Giáo lý cho bài giảng Chúa nhật V Mùa Chay năm B

GIÁO LÝ CHO BÀI GIẢNG
(Theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích)

CHÚA NHẬT 5 MÙA CHAY NĂM B

Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của các lễ Chúa nhật, lễ trọng theo sự theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích trong Tập sách Hướng dẫn giảng thuyết được công bố qua Sắc lệnh ký ngày 29.06.2014.

Số 606-607: Cả cuộc đời của Đức Kitô là của lễ dâng hiến Chúa Cha

Số 542, 607: Đức Kitô khao khát hiến mạng sống mình để cứu chuộc chúng ta

Số 690, 729: Chúa Thánh Thần tôn vinh Chúa Con, Chúa Con tôn vinh Chúa Cha

Số 662, 2853: Đức Kitô được giương cao trong vinh quang là chiến thắng của chúng ta

Số 56-64, 220, 715, 762, 1965: Lịch sử các giao ước

Bài Ðọc I: Gr 31, 31-34

Bài Ðọc II: Dt 5, 7-9

Phúc Âm: Ga 12, 20-33

Số 606-607: Cả cuộc đời của Đức Kitô là của lễ dâng hiến Chúa Cha

606. Con Thiên Chúa, Đấng từ trời xuống, không phải để làm theo ý Người, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai Người”[1], “khi vào trần gian, Người nói: ‘Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài’… theo ý đó, chúng ta được thánh hóa, nhờ Chúa Giêsu Kitô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế, một lần cho mãi mãi” (Dt 10,5-10). Ngay từ phút đầu tiên Người nhập thể, Chúa Con đã gắn bó với kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa trong sứ vụ cứu chuộc của mình: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Ngài” (Ga 4,34). Hy lễ của Chúa Giêsu “đền bù tội lỗi cả thế gian” (1 Ga 2,2) là sự diễn tả tình yêu hiệp thông của Người với Chúa Cha: “Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình” (Ga 10,17). Thế gian phải “biết rằng Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy” (Ga 14,31).

607. Sự khao khát gắn bó với kế hoạch yêu thương cứu chuộc của Chúa Cha truyền cảm hứng cho cả cuộc đời Chúa Giêsu[2], bởi vì cuộc khổ nạn cứu chuộc của Người là lý do việc Người nhập thể: “Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này! Nhưng chính vì giờ này mà con đã đến” (Ga 12,27). “Chén mà Chúa Cha đã trao cho Thầy, lẽ nào Thầy chẳng uống?” (Ga 18,11). Và trên thập giá, trước khi mọi sự “đã hoàn tất” (Ga 19,30), Người nói: “Tôi khát!” (Ga 19,28).

Số 542, 607: Đức Kitô khao khát hiến mạng sống mình để cứu chuộc chúng ta

542. Đức Kitô là trung tâm của cộng đồng nhân loại này trong “gia đình của Thiên Chúa”. Người triệu tập họ quanh Người bằng lời nói, bằng những dấu chỉ biểu lộ Nước Thiên Chúa, bằng việc sai phái các môn đệ của Người. Ngươi sẽ làm cho Nước Người đến, chủ yếu nhờ mầu nhiệm cao cả là cuộc Vượt Qua của Người, tức là cái Chết trên thập giá và sự Sống lại của Người. “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi ngươi lên với tôi” (Ga 12,32). Mọi người đều được mời gọi tham dự vào sự kết hợp này với Đức Kitô[3].

607. Sự khao khát gắn bó với kế hoạch yêu thương cứu chuộc của Chúa Cha truyền cảm hứng cho cả cuộc đời Chúa Giêsu[4], bởi vì cuộc khổ nạn cứu chuộc của Người là lý do việc Người nhập thể: “Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này! Nhưng chính vì giờ này mà con đã đến” (Ga 12,27). “Chén mà Chúa Cha đã trao cho Thầy, lẽ nào Thầy chẳng uống?” (Ga 18,11). Và trên thập giá, trước khi mọi sự “đã hoàn tất” (Ga 19,30), Người nói: “Tôi khát!” (Ga 19,28).

Số 690, 729: Chúa Thánh Thần tôn vinh Chúa Con, Chúa Con tôn vinh Chúa Cha

690. Chúa Giêsu là Đức Kitô, “Đấng được xức dầu”, bởi vì Thần Khí là sự Xức dầu của Người, và mọi sự xảy ra khởi từ cuộc Nhập Thể, đều bắt nguồn từ sự sung mãn này[5]. Sau cùng, khi Đức Kitô được tôn vinh[6], đến lượt Người, Người có thể sai Thần Khí từ nơi Chúa Cha đến với những ai tin vào Người: Người truyền thông cho họ vinh quang của mình[7], nghĩa là truyền thông Chúa Thánh Thần, Đấng tôn vinh Người[8]. Từ lúc đó, sứ vụ phối hợp này được mở rộng đến những người được Chúa Cha nhận làm nghĩa tử trong thân thể của Con Ngài: sứ vụ của Thần Khí nghĩa tử sẽ là kết hợp họ với Đức Kitô và làm cho họ sống trong Người.

“Việc Xức dầu nói lên ý nghĩa là không có khoảng cách nào giữa Chúa Con và Chúa Thánh Thần; cũng như lý trí và giác quan không nhận thấy một trung gian nào giữa da thịt và dầu xức, thì sự kết hợp giữa Chúa Con và Chúa Thánh Thần cũng không thể phân chia như vậy, đến độ ai muốn tiếp xúc với Đức Kitô bằng đức tin, cần phải tiếp xúc với dầu trước đã: quả vậy, không có chi thể nào, mà không có Chúa Thánh Thần. Vì vậy, việc tuyên xưng quyền làm Chúa của Chua Con được thực hiện trong Chúa Thánh Thần do những kẻ đón nhận Chúa Con, những người này được Chúa Thánh Thần từ muôn phương đến gặp khi họ đến với Chúa Con bằng đức tin”[9].

729. Chỉ khi đến Giờ Chúa Giêsu phải được tôn vinh, Người mới hứa rằng Chúa Thánh Thần sẽ ngự đến, vì cái Chết và sự Sống lại của Người sẽ là sự hoàn thành Lời đã hứa với các Tổ phụ[10]: Thần chân lý, Đấng Bào Chữa khác, sẽ được Chúa Cha ban nhờ lời cầu xin của Chúa Giêsu; chính Ngài sẽ được Chúa Cha sai đến nhân danh Chúa Giêsu; Chúa Giêsu sẽ sai Chúa Thánh Thần từ Chúa Cha mà đến, bởi vì Ngài xuất phát từ Chúa Cha. Chúa Thánh Thần sẽ đến, và chúng ta sẽ nhận biết Ngài, Ngài sẽ ở cùng chúng ta mãi mãi, Ngài sẽ cư ngụ với chúng ta; Ngài sẽ dạy dỗ chúng ta mọi sự và nhắc cho chúng ta nhớ tất cả những gì Chúa Giêsu đã nói, và Ngài sẽ làm chứng cho Đức Kitô; Ngài sẽ dẫn chúng ta đến chân lý trọn vẹn và sẽ tôn vinh Đức Kitô. Còn đối với thế gian, Ngài sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi, về sự công chính, và về việc xét xử.

Số 662, 2853: Đức Kitô được giương cao trong vinh quang là chiến thắng của chúng ta

662. “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12,32). Việc bị giương cao trên thập giá có ý chỉ và loan báo việc được đưa lên trời của mầu nhiệm Thăng Thiên. Thập giá là khởi đầu của Thăng Thiên. Chúa Giêsu Kitô, vị Thượng Tế duy nhất của Giao Ước mới và vĩnh cửu, “đã chẳng vào một cung thánh do tay người phàm làm ra…nhưng Người đã vào chính cõi trời, để giờ đây ra đứng trước mặt Thiên Chúa chuyển cầu cho chúng ta” (Dt 9,24). Trên trời, Đức Kitô thực thi chức tư tế của Người một cách thường hằng, “Người hằng sống để chuyển cầu cho họ” “nhờ Người mà tiến lại gần Thiên Chúa” (Dt 7,25). Với tư cách là “Thượng Tế đem phúc lộc của thế giới tương lai” (Dt 9,11), Người là trung tâm và là chủ sự của phụng vụ tôn vinh Chúa Cha trên trời[11].

2853. Cuộc chiến thắng trên “thủ lãnh thế gian này”[12] đã hoàn tất, một lần cho mãi mãi, vào Giờ Chúa Giêsu tự nguyện nộp mình chịu chết để ban cho chúng ta sự sống của Người. Đó là lúc phán xét thế gian này và thủ lãnh thế gian này “bị tống ra ngoài”[13]. Hắn “đuổi bắt người Phụ Nữ” (Kh 12,13)[14], nhưng không bắt được Bà; Bà là Evà mới, “đầy ân sủng” của Chúa Thánh Thần, được gìn giữ khỏi tội lỗi và sự hư nát của cái chết (Sự Vô nhiễm nguyên tội và Lên trời của Mẹ rất thánh của Thiên Chúa, Đức Maria trọn đời đồng trinh). “Con Mãng Xà nổi giận với người Phụ Nữ và đi giao chiến với những người còn lại trong dòng dõi bà” (Kh 12,17). Vì thế, Thần Khí và Hội Thánh cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến” (Kh 22,17.20), bởi vì khi Người ngự đến, Người sẽ giải thoát chúng ta khỏi Ác thần.

Số 56-64, 220, 715, 762, 1965: Lịch sử các giao ước

Giao ước với ông Nôê

56. Khi sự hợp nhất của nhân loại bị tội lỗi phá vỡ, Thiên Chúa lập tức có ý định cứu độ nhân loại khi can thiệp qua từng nhóm người. Giao ước với ông Nôê sau cơn lụt đại hồng thủy[15] nói lên nguyên tắc của Nhiệm cục thần linh đối với “các dân tộc”, nghĩa là đối với những người quy tụ lại “theo tiếng nói, dòng họ và dân tộc của mình” (St 10,5)[16].

57. Trật tự đa dân tộc này, vừa có tính vũ trụ, vừa có tính xã hội và tôn giáo[17], nhằm hạn chế tính kiêu căng của một nhân loại đã sa ngã, muốn đồng lòng trong sự ngoan cố của mình[18], muốn tự mình gầy dựng sự hợp nhất theo kiểu xây tháp Babel[19]. Nhưng vì tội lỗi[20], nên thuyết đa thần cũng như việc tôn thờ các ngẫu tượng là dân tộc và lãnh tụ của mình, đã không ngừng đe doạ biến Nhiệm cục tạm thời này thành sự gian tà ngoại đạo.

58. Giao ước với ông Nôê có hiệu lực trong suốt thời gian của các dân tộc[21], cho tới khi Tin Mừng được loan báo một cách phổ quát. Thánh Kinh tôn kính một số vĩ nhân của “các dân tộc”, như “Abel, người công chính”, vua tư tế Melchisêđê[22], ông này là hình bóng của Đức Kitô[23], hoặc các người công chính “Nôê, Đaniel và Job” (Ed 14,14). Như vậy Thánh Kinh nói lên mức độ thánh thiện cao vời mà những người sống theo Giao ước Nôê có thể đạt tới, đang khi mong đợi Đức Kitô “quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối” (Ga 11,52).

Thiên Chúa chọn ông Abraham

59. Để quy tụ loài người đang tản mác về một mối, Thiên Chúa chọn ông Abram và phán với ông: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi” (St 12,1); với ý định làm cho ông thành Abraham, nghĩa là “cha của vô số dân tộc” (St 17,5): “Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc” (St 12,3)[24].

60. Dân tộc phát sinh từ ông Abraham sẽ được thừa hưởng lời Thiên Chúa hứa với các tổ phụ, tức là dân được Ngài tuyển chọn[25], họ được gọi để chuẩn bị cho việc quy tụ trong tương lai mọi con cái Thiên Chúa trong sự duy nhất của Hội Thánh[26]; dân tộc này sẽ là gốc rễ mà các dân ngoại khi tin vào Thiên Chúa sẽ được tháp ghép vào[27].

61. Các tổ phụ, các tiên tri và những vĩ nhân khác của Cựu ước đã và sẽ luôn được tôn kính như những vị Thánh trong tất cả các truyền thống phụng vụ của Hội Thánh.

Thiên Chúa huấn luyện dân Israel của Ngài

62. Sau thời các Tổ phụ, Thiên Chúa lập Israel làm dân của Ngài khi cứu họ khỏi ách nô lệ Ai cập. Ngài lập Giao ước Sinai với dân và ban Lề Luật của Ngài cho họ qua ông Môisen, để họ nhận biết và phụng sự Ngài với tư cách là Thiên Chúa duy nhất hằng sống và chân thật, là Cha quan phòng và là thẩm phán chí công, và để họ mong đợi Đấng Cứu Độ mà Ngài đã hứa ban[28].

63. Israel là dân tư tế của Thiên Chúa[29], được “mang danh Đức Chúa” (Đnl 28,10). Đó là dân của “những người đầu tiên được nghe lời Chúa phán dạy”[30], dân của “những người làm anh” trong đức tin của tổ phụ Abraham[31].

64. Qua các tiên tri, Thiên Chúa đào tạo dân Ngài trong niềm hy vọng ơn cứu độ, trong sự mong đợi Giao ước mới và vĩnh cửu dành cho tất cả mọi người[32], Giao ước đó sẽ được ghi khắc trong các trái tim[33]. Các Tiên tri loan báo ơn cứu chuộc triệt để cho dân của Thiên Chúa, ơn thanh tẩy khỏi mọi bất trung của họ[34], và ơn cứu độ ấy sẽ bao gồm tất cả các dân tộc[35]. Đặc biệt những người nghèo khó và khiêm nhu của Chúa[36] sẽ ấp ủ niềm hy vọng này. Những phụ nữ thánh thiện như các bà Sara, Rêbecca, Rachel, Miryam, Đêbora, Anna, Juđitha và Esther, đã gìn giữ cho niềm hy vọng cứu độ ấy của Israel luôn sống động. Hình ảnh tinh tuyền nhất của niềm hy vọng này là Đức Maria[37].

220. Tình yêu của Thiên Chúa “tồn tại muôn đời” (Is 54,8): “Núi có dời có đổi, đồi có chuyển có lay, tình nghĩa của Ta đối với ngươi vẫn không thay đổi” (Is 54,l0). “Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở, nên Ta vẫn dành cho ngươi lòng xót thương” (Gr 31,3).

715. Các bản văn tiên tri trực tiếp liên quan đến việc sai Chúa Thánh Thần đến, là những lời sấm trong đó Thiên Chúa lấy ngôn ngữ Lời hứa mà nói vào trái tim của dân Ngài, bằng cung giọng yêu thương và trung tín[38], sáng ngày lễ Ngũ Tuần, thánh Phêrô sẽ tuyên bố việc hoàn thành những điều đó[39]. Theo những lời hứa đó, trong “thời sau hết”, Thần Khí Thiên Chúa sẽ đổi mới trái tim người ta bằng cách ghi khắc Lề luật mới trong họ; Ngài sẽ quy tụ và giao hoà những dân tộc đã bị phân tán và chia rẽ; Ngài sẽ biến đổi công trình tạo dựng thứ nhất và Thiên Chúa sẽ ở đó với người ta trong hoà bình.

762. Việc chuẩn bị xa cho cuộc tập họp dân Thiên Chúa bắt đầu bằng ơn gọi của ông Abraham, Thiên Chúa hứa cho ông trở thành cha tương lai của một dân tộc vĩ đại[40]. Việc chuẩn bị gần bắt đầu bằng việc tuyển chọn Israel làm dân Thiên Chúa[41]. Nhờ việc được tuyển chọn, Israel phải là dấu chỉ cuộc tập họp trong tương lai gồm tất cả các dân tộc[42]. Nhưng các Tiên tri tố cáo Israel đã phản bội Giao ước và đã hành xử như một gái điếm[43]. Các ngài loan báo một Giao Ước mới và vĩnh cửu[44]. “Giao ước mới này, chính Đức Kitô đã thiết lập”[45].

1965. Luật mới hay Luật Tin Mừng là sự trọn hảo nơi trần thế của Luật thần linh, tự nhiên và được mạc khải. Đây là công trình của Đức Kitô, được trình bày cách đặc biệt trong Bài giảng trên núi. Đây cũng là công trình của Chúa Thánh Thần, và nhờ Ngài, nó trở thành luật nội tâm của đức mến: “Ta hoàn thành một Giao Ước Mới với nhà Israel và nhà Giuđa...Ta sẽ ghi vào lòng trí chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng lề luật của Ta; Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng còn chúng sẽ là Dân của Ta” (Dt 8,8.10)[46].

Bài Ðọc I: Gr 31, 31-34

“Ta sẽ ký kết giao ước mới và Ta sẽ không còn nhớ tội lỗi nữa”.

Trích sách Tiên tri Giêrêmia.

Chúa phán: “Ðây tới ngày Ta ký kết giao ước mới với nhà Israel và nhà Giuđa, giao ước này không giống như giao ước Ta đã ký kết với tổ phụ của chúng trong ngày Ta cầm tay chúng dắt ra khỏi đất Ai Cập; giao ước ấy chính chúng đã phản bội, mặc dầu Ta thống trị chúng”. Chúa phán: “Ðây là giao ước Ta sẽ ký kết với nhà Israel sau những ngày đó. Ta sẽ đặt lề luật của Ta trong đáy lòng chúng, và sẽ ghi trong tâm hồn chúng; Ta sẽ là Chúa của chúng, và chúng sẽ là dân của Ta”. Chúa phán: “Người này sẽ không còn phải dạy người nọ, anh sẽ không còn phải dạy em rằng: “Ngươi hãy nhìn biết Chúa”, vì mọi người từ nhỏ chí lớn đều nhìn biết Ta, vì Ta sẽ tha tội ác của chúng, và sẽ không còn nhớ đến tội lỗi của chúng”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp ca: Tv 50, 3-4. 12-13. 14-15

Ðáp: Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch.

Xướng: 1) Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng nhân hậu Chúa, xóa tội con theo lượng cả đức từ bi. Xin rửa con tuyệt gốc lỗi lầm, và tẩy con sạch lâng tội ác.

Ðáp: Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch.

2) Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch, và canh tân tinh thần cương nghị trong người con. Xin đừng loại con khỏi thiên nhan Chúa, chớ thu hồi Thánh Thần Chúa ra khỏi con.

Ðáp: Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch.

3) Xin ban lại cho con niềm vui ơn cứu độ, với tinh thần quảng đại, Chúa đỡ nâng con. Con sẽ dạy kẻ bất nhân đường nẻo Chúa, và người tội lỗi sẽ trở về với Ngài.

Ðáp: Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch.

 Bài Ðọc II: Dt 5, 7-9

“Người đã học vâng phục và đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời”.

Trích thư gởi tín hữu Dothái.

Khi còn sống ở đời này, Chúa Kitô đã lớn tiếng và rơi lệ dâng lời cầu xin khẩn nguyện lên Ðấng có thể cứu Người khỏi chết, và vì lòng thành tín, Người đã được nhậm lời. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã học vâng phục do những đau khổ Người chịu, và khi hoàn tất, Người đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho tất cả những kẻ tùng phục Người.

Ðó là lời Chúa.

Câu Xướng Trước Phúc Âm: Ga 12,26

Chúa phán: “Ai phụng sự Ta, hãy theo Ta, và Ta ở đâu, thì kẻ phụng sự Ta cũng sẽ ở đó”.

Phúc Âm: Ga 12, 20-33

“Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, trong số những người lên dự lễ, có mấy người Hy Lạp. Họ đến gặp Philipphê quê ở Bêtania, xứ Galilêa, và nói với ông rằng: “Thưa ngài, chúng tôi muốn gặp Ðức Giêsu”. Philipphê đi nói với Anrê, rồi Anrê và Philipphê đến thưa Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đáp: “Ðã đến giờ Con Người được tôn vinh. Quả thật, quả thật, Ta nói với các con: Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình; nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt. Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời. Ai phụng sự Ta, hãy theo Ta, và Ta ở đâu, thì kẻ phụng sự Ta cũng sẽ ở đó. Ai phụng sự Ta, Cha Ta sẽ tôn vinh nó. Bây giờ linh hồn Ta xao xuyến, và biết nói gì? Lạy Cha, xin cứu Con khỏi giờ này. Nhưng chính vì thế mà Con đã đến trong giờ này. Lạy Cha, xin hãy làm vinh danh Cha”. Lúc đó có tiếng từ trời phán: “Ta đã làm vinh danh Ta và Ta còn làm vinh danh Ta nữa”. Ðám đông đứng đó nghe thấy và nói đó là tiếng sấm. Kẻ khác lại rằng: “Một thiên thần nói với Ngài”. Chúa Giêsu đáp: “Tiếng đó phán ra không phải vì Ta, nhưng vì các ngươi. Chính bây giờ là lúc thế gian bị xét xử, bây giờ là lúc thủ lãnh thế gian bị khai trừ và khi nào Ta chịu đưa lên cao khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta”. Người nói thế để chỉ Người phải chết cách nào.

Ðó là lời Chúa.

Nguồn: hdgmvietnam.com

Giáo lý cho bài giảng các Chúa nhật và Lễ trọng:

NĂM B

Chúa nhật 5 Mùa Chay năm B

Chúa nhật 4 Mùa Chay năm B

Chúa nhật 3 Mùa Chay năm B

Chúa nhật 2 Mùa Chay năm B

Chúa nhật 1 Mùa Chay năm B

Chúa nhật 6 Thường niên năm B

Chúa nhật 5 Thường niên năm B

Chúa nhật 4 Thường niên năm B

Chúa nhật 3 Thường niên năm B (Chúa nhật Lời Chúa)

Chúa nhật 2 Thường niên năm B

Lễ Hiển Linh

Lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa (01/01)

Lễ Thánh Gia năm B

Lễ Chúa Giáng Sinh (25/12)

Chúa nhật 4 Mùa Vọng năm B

Chúa nhật 3 Mùa Vọng năm B

Chúa nhật 2 Mùa Vọng năm B

Chúa nhật 1 Mùa Vọng năm B

NĂM A

Chúa nhật 34 Thường niên năm A – Lễ Chúa Kitô Vua

Chúa nhật 33 Thường niên năm A

Chúa nhật 32 Thường niên năm A

Chúa nhật 31 Thường niên năm A

Chúa nhật 30 Thường niên năm A

Chúa nhật 29 Thường niên năm A

Chúa nhật 28 Thường niên năm A

Chúa nhật 27 Thường niên năm A

Chúa nhật 26 Thường niên năm A

Chúa nhật 25 Thường niên năm A

Chúa nhật 24 Thường niên năm A

Chúa nhật 23 Thường niên năm A

Chúa nhật 22 Thường niên năm A

Chúa nhật 21 Thường niên năm A

Chúa nhật 20 Thường niên năm A

Chúa nhật 19 Thường niên năm A

Chúa nhật 17 Thường niên năm A

Chúa nhật 16 Thường niên năm A

Chúa nhật 15 Thường niên năm A

Chúa nhật 14 Thường niên năm A

Chúa nhật 13 Thường niên năm A

Chúa nhật 12 Thường niên năm A

Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu năm A

Lễ Mình và Máu Thánh Đức Kitô năm A

Lễ Chúa Ba Ngôi năm A

Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống năm A

Lễ Chúa Thăng Thiên Năm A

Chúa nhật 6 Phục Sinh Năm A

Chúa nhật 5 Phục Sinh Năm A 

Chúa nhật 4 Phục Sinh Năm A

Chúa nhật 3 Phục Sinh Năm A

Chúa nhật 2 Phục Sinh Năm A

Chúa nhật Lễ Chúa Phục Sinh

Thứ Sáu Tuần Thánh - Tưởng niệm Cuộc thương khó

Thứ Năm Tuần Thánh - Lễ Tiệc Ly

Chúa nhật Lễ Lá năm A

Chúa nhật 5 Mùa Chay năm A

Chúa nhật 4 Mùa Chay năm A

Chúa nhật 3 Mùa Chay năm A

Chúa nhật 2 Mùa Chay năm A

LỄ TRỌNG

Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (08.12)

Lời giới thiệu chuyên mục: Giáo lý cho Bài giảng Chúa nhật và Lễ trọng


[1] X. Ga 6,38.

[2] X. Lc 12,50; 22,15; Mt 16,21-23.

[3] X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 3: AAS 57 (1965) 6.

[4] X. Lc 12,50; 22,15; Mt 16,21-23.

[5] X. Ga 3,34.

[6] X. Ga 7,39.

[7] X. Ga 17,22.

[8] X. Ga 16,14.

[9] Thánh Grêgôriô Nyssênô, Adversus Macedonianos de Spiritu Sancto, 16: Gregorii Nysseni opera, ed. W. Jaeger-H. Langerbeck, v. 3/1 (Leiden 1958) 102-103 (PG 45, 1321).

[10] X. Ga 14,16-17.26; 15,26; 16,7-15; 17,26.

[11] X. Kh 4,6-11.

[12] X. Ga 14,30.

[13] X. Ga 12,31; Kh 12,10.

[14] X. Kh 12,13-16.

[15] X. St 9,9.

[16] X. St 10,20-31.

[17] X. Cv 17,26-27.

[18] X. Kn 10,5.

[19] X. St 11,4-6.

[20] X. Rm 1,18-25.

[21] X. Lc 21,24.

[22] X. St 14,18.

[23] X. Dt 7,3.

[24] X. Gl 3,8.

[25] X. Rm 11,28.

[26] X. Ga 11,52; 10,16.

[27] X. Rm 11,17-18.24.

[28] X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Dei Verbum, 3: AAS 58 (1966) 818.

[29] X. Xh 19,6.

[30] Thứ Sáu Tuần Thánh, Cầu nguyện cho mọi người VI: Sách Lễ Rôma, editio typica (Typis Polyglottis Vaticanis 1970) 254.

[31] X. ĐGH Gioan Phaolô II, Diễn văn tại Hội đường Dothái ở Rôma, (ngày 13/4/1986) 4: Insegnamenti di Giovanni Paolo II, IX 1, 1027.

[32] X. Is 2,2-4.

[33] X. Gr 31,31-34; Dt 10,16.

[34] X. Ed 36.

[35] X. Is 49,5-6; 53,11.

[36] X. Sp 2,3.

[37] X. Lc 1,38.

[38] X. Ed 11,19; 36,25-28; 37,1-14; Gr 31,31-34; Ge 3,1-5.

[39] X. Cv 2,17-21.

[40] X. St 12,2; 15,5-6.

[41] X. Xh 19,5-6; Đnl 7,6.

[42] X. Is 2,2-5; Mk 4,1-4.

[43] X. Os 1; Is 1,2-4; Gr 2; v.v….

[44] X. Gr 31,31-34; Is 55,3.

[45] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 9: AAS 57 (1965) 13.

[46] X. Gr 31,31-34.

 

bài liên quan mới nhất

Ngày 28/4: Thánh Phêrô Channe – Linh mục, tử đạo (1803-1841)

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng