa Giêsu, họ đáng được Hội Thánh, nhất là các mục tử, yêu thương và quan tâm chăm sóc: đó là đông đảo những người sống độc thân. Nhiều người trong số này không lập gia đình được, thường vì điều kiện nghèo khó. Trong hoàn cảnh của mình, có những người sống theo tinh thần các mối phúc, phục vụ Thiên Chúa và tha nhân một cách gương mẫu. Phải mở ra cho tất cả những người này, cánh cửa của các gia đình là “Hội Thánh tại gia” và cánh cửa của gia đình lớn là Hội Thánh. “Trên đời này, không ai phải thiếu gia đình: vì Hội Thánh là nhà và là gia đình cho tất cả mọi người, nhất là cho những ai ‘đang vất vả mang gánh nặng nề’ (Mt 11, 28)”[12].

2204. “Gia đình Kitô giáo bày tỏ và thể hiện một cách đặc biệt sự hiệp thông trong Hội Thánh, vì lẽ đó...phải được gọi là một ‘Hội Thánh tại gia’[13]. Gia đình Kitô giáo là một cộng đoàn đức tin, đức cậy và đức mến; gia đình có một tầm quan trọng độc đáo trong Hội Thánh, như thấy rõ trong Tân Ước[14].

2205. Gia đình Kitô giáo là sự hiệp thông giữa các nhân vị, là dấu vết và hình ảnh của sự hiệp thông giữa Chúa Cha và Chúa Con trong Chúa Thánh Thần. Hoạt động sinh sản và giáo dục của gia đình là phản ánh công trình tạo dựng của Chúa Cha. Gia đình được kêu gọi tham dự vào việc cầu nguyện và hy lễ của Đức Kitô. Việc cầu nguyện hằng ngày và việc đọc Lời Chúa củng cố gia đình trong đức mến. Gia đình Kitô giáo có sứ vụ loan báo Tin Mừng và truyền giáo.

2206. Các tương quan trong gia đình mang lại sự đồng cảm về cảm xúc, tình cảm, và tình nghĩa, chủ yếu phát xuất từ sự tôn trọng lẫn nhau giữa các nhân vị. Gia đình là một cộng đồng ưu việt được kêu gọi để thực hiện một kế hoạch chung của đôi phối ngẫu và sự cộng tác chu đáo của cha mẹ trong việc giáo dục con cái[15].

Số 2214-2233: Bổn phận của các phần tử trong gia đình

Bổn phận của con cái

2214. Tình phụ tử thần linh là nguồn mạch của tình phụ tử nhân loại[16]; chính tình phụ tử đó đặt nền tảng cho việc tôn kính cha mẹ. Lòng tôn kính của con cái, còn nhỏ hay đã trưởng thành, đối với cha và mẹ mình[17] được nuôi dưỡng bằng tình cảm tự nhiên xuất phát từ mối dây kết hợp họ. Lòng tôn kính đó được đòi buộc bởi một điều răn của Thiên Chúa[18].

2215. Lòng tôn kính cha mẹ (lòng hiếu thảo) dựa trên sự biết ơn đối với những người, bằng việc trao ban sự sống, bằng tình yêu và công lao của mình, đã sinh ra các con cái mình, giúp chúng có khả năng lớn lên về tuổi tác, về sự khôn ngoan và ân sủng. “Cha con, con hãy hết lòng tôn kính, và đừng quên ơn mẹ đã mang nặng đẻ đau. Hãy luôn nhớ công ơn dưỡng dục sinh thành, công ơn ấy, con sẽ lấy chi đáp đền cho cân xứng?” (Hc 7, 27-28).

2216. Lòng hiếu thảo được bày tỏ qua sự ngoan ngoãn và vâng phục chân thành. “Hỡi con, lệnh cha con truyền, hãy lo tuân giữ; lời mẹ con dạy, chớ bỏ ngoài tai… Những lời đó sẽ hướng dẫn con lúc con tới lui, sẽ giữ gìn con khi con nằm xuống, sẽ cùng con chuyện trò khi con thức dậy” (Cn 6, 20-22). “Con khôn giữ lời cha nghiêm huấn, kẻ nhạo báng chẳng nghe lời sửa dạy” (Cn 13, 1).

2217. Bao lâu còn chung sống với cha mẹ, con cái phải tuân giữ mọi điều cha mẹ dạy liên quan đến lợi ích bản thân hoặc của gia đình. “Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa” (Cl 3, 20)[19]. Con cái cũng phải vâng theo những lời dạy bảo hữu lý của những người giáo dục chúng, và của những người cha mẹ đã giao phó chúng cho họ chăm sóc. Nhưng nếu người con theo lương tâm, thấy vâng theo một lệnh truyền nào đó là làm điều xấu về mặt luân lý, thì không được vâng lời.

Khi trưởng thành, con cái vẫn phải tôn kính cha mẹ. Con cái phải biết đón trước những điều cha mẹ mong muốn, sẵn sàng hỏi ý kiến và đón nhận những lời khuyên bảo chính đáng của cha mẹ. Sự vâng lời của con cái đối với cha mẹ ngưng khi con cái không còn sống chung với cha mẹ nữa, nhưng lòng tôn kính thì không như thế, mà phải tồn tại luôn mãi. Thật ra, lòng tôn kính này có gốc rễ từ lòng kính sợ Thiên Chúa, là một trong các hồng ân của Chúa Thánh Thần.

