GIÁO LÝ CHO BÀI GIẢNG CHÚA NHẬT 25 THƯỜNG NIÊN NĂM B
Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của lễ Chúa nhật 25 Thường niên năm B theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích.
Số 539, 565, 600-605, 713: Đức Kitô, Người Tôi Trung của Thiên Chúa
Số 539. Các tác giả Tin Mừng nêu rõ ý nghĩa cứu độ của biến cố bí nhiệm này. Chúa Giêsu là Ađam mới, Người vững lòng trung thành ở chỗ Ađam cũ đã đầu hàng cơn cám dỗ. Chúa Giêsu thực hiện cách hoàn hảo ơn gọi của dân Israel: trái hẳn với những kẻ xưa kia đã thách thức Thiên Chúa suốt bốn mươi năm trong hoang địa[1], Chúa Giêsu được mạc khải như Người Tôi Trung của Thiên Chúa, hoàn toàn vâng phục thánh ý Thiên Chúa. Trong việc này, Chúa Giêsu toàn thắng ma quỷ: Người đã trói kẻ mạnh và thu lại tài sản nó đã cướp[2]. Chiến thắng của Chúa Giêsu trước kẻ cám dỗ trong hoang địa báo trước chiến thắng của cuộc khổ nạn, là sự vâng phục tuyệt đối trong tình yêu con thảo của Người đối với Chúa Cha.
Số 565. Chúa Giêsu, ngay từ lúc khởi đầu đời sống công khai của Người, lúc Người chịu phép rửa, là “Người Tôi Trung” hoàn toàn hiến thân cho công trình Cứu Độ, công trình này sẽ được hoàn tất trong “phép rửa” là cuộc khổ nạn của Người.
Số 600. Đối với Thiên Chúa mọi thời điểm trong tính thời sự của nó đều là hiện tại. Vì vậy, chính Thiên Chúa thiết lập kế hoạch “tiền định” vĩnh cửu của Ngài, Ngài bao gồm trong kế hoạch ấy lời đáp trả tự do của mỗi người đối với ân sủng của Ngài: “Đúng vậy, Hêrôđê, Phongxiô Philatô, cùng với chư dân và dân Israel đã toa rập trong thành này, chống lại tôi tớ thánh của Ngài là Chúa Giêsu, Đấng Ngài đã xức dầu[3]. Như thế họ đã thực hiện tất cả những gì quyền năng và ý muốn của Ngài đã định trước” (Cv 4,27-28). Thiên Chúa cho phép xảy ra những hành vi xuất phát từ sự mù quáng của họ[4], để hoàn thành kế hoạch cứu độ của Ngài[5].
Đức Kitô “đã chết vì tội lỗi chúng ta theo như lời Thánh Kinh”
Số 601. Kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa về việc “Người Tôi Trung Công Chính” bị giết[6] đã được báo trước trong Thánh Kinh như một mầu nhiệm Cứu Chuộc phổ quát, nghĩa là, giải thoát người ta khỏi ách nô lệ tội lỗi[7]. Thánh Phaolô, trong lời tuyên xưng đức tin mà ngài nói mình đã “lãnh nhận”[8], tuyên xưng rằng “Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta đúng như lời Thánh Kinh” (1 Cr 15,3)[9]. Sự chết mang lại ơn cứu chuộc của Đức Kitô hoàn thành một cách đặc biệt lời tiên tri về Người Tôi trung đau khổ[10]. Chính Chúa Giêsu đã trình bày ý nghĩa cuộc đời và sự chết của Người dưới ánh sáng về Người Tôi trung đau khổ[11]. Sau khi Người sống lại, Người đã giải thích Thánh Kinh như vậy cho các môn đệ Emmaus[12], rồi cho chính các Tông Đồ[13].
“Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta”
Số 602. Chính vì thế thánh Phêrô có thể diễn tả đức tin tông truyền về kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa như sau: “Anh em đã được cứu thoát khỏi lối sống phù phiếm do cha ông anh em truyền lại. Nhưng anh em đã được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn, vô tì tích, là Đức Kitô. Ngươi là Đấng Thiên Chúa đã biết từ trước, khi vũ trụ chưa được dựng nên, và Người đã xuất hiện vì anh em trong thời cuối cùng này” (1Pr 1,18-20). Các tội người ta phạm, tiếp theo sau tội tổ tông, khiến người ta phải chết[14]. Khi sai Con Một của Ngài đến trong thân phận tôi tớ[15], tức là trong thân phận loài người đã sa ngã và tất phải chết vì tội lỗi[16], “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người” (2Cr 5,21).
Số 603. Vì không phạm tội, Chúa Giêsu không bao giờ biết đến việc bị Thiên Chúa loại bỏ[17]. Nhưng trong tình yêu cứu chuộc, một tình yêu hằng kết hợp Người với Chúa Cha[18], Người đã đảm nhận lấy chúng ta, những kẻ đang vì tội lỗi mà lạc đường lìa xa Thiên Chúa, đến độ trên thập giá, Người đã có thể thốt lên thay chúng ta: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con!” (Mc 15,34)[19]. Vì đã kết hợp Đức Kitô với chúng ta là các tội nhân, nên Thiên Chúa “đã chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp chính Con Một của Ngài vì hết thảy chúng ta” (Rm 8,32), để chúng ta “được giao hoà với Thiên Chúa nhờ cái chết của Con Một Ngài” (Rm 5,10).
Thiên Chúa đã khởi xướng trong tình yêu cứu chuộc mọi người
Số 604. Khi trao nộp Con của Ngài vì tội lỗi chúng ta, Thiên Chúa biểu lộ kế hoạch của Ngài là một kế hoạch của tình yêu lân mẫn, đi trước mọi công trạng của chúng ta: “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Ngài đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Ngài đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1 Ga 4,10)[20]. “Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi, đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5,8).
Số 605. Tình yêu này không loại trừ một ai. Chúa Giêsu nhắc lại điều đó để kết luận dụ ngôn về con chiên lạc: “Cũng vậy, Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất” (Mt 18,14). Người quả quyết Người “hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28). Lời tuyên bố quan trọng này không mang ý nghĩa hạn chế: lời đó đặt song đối tập thể nhân loại với một mình Đấng Cứu Chuộc, Đấng tự hiến để cứu độ nhân loại ấy[21]. Hội Thánh, theo sau các Tông Đồ[22], dạy rằng: Đức Kitô đã chết cho tất cả mọi người không trừ một ai. “Trước kia, hiện nay cũng như sau này, không có một ai mà Người [Đức Kitô] không chịu khổ nạn cho”[23].
Số 713. Những nét phác hoạ về Đấng Messia được mạc khải chủ yếu trong các bài ca về Người Tôi trung[24]. Những bài ca này loan báo ý nghĩa cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, và cho thấy cách Người sẽ đổ tràn Thần Khí để cho muôn người được sống: không phải từ bên ngoài, nhưng bằng cách “mặc lấy thân nô lệ” của chúng ta (Pl 2,7). Khi mang lấy cái chết của chúng ta trên mình Người, Người có thể truyền thông cho chúng ta Thần Khí riêng của Người, Thần Khí sự sống của Người.
Số 786. Cuối cùng, dân Thiên Chúa được tham dự vào chức năng vương đế của Đức Kitô. Đức Kitô thực thi quyền vương đế của Người khi Người lôi kéo mọi người đến với mình qua cái Chết và sự Sống lại của Người[25]. Đức Kitô, là Vua và là Chúa của vũ trụ, đã trở nên tôi tớ mọi người, vì “Người đến không phải để được người ta phục vu, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá cứu chuộc muôn người” (Mt 20,28). Đối với Kitô hữu, “cai trị là phục vụ” Đức Kitô[26]; Hội Thánh đặc biệt “nhận ra trong những người nghèo khó và đau khổ hình ảnh của Đấng Sáng Lập nghèo khó và đau khổ của mình”[27]]. Dân Thiên Chúa thực hiện “phẩm giá vương đế” của mình khi sống theo ơn gọi phục vụ cùng với Đức Kitô.
“Quả thật, tất cả những người được tái sinh trong Đức Kitô, dấu thánh giá làm cho họ trở thành Vua, việc xức dầu bằng Chúa Thánh Thần thánh hiến họ làm tư tế, để, ngoại trừ sự phục vụ đặc biệt của thừa tác vụ của chúng tôi, tất cả các Kitô hữu có tinh thần và có lý trí đều nhận ra mình thuộc dòng dõi vương đế và có chức vụ tư tế. Thật vậy, có gì mang tính vương đế đối với một tâm hồn cho bằng hướng dẫn thân xác mình quy phục Thiên Chúa? Và có gì mang tính tư tế cho bằng dâng lên Chúa một lương tâm trong sạch và dâng những lễ vật tinh tuyền của lòng đạo hạnh trên bàn thờ của trái tim?”[28]
Số 1547, 1551: Thừa tác vụ tư tế như là việc phục vụ
Số 1547. Chức tư tế thừa tác hay phẩm trật của các Giám mục và linh mục và chức tư tế cộng đồng của tất cả các tín hữu, “mỗi chức theo cách của mình, tham dự vào chức tư tế duy nhất của Đức Kitô”[29]; tuy khác nhau về bản chất, nhưng “cả hai tuỳ thuộc lẫn nhau”[30]. Theo nghĩa nào? Chức tư tế cộng đồng của các tín hữu được thực hiện qua việc làm tăng trưởng ân sủng Phép Rửa, đời sống tin cậy mến, đời sống theo Chúa Thánh Thần; còn chức tư tế thừa tác là để phục vụ chức tư tế cộng đồng, giúp làm tăng trưởng ân sủng Phép Rửa của mọi Kitô hữu. Đó là một trong những phương tiện Đức Kitô không ngừng sử dụng để xây dựng và dẫn dắt Hội Thánh Người. Vì vậy mà chức tư tế thừa tác được trao ban qua một bí tích riêng, là bí tích Truyền Chức Thánh.
Số 1551. Chức tư tế này là chức tư tế thừa tác. “Nhiệm vụ đó, được Chúa trao phó cho các mục tử của dân Người, thật sự là một việc phục vụ”[31]. Nó hoàn toàn hướng tới Đức Kitô và hướng tới con người. Chức tư tế thừa tác hoàn toàn lệ thuộc vào Đức Kitô và vào chức tư tế duy nhất của Người, và được thiết lập vì con người và cộng đoàn Hội Thánh. Bí tích Truyền Chức Thánh thông ban “quyền thánh chức”, không là gì khác hơn là quyền năng thánh thiêng của Đức Kitô. Vì vậy, việc thực thi quyền này phải rập theo mẫu gương của Đức Kitô, Đấng vì yêu thương đã trở nên người rốt hết và là tôi tớ của mọi người[32]. “Chúa đã tuyên bố rõ ràng rằng việc chăm sóc đoàn chiên là bằng chứng tình yêu đối với Người”[33].
Số 2538. Điều răn thứ mười đòi hỏi phải loại trừ sự ganh tị khỏi trái tim con người. Khi muốn khuyến giục vua Đavid thống hối, tiên tri Nathan đã kể cho vua câu chuyện của một người nghèo, chỉ có một con chiên và thương yêu nó như con mình, và một người giàu, tuy có vô số chiên cừu, nhưng lại ganh tị với người kia và cuối cùng ăn cắp con chiên của người nghèo[34]. Sự ganh tị có thể đưa tới việc làm tồi tệ nhất[35]. “Chính vì quỷ dữ ganh tị mà cái chết đã xâm nhập thế gian” (Kn 2,24):
“Chúng ta đấm đá nhau, đó là vì sự ganh tị võ trang cho chúng ta chống lại nhau.... Nếu mọi người đều cố phá rối Thân Thể của Đức Kitô, thì rồi chúng ta sẽ đi tới đâu? Chúng ta đang làm cho Thân Thể của Đức Kitô thành một xác chết…Chúng ta xưng mình là những chi thể của cùng một thân thể, vậy mà chúng ta lại cấu xé nhau như những thú rừng”[36].
Số 2539. Ganh tị là một trong bảy mối tội đầu. Ganh tị chỉ sự buồn bực khi thấy kẻ khác có của cải, và sự ước ao vô độ muốn lấy của cải đó làm của mình, thậm chí bằng cách bất chính. Khi ganh tị lại kèm theo ước muốn cho người khác gặp hoạn nạn nặng nề, thì đó là một tội trọng:
Thánh Augustinô coi ganh tị là “thói xấu của ma quỷ”[37].
“Ganh tị sinh ra thù ghét, nói xấu, vu khống, vui khi thấy kẻ khác gặp hoạn nạn, buồn khi thấy kẻ khác được may lanh”[38].
Số 2540. Ganh tị là một hình thức của sự buồn bực và vì vậy là sự khước từ đức mến; người đã chịu Phép Rửa phải chiến đấu chống lại nó bằng sự nhân hậu. Ganh tị thường do kiêu ngạo; người đã chịu Phép Rửa phải tập sống khiêm nhường:
“Phần tôi, tôi muốn Thiên Chúa được tôn vinh. Còn bạn, bạn hãy vui mừng vì người anh em được thành công, và Thiên Chúa sẽ được tôn vinh nhờ bạn, và mọi người sẽ nói ‘Chúc tụng Thiên Chúa’, Đấng đã có những người tôi tớ như thế, những người đã được tự do không còn ganh tị, những người vui mừng về điều tốt của tha nhân”[39].
Số 2302-2306: Gìn giữ hòa bình
Số 2302. Khi nhắc lại điều răn: “Chớ giết người” (Mt 5,21), Chúa chúng ta đòi chúng ta giữ trái tim bình an và Người tố cáo tính vô luân của việc giận dữ và sự căm ghét.
Giận dữ là một ước muốn trả thù. “Ước muốn báo thù vì điều xấu của kẻ đáng bị phạt, là không hợp pháp”: nhưng bắt phải đền bù “nhằm sửa chữa lại các thói xấu và duy trì điều tốt của đức công bằng” là điều đáng khen ngợi[40]. Nếu giận dữ đến độ chủ ý muốn giết chết hay làm bị thương nặng người lân cận, là xúc phạm đến đức mến một cách nghiêm trọng; đó là tội trọng. Chúa nói: “Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra tòa” (Mt 5,22).
Số 2303. Căm ghét có chủ ý là điều nghịch với đức mến. Căm ghét người lân cận là có tội, khi một người chủ ý muốn điều xấu cho người khác. Căm ghét người lân cận là có tội nặng, khi một người chủ ý muốn cho người khác bị thiệt hại nghiêm trọng. “Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,44-45).
Số 2304. Sự tôn trọng và sự phát triển đời sống con người đòi phải có hoà bình. Hoà bình không phải chỉ là vắng bóng chiến tranh, và không thể giản lược vào việc giữ được thế quân bình giữa các lực lượng đối nghịch nhau. Hoà bình không thể có được trên trái đất, nếu không có sự bảo vệ của cải của các nhân vị, không có sự truyền thông tự do giữa con người, không có sự tôn trọng phẩm giá của con người và của các dân tộc, không có sự chuyên chăm thực thi tình huynh đệ. Hoà bình là “sự ổn định của trật tự”[41]. Hoà bình là “sự nghiệp của đức công minh” (Is 32,17) và là hiệu quả của đức mến[42].
Số 2305. Hòa bình trên trần thế là hình ảnh và hoa trái của bình an của Đức Kitô, “Thủ lãnh Hòa Bình” thời Messia (Is 9,5). Nhờ máu đổ ra “trên thập giá, Người đã tiêu diệt sự thù hận” ngay trong thân xác Người[43], Người đã giao hoà loài người với Thiên Chúa và làm cho Hội Thánh trở thành bí tích hợp nhất nhân loại và kết hợp nhân loại với Thiên Chúa[44]. “Chính Người là bình an của chúng ta” (Ep 2,14). Người tuyên bố: “Phúc thay ai xây dựng hòa bình” (Mt 5,9).
Số 2306. Những ai khước từ hành động bạo lực và đổ máu, sử dụng những phương tiện tự vệ vừa tầm những kẻ khá yếu đuối, để bảo vệ quyền lợi của con người, là những người làm chứng cho đức mến của Tin Mừng, miễn là điều này không phương hại đến các quyền lợi và bổn phận của những người khác và các tập thể khác. Họ làm chứng cách hợp pháp cho tính nghiêm trọng của những nguy cơ về thể lý và luân lý, khi sử dụng bạo lực, với những tàn phá và chết chóc của bạo lực[45].
“Chúng ta hãy kết án cho nó chết cách nhục nhã”.
Trích sách Khôn Ngoan
(Những kẻ gian ác nói rằng:) “Chúng ta hãy vây bắt kẻ công chính, vì nó không làm ích gì cho chúng ta, mà còn chống đối việc chúng ta làm, khiển trách chúng ta lỗi luật và tố cáo chúng ta vô kỷ luật. Vậy chúng ta hãy xem điều nó nói có thật hay không, hãy nghiệm xét coi những gì sẽ xảy đến cho nó, và hãy chờ xem chung cuộc đời nó sẽ ra sao. Vì nếu nó thật là con Thiên Chúa, Chúa sẽ bênh vực nó, sẽ giải thoát nó khỏi tay những kẻ chống đối nó. Chúng ta hãy nhục mạ và làm khổ nó, để thử xem nó có hiền lành và nhẫn nại không. Chúng ta hãy kết án cho nó chết cách nhục nhã, vì theo lời nó nói, thì người ta sẽ cứu nó!”
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 53, 3-4. 5. 6 và 8
Ðáp: Chúa đang nâng đỡ tâm hồn con.
Xướng: 1) Ôi Thiên Chúa, xin cứu sống con nhân danh Ngài, và xin sử dụng uy quyền phán quyết cho con! Ôi Thiên Chúa, xin nghe tiếng con cầu, xin lắng tai nghe lời miệng con xin.
Ðáp: Chúa đang nâng đỡ tâm hồn con.
2) Vì những kẻ kiêu căng nổi lên chống đối, và bọn người hung hãn tìm sát hại con, bọn chúng không nhớ Thiên Chúa ở trước mặt mình.
Ðáp: Chúa đang nâng đỡ tâm hồn con.
3) Kìa, Thiên Chúa phù trợ con, Chúa đang nâng đỡ tâm hồn con. Con sẽ tự nguyện hiến dâng lễ vật lên Chúa. Lạy Chúa, con sẽ ca tụng danh Ngài, vì danh Ngài thiện hảo.
Ðáp: Chúa đang nâng đỡ tâm hồn con.
“Hoa quả của công chính được gieo vãi trong bình an cho những người xây đắp an bình”.
Trích thư của Thánh Giacôbê Tông đồ.
Anh em thân mến, ở đâu có ganh tị và cãi vã, ở đó có hỗn độn và đủ thứ tệ đoan. Nhưng sự khôn ngoan từ trời xuống, thì trước tiên là trong trắng, rồi ôn hoà, bao dung, nhu mì, hướng thiện, đầy lòng nhân từ và hoa quả tốt lành, không xét đoán thiên vị, không giả dối. Hoa quả của công chính được gieo vãi trong bình an cho những người xây đắp an bình.
Bởi đâu anh em cạnh tranh và cãi cọ nhau? Nào không phải tại điều này: tức tại các đam mê đang giao chiến trong chi thể anh em đó sao? Anh em ham muốn mà không được hưởng, nên anh em giết nhau. Anh em ganh tị mà không được mãn nguyện, nên anh em cạnh tranh và cãi cọ. Anh em không có là tại anh em không xin. Anh em xin mà không nhận được, là vì anh em xin không đúng, cứ mơ tưởng thoả mãn các đam mê của anh em.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Ga 8,12
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: “Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự sống”. - Alleluia.
“Con Người sẽ bị nộp. Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Maccô.
Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ từ trên núi xuống, rồi đi ngang qua xứ Galilêa và Người không muốn cho ai biết. Vì Người dạy dỗ và bảo các ông rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người. Khi đã bị giết, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại”. Nhưng các ông không hiểu lời đó và sợ không dám hỏi Người.
Các ngài tới Capharnaum. Khi đã vào nhà, Người hỏi các ông: “Dọc đàng các con tranh luận gì thế?” Các ông làm thinh, vì dọc đàng các ông tranh luận xem ai là người lớn nhất. Bấy giờ Người ngồi xuống, gọi mười hai ông lại và bảo các ông rằng: “Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người”. Rồi Người đem một em bé lại đặt giữa các ông, ôm nó mà nói với các ông rằng: “Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy, nhưng là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy”.
Ðó là lời Chúa.
Nguồn: /hdgmvietnam.com
______
[1] X. Tv 95,10.
[2] X. Mc 3,27.
[3] X. Tv 2,1-2.
[4] X. Mt 26,54; Ga 18,36; 19,11.
[5] X. Cv 3,17-18.
[6] X. Is 53,11; Cv 3,14.
[7] X. Is 53,11-12; Ga 8,34-36.
[8] X. 1 Cr 15,3.
[9] X. Cv 3,18; 7,52; 13,29; 26,22-23.
[10] X. Is 53,7-8; Cv 8,32-35.
[11] X. Mt 20,28.
[12] X. Lc 24,25-27.
[13] X. Lc 24,44-45.
[14] X. Rm 5,12; 1 Cr 15,56.
[15] X. Pl 2,7.
[16] X. Rm 8,3.
[17] X. Ga 8,46.
[18] X. Ga 8,29.
[19] X. Tv 22,1.
[20] X. 1 Ga 4,19.
[21] X. Rm 5,18-19.
[22] X. 2 Cr 5,15; 1 Ga 2,2.
[23] CĐ Carisia (năm 853), De libero arbitrio hominis et de praedestinatione, canon 4: Ds 624.
[24] X. Is 42,1-9; Mt 12,18-21; Ga 1,32-34, atque etiam Is 49,16; Mt 3,17; Lc 2,32, et denique Is 50,4-10 et 52,13-15; 53,12.
[25] X. Ga 12,32.
[26] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 36: AAS 57 (1965) 41.
[27] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 8: AAS 57 (1965) 12.
[28] Thánh Lêô Cả, Sermo 4, 1: CCL 138, 16-17 (PL 54, 149).
[29] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 10: AAS 57 (1965) 14.
[30] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 10: AAS 57 (1965) 14.
[31] X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 24: AAS 57 (1965) 29.
[32] X. Mc 10,43-45; 1 Pr 5,3.
[33] Thánh Gioan Kim Khẩu, De sacerdotio, 2,4: SC 272, 118 (PG 48, 635); x. Ga 21,15-17.
[34] X. 2 Sm 12,1-4.
[35] X. St 4,3-8; 1 V 21,1-29.
[36] Thánh Gioan Kim Khẩu, In epistulam II ad Corinthios, homilia 27, 3-4: PG 61, 588.
[37] Thánh Augustinô, De disciplina christiana, 7, 7: CCL 46, 214 (PL 40, 673); Id., Epistula 108, 3, 8: CSEL 34, 620 (PL 33, 410).
[38] Thánh Grêgôriô Cả, Moralia in Iob, 31, 45, 88: CCL 143b, 1610 (PL 76, 621).
[39] Thánh Gioan Kim Khẩu, In epistulam ad Romanos, homilia 7, 5: PG 60, 448.
[40] Thánh Tôma Aquinô, Summa theologiae, II-II, q. 158, a. 1, ad 3: Ed. Leon. 10, 273.
[41] Thánh Augustinô, De civitate Dei, 19,13: CSEL 402, 395 (PL 41, 640).
[42] X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 78: AAS 58 (1966) 1101.
[43] X. Ep 2,16 ; Cl 1,20-22.
[44] X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 1: AAS 57 (1965) 5.
[45] X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 78: AAS 58 (1966) 1101-1102.