Các Bài Suy Niệm Chúa Phục Sinh - Năm C

CÁC BÀI SUY NIỆM CHÚA PHỤC SINH – NĂM C

Cv 10, 34a. 37-43; Cl 3, 1-4; Ga 20, 1-9

 

1/ ĐẤNG CHIẾN THẮNG

 (ĐTGM Giuse Vũ Văn Thiên)

Một chi tiết nhỏ trong trình thuật thương khó của Thánh sử Gioan đáng chúng ta lưu ý: ngôi mộ Chúa Giêsu được an táng là một ngôi mộ mượn của người khác. Tác giả viết như sau: “Nơi Đức Giêsu bị đóng đinh có một thửa vườn, và trong vườn, có một ngôi mộ còn mới, chưa chôn cất ai”. Thánh sử rất cẩn thận và chi tiết, khi nói đến một ngôi mộ mới, lại còn nhắc thêm: “chưa chôn cất ai”. Sự kiện Chúa Giêsu được an táng trong ngôi mộ mượn của người khác diễn tả sự nghèo khó đến tột cùng của Con Thiên Chúa làm người. Khi trút hơi thở cuối cùng trên thập giá, Chúa không có đến một mảnh vải che thân. Hơn thế nữa, những kỳ lão, biệt phái và người dân thành Giêrusalem đi qua còn buông lời chế diễu Người. Trên thập giá, Người trở nên người nghèo hơn hết trong số những người nghèo. Không chỉ nghèo về vật chất, khái niệm “nghèo” còn được thể hiện qua sự tín trung và phó thác nơi Chúa Cha: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).

Việc Chúa Giêsu được an táng trong một ngôi mộ mượn, cũng cho chúng ta thấy một góc cạnh khác của mạc khải. Thông thường, khi ta mượn của ai cái gì, ta chỉ dùng tạm, sau đó trả lại cho người có quyền sở hữu. Đức Giêsu được an táng trong ngôi mộ mượn, và Người cũng chỉ ở đó một thời gian ngắn. Đến ngày thứ ba, Người đã phục sinh, vinh quang sáng láng bước ra khỏi mồ. Ngôi mộ này chỉ là mượn. Điều này làm chúng ta liên tưởng tới con lừa Chúa cưỡi khi tiến vào thành Giêrusalem, cũng là con lừa đi mượn (x Lc 19,28-34). Phòng tiệc ly nơi Chúa mừng lễ Vượt Qua cũng là phòng đi mượn (x. Lc 22,7-13). Thân xác của Người không nằm yên trong mồ tối và chịu hư nát do tác động của thời gian. Ngôi mộ mượn ấy chỉ là điểm tạm dừng, chỉ là thời gian lắng đọng để giúp chúng ta suy tư về sự chết và sự sống nơi Thiên Chúa cũng như nơi con người. Đức Giêsu phục sinh đã chứng minh với chúng ta quyền năng Thiên Chúa nơi kiếp sống nhân sinh. Giây phút Chúa sống lại là một thời khắc quan trọng của lịch sử. Đó cũng là một điều phi thường của đức tin.

Trong sự chết và sự phục sinh của Đức Giêsu, sự sống đã chiến thắng sự chết. Khi bị bắt ở vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu đã nói với những người lính Do Thái: “Đây là giờ của các ông, là thời của quyền lực tối tăm” (Lc 22,53). Những gì xảy ra liên tiếp sau đó, cho thấy có vẻ như quyền lực tối tăm đã chiến thắng. Những kinh sư và người biệt phái, thậm chí cả thày Thượng tế, đều hả hê trước cái chết của Chúa Giêsu, vì họ đã diệt được một đối thủ. Đối thủ này dám lên án họ với những lời lẽ gay gắt. Sự phục sinh của Chúa đã đảo ngược tình thế. Sự sống đã chiến thắng sự chết. Đức Giêsu đã sống lại như Người đã nói trước đó. Cái chết và quyền lực của tối tăm đã thất bại. Sau này, thánh Phaolô đã mạnh dạn thách thức: “Hỡi tử thần, đâu là chiến thắng của ngươi? Hỡi tử thần, đâu là nọc độc của ngươi?” (1 Cr 15,55).

Trong sự chết và sự phục sinh của Đức Giêsu, sự thiện đã chiến thắng sự ác. Trước những lời vu khống của một số kỳ lão Do Thái, trước sự hành hạ phỉ nhổ của quân lính Rôma, Chúa Giêsu vẫn khiêm nhường đón nhận. Người không dùng bạo lực để đối lại với bạo lực. Người như con chiên hiền lành bị đem đi xén lông. Chúa Giêsu là nạn nhân của bạo lực, của ghen ghét và hận thù. Cái chết trên thập giá và nhất là lời Chúa Giêsu cầu nguyện xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ giết mình chính là sự chiến thắng của sự thiện trên sự ác. Qua cái chết trên thập giá, Chúa nói với chúng ta: ở đời này, không phải lúc nào sự chết cũng là một thất bại, và không phải lúc nào kẻ mạnh hơn cũng là người chiến thắng. Đem hận thù đối lại với hận thù, chỉ làm cho hận thù càng chồng chất. Đem tình yêu vào nơi oán thù, sẽ làm cho hận thù tiêu tan. Đời sống cụ thể của chúng ta đã hơn một lần chứng minh điều ấy.

Trong sự chết và sự phục sinh của Đức Giêsu, niềm hy vọng chiến thắng sự thất vọng. Kể từ khi Chúa Giêsu chịu treo trên thập giá, cây gỗ gồm một thanh ngang và một thanh dọc đã trở thành biểu tượng của hy vọng đối với các Kitô hữu. Đây không phải là sự ru ngủ, mua chuộc hay mị dân. Trái lại, niềm hy vọng đến từ quyền năng của Thiên Chúa. Hãy nhìn xem hai người trộm bị đóng đinh cùng với Chúa Giêsu: một người khước từ tin vào Chúa và thậm chí phê phán thách thức Người; trái lại, người kia lại cầu xin với lòng thành tín cậy trông. Người “trộm lành” đã được Chúa hứa ban thiên đàng ngay ngày hôm đó. Sự kiện này nhắc nhở chúng ta: dù tội lỗi đến đâu cũng không mất niềm hy vọng vào lòng thương xót của Thiên Chúa.

Ngày hôm nay, Đức Giêsu Phục sinh đến gặp những ai đang mang gánh nặng cuộc đời, Người mời gọi: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28),

Ngày hôm nay, Đức Giêsu Phục sinh đến nâng đỡ những ai đang kiếm tìm chân lý và ý nghĩa cuộc đời, nhất là các bạn trẻ. Người khẳng định: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,16).

Ngày hôm nay, Đức Giêsu Phục sinh đến đổi mới tâm hồn những ai tin vào Người, với niềm xác tín “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16.16).

Ngày hôm nay, thế giới Kitô giáo đứng trước ngôi mộ trống và mang tâm trạng như tông đồ Gioan: “Ông đã thấy và đã tin” (Ga 20,8).

Ngôi mộ mượn của người khác chỉ là một điểm dừng chân của Chúa Giêsu. Người đã sống lại. Người đã chiến thắng tử thần và lòng hận thù ghen ghét. Người cũng đem lại niềm hy vọng cho những ai đang đau khổ chán chường do sức ép của gánh nặng cuộc đời. Ngôi mộ của người tín hữu cũng chỉ là nơi ở tạm, đợi ngày thân xác được phục sinh trong ngày tận thế. Mỗi chúng ta, khi mừng lễ Phục Sinh, hãy cùng với Chúa chiến thắng những tội lỗi bủa vây xung quanh chúng ta. Như thế chúng ta sẽ trở thành những người tự do, nhờ ân sủng của Đấng Phục sinh.

 

2/ BÀI GIẢNG LỄ PHỤC SINH CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

Phúc Âm về cuộc phục sinh của Chúa Giêsu Kitô được bắt đầu bằng hành trình của các phụ nữ đến mồ vào lúc rạng đông của ngày sau ngày Hưu Lễ. Họ đến mồ để tôn kính thân thể của Chúa, nhưng họ lại thấy nó đã được mở ra và trở nên trống không. Một vị thiên thần quyền uy mới nói với họ rằng: Đừng sợ! (Mt 28:5) và truyền cho họ hãy đi nói với môn đệ rằng Người đã sống lại từ trong kẻ chết, và Người thực sự đến Galilêa trước các vị (câu 7). Các phụ nữ vội vàng lên đường và trên đường đi thì đích thân Chúa Giêsu gặp gỡ họ mà bảo: Đừng sợ; hãy đi mà nói cho các môn đệ của Thày đến Galilêa; ở đó họ sẽ gặp Thày” (câu 10).

Sau cái chết của Thày mình, các môn đệ đã bị phân tán; đức tin của các vị hoàn toàn bị rung chuyển, mọi sự dường như chẳng còn gì nữa, tất cả những gì các vị tin tưởng đều trở nên tan tành và những gì các vị hy vọng đều tiêu tan. Thế nhưng, bấy giờ tin tức của các phụ nữ, bất khả tín thay, lại được mang đến với các vị như một tia sáng trong tăm tối. Tin tức được loan truyền ấy là Chúa Giêsu đã sống lại như Người đã phán. Rồi còn lệnh Người truyền cho các vị phải đến Galilêa nữa; các phụ nữ nghe thấy điều này 2 lần, lần thứ nhất từ thiên thần và sau đó từ chính Chúa Giêsu: Hãy báo cho họ đến Galilêa; ở đó họ sẽ gặp Thày.

Galilêa là nơi đầu tiên các vị được kêu gọi, nơi mọi sự được bắt đầu! Hãy trở về lại đó, trở về nơi các vị được gọi từ ban đầu. Chúa Giêsu đã bước đi dọc theo các bờ hồ khi những tay đánh cá ấy đang thả lưới. Người đã gọi các vị và các vị đã bỏ hết mọi sự mà theo Người (xem mathêu 4:18-22).

Việc trở lại Galilêa nghĩa là ôn lại hết mọi sự theo chiều hướng thập giá và cuộc vinh thắng của thập giá. Là ôn lại hết mọi sự Chúa Giêsu giảng dạy, làm phép lạ, lập cộng đồng mới, những hứng thú cùng với việc bỏ hàng ngũ ra đi, thậm chí cả việc bội phản, để ôn lại hết mọi sự từ một tận cùng lại là một khởi điểm mới, từ tác động yêu thương cao cả này.

Đối với cả từng người chúng ta nữa, cũng có một Galilêa ở vào khởi điềm cho cuộc hành trình của chúng ta với Chúa Giêsu. Việc đi đến Galilêa mang một ý nghĩa đẹp đẽ nào đó, nghĩa là tái nhận thức phép rửa của chúng ta như là một ngọn suối sống động, kín múc lấy một nghị lực mới từ nguồn mạch đức tin của chúng ta và cảm nghiệm Kitô hữu của chúng ta. Việc trở về Galilêa trên hết có nghĩa là trờ về với thứ ánh sáng rạng ngời mà nhờ đó ân sủng của Thiên Chúa đã chạm đến tôi ngay từ đầu của cuộc hành trình này. Từ ánh sáng ấy tôi có thể thắp lên một ngọn lửa cho hôm nay đây cũng như cho hết mọi ngày sống, và mang lại sức nóng cùng ánh sáng cho anh chị em của tôi. Ngọn lửa ấy làm bừng lên niềm vui nhẹ nhàng, một niềm vuị không thể bị mất đi bởi sầu đau và buồn khổ, một niềm vui tốt lành và êm dịu.

