Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật VI Thường Niên, Năm A
(Hc 15,16-21; 1Cor 2,6-10; Mt 5, 17-37)
“Người xưa đã bảo như thế, còn Ta, Ta bảo thật các con thế này”.
1/ TỰ DO VÀ TRÁCH NHIỆM
(ĐTGM. Giuse Vũ Văn Thiên)
Tự do lựa chọn một quyết định và gánh trách nhiệm về quyết định của mình, đó là đặc tính căn bản làm cho con người khác biệt với mọi loài tạo vật khác. Thiên Chúa sáng tạo con người không giống như một chiếc máy cho ra lò hàng loạt sản phẩm cùng một mẫu mã như nhau. Ngài tạo dựng con người mỗi cá nhân đều khác biệt và cho họ có tự do để lựa chọn giữa điều tốt và điều xấu. Tác giả sách Huấn Ca đã dùng một hình ảnh đơn sơ dễ hiểu: Đức Chúa đặt trước mặt con người lửa và nước, nếu muốn gì thì giơ tay mà lấy; Đức Chúa đặt trước mặt họ cửa sinh và cửa tử… Người không truyền cho ai ăn ở thất đức, cũng không cho phép ai phạm tội (Bài đọc I).
Nếu Thiên Chúa ban cho con người có tự do, là để họ dùng tự do ấy một cách đúng mức và để họ có trách nhiệm về những việc mình làm. Vì con người hay lạm dụng tự do, nên Chúa đã thiết lập lề luật làm nền tảng để lượng giá một hành động của họ. Lề luật của Thiên Chúa là mẫu mực cho mọi lề luật của loài người, nên luật đó có giá trị ưu tiên. Mọi dân luật đều phải dựa trên luật của Thiên Chúa đã khắc ghi vào lương tâm con người.
Chúa Giêsu đã quả quyết, luật căn bản nhất mà con người phải tuân giữ, đó là luật yêu thương. Bài Tin Mừng hôm nay chứa đụng giáo huấn rất phong phú về nội dung này. Không thể viện cớ một luật lệ hay một tập quán thế tục để hành động ngược với giới luật yêu thương. Khởi đi từ luật yêu thương này, người ta mới có thể xây dựng tình bằng hữu, đạo gia đình và tình nghĩa phu phụ.
Chúa Giêsu đến để kiện toàn lề luật của Cựu Ước. Hơn thế nữa, Người mặc cho lề luật một giáo trị cao siêu hơn. Nếu luật Cựu Ước quy định kẻ sát nhân phải ra tòa, thì luật Tân Ước, những ai giận ghét anh chị em mình hoặc chửi mắng rủa xả họ với những lời thóa mạ, thì đã đáng hình phạt hỏa ngục trầm luân. Những quy định của luật Tân Ước nhằm bảo vệ và cổ võ thực thi bác ái giữa những người đồng loại. Trong Giáo huấn của Chúa Giêsu, luật yêu thương không chỉ dừng lại ở những cấm đoán, nhưng còn tiến xa hơn bằng những lời khuyên làm việc tốt cho tha nhân, đến mức yêu tha nhân như chính mình. Để giáo huấn của mình có độ xác tín, Đức Giêsu đã làm gương cho chúng ta noi theo qua việc rửa chân cho các môn đệ và nhất là qua cái chết trên thập giá.
Để có thể hành động đúng với ý Chúa và để có thể thực thi được đức bác ái hoàn hảo, một điều kiện căn bản là mỗi chúng ta phải khiêm tốn nhìn nhận vị trí và khả năng của mình trong cuộc sống hiện tại. Nghịch lại đức khiêm tốn là kiêu ngạo. Người kiêu ngạo thường lấy mình làm tiêu chuẩn để đoán xét người khác. Họ coi mình là trung tâm vũ trụ, nên hành động và quyết định mà không nghĩ đến quyền lợi và phẩm giá của anh chị em mình. Kiêu ngạo bao nhiêu cũng chẳng đủ; khiêm tốn bao nhiêu cũng chẳng thừa. Lối sống khiêm hạ là phương pháp Đức Giêsu đã dùng để cứu độ trần gian. Đối với mỗi tín hữu chúng ta, khi khiêm nhường là chúng ta nên giống Đức Giêsu và như thế chúng ta có thể sống đức yêu thương như Người truyền dạy.
Sống như một người có trách nhiệm cần phải có ơn Chúa, nhất là ơn khôn ngoan. Thánh Phaolô mời gọi chúng ta hãy hành xử theo sự khôn ngoan đích thực, chứ không phải lẽ khôn ngoan theo quan niệm thế gian. Lẽ khôn ngoan này là chính Đức Giêsu, Đấng đã đến để chỉ cho chúng ta con đường về quê trời.
“Hễ ‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’; thêm thắt điều gì là do ác quỷ”. Một điều xem ra quá đơn giản và dễ dàng mà chúng ta không phải lúc nào cũng áp dụng được. Cuộc sống này vẫn còn những tranh cãi bất hòa và căng thẳng, vì chúng ta thường có khuynh hướng nói ngược lại: ‘có’ lại nói ‘không’ và ‘không’ lại nói ‘có’.
Con người không phải là một ốc đảo trong đại dương mênh mông là cuộc đời này. Mỗi cá nhân là một người có tự do và có trách nhiệm. Nên thánh chính là biết sống quân bình giữa tự do và trách nhiệm trong mối tương quan với Chúa và với anh chị em. Xin Chúa cho chúng ta biết sử dụng tự do để lo phần rỗi bản thân và góp phần đem lại hạnh phúc cho đồng loại.
2/ ĐẠO ĐỨC DUY PHÁP LÝ?
(Lm JB. Lê Ngọc Dũng)
Phải chăng đạo Công giáo có một nền đạo đức luân lý quá khắc khe? Một đạo đặt nặng vấn đề lề luật, vấn đề tội?
Có người phê bình Đạo Công Giáo là đạo của “lề luật” và của “tội’. Họ nói đạo gì mà cứ hở một chút là nói: “phạm luật”, phạm điều răn này điều răn nọ; hở một chút là nói “có tội”, nói “Chúa phạt”; hở một chút là nói “bị dứt phép thông công", “bị xuống hỏa ngục".
Đôi khi họ cũng có lý. Bởi thực tế là, mới gia nhập đạo thì phải chịu “Rửa tội”; phải học giáo lý xét mình để có thể “xưng tội”; phải xưng tội thường xuyên, ít ra là mỗi năm một lần; rồi phải “ăn năn đền tội” suốt cả đời, mỗi năm đều có mùa chay để ăn năn đền tội.
Các đạo khác đâu có như vậy! Đạo Phật, Đạo Khổng, Đạo Lão, Đạo Cao Đài... đâu có nói đến tội nhiều như vậy; đâu có đòi phải rửa tội, xưng tội, đền tội như vậy!!!
Một cụ già người lương sống rất lương thiện tốt lành. Ông nghe người bạn giới thiệu về Chúa, ông thích quá. Nhưng khi người bạn đề nghị ông chịu phép Rửa tội thì ông mới ngạc nhiên nói: “Tại sao lại phải rửa tội? Tôi có tội gì đâu? Tôi đâu có ăn trộm, giết người cướp của, ngoại tình gì đâu? Tôi đâu có làm hại ai mà tôi phải chịu phép Rửa tội?”
Vậy thì phải chăng đạo Công giáo chúng ta đặt nặng vấn đề lề luật, vấn đề tội?
Trước tiên, chúng ta thấy “tội” là một khái niệm khá quan trọng trong đạo. Sách Sáng Thế Ký đã nói đến Tội Nguyên Tổ làm cho con người phải đau khổ và phải chết. Con Thiên Chúa giáng trần là để cứu nhân loại khỏi tội, khỏi sự chết. Tuy nhiên quan niệm về lề luật và tội lỗi của chúng ta cũng đã có những sai lệch.
Một sáng sớm Chúa nhật, tôi đang chuẩn bị dâng lễ, chỉ còn không đầy một phút nữa là tiến ra bàn thờ, một giáo dân chạy vào nói: “Xin cha giải tội cho con”. Tôi ngạc nhiên hỏi: “Sao ông lại xin xưng tội gấp gáp vào lúc này?” Người ấy đáp: “Thưa cha tuần vừa rồi con đi đường xa nên bỏ lễ Chúa nhật, con có tội trọng nên không thể rước lễ được. Tôi bảo: “Không sao, ông cứ việc dự lễ và rước lễ, ông không có tội trọng đâu. Ông bỏ lễ Chúa nhật có lý do chính đáng, nên ông không có tội!”
Trường hợp người giáo dân này phản ảnh thái độ quá lệ thuộc lề luật như người Do Thái ngày xưa. Người ta cho rằng làm điều tội chỉ vì có luật cấm làm điều đó, hoặc có tội nếu không làm điều luật buộc phải làm. Và cũng cho rằng, nếu không có luật cấm thì không có tội. Như vậy, tội được định nghĩa hoàn toàn theo pháp lý. Đây là một quan niệm cứng nhắc, tai hại, coi Thiên Chúa như một quan tòa hung dữ, ban ra lề luật, để rồi phạt khi người ta phạm luật.
Hậu quả là người giữ đạo như giữ một số lề luật và con người cảm thấy bị trói buộc; thấy giữ đạo như mang một gánh nặng. Họ thấy, phạm đến lề luật là phạm tội trọng và nếu chết bất ngờ mà không kịp xưng tội trọng thì bị xuống hỏa ngục.
Có phải giữ đạo là giữ những điều luật của đạo; chúng ta thử nghĩ xem, có đúng không?
Cũng có cái đúng đó chứ, bằng chứng là có những người trong nhà thờ hôm nay sợ tội nên không bỏ lễ Chúa Nhật, sợ tội nên không ăn cắp ăn trộm, sợ tội nên không ngoại tình gian dâm!
Nhưng cũng có điều không đúng nếu như chỉ khư khư bám vào lề luật để đánh giá việc làm của mình. Một thái độ khư khư bám vào lề luật như thế được gọi là chủ nghĩa duy pháp lý, một chủ nghĩa sai lạc vì bỏ qua chiều kích thăng tiến con người, hạ giá con người.
Cái nhìn duy pháp lý này lại gây một hậu quả ngược lại, rất nghiêm trọng hơn nữa, đó là góp phần vào tình trạng giảm ý thức về tội. Càng thấy mình phạm luật là phạm tội thì người ta càng giảm ý thức về tội. Lý do là người ta chỉ tố giác những hành vi phạm bên ngoài chứ không còn tố giác sự đồi bại bên trong, sự đồi bại nội tại của tội nữa.
Lời dạy của Chúa Giêsu hôm nay giúp chúng ta có cái nhìn đúng đắn về tội, về lề luật. Ngài coi là tội không chỉ như những hành vi phạm một điều cấm như giết người, ngoại tình nhưng xét đến cái ý muốn nội tại xấu xa của hành vi. Ngài dạy:
“Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; ai giết người thì đáng bị đưa ra ra tòa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Bất cứ ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra tòa” (Mt 5,21-22a). Ngài còn dạy: “Bất cứ ai nhìn người nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi” (Mt 5, 28).
Chúa Giêsu dạy các môn đệ của Ngài phải công chính hơn các kinh sư và người Biệt phái. Công chính hơn ở đây, được hiểu như là sống chân thật: “Hễ ‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’; thêm thắt điều gì là do ác quỷ” (Mt 5,37). Công chính hơn ở đây, được hiểu là sống bác ái yêu thương, không giận ghét người khác, trung tín với nhau, tôn trọng lẫn nhau.
Một hôm, tôi nghe một ông xưng tội: “Thưa cha, con có không vâng lời vợ con.” Tôi ngạc nhiên, tưởng mình nghe sai, hỏi lại. Ông này nói rõ hơn: “Thưa cha, con là một ông chồng, con có tội là không vâng lời vợ con”. Tôi hỏi: “Sao ông nghĩ: không vâng lời vợ lại có tội?”. Ông đáp: “Dạ, thưa cha, vợ con nói đúng, nói có lý, mà con không nghe lời, nên con thấy là con có tội!”
Đây là quả một cái nhìn về tội rất đúng đắn. Tội được xét một cách tích cực như những lỗi phạm hay những thiếu sót của đức bác ái. Đức bác ái ở đây là sự tôn trọng phẩm giá, quyền lợi và ý kiến của người khác. Đức bác ái của ông chồng này thể hiện ở chỗ không độc tài; ông xem vợ mình như người bạn bình đẳng, và biết tôn trọng vợ mình.
Về phần chúng ta, đã nhiều lần chúng ta xét tội như những vi phạm những luật cấm. Thế nhưng, thử hỏi đã bao nhiêu lần chúng ta xét mình là có tội vì thiếu vắng tình yêu thương; đã bao nhiêu lần chúng ta hành động, suy nghĩ, nói năng mà gây tổn hại cho người anh em; đã bao lần chúng ta đã khước từ phẩm giá người môn đệ của Chúa Kitô; đã sống theo kiểu thế gian, chứ không sống theo cung cách của con cái Thiên Chúa!
3/ THA THỨ LÀ MỘT MÓN QUÀ
(Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)
Nếu một lần có ai đó làm tổn thương chúng ta và làm hại đến sinh hoạt cộng đoàn, chúng ta sẽ làm gì?
Chúng ta sẽ hận thù, tẩy chay, loại trừ họ một cách vĩnh viễn? Chúng ta sẽ cô lập họ trong cô độc suốt đời?
Có lẽ đây không phải là giải pháp hay. Loại trừ một người thì dễ nhưng cứu chữa một người mới khó. Kinh nghiệm cho thấy, sức mạnh của con người nằm ở sự tha thứ, giúp nhau sửa đổi, chứ không phải là trả thù, trả đũa nhau. Hơn nữa, khi chúng ta sống và làm việc cùng với nhau, chắc chắn sẽ có những lúc làm buồn lòng nhau, và đôi khi những người thân thiết nhất lại dễ làm tổn thương đến nhau. Có khi chính chúng ta cũng làm tổn thương họ vì biết bao lời nói, việc làm của mình. Mặc dù chúng ta dễ làm tổn thương đến nhau nhưng chúng ta vẫn phải sống bên nhau, có khi phải sống suốt đời như những đôi vợ chồng với nhau.... Thế nên, để sống bên nhau điều kiên quyết chính là phải sống tha thứ và hòa giải với nhau.
Có một nhóm học trò cũng từng nghĩ rằng mình không thể tha thứ cho kẻ đã làm hại mình. Mình sẽ ôm hận và tìm cơ hội trả thù. Thầy giáo đã yêu cầu mỗi một học sinh mang một túi nilông sạch và một bao tải khoai tây đến lớp. Sau đó, thầy bảo cứ khi nào mà trò không tha thứ lỗi lầm cho người nào đó thì hãy chọn ra một củ khoai tây viết tên người đó và ngày tháng lên rồi bỏ nó vào túi nilông. Sau vài ngày, có nhiều túi trở nên vô cùng nặng.
Sau đó, thầy lại yêu cầu hoc sinh phải luôn mang cái túi theo bên mình dù đi bất cứ đâu, tối ngủ phải để túi bên cạnh, làm việc thì đặt trên bàn. Sự phiền phức khi phải mang vác cái túi khiến họ cảm nhận rõ ràng gánh nặng tinh thần mà mình đang chịu đựng. Không những thế, họ còn phải luôn để tâm đến nó, nhớ đến nó và nhiều khi đặt nó ở những chỗ chẳng tế nhị chút nào. Qua thời gian, khoai tây bắt đầu phân huỷ thành một thứ chất lỏng nhầy nhụa và các học trò dường như chỉ muốn vứt đi và không muốn mang nó trong người nữa.
Lúc này, thầy giáo mới nói: Các trò thấy không? sự bực tức giận dữ một ai đó chỉ là gánh nặng thêm cho bản thân mình, nó làm cho chúng ta mất thời gian suy nghĩ; để tâm; nhiều khi lại làm cho người khác bực dọc nữa…
Ai cũng biết rằng sự tha thứ chính là một cách để xoa dịu tâm hồn, là tự tìm cho chính mình sự thanh thản và giải thoát về mặt tinh thần, qua đó giúp cho cuộc sống mình trở nên bình yên hơn. Tha thứ chính là món quà mang đến cho chúng ta niềm vui và hạnh phúc. Thế nhưng, nói thì dễ nhưng làm thì thật không dễ. Vì tự ái, vì thiếu lòng quảng đại nên chúng ta đã từng nuôi dưỡng hận thù và tự đầy đọa mình trong bất an, tức giận.
Lời Chúa hôm nay là một bài học của sự tha thứ. Chúa bảo rằng tha thứ quan trọng hơn lễ vật. Tha thứ hòa giải là cách sống đạo mà Chúa đòi buộc người tín hữu phải tuân giữ. Tình thương tha thứ đó đòi hỏi chúng ta không chỉ chớ giết người mà còn không giận dỗi nhau, không chửi rủa nhau, không mắng nhiếc nhau. Tình thương tha thứ đó đòi hỏi chúng ta phải thu xếp làm hòa với nhau trước khi đến bàn thờ và trước khi thời gian không còn nữa.
Có một cách để giúp cho chúng ta sống tha thứ là hãy cầu nguyện cho người làm tổn thương chúng ta. Cầu xin ơn Chúa giúp họ thay đổi đời sống. Qua đó, chúng ta cũng có được một đời sống không có cay đắng và buồn giận. Sự buồn giận làm tổn hại cho chúng ta và gia đình chúng ta nhiều hơn là cho người mà chúng ta giận ghét. Tha thứ giúp chúng ta hết mệt mỏi khi cứ luôn mang trong mình cái bao nặng những cay đắng hận thù.
Tóm lại, để sự tha thứ có thể xảy ra, chúng ta hãy ngưng suy nghĩ về nó, nói chuyện với nhau một cách thẳng thắn và rõ ràng, sẵn sàng xin lỗi phần sai trật của mình, sẵn sàng tha thứ để chúng ta có thể sống vui vẻ, thoải mái.
Chính Chúa Giêsu đã luôn tha thứ cho các tội nhân. Ngài không trừng phạt họ nhưng luôn tạo cơ hội để họ sửa đổi canh tân. Ngài còn tha thứ cho cả kẻ đã làm hại mình. Trên cậy thập giá Ngài đã xin Chúa Cha tha thứ cho “họ vì họ không biết việc họ làm”.
Hôm nay, Ngài cũng mọi chúng ta hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường. Xin cho chúng ta luôn mặc lấy tâm tình của Chúa để sống với nhau trong tha thứ và bình an. Amen.
4/ HÃY SỐNG YÊU THƯƠNG VÀ NÊN TRỌN LÀNH
(Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)
Kết thúc "Bài giảng trên núi", căn tính của người kitô hữu là muối là ánh sáng được Chúa Giêsu tiếp tục mạc khải cho khi dạy chúng ta về thái độ cần phải có cũng như thực hành trong đời sống: "Các con đã nghe bảo... Còn Thầy, Thầy bảo các con ". Vậy nghe bảo gì, và Chúa Giêsu bảo các môn đệ mình ra làm sao?
Khi Chúa Giêsu khi trích dẫn câu nói của người xưa về luật công bằng khi trả thù đã được ghi rõ trong Cựu Ước "Mắt đền mắt, răng đền răng " (Xh 21,24). Chúng ta phải thừa nhận rằng, đây là một bước tiến lớn trong tương quan hành xử giữa người với người so với thời Lamek, bởi Lamek đã từng nói với hai vợ: "Vì một vết thương, ta giết một người, (Ta) trầy da, một nam nhi toi mạng. Vì Cain sẽ được báo thù gấp bảy, nhưng La-méc thì gấp bảy mươi bảy!" (St 4,23-24) Vậy là trả thù mãi mãi. Luật "Mắt đền mắt, răng đền răng" (Xh 21,24) giúp con người khỏi rơi vào tình trạng thái quá. Trái lại, Luật của tình yêu phủ nhận sự đồng nhất với kẻ thù: "Còn Thầy, Thầy bảo các con: đừng chống cự lại với kẻ hung ác" (Mt 5, 39).
Theo Chúa Giêsu, yêu thương là vượt ra khỏi vòng tròn luẩn quẩn của cái ác và sống tình huynh đệ đại đồng, nên khi Ngài bảo chúng ta "đưa má bên kia cho nó nữa," là Ngài muốn chúng ta xây đắp tình hiệp thông anh em. Đưa má bên kia là cố tình giúp đối phương khám phá ra tình yêu và rằng thực hành bác ái là điều có thế. Đưa má bên kia còn muốn nói với kẻ ác rằng nó đã nhận được người anh em như nó là anh em. Một hành động đáng tin cậy như thế sẽ phá tan bạo lực.
Chúa Giêsu yêu cầu gia tăng thêm tình yêu và lòng tha thứ càng nhiều càng tốt! Vì tình yêu có sức mạnh giúp đối phương xích lại gần ta hơn bằng tình người. Như thế, bằng cách trao ban, chúng ta nhận nó là anh em.
Cho nó cả áo choàng, đi với nó hai dặm không phải một mà áp đặt, nhưng chứng minh con người luôn có sáng kiến về tình yêu. Vì đó là điều đẹp lòng Chúa, nên chúng ta từ bỏ điều có đi có lại và chủ động xây đắp tình sự hiệp thông trong tình yêu. "Ai xin, thì con hãy cho. Ai muốn vay mượn, thì con đừng khước từ". (Mt 5, 44)
Tình yêu phải được thực hiện theo châm ngôn: "Hãy yêu thương thù địch các con, hãy làm lành cho những kẻ ghét các con, và cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ và vu khống các con" (Mt 5, 44). Chúa Giêsu không chỉ lên án một hệ thống dùng bạo lực để trả thù cho cân, Ngài còn muốn chúng ta hủy bỏ luật ăn miếng trả miếng xưa. Tình yêu không gia tăng theo kiểu có đi có lại - người ngươi yêu mến là một người anh em ngươi, một người ngươi yêu mến là người bạn ngươi. Tình yêu là quà tặng, nhưng không dựa trên sự khác biệt tối thiểu. Sự khác biệt của tình yêu là không giống nhau, là người khác chứ không phải là người họ hàng, nhưng là người chúng ta cảm thấy gần. Như Chúa Giêsu đã nói: đó là người thân cận của ngươi. Tuy nhiên, Chúa Giêsu không bác bỏ sự phân biệt của chúng ta. Người khác không phải luôn là một người bạn, nó có thể trở thành kẻ thù. Điều quan trọng là tất cả mọi người là anh em với nhau. Chúng ta có kẻ thù, đó là một thực tế.
Thật phù hợp để người kitô hữu khẳng định căn tính là con Thiên Chúa của mình khi thực hành lời Chúa Giêsu dạy để trở nên con cái Cha các con ở trên trời. Giới luật yêu thương mà Chúa Giêsu để lại mạc khải rõ về hồng ân yêu thương. Là con cái Thiên Chúa, chúng ta phải yêu thương ngay cả kẻ thù kẻ muốn cắt đứt tương quan là con Thiên Chúa và anh em với ta. Luật ăn miếng trả miếng không còn tồn tại. Chỉ có tình yêu mới biến đổi được hận thù, tình yêu làm cho chúng ta trở nên con Thiên Chúa và thể hiện chức phận là con đối với Người.
Như thế, chúng ta đi đến cùng lời Chúa Giêsu dạy về thánh ý Thiên Chúa trong đời sống: "Các ngươi hãy thánh thiện, vì Ta là Đấng Thánh" (Lv 19,1). Bằng những lời này, Thiên Chúa mời gọi dân Israel và cả chúng ta ngày hôm nay thể hiện lòng trung thành với giao ước Thiên Chúa đã thiết lập, đồng thời đặt luật lệ xã hội trên giới răn "Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình" (Lv 19,18). Nếu chúng ta sống lời dạy Chúa Giêsu, chúng ta lại tìm thấy lời mời gọi trên đây với cùng một mức độ mãnh liệt, Ngài nói: "Các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành" (Mt 5,48).
Nhưng ai có thể nên trọn lành? Sống trọn lành là thi hành thánh ý Chúa trong tư cách là con. Thánh Xip-ri-a-no từng viết: "Cách hành xử của con cái Thiên Chúa phải tương hợp với tình phụ tử của Thiên Chúa bởi vì Thiên Chúa được tôn vinh và ca tụng từ những việc tốt lành của con người" (De zelo et livore, 15: CCL 3a, 83). Như thế, con người có thể trở nên trọn lành khi sống tròn đầy cương vị làm con cái Thiên Chúa. Chúa Cha làm khác chúng ta là những người bỏ người này chọn người kia. Chúa Cha làm cho mặt trời mọc lên trên người lành cũng như kẻ dữ, và cho mưa trên người công chính cũng như kẻ bất lương. Chúa Cha quan tâm đến cả hai, người lành cũng như kẻ dữ; con cái Thiên Chúa cũng phải trở nên trọn lành "như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành"(Mt 5, 48).
Xem ra có thể khó, những Chúa Giêsu đã làm gương cho chúng ta trước khi nói: "Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời" (Mt 5, 44-45). Ai đón nhận Thiên Chúa trong đời sống mình và yêu mến Người hết lòng, người ấy có khả năng bắt đầu một chặng đường mới, có thể chu toàn thánh ý Thiên Chúa hầu hiện thực hoá một hiện hữu mới được nuôi sống bởi tình yêu và hướng đến sự vĩnh cửu. Tình yêu là điều vĩ đại, chúng ta đọc thấy trong sách Gương Chúa Giêsu, một điều tốt làm nhẹ đi những nặng nhọc và nâng đỡ những điều khó khăn. Tình yêu thôi thúc ta hướng lên cao mà không còn bị vướng bận vào bất cứ điều gì thuộc trần thế.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin giúp chúng con luôn sống xứng đáng là con Cha trên Trời. Amen.