2218. Điều răn thứ tư còn nhắc cho những người con, khi đã trưởng thành, nhớ các trách nhiệm của họ đối với cha mẹ. Con cái phải trợ giúp cho cha mẹ về vật chất và tinh thần, bao nhiêu có thể, trong những năm tháng của tuổi già, hoặc suốt thời gian bệnh tật, cô đơn hoặc túng thiếu. Chúa Giêsu nhắc lại bổn phận biết ơn này[20].

“Chúa làm cho người cha được vẻ vang vì con cái, cho người mẹ thêm uy quyền đối với các con. Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu. Ai thờ cha sẽ được vui mừng vì con cái, khi cầu nguyện, họ sẽ được lắng nghe. Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ, ai vâng lệnh Chúa sẽ làm cho mẹ an lòng” (Hc 3, 2-6).

“Con ơi, hãy săn sóc cha con, khi người đến tuổi già, bao lâu người còn sống, chớ làm người buồn tủi. Người có lú lẫn, con cũng phải cảm thông, chớ cậy mình sung sức mà khinh dể người... Ai bỏ rơi cha mình thì khác nào kẻ lộng ngôn, ai chọc giận mẹ mình, sẽ bị Chúa nguyền rủa” (Hc 3, 12-13.16).

2219. Lòng hiếu thảo củng cố sự hài hoà trong toàn bộ đời sống gia đình, ảnh hưởng cả đến các tương quan giữa anh chị em. Lòng hiếu thảo đối với cha mẹ làm rạng rỡ bầu khí gia đình. “Triều thiên của người già là đàn con cháu, vinh dự của con cái là chính người cha” (Cn 17, 6). “Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau” (Ep 4, 2).

2220. Các Kitô hữu còn phải biết ơn đặc biệt những ai đã giúp mình lãnh nhận hồng ân đức tin, ân sủng bí tích Rửa Tội và sự sống trong Hội Thánh. Những người này có thể là cha mẹ, những phần tử khác của gia đình, ông bà, các vị mục tử, các giáo lý viên, thầy cô giáo hay bạn bè. “Tôi hồi tưởng lại lòng tin không giả hình của anh, lòng tin đã có nơi cụ Lôít, bà ngoại anh, nơi bà Êunikê, mẹ anh, cũng như chính nơi anh, tôi xác tín như vậy” (2Tm 1, 5).

Bổn phận của cha mẹ

2221. Sự phong phú của tình yêu phu phụ không chỉ giới hạn ở việc sinh sản con cái, mà còn phải mở rộng đến cả việc giáo dục luân lý và đào tạo thiêng liêng cho con cái. “Nhiệm vụ của cha mẹ trong việc giáo dục hết sức quan trọng đến nỗi, nếu thiếu, chắc chắn là không gì thay thế được”[21]. Quyền và bổn phận giáo dục con cái là quyền và bổn phận hàng đầu và bất khả nhượng của cha mẹ[22].

2222. Cha mẹ phải xem con cái của mình như những người con của Thiên Chúa và tôn trọng chúng như những nhân vị. Họ phải dạy cho con cái biết chu toàn Luật Thiên Chúa, bằng cách cho con cái thấy chính họ cũng vâng phục thánh ý Cha trên trời.

2223. Cha mẹ là những người đầu tiên có trách nhiệm giáo dục con cái. Họ thể hiện trách nhiệm này trước hết trong việc xây dựng gia đình, trong đó, tình âu yếm, lòng tha thứ, sự tôn trọng lẫn nhau, lòng chung thủy và sự phục vụ vô vị lợi phải là những chuẩn mực. Gia đình là nơi thích hợp cho việc giáo dục các nhân đức. Việc giáo dục này đòi phải tập bỏ mình, tập phán đoán lành mạnh, tập tự chủ, là những điều kiện để có sự tự do đích thực. Cha mẹ phải dạy cho con cái biết “đặt những gì là vật chất và tự nhiên phụ thuộc những gì thuộc nội tâm và tinh thần”[23]. Cha mẹ có trách nhiệm quan trọng là phải nêu gương tốt cho con cái. Khi biết nhìn nhận những thiếu sót của mình trước mặt con cái, cha mẹ có uy tín hơn để hướng dẫn và sửa dạy con cái:

“Thương con thì cho roi cho vọt...Ai biết giáo dục con sẽ được thỏa lòng về con” (Hc 30, 1-2).

“Những bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy thay mặt Chúa giáo dục chúng bằng cách khuyên răn và sửa dạy” (Ep 6, 4).

2224. Gia đình là môi trường tự nhiên để khai tâm cho nhân vị về tình liên đới và về các trách nhiệm trong cộng đồng. Cha mẹ phải dạy cho con cái biết giữ mình khỏi những nguy hiểm và những sa đọa đang đe dọa xã hội loài người.