Trong đời sống của hết mọi Kitô hữu, sau phép rửa cũng có một thứ Galiêa sống động hơn nữa, đó là cái cảm nghiệm của một cuộc hội ngộ riêng tư với Chúa Giêsu Kitô là Đấng đã kêu gọi tôi theo Người và tham phần vào sứ vụ của Người. Bởi thế, việc trở về với Galilêa nghĩa là trân quí trong lòng mình cái ký ức sống động về ơn gọi ấy, khi Chúa Giêsu đi qua đời tôi, thương hại nhìn vào tôi và xin tôi hãy theo Người (biệt chú của người dịch: câu này hoàn toàn phản ảnh câu tâm niệm của ĐTC “vì thương được chọn” xuất phát từ cảm nghiệm của ngài vào năm ngài 17 tuổi trước khi ngài dấn thân đáp lại tiếng Chúa gọi và theo Chúa cho đến nay trong vai trò đại diện Người để dẫn dắt Giáo Hội hiện nay). Nó có nghĩa là làm sống lại ký ức về giây phút mà ánh mắt của Người chạm phải đôi mắt của tôi, lúc mà Người làm cho tôi cảm thấy rằng Người đã yêu thương tôi.

Hôm nay, đêm nay, mỗi người chúng ta có thể đặt vấn đề là: Galilêa của tôi là gì? Galilêa của tôi ở đâu vậy? Tôi có nhớ nó hay chăng? Hay là tôi đã quên mất nó rồi? Phải chăng tôi đã bị lầm đường lạc lối nên quyên mất nó rồi? Chúa ơi, xin giúp con: xin hãy bảo cho con biết Galilêa của con là gì; vì Chúa biết rằng con muốn trở về đó để gặp gỡ Chúa và để cho con được tình thương của Chúa ấp ủ.

Bài Phúc Âm của Lễ Phục Sinh rất là rõ ràng, ở chỗ chúng ta cần trở về đó, để thấy Chúa Giêsu phục sinh và để trở thành những nhân chứng cho việc phục sinh của Người. Không phải là vấn đề trở về đó theo thời gian; không phải là một thứ nhung nhớ. Mà là cuộc trở về với tình yêu ban đầu của chúng ta, để nhận lấy ngọn lửa đã được Chúa Giêsu thắp lên trên thế giới này và mang ngọn lửa ấy cho tất cả mọi dân nước, cho đến tận cùng trái đất.

Một Galilêa của Dân Ngoại (Mathêu 4:15; Isaia 8:23)! Đó là chân trời của Chúa Phục Sinh, chân trời của Giáo Hội; với ước muốn thiết tha được gặp gỡ, nào chúng ta hãy lên đường!

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩ

 

3/ LÀM CHỨNG BẰNG ĐỜI SỐNG

(Lm. Giuse Nguyễn Văn Kha, SVD)

Chuyện kể rằng: có một cô thôn nữ sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo tại vùng quê nghèo. Đến tuổi cập kê, cô được rất nhiều người con trai ngỏ lời yêu thương. Có anh chàng từ thành phố giàu sang ngỏ lời yêu thương kèm theo những món quà tặng. Lại có anh chàng đẹp trai, nói những lời có cánh, ngọt ngào dễ làm xao xuyến. Lại cũng có anh chàng nghèo gần nhà, không đẹp trai, cũng chẳng có quà tặng cô trong những dịp quan trọng. Thế nhưng, những lúc gia đình cô thôn nữ có sự kiện vui buồn, có biến cố gì, hay những khi đau ốm… anh chàng nghèo này đều có mặt để động viên, giúp đỡ và cùng gánh vác. Rồi một ngày nọ cô quyết định chọn anh chàng nghèo làm chồng. Nhiều người thắc mắc sao cô lại lấy người nghèo thế? Cô trả lời: con tim có lý lẽ riêng của nó. Đúng thật, con tim của cô đã có lý khi chọn người bạn đời của mình. Hiện diện trong mọi biến cố mới là điều quan trọng hơn hết.

Trên trần gian này chỉ có một người duy nhất hội đủ tất cả những tiêu chuẩn của một người có những lời yêu thương, một người giàu sang nhưng biết đến với những kẻ nghèo khó; một người sẵn sàng trao ban những món quà quý giá và là một người biết quan tâm, hằng hiện diện trong những vui buồn của con người; đó chính là Đức Giêsu.

Trong giai đoạn đi rao giảng, Ngài có rất nhiều lời hay ý đẹp làm khuôn vàng thước ngọc cho đời. Và những lời đó đã được đồng hương “thán phục các lời về ân sủng xuất bởi miệng Ngài” (Lc 4,22). Hay ở một đoạn khác, Tin Mừng Máccô ghi lại:“Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy nghĩa là làm sao? (Mc 6,2).

Những món quà đặc biệt mà họ nhận được đó là các phép lạ. Ngài ban rất nhiều hồng ân cho con người, đặc biệt là người nghèo và đau khổ. Nhưng đỉnh cao hơn cả, tình thương được diễn tả trong cuộc khổ nạn. Quả vậy, tình thương được diễn tả qua lời nói chưa đủ. Tình yêu được diễn tả qua quà tặng, cũng chưa đủ. Trọn vẹn nhất, là trao tặng bản thân của mình cho người mình yêu. Như có lần chính Chúa Giê-su nói: “không tình thương nào cao cả  hơn tình thương của người hi sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15,13)

Lời của Chúa Giêsu không phải là một lời nói suông, không phải chỉ là một bài học luân lý ở trong cuốn sách nào đó. Nhưng Ngài nói và đã sống điều đó một cách cụ thể. Ngài “là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em” (Ga 13,14). Ngài lập Bí Tích Thánh Thể để trao ban thịt máu của Ngài. Hơn hết, Ngài sống lời dạy cách cụ thể nhất trong cuộc khổ nạn, trong cái chết của Ngài. Đó là tình yêu lớn! Ngày xưa, với tình yêu lớn, Chúa Giêsu tặng cho người nghèo, người đau khổ tình yêu của Ngài, thì bây giờ chúng ta vẫn nhận được tình thương đó qua việc chúng ta cử hành những Mầu Nhiệm Thánh.

Hơn nữa, nếu Đức Giêsu chết rồi hết, nếu Ngài yêu thương rồi hết, thì việc chúng ta họp nhau nơi đây để học lại bài học yêu thương đó thì cũng chỉ là một bài học luân lý, một chứng tích lịch sử mà thôi. Trái lại, Đức Kitô sống lại đã làm thay đổi mọi sự, như lời xác quyết của thánh Phaolô: “Nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì lời rao giảng của chúng tôi và đức tin của anh em hoàn toàn trống rỗng … và chúng ta là những kẻ đáng thương nhất trong tất cả mọi người” (1 Cr 15,14-19).

Quả vậy, chúng ta họp nhau đây không phải để học bài học lịch sử, nhưng chúng ta cử hành Mầu Nhiệm Phục sinh của Đức Giêsu. Tin Mừng ngày hôm nay ghi lại rất chi tiết cho thấy việc Chúa Giêsu sống lại: “Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Maria Mácđala đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ” (Ga 20,1). Tảng đá đã lăn khỏi mộ? Ai lăn ra? Tin Mừng không nói. Nhưng qua vài cách lý luận, chúng ta có thể cách nào đó biết được ai đã lật tảng đá ấy ra. Chúng ta biết rằng văn hóa Do Thái rất ngại gọi đích danh tên Thiên Chúa, họ sợ phạm húy. Do đó, thường những hành động nào mà trong đó Thiên Chúa làm chủ ngữ thì câu văn đó thường được viết ở dạng bị động. Ví dụ: “Tội của con đã được tha; con đã được chữa lành.” Từ lý luận này, chúng ta có thể hiểu là Đức Giêsu đã tự lật tảng đá ra khỏi cửa mộ ấy. Tảng đá đã được lấy đi, Đức Giêsu đã sống lại. Ngài đã chiến thắng ác thần, chiến được tội lỗi và sự chết.

Việc Chúa Giê-su sống lại là một tất yếu. Theo Kinh Thánh: “Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết”(Ga 20,9). Hoặc những lời Người đã tiên báo hồi còn ở Galile là: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại” (Mc 9,31). Chúng ta xác tín một cách mạnh mẽ như vậy. Tuy nhiên, chúng ta tin Chúa Giêsu sống lại là một Chúa Giêsu sống lại với tất cả những chứng tích của cuộc khổ nạn đau thương. Chúa Giêsu sống lại để sống với con người ngày hôm nay của thế kỷ 21 này như là một bảo chứng, một Đấng sẵn lòng đồng lao cộng khổ với chúng ta tới cùng. Ngài sống lại để hiện diện và chấp nhận liên lụy với chúng ta, như ngày xưa Ngài đã liên đới tới cùng với dân Israel vào thời của Ngài.

Như vậy, chúng ta ngày hôm nay mừng lễ Phục Sinh, là mừng một Đức Giê-su đang sống. Nhưng không chỉ là một Đức Giê-su đang sống trong vinh quang mà thôi; Ngài cũng không phải một Đấng Phục Sinh đang sống ở trên trời, mà là một Đấng đã chết ngày xưa vẫn đang sống ngày hôm nay với tất cả chứng tích của tình thương, để khẳng định với mỗi người là Ngài dám liên lụy và dám chết cho chúng ta một lần nữa và từng lần nữa. Hay nói cách khác, qua mầu nghiệm Thương Khó và Phục Sinh, chúng ta cảm nhận được một tình yêu trọn vẹn của Đức Giêsu dành cho chúng ta. Một tình yêu lớn hơn mọi tình yêu, và tình yêu đó không bao giờ đi vào dĩ vãng, không nằm dưới nấm mồ, nhưng là một tình yêu đang được thể hiện mà chúng ta đang cử hành trong tất cả nghi thức thánh thiện của cả mùa Phục Sinh.

Tảng sáng ngày Phục Sinh, khi hiện ra với bà Maria Mácđala, Chúa đã truyền cho bà đi báo cho các môn đệ biết Ngài đã sống lại. Ngày hôm nay, Chúa cũng truyền cho mỗi người chúng ta làm chứng cho các anh chị em Tin Mừng Chúa đã sống lại. Tuy vậy, chúng ta cần ý thức được điều này: làm chứng về Mầu nhiệm Phục sinh không phải chỉ chăm chú vào việc tìm những lý lẽ sắc bén để chứng minh rằng Chúa đã sống lại, nhưng điều cần hơn là phải làm chứng cho bằng được rằng Đấng Phục sinh, một mặt đang sống trong vinh quang, mặt khác cũng đang ở với chúng ta. Ngài hiện diện với chúng ta mỗi ngày, trong mọi biến cố vui buồn của kiếp người. Để làm chứng một cách thuyết phục, chúng ta phải biết là người thời nay rất thích “chứng từ đời sống”. Đúng vậy, vì đó là hình thức đầu tiên của việc loan báo Tin Mừng. Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II từng nói: “con người ngày nay tin vào chứng nhân hơn các thầy dạy, tin vào kinh nghiệm hơn giáo lý,  tin vào đời sống và các sự kiện hơn là các lý thuyết.” (Thông điệp Sứ vụ Đấng Cứu Thế, số 42).

Xin cho Lời Chúa ngày hôm nay thấm vào trong tầm hồn ta, để hy vọng rằng Lời của Chúa sẽ chi phối suy nghĩ, lời nói và cả những hành động của chúng ta. Hầu nhờ đó, chúng ta có được đời sống chứng nhân. Và qua phong cách sống của chúng ta, người khác nhìn vào và cảm nhận được một Đức Giêsu đã phục sinh và đang hiện diện một cách cụ thể với chúng ta và với họ.

 

bài liên quan mới nhất

Ngày 28/4: Thánh Phêrô Channe – Linh mục, tử đạo (1803-1841)

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng