Giáo dân có thể làm gì giúp các Linh Mục?

“Nhờ Bí tích Truyền Chức Thánh, linh mục được thánh hiến theo hình ảnh Chúa Kitô, Thầy Cả Thượng Phẩm vĩnh viễn (x. Dt 5, 1-10) để rao giảng Phúc Âm, chăn dắt tín hữu và cử hànhviệc phụng tự Thiên Chúa với tư cách tư tế đích thực của Tân Ước“ (LG số 28). Thánh Công Đồng cũng nhắc thêm cho các linh mục nói chung về trách nhiệm của mình trong Giáo Hội là ‘Phải săn sóc các tín hữu như những người cha trong Chúa Kitô vì đã sinh họ ra cách thiêng liêng nhờ phép rửa và giáo huấn’(ibid, no 28)”. [1]

Quả vậy, trong đời sống đạo của tín hữu, linh mục luôn là nhân tố cần thiết không thể thiếu vắng được, vì: 

“Linh mục là người thay mặt các đấng bậc bề trên trong Hội thánh để trực tiếp chăm sóc tín hữu về mặt thiêng liêng. Cụ thể, khi có nhu cầu về bí tích, đặc biệt là bí tích Thánh Thể, Hoà Giải và Xức Dầu thánh, giáo hữu không thể chạy đến với Đức Giáo Hoàng, hay các Hồng y, Giám mục mà phải tìm đến các linh mục đang trực tiếp coi sóc mình ở các giáo xứ địa phương.  


“Do đó, nếu không có linh mục thì giáo dân sẽ không có đời sống bí tích, tức là  mất hẳn nguồn tiếp tế lương thực thần linh để nuôi dưỡng  đức tin và lãnh nhận ơn cứu chuộc của Chúa Kitô. Ngoài ra, cũng không có ai trực tiếp giảng dạy lời Chúa và giáo huấn của Giáo Hội cho giáo dân nếu không có linh mục thay mặt  cho Giám mục để làm sứ vụ quan trọng này”. [2]

Xét như vậy ta thấy rằng trong khi các mục tử gánh vác nhiệm vụ quá lớn lao và quan trọng đối với cộng đoàn như thế, thì đối lại, về phía giáo dân, chúng ta cũng phải có bổn phận giúp đỡ các ngài, hầu các ngài có thể chu toàn trách vụ mình. Sự giúp đỡ của chúng ta đối với linh mục có thể liệt kê ra 3 công việc chính:


Thứ nhất là cầu nguyện cho các ngài; thứ hai là cộng tác và đồng hành với các ngài trong công việc cộng đoàn; thứ ba là chia sẻ vật chất và tinh thần.

* Giáo dân có thể giúp đỡ các linh mục bằng việc cầu nguyện cho các ngài



Thiết nghĩ, việc cầu nguyện cho các linh mục cũng đã được các tín hữu chúng ta thực hành rất thường xuyên và chu đáo. Chẳng hạn, mỗi thứ năm hàng tuần, mỗi thứ năm đầu tháng, rồi hàng năm vào CN Chúa Chiên Lành (CN IV Phục Sinh), Hội thánh nhắc nhở tín hữu phải quan tâm đến việc cầu nguyện cho các linh mục. Đây được coi là bổn phận quan trọng và khẩn thiết của mọi thành phần trong Hội thánh.

Thực vậy, không có “nghề” nào cao trọng, thánh đức bằng “Nghề linh mục”. Nhưng cũng không có “nghề” nào khó khăn, phức tạp, nhiều nguy cơ cám dỗ, nhiều cạm bẫy bằng “Nghề linh mục”. 



* Giáo dân có thể giúp đỡ các linh mục bằng sự cộng tác và đồng hành với các ngài trong công việc cộng đoàn

Có thể nói, không một giáo dân nào mà lại không sẵn sàng cộng tác với linh mục trong việc phục vụ cộng đoàn. Chỉ cần cha xứ “ới” một tiếng là có nhiều người tình nguyện đến để giúp ngài. Họ ý thức rằng đây là việc chung, là việc có liên quan cộng đoàn, là bổn phận mà bất kỳ người tín hữu nào cũng ước muốn tham gia thực hiện.


Bên cạnh những giáo dân thường xuyên tham gia việc giáo xứ như Hội đồng Mục vụ GX và các thành viên trong các hội-đoàn-nhóm của giáo xứ, còn rất nhiều giáo dân âm thầm khác, họ chiếm đa số giáo dân trong cộng đoàn. Những người này thuộc đủ ngành nghề khác nhau trong xã hội, từ công nhân lao động đến thành phần trí thức như bác sĩ, kỹ sư, nhà giáo, chuyên viên vv. Chắc chắn khi các linh mục có nhu cầu cộng tác hay giúp đỡ cách nào đó, thì những thành phần “vô danh” này sẽ sẵn sàng phục vụ vô điều kiện. Ai cũng nhận thức được rằng đây là bổn phận chứ không do lợi lộc hay tiếng tăm gì. Vấn đề là giáo xứ và cha xứ có sẵn sàng mở rộng cửa đón nhận họ không?

Nhiều người than phiền rằng đó đây vẫn còn tình trạng quan liêu trong cách sử dụng người cộng tác. Vẫn còn phe nhóm trong việc chọn người, trong việc phân công phân nhiệm. Vẫn còn thành kiến hay định kiến này nọ giữa cha xứ và giáo dân khiến cho việc cộng tác bị trở ngại vv. Vậy để mọi giáo dân cảm thấy thoải mái để có thể đồng hành cùng với vị mục tử và với mọi thành phần Dân Chúa trong việc phục vụ Chúa và Hội thánh, thiết nghĩ giáo xứ và cha xứ nên mở rộng cửa đón nhận sự cộng tác của mọi người, đồng thời mọi giáo dân hãy sẵn sàng tham gia cộng tác khi giáo xứ có nhu cầu, coi đó như bổn phận thiết yếu nhằm giúp đỡ các linh mục chu toàn nhiệm vụ đối với cộng đoàn.

* Giáo dân có thể giúp đỡ các linh mục qua việc chia sẻ vật chất, tinh thần

Ngoài việc thường xuyên cầu nguyện cho các linh mục, tham gia việc giáo xứ, cộng tác với cha xứ trong mục vụ cộng đoàn, tín hữu còn có thể giúp đỡ các linh mục cả về vật chất lẫn tinh thần nữa.

Trước hết về vật chất, chúng ta đóng góp qua việc xin lễ để linh mục dâng lễ cầu nguyện theo ý chỉ. Việc xin lễ là một phương cách giúp đỡ linh mục một cách thiết thực và đơn giản nhất. Mặc dù các ngài không hoàn toàn sinh sống bằng bổng lễ nhưng đây là một hình thức đóng góp của giáo dân đối với mục tử đồng thời cũng là biểu lộ sự chia sẻ nhằm nâng đỡ các mục tử hoàn thành việc phục vụ cộng đoàn. Bên cạnh việc xin lễ, giáo dân cũng có thói quen vào các dịp lễ Tết này nọ, mang quà biếu các linh mục, xem đó như là biểu lộ tấm lòng yêu mến và hiếu thảo của con cái thiêng liêng trong gia đình giáo xứ. Đây cũng được coi như một sự giúp đỡ mà phần đông tín hữu chúng ta rất quan tâm...

Về tinh thần, nhiều giáo dân rất thao thức đối với công việc mục vụ giáo và sẵn lòng góp ý với các linh mục trong giáo xứ khi cần thiết. Một vài nơi thực hiện “Hộp thư góp ý” như ngoài xã hội người ta thường làm, nhưng cách chung hầu hết các nơi giáo dân chỉ có thể “Góp ý bằng miệng!”. Sự góp ý này đôi khi có thể khiến linh mục khó chịu và phản ứng không thuận lợi. Trong việc này, thiết nghĩ, nếu cha xứ và giáo dân tìm được tiếng nói chung và nhất là mục tử biết lắng nghe tiếng con chiên thì chẳng có việc gì là khó khăn và bất khả thi cả./.   

Aug. Trần Cao Khải

- - - - - - - - - - -

[1] LM Phx Ngô Tôn Huấn (Hoa Kỳ), bài “Giáo dân có thể giúp ích hay làm hư các linh mục cách nào?”

[2] LM Phx Ngô Tôn Huấn (HK), bài “Linh mục cần thiết ra sao trong giáo hội?


[3] Vũ Văn An, VietCatholic News 24-5-2019, nguồn: conggiao.info

[4] ĐGM Phê-rô Nguyễn Soạn, bài “Linh mục, người là ai?”, VietCatholic News 28/02/2005

bài liên quan mới nhất

Thứ Sáu tuần VII Phục Sinh: “Con hãy chăn dắt các chiên mẹ và chiên con của Thầy”

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng