Giáo lý cho bài giảng Chúa nhật 30 Thường niên năm B

GIÁO LÝ CHO BÀI GIẢNG CHÚA NHẬT 30 THƯỜNG NIÊN NĂM B

Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của lễ Chúa nhật 30 Thường niên năm B theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích.

Số 547-550: Chúa Giêsu đã thực hiện các dấu chỉ Người là Đấng Messia

Số 547. Kèm theo những lời Người nói, Chúa Giêsu đã làm “những phép mầu, điềm thiêng và dấu lạ” (Cv 2, 22) để cho thấy Nước Trời đang hiện diện nơi Người. Chúng chứng tỏ Chúa Giêsu chính là Đấng Messia đã được tiên báo[1].

Số 548. Các dấu lạ do Chúa Giêsu thực hiện minh chứng Chúa Cha đã sai Người đến[2]. Chúng mời gọi ta hãy tin vào Người[3]. Những ai đến với Người bằng đức tin, đức tin cho họ được điều họ thỉnh cầu[4]. Lúc đó, các phép lạ củng cố lòng tin vào Người, Đấng thực hiện các công việc của Cha Người: chúng chứng tỏ Người là Con Thiên Chúa[5]. Nhưng chúng cũng có thể là cớ vấp ngã[6]. Quả vậy, chúng không nhằm thỏa mãn trí tò mò, và lòng ưa chuộng ma thuật. Bất chấp những phép lạ hết sức tỏ tường của Người, Chúa Giêsu vẫn bị một số người loại bỏ[7], thậm chí Người còn bị tố cáo là hành động nhờ ma quỷ[8].

Số 549. Khi giải thoát một số người khỏi những sự dữ đời này như đói khát[9], bất công[10], bệnh tật và cái chết[11], Chúa Giêsu đã thực hiện các dấu chỉ Người là Đấng Messia. Tuy nhiên, Người không đến để loại trừ mọi điều xấu khỏi trần gian này[12], nhưng để giải thoát con người khỏi ách nô lệ nặng nề nhất, là ách nô lệ của tội lỗi[13], thứ ách nô lệ này ngăn cản họ trong ơn gọi của họ là làm con cái Thiên Chúa, và gây ra mọi hình thức nô lệ giữa con người.

Số 550. Khi Nước Thiên Chúa trị đến là lúc nước Satan bị sụp đổ[14]: “Nếu tôi dựa vào Thần Khí của Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là triều đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông” (Mt l2, 28). Những việc trừ quỷ do Chúa Giêsu thực hiện, giải phóng người ta khỏi quyền thống trị của ma quỷ[15]. Những việc ấy báo trước sự chiến thắng cao cả của Chúa Giêsu trên “thủ lãnh thế gian này”[16]. Nhờ thập giá của Đức Kitô mà Nước Thiên Chúa sẽ được thiết lập vĩnh viễn: “Thiên Chúa đã cai trị từ cây gỗ”[17].

Số 1814-1816: Đức tin, hồng ân của Thiên Chúa

Số 1814. Đức tin là nhân đức đối thần, nhờ đó chúng ta tin vào Thiên Chúa và tất cả những gì Ngài đã nói và đã mạc khải cho chúng ta, và những gì Hội Thánh dạy chúng ta tin, bởi vì Thiên Chúa chính là Chân lý. Nhờ đức tin, “con người tự nguyện phó thác toàn thân cho Thiên Chúa”[18]. Vì vậy ai tin, người đó cố gắng nhận biết và thi hành ý muốn của Thiên Chúa. “Người công chính nhờ đức tin sẽ được sống” (Rm 1, 17). Đức tin sống động “hành động nhờ đức mến” (Gl 5, 6).

Số 1815. Hồng ân đức tin tồn tại trong người không phạm tội nghịch với đức tin[19]. Nhưng “đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2, 26). Nếu thiếu đức cậy và đức mến, đức tin sẽ không kết hợp đầy đủ tín hữu với Đức Kitô và không làm cho họ trở nên chi thể sống động của Thân Thể Người.

Số 1816. Người môn đệ Đức Kitô không những phải gìn giữ đức tin và sống bởi đức tin, mà còn phải tuyên xưng, can đảm làm chứng và truyền bá đức tin: “Mọi tín hữu…phải sẵn sàng tuyên xưng Đức Kitô trước mặt người ta, và bước theo Người trên đường thập giá, giữa những cuộc bách hại mà Hội Thánh luôn luôn gặp phải”[20]. Việc phục vụ và làm chứng cho đức tin là những điều phải có để được cứu độ. “Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 10, 32-33).

Số 2734-2737: Lòng tin tưởng của người con thảo vào việc cầu nguyện

Số 2734. Lòng tin tưởng của người con hiếu thảo bị thử thách - và được chứng thực - khi gặp gian truân[21]. Khó khăn lớn nhất liên quan đến việc cầu xin, cho bản thân hay cho kẻ khác. Có người thôi không cầu nguyện nữa, vì nghĩ rằng lời xin của mình không được nhậm lời. Ở đây, có hai vấn nạn được đặt ra: Tại sao chúng ta nghĩ rằng lời cầu xin của chúng ta không được nhậm lời? Làm thế nào để lời cầu xin của chúng ta được nhậm lời, “mang lại hiệu quả”?

Tại sao chúng ta phàn nàn vì không được nhậm lời?

Số 2735. Trước hết, có một nhận xét này đáng làm chúng ta ngạc nhiên. Khi ngợi khen Thiên Chúa hay tạ ơn Ngài vì các ơn lành Ngài ban, chúng ta ít lo tìm hiểu xem lời cầu nguyện của chúng ta có đẹp lòng Chúa hay không. Trái lại, khi cầu nguyện xin ơn, chúng ta đòi thấy hiệu quả của lời cầu xin đó. Vậy hình ảnh nào về Thiên Chúa thúc đẩy chúng ta cầu nguyện? Một phương tiện để chúng ta sử dụng, hoặc Đấng là Cha của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta?

Số 2736. Chúng ta có xác tín điều này không: “Chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải” (Rm 8, 26)? Chúng ta có xin Thiên Chúa “những điều thích hợp” không? Cha trên trời biết rõ điều chúng ta cần, trước khi chúng ta xin Ngài[22]; nhưng Ngài chờ đợi lời cầu xin của chúng ta bởi vì phẩm giá của con cái Ngài là ở nơi sự tự do của họ. Vì vậy phải cầu nguyện, với Thần Khí tự do của Ngài, để chúng ta có thể thật sự biết được ước muốn của Ngài[23].

Số 2737. “Anh em không có là vì anh em không xin. Anh em xin mà không được là vì anh em xin với tà ý, để lãng phí trong việc hưởng lạc” (Gc 4, 2-3)[24]. Nếu chúng ta cầu xin với một trái tim bị chia sẻ, “ngoại tình”[25], thì Thiên Chúa không thể nhậm lời chúng ta, bởi vì Ngài muốn điều tốt lành cho chúng ta, muốn chúng ta được sống. “Hay anh em nghĩ rằng lời Kinh Thánh sau đây là vô nghĩa: Thần khí mà Thiên Chúa đã đặt trong chúng ta ước muốn đến phát ghen lên?” (Gc 4, 5). Thiên Chúa “phát ghen” vì chúng ta, đó là dấu chỉ cho thấy Ngài thật lòng yêu thương chúng ta. Chúng ta hãy ước muốn theo Thần Khí của Ngài và chúng ta sẽ được nhậm lời:

“Bạn đừng buồn nếu bạn không được Thiên Chúa ban ngay điều bạn xin; vì Ngài muốn cho bạn được nhiều ích lợi hơn nữa, nhờ bạn kiên trì trong cầu nguyện”[26].

“Ngài muốn tôi luyện những ước muốn của chúng ta trong cầu nguyện, để chúng ta có khả năng đón nhận những gì Ngài sẵn lòng ban”[27].

Bài Ðọc I: Gr 31, 7-9

 “Ta sẽ lấy lòng từ bi dẫn dắt kẻ đui mù và què quặt”.

Trích sách Tiên tri Giêrêmia.

Ðây Chúa phán: Hỡi Giacóp, hãy hân hoan vui mừng! Hãy hò hét vào đầu các Dân ngoại, hãy cất tiếng vang lên, ca hát rằng: “Lạy Chúa, xin hãy cứu dân Chúa là những kẻ sống sót trong Israel”. Ðây, Ta sẽ dẫn dắt chúng từ đất bắc trở về, sẽ tụ họp chúng lại từ bờ cõi trái đất: trong bọn chúng sẽ có kẻ đui mù, què quặt, mang thai và sinh con đi chung với nhau, hợp thành một cộng đoàn thật đông quy tụ về đây. Chúng vừa đi vừa khóc, Ta sẽ lấy lòng từ bi và dẫn dắt chúng trở về. Ta sẽ đưa chúng đi trên con đường thẳng, băng qua các suối nước; chúng không phải vấp ngã trên đường đi: vì Ta đã trở nên thân phụ dân Israel, và Ephraim là trưởng tử của Ta.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 125, 1-2ab. 2cd-3. 4-5. 6

Ðáp: Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan.

Xướng: 1) Khi Chúa đem những người từ Sion bị bắt trở về, chúng tôi dường như người đang mơ, bấy giờ miệng chúng tôi vui cười, lưỡi chúng tôi thốt lên những tiếng hân hoan.

Ðáp: Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan.

2) Bấy giờ dân thiên hạ nói với nhau rằng: “Chúa đã đối xử với họ cách đại lượng.” Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan.

Ðáp: Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan.

3) Lạy Chúa, hãy đổi số phận của con, như những dòng suối ở miền nam. Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan.

Ðáp: Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan.

4) Thiên hạ vừa đi vừa khóc, tay mang thóc đi gieo; họ trở về trong hân hoan, vai mang những bó lúa.

Ðáp: Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan.

Bài Ðọc II: Dt 5, 1-6

 “Con là tư tế đến muôn đời theo phẩm hàm Menkixêđê”.

Trích thư gửi tín hữu Do Thái.

Tất cả các vị thượng tế được chọn giữa loài người, nên được đặt lên thay cho loài người mà lo việc Chúa, để hiến dâng lễ vật và hy lễ đền tội. Người có thể thông cảm với những kẻ mê muội và lầm lạc, vì chính người cũng mắc phải yếu đuối tư bề. Vì thế, cũng như người phải dâng lễ đền tội thay cho dân thế nào, thì người dâng lễ đền tội cho chính mình như vậy. Không ai được chiếm vinh dự đó, nhưng phải là người được Thiên Chúa kêu gọi như Aaron.

Cũng thế, Ðức Kitô không tự dành lấy quyền làm thượng tế, nhưng là Ðấng đã nói với Người rằng: “Con là Con Cha, hôm nay Cha sinh ra Con”. Cũng có nơi khác Ngài phán: “Con là tư tế đến muôn đời theo phẩm hàm Menkixêđê”.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Lc 19,38

Alleluia, alleluia! - Chúc tụng Ðức Vua, Ðấng nhân danh Chúa mà đến; bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời. - Alleluia.

Phúc Âm: Mc 10, 46-52

“Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Maccô.

Khi ấy, Chúa Giêsu ra khỏi thành Giêricô cùng với các môn đệ và một đám đông, thì con ông Timê tên là Bartimê, một người mù đang ngồi ăn xin ở vệ đường, khi anh ta nghe biết đó là Chúa Giêsu Nadarét, liền kêu lên rằng: “Hỡi ông Giêsu con vua Ðavít, xin thương xót tôi”. Và nhiều người mắng anh bảo im đi, nhưng anh càng kêu to hơn: “Hỡi con vua Ðavít, xin thương xót tôi”.

Chúa Giêsu dừng lại và truyền gọi anh đến. Người ta gọi người mù và bảo anh: “Hãy vững tâm đứng dậy, Người gọi anh”. Anh ta liệng áo choàng, đứng dậy, đến cùng Chúa Giêsu. Bấy giờ Chúa Giêsu bảo rằng: “Anh muốn Ta làm gì cho anh?” Người mù thưa: “Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy”. Chúa Giêsu đáp: “Ðược, đức tin của anh đã chữa anh”. Tức thì anh ta thấy được và đi theo Người.

Ðó là lời Chúa.

Nguồn: hdgmvietnam.com

________


[1]X.Lc 7, 18-23.

[2]X.Ga 5, 36; 10, 25.

[3]X.Ga 10, 38.

[4]X.Mc 5, 25-34; 10, 52.

[5]X.Ga 10, 31-38.

[6]X.Mt 11, 6.

[7]XGa 11, 47-48.

[8]X.Mc 3, 22.

[9]X.Ga 6, 5-15.

[10]X.Lc 19, 8.

[11]X.Mt 11, 5.

[12]X.Lc 12, 13-14; Ga 18, 36.

[13]X.Ga 8, 34-36.

[14]X.Mt 12, 26.

[15]X.Lc 8, 26-39.

[16]X.Ga 12, 31.

[17]Vênantiô Fortunatô, Hymnus “Vexilla Regis”: MGH 1/4/1, 34 (PL 88, 96).

[18]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Dei Verbum, 5: AAS 58 (1966) 819.

[19]X.CĐ Triđentinô, Sess. 6a, Decretum de iustificatione, c.15: DS 1544.

[20]X.CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 42: AAS 57 (1965) 48; x. Id., Tuyên ngôn Dignitatis humanae, 14: AAS 58 (1966) 940.

[21]X.Rm 5, 3-5.

[22]X.Mt 6, 8.

[23]X.Rm 8, 27.

[24]X.tất cả văn mạch Gc 1, 5-8; 4, 1-10; 5, 16.

[25]X.Gc 4, 4.

[26]Êvagriô Ponticô, De oratione, 34: PG 79, 1173.

[27]Thánh Augustinô, Epistula 130, 8, 17: CSEL 44, 59 (PL 33, 500).

 

bài liên quan mới nhất

Thứ Tư tuần XXXII TN: Không phải cả mười người đều được sạch sao?

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng