GIÁO LÝ CHO BÀI GIẢNG CHÚA NHẬT 21 THƯỜNG NIÊN NĂM B
Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của lễ Chúa nhật 21 Thường niên năm B.
Số 796: Giáo hội như là Hiền thê của Đức Kitô
Số 796. Sự hợp nhất giữa Đức Kitô và Hội Thánh, giữa Đầu và các chi thể của Thân Thể, cũng bao hàm sự phân biệt giữa hai bên trong một tương quan cá vị. Khía cạnh này thường được diễn tả bằng hình ảnh phu quân và hiền thê. Đề tài Đức Kitô phu quân của Hội Thánh đã được các Tiên tri chuẩn bị và ông Gioan Tẩy Giả loan báo[1]. Chính Chúa cũng tự xưng như là “chàng rể” (Mc 2, 19)[2]. Thánh Tông Đồ trình bày Hội Thánh và mỗi tín hữu, chi thể của Thân Thể Người, như là Hiền Thê “được kết hôn” với Chúa Kitô để nên một Thần Khí với Người[3]. Hội Thánh là Hiền Thê tinh tuyền của Con Chiên tinh tuyền[4], mà Đức Kitô đã yêu thương, Người đã hiến mạng sống mình vì Hội Thánh “để thánh hoá và thanh tẩy Hội Thánh” (Ep 5, 26), Người liên kết Hội Thánh với mình bằng một giao ước vĩnh cửu, và không ngừng chăm sóc Hội Thánh như thân thể riêng của Người[5]:
“Đây là Đức Kitô toàn thể, gồm Đầu và thân thể, và là một do bởi nhiều người…Vậy hoặc là đầu nói, hoặc là các chi thể nói, thì đều là Đức Kitô nói: Người nói trong cương vị là Đầu (ex persona capitis), và Người nói trong cương vị là Thân Thể (ex persona corporis). Nhưng nói gì? ‘Cả hai sẽ thành một xương một thịt. Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh’ (Ep 5,3l-32). Và chính Chúa cũng nói trong Tin Mừng: “Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt” (Mt l9,6). Vậy như anh em đã biết, thật sự thì có hai người, nhưng cả hai đã nên một khi thành vợ thành chồng…Với tư cách là Đầu, Người tự xưng là ‘Phu quân’; với tư cách là Thân Thể, Người tự xưng là ‘Hiền thê’”[6].
Số 1061-1065: Sự trung tín và tình yêu trọn vẹn của Thiên Chúa
Số 1061. Tín biểu, cũng như quyển cuối cùng của Thánh Kinh[7], kết thúc bằng một từ Do thái: Amen. Chúng ta thường gặp chính từ này ở cuối các kinh nguyện của Tân Ước. Cũng vậy, Hội Thánh cũng chấm dứt các kinh nguyện của mình bằng Amen.
Số 1062. Trong tiếng Do thái, từ Amen có cùng ngữ căn với từ “tin”. Ngữ căn này diễn tả sự vững bền, sự đáng tin, sự trung tín. Như vậy, chúng ta hiểu tại sao từ “Amen” có thể được dùng để nói về sự trung tín của Thiên Chúa đối với chúng ta, và về lòng tin cậy của chúng ta vào Ngài.
Số 1063. Trong sách tiên tri Isaia, chúng ta thấy có kiểu nói “Thiên Chúa chân thật”, sát chữ là “Thiên Chúa Amen”, nghĩa là, Thiên Chúa trung tín với các lời Ngài đã hứa: “Trong xứ, ai cầu phúc cho mình, sẽ nhân danh Thiên Chúa chân thật mà cầu phúc” (Is 65,16). Chúa chúng ta thường dùng từ “Amen”[8], đôi khi với hình thức lặp lại[9], để nhấn mạnh sự đáng tin của giáo huấn của Người, và quyền bính của Người dựa trên chân lý của Thiên Chúa.
Số 1064. Vì vậy, từ “Amen” ở cuối Tín biểu lặp lại và xác nhận thuật ngữ đầu tiên của Tín biểu: “Tôi tin”. Tin là thưa “Amen” đối với các lời, các lời hứa và các điều răn của Thiên Chúa, và là phó thác bản thân một cách tuyệt đối cho Đấng là “Amen” của tình yêu vô tận và của sự trung tín trọn vẹn. Vậy đời sống Kitô hữu mỗi ngày sẽ là “Amen” cho lời “Tôi tin” trong bản Tuyên xưng đức tin khi chúng ta lãnh nhận Phép Rửa:
“Tín biểu của bạn phải là như gương soi cho bạn. Hãy ngắm nhìn bạn trong đó, để xem bạn có tin tất cả những gì bạn tuyên xưng là bạn tin hay không, và hằng ngày hãy vui mừng trong đức tin của bạn”[10].
Số 1065. Chính Chúa Giêsu Kitô là “Amen” (Kh 3,14). Chính Người là “Amen” vĩnh viễn của tình yêu của Chúa Cha đối với chúng ta. Chính Người đảm nhận và thực hiện “Amen” của chúng ta dâng lên Chúa Cha: “Quả thật, mọi lời hứa của Thiên Chúa đều là ‘Có’ nơi Người. Vì thế, cũng nhờ Người mà chúng ta hô lên ‘Amen’ để tôn vinh Thiên Chúa” (2 Cr 1,20):
“Chính nhờ Người, với Người, và trong Người,
mà mọi danh dự và vinh quang
đều quy về Chúa là Cha toàn năng
trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời. AMEN”[11].
Số 1612-1617, 2360-2365: Hôn nhân trong Chúa
Số 1612. Giao ước hôn nhân giữa Thiên Chúa và dân Israel của Ngài đã chuẩn bị cho Giao ước mới và vĩnh cửu. Trong giao ước mới này, Con Thiên Chúa, Đấng nhập thể và hiến dâng mạng sống, một cách nào đó đã liên kết Người với toàn thể nhân loại được Người cứu độ[12], như vậy Người chuẩn bị cho “tiệc cưới của Con Chiên”[13].
Số 1613. Khởi đầu đời sống công khai, Chúa Giêsu đã thực hiện dấu lạ đầu tiên của Người[14] – theo lời yêu cầu của Mẹ Người – trong một tiệc cưới. Hội Thánh coi việc Chúa Giêsu hiện diện trong tiệc cưới Cana có một tầm quan trọng đặc biệt. Hội Thánh coi đó là sự xác nhận tính thiện hảo của hôn nhân và là lời loan báo rằng hôn nhân từ đây về sau là dấu chỉ hữu hiệu về sự hiện diện của Đức Kitô.
Số 1614. Trong khi Người rao giảng, Chúa Giêsu đã dạy một cách rõ ràng về ý nghĩa nguyên thủy của sự kết hợp giữa người nam và người nữ, đúng như Đấng Tạo Hoá đã muốn ngay từ lúc khởi đầu. Việc ông Môisen cho phép rẫy vợ là một nhượng bộ trước lòng chai dạ đá[15]. Sự kết hợp hôn nhân giữa người nam và người nữ là bất khả phân ly: chính Thiên Chúa đã thực hiện sự kết hợp đó: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19,6).
Số 1615. Lời nhấn mạnh rõ ràng về tính bất khả phân ly của dây hôn nhân làm cho nhiều người ngỡ ngàng và coi đó là một đòi hỏi không thể thực hiện được[16]. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã không đặt cho các đôi phối ngẫu một gánh không thể mang nổi và quá nặng nề[17], nặng nề hơn luật Môisen. Khi đến để tái lập trật tự ban đầu của công trình tạo dựng, đã bị xáo trộn vì tội lỗi, chính Người ban sức mạnh và ân sủng để con người sống đời hôn nhân theo chiều kích mới của Nước Thiên Chúa. Khi bước theo Đức Kitô bằng cách từ bỏ mình và vác thập giá mình[18], các đôi phối ngẫu có thể “hiểu được”[19] ý nghĩa nguyên thủy của hôn nhân và sống với ý nghĩa đó nhờ sự trợ giúp của Đức Kitô. Ân sủng này của hôn nhân Kitô giáo là hoa trái của Thập Giá Đức Kitô, nguồn mạch của toàn bộ đời sống Kitô hữu.
Số 1616. Tông Đồ Phaolô làm sáng tỏ điều đó khi nói: “Người làm chồng hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh; như vậy, Người thánh hoá và thanh tẩy Hội Thánh” (Ep 5,25-26). Thánh nhân còn nói thêm: “Chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha me mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh” (Ep 5,31-32).
Số 1617. Toàn bộ đời sống Kitô hữu mang dấu chỉ của tình yêu phu thê giữa Đức Kitô và Hội Thánh. Bí tích Rửa Tội, cửa dẫn vào dân Thiên Chúa, đã là một mầu nhiệm hôn ước; bí tích đó có thể nói được là như một thanh tẩy chuẩn bị hôn lễ[20] diễn ra trước bữa tiệc cưới, là bí tích Thánh Thể. Hôn nhân Kitô giáo, đến lượt mình, trở thành dấu chỉ hữu hiệu, trở thành bí tích của giao ước giữa Đức Kitô và Hội Thánh. Bởi vì nó nói lên và truyền thông ân sủng của giao ước đó, nên hôn nhân giữa hai người đã được Rửa Tội là một bí tích thật sự của Giao Ước Mới[21].
Số 2360. Tính dục quy hướng tới tình yêu phu phụ giữa người nam và người nữ. Trong hôn nhân, sự ái ân thể xác của đôi phối ngẫu trở thành dấu chỉ và bảo chứng của sự hiệp thông tinh thần. Giữa những người đã chịu Phép Rửa, dây liên kết hôn nhân được thánh hóa bằng một bí tích.
Số 2361. “Tính dục…, qua đó người nam và người nữ hiến thân cho nhau bằng những hành vi riêng và đặc trưng của đôi phối ngẫu, không chỉ là một cái gì đó thuần túy sinh học, nhưng nó đụng chạm đến phần thâm sâu nhất của nhân vị. Tính dục chỉ được thực hiện một cách nhân bản đích thực, nếu nó là một phần để hoàn thành tình yêu, qua đó người nam và người nữ cam kết hiến thân trọn vẹn cho nhau cho đến chết”[22]:
“Tôbia ngồi dậy, ra khỏi giường và nói với Sara: ‘Đứng lên, em! Chúng ta hãy cầu nguyện nài xin Chúa để Ngài xót thương và ban ơn cứu độ cho chúng ta’. Cô đứng lên, rồi cả hai bắt đầu cầu nguyện và nài xin cho mình được cứu độ. Tôbia bắt đầu như sau: ‘Lạy Thiên Chúa của tổ tiên chúng con, xin chúc tụng Chúa.... Chính Chúa đã dựng nên ông Ađam, dựng nên cho ông một người trợ giúp và nâng đỡ là bà Evà, vợ ông. Và dòng dõi loài người đã sinh ra từ hai ông bà. Chính Chúa đã nói: Con người ở một mình thì không tốt, Ta sẽ làm cho nó một người trợ giúp giống như nó. Giờ đây, không phải vì lòng dục mà con lấy em con đây, nhưng vì lòng chân thành. Xin Chúa đoái thương con và em con, cho chúng con được chung sống bên nhau đến tuổi già’. Rồi họ đồng thanh nói: ‘Amen, Amen!’. Sau đó, họ ngủ luôn cho đến sáng” (Tb 8,4-9).
Số 2362. “Những hành vi…, qua đó đôi phối ngẫu kết hợp với nhau cách thân mật và khiết tịnh, đều ngay chính và xứng đáng, và khi được thực hiện cách thật sự nhân bản, những hành vi ấy biểu thị và khích lệ sự hiến thân cho nhau, nhờ đó hai người làm cho nhau thêm phong phú trong tâm tình vui mừng và biết ơn”[23]. Tính dục là nguồn mạch của sự hoan lạc và thú vui.
“Chính Đấng Tạo Hoá ...cũng đã sắp đặt để, trong nhiệm vụ sinh sản, đôi phối ngẫu gặp được thú vui và hạnh phúc cả thân xác cả tinh thần. Vì vậy, đôi phối ngẫu chẳng làm điều gì xấu, khi tìm kiếm và tận hưởng thú vui đó. Họ đón nhận những gì Đấng Tạo Hoá đã nhắm ban cho họ. Tuy nhiên, đôi phối ngẫu cũng phải biết giữ mình trong những giới hạn của sự tiết độ chính đáng”[24].
Số 2363. Nhờ sự kết hợp của đôi phối ngẫu, mục đích kép của hôn nhân được thể hiện: lợi ích của chính đôi phối ngẫu và sự lưu truyền sự sống. Không thể tách biệt hai ý nghĩa hoặc hai giá trị này của hôn nhân, mà không làm biến chất đời sống tinh thần của đôi phối ngẫu cũng như phương hại đến những lợi ích của hôn nhân và tương lai của gia đình.
Như vậy tình yêu phu phụ của người nam và người nữ được đặt dưới một đòi hỏi kép là sự chung thủy và sự sinh sản con cái.
Sự chung thuỷ phu phụ
Số 2364. Đôi phối ngẫu làm nên “cộng đồng thân mật của sự sống và tình yêu phu phụ, đã được Đấng Tạo Hoá thiết lập và ban cho những luật lệ riêng. Cộng đồng đó được thiết lập bằng giao ước của đôi phối ngẫu, nghĩa là bằng sự ưng thuận cá vị không thể thu hồi”[25]. Cả hai hiến thân cho nhau cách vĩnh viễn và trọn vẹn. Họ không còn là hai, nhưng đã trở thành một thân xác duy nhất. Giao ước đã được đôi phối ngẫu ký kết cách tự do, buộc họ có bổn phận phải bảo tồn sự duy nhất và bất khả phân ly của giao ước đó[26]. “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mc 10,9)[27].
Số 2365. Lòng chung thuỷ diễn tả sự kiên trì tuân giữ lời đã cam kết. Thiên Chúa là Đấng trung tín. Bí tích Hôn Phối dẫn đưa người nam và người nữ vào sự trung tín của Đức Kitô đối với Hội Thánh Người. Nhờ sự khiết tịnh phu phụ, họ làm chứng về mầu nhiệm đó trước mặt trần gian.
Thánh Gioan Kim Khẩu gợi ý cho các bạn trẻ lập gia đình nói những lời sau đây với vợ họ: “Anh ôm em và anh yêu em, anh quý em hơn cả linh hồn mình. Vì cuộc sống hiện tại chẳng là gì hết, nên anh cầu nguyện, anh nài xin, và anh làm mọi sự, sao cho chúng ta được coi là xứng đáng khi sống cuộc sống hiện tại, hầu chúng ta cũng có thể được như vậy trong cuộc sống đời sau, để được kết hợp với nhau trong sự an toàn trọn hao…Anh đặt tình yêu của em lên trên tất cả; và sẽ chẳng có gì làm cho anh khổ tâm hơn là anh phải lìa xa em”[28].
Bài Ðọc I: Gs 24, 1-2a. 15-17. 18b
“Chúng tôi sẽ tôn thờ Chúa, vì chính Người là Thiên Chúa chúng tôi”.
Trích sách ông Giôsuê.
Trong những ngày ấy, Giôsuê triệu tập tất cả các chi tộc lại ở Sikem, rồi gọi các kỳ lão, các thủ lãnh gia tộc, quan án, sĩ quan đến, và họ đứng trước mặt Thiên Chúa. Giôsuê liền nói với toàn dân như thế này: “Nếu các ngươi không muốn tôn thờ Thiên Chúa, thì cho các ngươi lựa chọn: hôm nay, các ngươi hãy tuỳ ý chọn phải tôn thờ ai hơn: hoặc là các thần cha ông các ngươi đã tôn thờ ở Mêsôpôtamia, hoặc các thần của người xứ Amôrê, nơi các ngươi đang ở. Phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ tôn thờ Chúa”. Dân trả lời rằng: “Không thể có chuyện chúng tôi bỏ Chúa mà tôn thờ những thần ngoại. Chúa là Thiên Chúa chúng tôi, chính Người đã dẫn chúng tôi và cha ông chúng tôi ra khỏi đất Ai Cập, khỏi nhà nô lệ. Người đã làm những việc kỳ diệu cả thể trước mắt chúng tôi và đã gìn giữ chúng tôi suốt con đường chúng tôi đã đi, giữa tất cả mọi dân chúng tôi đã đi qua. Chúa đã trục xuất tất cả những dân đó cũng như người Amôrê trên phần đất chúng tôi đã tiến vào”.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 33, 2-3. 16-17. 18-19. 20-21. 22-23
Ðáp: Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao.
Xướng: 1) Tôi chúc tụng Chúa trong mọi lúc, miệng tôi hằng liên lỉ ngợi khen Người. Trong Chúa, linh hồn tôi hãnh diện, bạn nghèo hãy nghe và hãy mừng vui.
Ðáp: Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao.
2) Thiên Chúa để mắt coi người hiền đức, và tai Người lắng nghe tiếng họ cầu. Thiên Chúa ra mặt chống người làm ác, để tẩy trừ di tích chúng nơi trần ai.
Ðáp: Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao.
3) Người hiền đức kêu cầu và Chúa nghe lời họ; Người cứu họ khỏi mọi nỗi âu lo. Thiên Chúa gần gũi những kẻ đoạn trường, và cứu chữa những tâm hồn đau thương giập nát.
Ðáp: Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao.
4) Người hiền đức gặp nhiều bước gian truân, nhưng Thiên Chúa luôn luôn giải thoát. Người giữ gìn họ xương cốt vẹn toàn, không để cho một cái nào bị gãy.
Ðáp: Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao.
5) Sự độc dữ sẽ sát hại đứa ác nhân; kẻ ghét người hiền sẽ phải đích thân đền tội. Thiên Chúa cứu chữa linh hồn tôi tớ của Người, và phàm ai tìm đến nương tựa nơi Người, người đó sẽ không phải đền bồi tội lỗi.
Ðáp: Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao.
“Mầu nhiệm này thật lớn lao: trong Ðức Kitô và trong Hội Thánh”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.
Anh em thân mến, anh em hãy phục tùng nhau trong sự kính sợ Ðức Kitô. Người vợ hãy phục tùng chồng mình, như đối với Chúa: vì chồng là đầu người vợ, như Ðức Kitô là đầu Hội Thánh: chính Người là Ðấng Cứu Chuộc thân thể mình. Nhưng như Hội Thánh phục tùng Ðức Kitô thể nào, thì người vợ cũng phục tùng chồng mình trong mọi sự như vậy. Hỡi những người làm chồng, hãy yêu thương vợ mình, như Ðức Kitô yêu thương Hội Thánh và phó mình vì Hội Thánh, để thánh hoá Hội Thánh, khi Người dùng nước và lời hằng sống rửa sạch Hội Thánh, ngõ hầu bày tỏ cho mình một Hội Thánh vinh quang, không vết nhơ, không nhăn nheo hay phải điều gì khác tương tự, nhưng thánh thiện và vẹn tuyền. Cũng thế, người chồng phải yêu thương vợ mình như chính thân mình. Ai yêu thương vợ mình, là yêu thương chính mình. Vì không ai ghét thân xác mình bao giờ, nhưng nuôi dưỡng và nâng niu nó, như Ðức Kitô đối với Hội Thánh: vì chúng ta là chi thể của thân xác Người, do xương thịt Người. Bởi thế, người ta lìa bỏ cha mẹ mình mà kết hợp với vợ mình: và cả hai nên một thân xác. Mầu nhiệm này thật lớn lao, tôi muốn nói về Ðức Kitô và Hội Thánh.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Ga 10,27
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: “Con chiên Ta thì nghe tiếng Ta; Ta biết chúng và chúng biết Ta”. - Alleluia.
“Chúng con sẽ đi đến với ai? Thầy mới có những lời ban sự sống”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, có nhiều môn đệ của Chúa Giêsu nói rằng: “Lời này chói tai quá! Ai nghe được!” Tự biết rằng các môn đệ đang lẩm bẩm về chuyện ấy, Chúa Giêsu nói với họ: “Ðiều đó làm các con khó chịu ư? Vậy nếu các con thấy Con Người lên nơi đã ở trước thì sao? Chính thần trí mới làm cho sống, chứ xác thịt nào có ích gì? Nhưng lời Ta nói với các con là thần trí và là sự sống. Nhưng trong các con có một số không tin”. Vì từ đầu Chúa Giêsu đã biết ai là những kẻ không tin, và kẻ nào sẽ nộp Người. Và Người nói: “Bởi đó, Ta bảo các con rằng: Không ai có thể đến với Ta, nếu không được Cha Ta ban cho”. Từ bấy giờ có nhiều môn đệ rút lui, không còn theo Người nữa. Chúa Giêsu liền nói với nhóm Mười Hai rằng: “Cả các con, các con có muốn bỏ đi không?” Simon Phêrô thưa Người: “Lạy Thầy, chúng con sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con tin và chúng con biết rằng: Thầy là Ðấng Kitô Con Thiên Chúa”.
Ðó là lời Chúa.
Nguồn: hdgmvietnam.com
[1]X.Ga 3, 29.
[2]X.Mt 22, 1-14; 25, 1-13.
[3]X.1Cr 6, 15-l7; 2 Cr 11,2.
[4]X.Kh 22,17; Ep 1,4; 5,27.
[5]X.Ep 5, 29.
[6] Thánh Augustinô, Enarratio in Psalmum 74, 4: CCL 39, 1027 (PL 37, 948-949).
[7] X. Kh 22,21.
[8] X. Mt 6,2.5.16.
[9] X. Ga 5,19.
[10] Thánh Augustinô, Sermo 58, 11, 13: PL 38, 399.
[11] Vinh tụng ca kết thúc Kinh Nguyện Thánh Thể: Sách Lễ Rôma, editio typica (Typis Polyglottis Vaticanis 1970) 455, 460, 464, et 471.
[12] X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 22: AAS 58 (1966) 1042.
[13] X. Kh 19,7.9.
[14] X. Ga 2,1-11.
[15] X. Mt 19,8.
[16] X. Mt 19,10.
[17]X.Mt 11,29-30.
[18] X. Mc 8,34.
[19] X. Mt 19,11.
[20] X. Ep 5,26-27.
[21] X. CĐ Triđentinô, Sess. 24a, Doctrina de sacramento Matrimonii: DS 1800; Bộ Giáo Luật, điều 1055,1.
[22] ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris consortio, 11: AAS 74 (1982) 92.
[23] CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 49: AAS 58 (1966) 1070.
[24] ĐGH Piô XII, Allocutio iis quae interfuerunt Conventui Unionis Catholicae Italicae inter Ostetrices, (29/10/1951): AAS 43 (1951) 851.
[25] CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 48: AAS 58 (1966) 1067.
[26] X. Bộ Giáo Luật, điều 1056.
[27] X. Mt 19,1-12; 1 Cr 7,10-11.
[28] Thánh Gioan Kim Khẩu, In epistulam ad Ephesios, homilia 20,8: PG 62, 146-147.