2225. Nhờ ân sủng của bí tích Hôn Phối, cha mẹ nhận trách nhiệm và đặc ân loan báo Tin Mừng cho con cái. Cha mẹ khai tâm cho con cái về các mầu nhiệm đức tin ngay từ lúc đầu đời, chính họ là “những sứ giả đầu tiên”[24] của đức tin đối với con cái mình. Lúc chúng còn thơ ấu, cha mẹ phải cho con cái hoà nhập vào đời sống của Hội Thánh. Cách sống của gia đình có thể nuôi dưỡng những tâm tình tốt đẹp, những tâm tình đó vẫn luôn là sự chuẩn bị và sự nâng đỡ đích thực cho đức tin sống động trong suốt cuộc đời.

2226Việc giáo dục đức tin cho con cái phải được cha mẹ bắt đầu ngay từ tuổi ấu thơ của chúng. Việc giáo dục này đã khởi đầu, khi các phần tử trong gia đình giúp nhau lớn lên trong đức tin, nhờ chứng từ của một đời sống Kitô hữu theo Tin Mừng. Việc dạy giáo lý trong gia đình đi trước, đồng hành và làm phong phú các hình thức khác của việc giáo dục đức tin. Cha mẹ có sứ vụ dạy con cái cầu nguyện và khám phá ra ơn gọi làm con Thiên Chúa[25]. Giáo xứ là cộng đồng Thánh Thể và là trung tâm đời sống phụng vụ của các gia đình Kitô giáo; đó là nơi tốt nhất để dạy giáo lý cho con cái và cho cha mẹ chúng.

2227. Về phần mình, con cái cũng làm cho cha mẹ chúng tăng trưởng trong sự thánh thiện[26]. Mọi người và mỗi người phải biết quảng đại và luôn sẵn sàng tha thứ cho nhau khi gặp những xúc phạm, gây gỗ, bất công và bỏ rơi. Tình yêu thương lẫn nhau gợi lên điều đó. Tình yêu đối với Đức Kitô đòi buộc điều đó[27].

2228. Khi con cái còn nhỏ, sự tôn trọng và yêu thương của cha mẹ được biểu lộ trước hết qua việc chăm sóc và lưu tâm nhằm dạy dỗ con cái mình, để đáp ứng những nhu cầu vật chất và tinh thần của chúng. Khi chúng lớn lên, cũng vẫn sự tôn trọng và tận tụy đó thúc đẩy cha mẹ giáo dục con cái để chúng biết sử dụng lý trí và sự tự do của mình một cách đúng đắn.

2229. Cha mẹ là những người đầu tiên có trách nhiệm giáo dục con cái, nên có quyền lựa chọn cho con cái một trường học đáp ứng được những xác tín riêng của mình. Quyền này là một quyền căn bản. Cha mẹ có bổn phận, bao nhiêu có thể, lựa chọn những trường học nào giúp mình cách tốt nhất, để chu toàn nhiệm vụ của mình là nhà giáo dục Kitô giáo[28]. Công quyền có bổn phận bảo đảm quyền này của các bậc cha mẹ và tạo những điều kiện thực tế để cha mẹ thực thi quyền đó.

2230. Khi đến tuổi trưởng thành, con cái có bổn phận và có quyền lựa chọn nghề nghiệp và bậc sống của mình. Con cái đảm nhận những trách nhiệm mới trong tương quan đầy tin tưởng đối với cha mẹ, sẵn sàng bàn hỏi và đón nhận các ý kiến và lời khuyên của cha mẹ. Cha mẹ phải lưu ý để không ép buộc con cái trong việc chọn nghề nghiệp hoặc chọn bạn trăm năm. Bổn phận giữ sự chừng mực này không ngăn cản họ – mà trái lại – trong việc trợ giúp con cái bằng những lời khuyên khôn ngoan, nhất là khi con cái có ý định lập gia đình.

2231. Có những người không lập gia đình, để đảm nhận việc chăm sóc cha mẹ hoặc anh chị em mình, hoặc để dồn hết tâm trí vào một nghề nghiệp hay vì những động lực cao đẹp khác. Họ có thể góp phần lớn lao vào lợi ích của gia đình nhân loại.

Gia đình và Nước Trời

2232. Các mối liên hệ trong gia đình dù quan trọng, nhưng không phải tuyệt đối. Cũng như đứa trẻ tăng trưởng trong sự trưởng thành và sự tự lập về mặt nhân bản và thiêng liêng, thì cũng vậy, ơn gọi riêng của nó, ơn gọi đến từ Thiên Chúa, cũng được khẳng định một cách rõ ràng hơn và mạnh mẽ hơn. Cha mẹ phải tôn trọng ơn gọi này và khuyến khích con cái đáp trả bằng việc đi theo ơn gọi đó. Phải xác tín rằng ơn gọi thứ nhất của Kitô hữu là đi theo Chúa Giêsu[29]. “Ai yêu cha mẹ hơn Thầy thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai, con gái hơn Thầy thì không xứng với Thầy” (Mt 10, 37).

2233. Trở thành môn đệ Chúa Giêsu là chấp nhận lời mời gọi thuộc về gia đình Thiên Chúa, sống theo cách sống của Người: “Ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi” (Mt 12, 50).

Cha mẹ phải đón nhận và tôn trọng, với tâm tình vui mừng và tạ ơn, ơn gọi mà Chúa dành cho một người nào đó trong số con cái mình để đi theo Người trong sự trinh khiết vì Nước Trời, trong đời sống thánh hiến hay trong thừa tác vụ tư tế.

Số 529, 583, 695: Việc dâng Chúa Giêsu vào Đền thờ

529. Việc dâng Chúa Giêsu vào Đền thờ[30] cho thấy Người có tư cách là “con đầu lòng” thuộc về Thiên Chúa như sở hữu riêng của Ngài[31]. Cùng với ông Simêon và bà Anna, toàn thể dân Israel đến gặp gỡ Đấng Cứu Độ mà họ trông chờ (truyền thống Byzantin gọi biến cố này như vậy). Chúa Giêsu được nhìn nhận là Đấng Messia được mong đợi đã quá lâu, là “ánh sáng muôn dân”, là “vinh quang của Israel”, nhưng cũng là “dấu hiệu cho người đời chống báng”. Lưỡi gươm của đau khổ được tiên báo cho Đức Maria, loan báo một việc dâng hiến khác, hoàn hảo và duy nhất, là việc dâng hiến trên thập giá, việc dâng hiến này sẽ mang lại ơn cứu độ mà Thiên Chúa “đã dành sẵn cho muôn dân”.

583. Chúa Giêsu, cũng như các Tiên tri trước Người, tỏ lòng tôn kính rất sâu xa đối với Đền thờ Giêrusalem. Ở đó, Người đã được thánh Giuse và Đức Maria tiến dâng, bốn mươi ngày sau khi Người ra đời[32]. Lúc mười hai tuổi, Người quyết định ở lại trong Đen thờ để nhắc cha mẹ Người nhớ rằng Người phải lo việc của Cha Người[33]. Trong quãng đời ẩn dật của Người, Người đều lên Đền thờ mỗi năm ít nhất để mừng lễ Vượt Qua[34]; thừa tác vụ công khai của Người được đánh dấu như theo nhịp điệu những lần Người hành hương lên Giêrusalem vào những dịp lễ lớn của người Dothái[35].

695. Sự xức dầu. Sự xức dầu cũng là một biểu tượng nói về Chúa Thánh Thần, đến độ từ này trở thành đồng nghĩa với Chúa Thánh Thần[36]. Trong nghi thức khai tâm Kitô giáo, việc xức dầu là dấu chỉ bí tích của phép Thêm Sức, mà các Giáo Hội Đông phương gọi cách chính xác là “Sự Xức dầu thánh” (“Christmatio”)Nhưng để hiểu thật rõ, phải trở lại với cuộc xức dầu đầu tiên bởi Chúa Thánh Thần: cuộc xức dầu cho Chúa Giêsu. “Kitô” (tiếng Dothái là Messia) có nghĩa là “người được xức dầu” bằng Thần Khí Thiên Chúa. Trong Cựu Ước, có một số nhân vật là “những người được xức dầu” của Chúa[37], nổi bật là vua Đavid[38]. Nhưng Chúa Giêsu là Đấng Được Xức Dầu của Thiên Chúa một cách độc nhất vô nhị: nhân tính mà Chúa Con đảm nhận, “được xức dầu bằng Chúa Thánh Thần” một cách trọn vẹn. Chúa Giêsu được Chúa Thánh Thần thiết đặt làm “Đức Kitô”[39]. Đức Trinh Nữ Maria thụ thai Đức Kitô bởi Chúa Thánh Thần, Đấng đã dùng Thiên thần loan báo rằng Người là Đức Kitô khi Người giáng sinh[40], và là Đấng thúc đẩy ông Simêon đen đền thờ để ông được thấy Đức Kitô của Chúa[41]; Đức Kitô được đầy Thánh Thần[42], và sức mạnh của Chúa Thánh Thần xuất phát từ Đức Kitô trong những hành vi chữa lành và cứu độ của Người[43]. Cuối cùng chính Chúa Thánh Thần làm cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết[44]. Lúc đó Chúa Giêsu, được thiết đặt làm Đức Kitô một cách trọn vẹn trong nhân tính đã chiến thắng sự chết của Người[45], tuôn đổ Chúa Thánh Thần cách tràn đầy cho đến khi “các Thánh”, trong sự kết hợp với nhân tính của Con Thiên Chúa, làm nên “con người trưởng thành tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô” (Ep 4, 13), làm nên “Đức Kitô toàn thể” (“totum Christum”) theo cách nói của thánh Augustinô[46].

144-146, 165, 489, 2572, 2676: Ông Abraham và bà Sara là những mẫu gương đức tin

144. Vâng phục (ob-audire: nghe, lắng nghe) bằng đức tin là tự nguyện quy thuận lời đã nghe, bởi vì chân lý của lời đó được Thiên Chúa là chính Chân Lý, bảo đảm. Thánh Kinh trưng dẫn tổ phụ Abraham như gương mẫu của sự vâng phục đó. Còn Đức Trinh Nữ Maria là người thể hiện sự vâng phục đó cách hoàn hảo.

145. Thư gửi tín hữu Dothái, trong bài tán dương đức tin của các bậc tổ tiên, đã đặc biệt nhấn mạnh đến đức tin của ông Abraham: “Nhờ đức tin, ông Abraham đã vâng nghe tiếng Chúa gọi mà ra đi đến một nơi ông sẽ được lãnh nhận làm gia nghiệp, và ông đã ra đi mà không biết mình đi đâu” (Dt 11, 8)[47]. Nhờ đức tin, ông đã sống như kẻ mới nhập cư và người lữ hành trong Đất hứa[48]. Nhờ đức tin, bà Sara đã thụ thai người con của lời hứa. Cuối cùng, nhờ đức tin, ông Abraham đã dâng hiến con một mình làm hy lễ[49].

146. Như vậy, ông Abraham đã thực hiện điều Thư gửi tín hữu Dothái định nghĩa về đức tin: “Đức tin là bảo đảm cho những điều hy vọng, là bằng chứng của những điều ta không thấy” (Dt 11, 1). “Ông Abraham đã tin Thiên Chúa, và vì thế được kể là người công chính” (Rm 4, 3)[50]. “Nhờ niềm tin, ông đã nên vững mạnh” (Rm 4, 20), ông Abraham trở thành “tổ phụ của tất cả những người tin” (Rm 4, 11.18)[51].

165. Chính lúc đức tin bị cám dỗ, chúng ta phải hướng về các nhân chứng đức tin: về ông Abraham, là người “mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin” (Rm 4, 18); về Đức Trinh Nữ Maria, là người, “trong cuộc lữ hành đức tin”[52], đã tiến đến tận “đêm tối của đức tin”[53] khi tham dự vào đêm tối là cuộc khổ hình thập giá của Con ngài, và đêm tối là phần mộ của Người[54]; và chúng ta phải hướng về biết bao nhiêu nhân chứng đức tin khác nữa: “Được ngần ấy nhân chứng đức tin như đám mây bao quanh, chúng ta hãy cởi bỏ mọi gánh nặng và tội lỗi đang trói buộc mình, và hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta, mắt hướng về Chúa Giêsu là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin” (Dt 12, 1-2).

489. Suốt thời Cựu Ước, sứ vụ của Đức Maria đã được chuẩn bị bởi sứ vụ của những phụ nữ thánh thiện. Ngay từ đầu, là bà Evà: bất chấp sự bất tuân phục của mình, bà đã nhận được Lời Hứa rằng một hậu duệ của bà sẽ chiến thắng ma quỷ[55] và Lời Hứa rằng bà sẽ là mẹ của tất cả chúng sinh[56]. Do lời hứa đó, bà Sara, mặc dù đã cao niên, vẫn thụ thai một người con trai[57]. Trái với mọi niềm hy vọng nhân loại, Thiên Chúa đã chọn những gì bị coi như bất lực và yếu đuối[58] để chứng tỏ Ngài luôn trung tín với lời Ngài đã hứa: bà Anna, mẹ của tiên tri Samuel[59], bà Đêbôra, bà Ruth, bà Juđitha, bà Esther và nhiều phụ nữ khác. Đức Maria “trổi vượt giữa những người khiêm hạ và nghèo hèn của Chúa, những người hy vọng và đón nhận ơn cứu độ từ nơi Ngài với lòng tin tưởng. Cuối cùng, sau sự trông đợi lâu dài Lời Chúa đã hứa, thời gian đã đến hồi viên mãn và một Nhiệm cục mới đã bắt đầu với Đức Maria, người Con Gái Sion cao trọng nhất”[60].

2572. Trong cuộc thanh luyện cuối cùng về đức tin, Thiên Chúa đã đòi ông Abraham, người “đã nhận được lời hứa” (Dt 11, 17), phải sát tế đứa con mà Thiên Chúa đã ban cho ông. Ông Abraham vẫn vững tin: “Lễ toàn thiêu, chính Thiên Chúa sẽ liệu” (St 22, 8), vì nghĩ rằng “Thiên Chúa có quyền năng cho người chết trỗi dậy” (Dt 11, 19). Như vậy, vị tổ phụ của những người tin đã nên giống Chúa Cha, Đấng chẳng tha chính Con Một của Ngài, nhưng đã trao nộp Người vì hết thảy chúng ta[61]. Nhờ cầu nguyện con người được phục hồi tình trạng “giống như Thiên Chúa” và được tham dự vào quyền năng của tình yêu Thiên Chúa, là quyền năng cứu độ muôn người[62].

2676. Hai động thái (một là “ngợi khen” Chúa vì “những điều cao cả” Ngài đã làm cho Mẹ; hai là dâng lên Mẹ Chúa Giêsu những lời cầu khẩn và ca ngợi của con cái Thiên Chúa) của kinh nguyện dâng lên Đức Maria được diễn tả cách độc đáo trong kinh Kính Mừng:

“Kính mừng Maria” (Ave, Maria – Laetare, Maria): lời chào của thiên sứ Gabriel mở đầu kinh Kính mừng. Chính Thiên Chúa, qua vị thiên sứ của Ngài, chào Đức Maria. Lời kinh của chúng ta dám lặp lại lời chào Đức Maria với tâm tình của Thiên Chúa khi Ngài đoái thương nhìn đến người nữ tỳ hèn mọn của Ngài[63] và hân hoan vì niềm vui mà Thiên Chúa gặp được nơi Đức Maria[64].

“Bà đầy ân phúc, Đức Chúa Trời ở cùng bà”: hai phần lời chào của vị thiên sứ soi sáng cho nhau. Đức Maria đầy ân sủng vì Chúa ở cùng Mẹ. Ân sủng, mà Mẹ được ban tràn đầy, chính là sự hiện diện của Đấng là nguồn mạch mọi ân sủng. “Reo vui lên…hỡi thiếu nữ Giêrusalem…Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi đang ngự giữa ngươi” (Sp 3, 14.17a). Đức Maria, vì được chính Chúa đến và ngự nơi Mẹ, nên Mẹ chính là thiếu nữ Sion, là Hòm bia Giao Ước, nơi vinh quang Chúa ngự trị: chính Mẹ là “nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại” (Kh 21, 3). Được “đầy ơn phúc”, Mẹ đã tận hiến cho Đấng đến ngự nơi Mẹ và là Đấng Mẹ sắp trao ban cho thế gian.

“Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ và Giêsu con lòng bà gồm phúc lạ”. Sau lời chào của thiên sứ, chúng ta lấy lời chào của bà Êlisabeth làm lời chào của chúng ta. “Được tràn đầy Thánh Thần” (Lc 1, 41), bà Êlisabeth là người đầu tiên trong chuỗi dài những thế hệ tung hô Đức Maria là người có phúc[65]: “Em thật có phúc vì đã tin…” (Lc 1, 45). Đức Maria “có phúc lạ hơn mọi người nữ” vì Mẹ đã tin rằng lời Chúa sẽ được hoàn thành. Nhờ đức tin, ông Abraham đã trở thành phúc lành cho “mọi gia tộc trên mặt đất” (St 12, 3). Nhờ đức tin, Đức Maria đã trở thành Mẹ của các kẻ tin; nhờ Mẹ, mọi dân tộc trên mặt đất được đón nhận Đấng là chính phúc lành của Thiên Chúa: “Giêsu, con lòng bà gồm phúc lạ”.

Bài Ðọc I: Hc 3, 3-7. 14-17a

“Ai kính sợ Chúa, thì thảo kính cha mẹ”.

Trích sách Huấn Ca.

Thiên Chúa suy tôn người cha trong con cái; quyền lợi bà mẹ, Người củng cố trên đoàn con. Ai yêu mến cha mình, thì đền bù tội lỗi; ai thảo kính mẹ mình, thì như người thu được một kho tàng. Ai thảo kính cha mình, sẽ được vui mừng trong con cái, khi cầu xin, người ấy sẽ được nhậm lời. Ai thảo kính cha mình, sẽ được sống lâu dài. Ai vâng lời cha, sẽ làm vui lòng mẹ.

Hỡi kẻ làm con, hãy gánh lấy tuổi già cha ngươi, chớ làm phiền lòng người khi người còn sống. Nếu tinh thần người sa sút, thì hãy rộng lượng, ngươi là kẻ trai tráng, chớ đành khinh dể người. Vì của dâng cho cha, sẽ không rơi vào quên lãng. Của biếu cho mẹ, sẽ đền bù tội lỗi, và xây dựng đức công chính của ngươi.

Ðó là lời Chúa.

Đáp ca: Tv 127, 1-2. 3. 4-5

Ðáp: Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa, bạn nào ăn ở theo đường lối của Người.

Xướng: 1) Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa, bạn nào ăn ở theo đường lối của Người! Công quả tay bạn làm ra bạn an hưởng, bạn được hạnh phúc và sẽ gặp may.

Ðáp: Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa, bạn nào ăn ở theo đường lối của Người.

2) Hiền thê bạn như cây nho đầy hoa trái, trong gia thất nội cung nhà bạn. Con cái bạn như những chồi non của khóm ô-liu ở chung quanh bàn ăn của bạn. Ðó là phúc lộc dành để cho người biết tôn sợ Ðức Thiên Chúa.

Ðáp: Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa, bạn nào ăn ở theo đường lối của Người.

3) Nguyện xin Thiên Chúa từ Sion chúc phúc cho bạn, để bạn nhìn thấy cảnh thịnh đạt của Giêrusalem hết mọi ngày trong đời sống của bạn, và để bạn nhìn thấy lũ cháu đàn con!

Ðáp: Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa, bạn nào ăn ở theo đường lối của Người.

Bài Ðọc II: Cl 3, 12-21

“Về đời sống gia đình trong Chúa”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.

Anh em thân mến, như những người được chọn của Thiên Chúa, những người thánh thiện và được yêu thương, anh em hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hoà, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau, và hãy tha thứ cho nhau nếu người này có chuyện phải oán trách người kia. Như Chúa đã tha thứ cho anh em, anh em cũng hãy tha thứ cho nhau. Và trên hết mọi sự, anh em hãy có đức yêu thương, đó là dây ràng buộc điều toàn thiện. Nguyện cho bình an của Chúa Kitô làm chủ trong lòng anh em, sự bình an mà anh em đã được kêu gọi tới để làm nên một thân thể. Anh em hãy cảm tạ Thiên Chúa. Nguyện cho lời Chúa Kitô cư ngụ dồi dào trong anh em. Với tất cả sự khôn ngoan, anh em hãy học hỏi và nhủ bảo lẫn nhau. Hãy dùng những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca của Thần khí, cùng với lòng tri ân, để hát mừng Thiên Chúa trong lòng anh em. Và tất cả những gì anh em làm, trong lời nói cũng như trong hành động, tất cả mọi chuyện, anh em hãy làm vì danh Chúa Giêsu Kitô, nhờ Người mà tạ ơn Thiên Chúa Cha.

Hỡi các bà vợ, hãy phục tùng chồng trong Chúa cho phải phép. Hỡi những người chồng, hãy yêu thương vợ mình, đừng đay nghiến nó. Hỡi những người con, hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là đẹp lòng Chúa. Hỡi những người cha, đừng nổi cơn phẫn nộ với con cái, kẻo chúng nên nhát đảm sợ sệt.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Cl 3, 15a. 16a

Alleluia, alleluia! - Nguyện cho bình an của Chúa Kitô làm chủ trong lòng anh em. Nguyện cho lời Chúa Kitô cư ngụ dồi dào trong anh em. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 2, 22-40

“Con trẻ lớn lên, đầy khôn ngoan”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, đủ ngày thanh tẩy theo luật Môsê, cha mẹ Chúa Giêsu liền đem Người lên Giêrusalem để hiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Lề luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng sẽ được gọi là người thánh thuộc về Chúa”. Và cũng để dâng lễ vật cho Chúa, như có nói trong Luật Chúa, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu con.

Và đây ở Giêrusalem có một người tên là Simêon, là người công chính, kính sợ Thiên Chúa, và đang đợi chờ niềm ủi an của Israel. Thánh Thần cũng ở trong ông. Ông đã được Thánh Thần trả lời rằng: Ông sẽ không chết trước khi thấy Ðấng Kitô của Chúa. Ðược Thánh Thần thúc giục, ông vào đền thờ ngay lúc cha mẹ trẻ Giêsu đưa Người đến để thi hành cho Người những tục lệ của Lề luật. Ông bồng Người trên cánh tay mình, và chúc tụng Thiên Chúa rằng: “Lạy Chúa, bây giờ, Chúa để cho tôi tớ Chúa đi bình an theo như lời Chúa, vì chính mắt con đã thấy ơn cứu độ mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân, là ánh sáng chiếu soi các lương dân, và vinh quang của Israel dân Chúa”.

Cha mẹ Người đều kinh ngạc về những điều đã nói về Người. Simêon chúc lành cho hai ông bà và nói với Maria mẹ Người rằng: “Ðây trẻ này được đặt lên, khiến cho nhiều người trong Israel phải sụp đổ hay được đứng dậy, và cũng để làm mục tiêu cho người ta chống đối. Về phần bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ!”

Lúc ấy, cũng có bà tiên tri Anna, con ông Phanuel, thuộc chi họ Asê, đã cao niên. Mãn thời trinh nữ, bà đã sống với chồng được bảy năm. Rồi thủ tiết cho đến nay đã tám mươi bốn tuổi. Bà không rời khỏi đền thờ, đêm ngày ăn chay cầu nguyện phụng sự Chúa. Chính giờ ấy, bà cũng đến, bà liền chúc tụng Chúa, và nói về trẻ Giêsu cho tất cả những người đang trông chờ ơn cứu chuộc Israel.

Khi hai ông bà hoàn tất mọi điều theo luật Chúa, thì trở lại xứ Galilêa, về thành mình là Nadarét. Và con trẻ lớn lên, thêm mạnh mẽ, đầy khôn ngoan, và ơn nghĩa Thiên Chúa ở cùng Người.

Ðó là lời Chúa.

Nguồn: hdgmvietnam.com

Giáo lý cho bài giảng các Chúa nhật và Lễ trọng:

NĂM B

Lễ Thánh Gia năm B

Lễ Chúa Giáng Sinh (25/12)

Chúa nhật 4 Mùa Vọng năm B

Chúa nhật 3 Mùa Vọng năm B

Chúa nhật 2 Mùa Vọng năm B

Chúa nhật 1 Mùa Vọng năm B

NĂM A

Chúa nhật 34 Thường niên năm A – Lễ Chúa Kitô Vua

Chúa nhật 33 Thường niên năm A

Chúa nhật 32 Thường niên năm A

Chúa nhật 31 Thường niên năm A

Chúa nhật 30 Thường niên năm A

Chúa nhật 29 Thường niên năm A

Chúa nhật 28 Thường niên năm A

Chúa nhật 27 Thường niên năm A

Chúa nhật 26 Thường niên năm A

Chúa nhật 25 Thường niên năm A

Chúa nhật 24 Thường niên năm A

Chúa nhật 23 Thường niên năm A

Chúa nhật 22 Thường niên năm A

Chúa nhật 21 Thường niên năm A

Chúa nhật 20 Thường niên năm A

Chúa nhật 19 Thường niên năm A

Chúa nhật 17 Thường niên năm A

Chúa nhật 16 Thường niên năm A

Chúa nhật 15 Thường niên năm A

Chúa nhật 14 Thường niên năm A

Chúa nhật 13 Thường niên năm A

Chúa nhật 12 Thường niên năm A

Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu năm A

Lễ Mình và Máu Thánh Đức Kitô năm A

Lễ Chúa Ba Ngôi năm A

Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống năm A

Lễ Chúa Thăng Thiên Năm A

Chúa nhật 6 Phục Sinh Năm A

Chúa nhật 5 Phục Sinh Năm A 

Chúa nhật 4 Phục Sinh Năm A

Chúa nhật 3 Phục Sinh Năm A

Chúa nhật 2 Phục Sinh Năm A

Chúa nhật Lễ Chúa Phục Sinh

Thứ Sáu Tuần Thánh - Tưởng niệm Cuộc thương khó

Thứ Năm Tuần Thánh - Lễ Tiệc Ly

Chúa nhật Lễ Lá năm A

Chúa nhật 5 Mùa Chay năm A

Chúa nhật 4 Mùa Chay năm A

Chúa nhật 3 Mùa Chay năm A

Chúa nhật 2 Mùa Chay năm A

LỄ TRỌNG

Lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa (01/01)

Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (08.12)

Lời giới thiệu chuyên mục: Giáo lý cho Bài giảng Chúa nhật và Lễ trọng


[1]X.Gl 4, 4.

[2]X.Lc 2, 51.

[3]X.Rm 5, 19.

[4]ĐGH Phaolô VI, Homilia in templo Annuntiationis beatae Mariae Virginis in Nazareth (5-1-1964): AAS 56 (1964) 167-168.

[5]X.Lc 2, 41-52.

[6]X.Cv 18, 8.

[7]X.Cv 16, 31; 11, 14.

[8]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 11: AAS 57 (1965) 16; x.ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris consortio, 21: AAS 74 (1982) 105.

[9]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 11: AAS 57 (1965) 16.

[10]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 10: AAS 57 (1965) 15.

[11]CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 52: AAS 58 (1966) 1073.

[12]ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris consortio, 85: AAS 74 (1982) 187.

[13]ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris consortio, 21: AAS 74 (1982) 105; x.CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 11: AAS 57 (1965) 16.

[14]X.Ep 5, 21 - 6, 4; Cl 3, 18-21; 1Pr 3, 1-7.

[15]X.CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 52: AAS 58 (1966) 1073.

[16]X.Ep 3, 14.

[17]X.Cn 1, 8; Tb 4, 3-4.

[18]X.Xh 20, 12.

[19]X.Ep 6, 1.

[20]X.Mc 7, 10-12.

[21]CĐ Vaticanô II, Tuyên ngôn Gravissimum educationis, 3: AAS 58 (1966) 731.

[22]X. ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris consortio, 36: AAS 74 (1982) 126.

[23]ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus annus, 36: AAS 83 (1991) 838.

[24]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 11: AAS 57 (1965) 16; x.Bộ Giáo Luật, điều 1136.

[25]X.CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 11: AAS 57 (1965) 16.

[26]X.CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 48: AAS 58 (1966) 1069.

[27]X.Mt 18, 21-22; Lc 17, 4.

[28]X. CĐ Vaticanô II, Tuyên ngôn Gravissimum educationis, 6: AAS 58 (1966) 733.

[29]X.Mt 16, 25.

[30]X.Lc 2, 22-39.

[31]X.Xh 13, 12-13.

[32]X.Lc 2, 22-39.

[33]X.Lc 2, 46-49.

[34]X.Lc 2, 41.

[35]X.Ga 2, 13-14; 5, 1.14; 7, 1.10.14; 8, 2; 10, 22-23.

[36]X.1Ga 2, 20.27; 2Cr 1, 21.

[37]X.Xh 30, 22-32.

[38]X.1Sm 16, 13.

[39]X.Lc 4, 18-19; Is 61, 1.

[40]X.Lc 2, 11.

[41]X.Lc 2, 26-27.

[42]X.Lc 4, 1.

[43]X.Lc 6, 19; 8,46.

[44]X.Rm 1, 4; 8,11.

[45]X.Cv 2, 36.

[46]Thánh Augustinô, Sermo 341, 1,1: PL 39, 1493; Ibid. 9,11: PL 34, 1499.

[47]X.St 12, 1-4.

[48]X.St 23, 4.

[49]X.Dt 11, 17.

[50]X.St 15, 6.

[51]X.St 15, 5.

[52]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 58: AAS 57 (1965) 61.

[53]X.ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris Mater, 17: AAS 79 (1987) 381.

[54]X.ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris Mater, 18: AAS 79 (1987) 382-383.

[55]X.St 3, 15.

[56]X.St 3, 20.

[57]X.St 18, 10-l4; 21, 1-2.

[58]X.1Cr 1, 27.

[59]X.1Sm 1.

[60]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 55: AAS 57 (1965) 59-60.

[61]X.Rm 8, 32.

[62]X.Rm 4, 16-21.

[63]X.Lc 1, 48.

[64]X.Sp 3, 17.

[65]X.Lc 1, 48.

 

bài liên quan mới nhất

Ngày 23/11: Thánh Clêmentê I, Giáo hoàng, Tử đạo và Thánh Columbano, Viện Phụ

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng