Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật Lễ Khánh Nhật Truyền Giáo

Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật Lễ Khánh Nhật Truyền Giáo

(Is 60, 1-6; 1Tm 2,1-8; Mc 16,15-20)

 

1/ ĐƯỢC RỬA TỘI VÀ ĐƯỢC SAI ĐI

(ĐTGM. Giuse Vũ Văn Thiên)

“Được rửa tội và được sai đi, Giáo Hội Chúa Kitô thi hành sứ mạng trong thế giới”, đó là chủ đề cho tháng Mười năm nay, được Đức Thánh Phanxiccô tuyên bố là “Tháng Truyền Giáo Ngoại Thường”.  Mục đích của Tháng truyền giáo ngoại thường là giúp các tín hữu thấy tính thời sự và cấp thiết của công cuộc loan báo Tin Mừng, vì lời Chúa Giêsu sai các tông đồ ra đi loan truyền Tin Mừng vẫn mang tính thời sự. Công đồng Vantican II khẳng định: “Truyền giáo là bản chất của Giáo Hội lữ hành”. Tuy vậy, trong suy tư và thực hành của số đông những người Công giáo, khái niệm “Truyền giáo” thực sự ít được để ý đến. Làm thế nào để hâm nóng nơi mỗi người tín hữu tinh thần truyền giáo, là căn bản của đời sống Kitô hữu? Đó là một trong những băn khoăn của Giáo Hội, của Đức Thánh Cha và của những vị chủ chăn ở mọi cấp độ.

Khái niệm “được sai đi” gắn liền với Bí tích Thanh tẩy. Bởi lẽ Bí tích này trao cho chúng ta ba sứ mạng quan trọng: Ngôn sứ, Tư tế và Vương đế. Chính vì thế, người giáo dân không được giữ lối suy nghĩ cũ kỹ trước đây coi việc truyền giáo là của “nhà tu” hoặc của một số người được tuyển lựa. Mỗi tín hữu đều có bổn phận thực thi sứ mạng này, tùy hoàn cảnh, khả năng và điều kiện của mình. Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, một nữ tu sống trong Đan viện Các-men, không bao giờ ra ngoài và không tiếp xúc với ai. Tuy vậy, thánh nữ có tinh thần truyền giáo, qua những ước ao cháy bỏng để “đem Thánh giá đi trồng tại mọi miền đất trên thế giới” như lời Thánh nữ đã viết. Vì vậy, Thánh nữ cộng tác vào sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội bằng lời cầu nguyện. Nhiệt huyết truyền giáo được thể hiện qua những lời cầu nguyện sốt sắng và những hy sinh trong cuộc sống hằng ngày. Vì lẽ đó, Thánh Têrêsa được đặt làm Bổn mạng các xứ truyền giáo, ngang hàng với Thánh Phanxicô Xaviê, là người rảo khắp vùng Á châu để rao giảng Tin Mừng. Qua việc chọn Thánh Têrêsa làm Bổn mạng các xứ truyền giáo, Giáo Hội khẳng định với chúng ta: hiệu quả của công cuộc truyền giáo không chỉ đến từ những hoạt động bên ngoài, mà còn đến từ lời cầu nguyện và những thao thức làm cho Chúa Giêsu được mọi người nhận biết.

Nhìn lại thực tế các cộng đoàn tín hữu Công giáo tại Việt Nam, một tác giả đã nhận định: “Giáo dân tự hài lòng và an tâm với những sinh hoạt và tổ chức nội bộ, chưa ý thức vận dụng những thuận lợi sẵn có này cho công cuộc truyền giáo. Các linh mục chuyên chăm việc mục vụ hơn là truyền giáo, ưu tiên lo cho giáo dân hơn là đi tìm lương dân, hoạt động nghiêng về điều hành hơn là mở rộng, quản lý hơn là khám phá, suy nghĩ theo lối mòn hơn là tư duy cải biến, chuộng an thân hơn là dấn thân” (Trích bài viết của Lm G.B Trương Thành Công trong buổi gặp gỡ tại Vinh từ ngày 21-23/8/2019 do UB LBTM của HĐGM VN tổ chức). Quả vậy, hầu hết nơi các cộng đoàn và các cá nhân, chúng ta hài lòng với một tổ chức ổn định trong giáo xứ, nên ít để ý tới việc “đi ra các vùng ngoại biên” như Đức Thánh Cha mời gọi.

“Tháng truyền giáo ngoại thường” đã đến phần cuối và sẽ kết thúc. Tuy vậy tinh thần truyền giáo gắn liền với đời sống đức tin của người Kitô hữu. Cũng trong bài viết được nêu trên đây, tác giả nêu ba bước trong lộ trình truyền giáo cho lương dân: tiếp cận, xây dựng yêu thương và kể lại những điều may lành Chúa làm cho bản thân, như chứng từ chân thực về đức tin và vào sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời. Phương pháp này nhằm tạo sự thân thiện đối với anh chị em không cùng tôn giáo, không mang tính chiêu dụ nhưng khiêm tốn và chân thành trình bày đức tin của mình cho người khác.

Điều cần phải thực hiện trước hết khi nói đến truyền giáo, đó là xây dựng gia đình bền vững trong đức tin và trong tình yêu thương. Một gia đình tốt sẽ có sức lan tỏa sức mạnh truyền giáo đến môi trường xung quanh. Tình nghĩa vợ chồng, mối tương quan hài hòa giữa anh chị em và các thế hệ con cháu… tất cả là một chứng từ hùng hồn và hiệu quả cho đời sống đức tin. Khởi đi từ gia đình, chúng ta liên hệ đến khái niệm “gia đình” rộng lớn hơn, tức là giáo xứ, vì giáo xứ là một gia đình lớn gồm nhiều gia đình nhỏ hợp lại. Tình liên đới hiệp thông nơi cộng đoàn giáo xứ là một trong những điều kiện căn bản để thực thi sứ mạng truyền giáo. Tiếc thay đây đó còn tồn tại những chia rẽ nghiêm trọng nơi các cộng đoàn, như phản chứng của Tin Mừng và làm méo mó hình ảnh của Giáo Hội Chúa Kitô. Những hoạt động từ thiện nhằm giúp những người cơ nhỡ, dù là người đồng đạo hay anh chị em lương dân, đều diễn tả sinh động đức Ái là cốt lõi của Tin Mừng và giúp mọi người nhận ra các tín hữu là con của Cha trên trời.

“Có một thuộc tính không thể thiếu đối với những người bước vào đời sống tông đồ. Một điều tối quan trọng và thiết yếu, đó là họ phải có đời sống thánh thiện, Bởi vì ai rao giảng Thiên Chúa thì bản thân họ phải là một người của Thiên Chúa…” (Maximum Illud, số 26). Sự thánh thiện của mỗi chúng ta là điều cần thiết để Tin Mừng của Chúa được lan tỏa trong cuộc sống hôm nay. Đó cũng là điều mỗi người phải thực hiện trước hết, nếu muốn trở nên tín hữu đích thực và những thừa sai loan báo Tin Mừng.

2/ THEO ĐẠO PHẢI CHĂNG LÀ MỘT GÁNH NẶNG

(Lm. Giuse Lê Danh Tường)

Người bổn đạo gốc sinh ra trong một gia đình Công giáo, được lãnh nhận bí tích Rửa tội từ khi còn nhỏ; lớn lên, học bổn xưng tội lần đầu, chịu phép Thêm sức; rồi khi lập gia đình thì học thêm chút ít về giáo lý hôn nhân. Ta theo đạo là vì gia đình ta có đạo. Ta giữ những luật lệ trong đạo và kể như ta đã là người có đạo. Chính vì thế mà đôi khi đạo trở nên một gánh nặng cho cuộc sống của ta, một cuộc sống vốn đã có quá nhiều khó khăn và nặng nhọc. Nhưng phải chăng theo Đạo là như thế?

Nếu theo đạo mà lại trở nên một gánh nặng thì có lẽ ta nên xem lại. Hoặc là ta đã sai lầm khi theo đạo, hoặc là ta đã sai lầm trong cách sống đạo.

Dù là người có đạo hay không có đạo, ta đều thấy rằng: khi tôi làm điều gì sai trái thì tôi cần được tha thứ, khi ta gặp khó khăn thì ta cần giúp đỡ, khi ta đổ vỡ thì ta cần sự bù đắp. Người ta chạy đến ông thần nọ bà thánh kia là để cầu xin che chở, cầu xin cứu giúp, cầu xin ban ơn, cầu xin chỉ dẫn.

Tìm đến sự trợ giúp của thần thánh là khôn ngoan. Nhưng đâu là nơi ta tìm về, đâu là nơi ta cậy dựa? Đức Giê-su, chính Ngài là Chúa và là người. Chính Ngài là Đấng mà mọi người xưng mình có Đạo đi theo. Chính Ngài là Đạo, là Đường.

Chúa Giêsu là vị thần đích thực, là Thiên Chúa đã xuống thế làm người. Ngài đã ở với ta để nói cho ta biết Thiên Chúa là thế nào và cũng nói cho ta hay làm người thì phải sống làm sao. Chính Chúa Giêsu, Ngài là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Đạo là đường. Ta theo đạo là đi theo con đường của Chúa Giêsu, sống theo cách sống của Ngài, làm theo cách Ngài đã làm, đối xử với người khác theo cách Ngài đối xử. Và hơn thế nữa, chính Ngài nâng đỡ ta trong mọi cảnh huống của cuộc đời.

Khi bạn lầm lỗi hay khi phạm tội bạn cần được tha thứ, bạn đến với Chúa Giêsu. Ngài luôn sẵn sàng tha thứ cho bạn, đón nhận bạn vào trong vòng tay yêu thương của Ngài. Bạn sẽ được bình an.

Khi bạn bị oan ức, bị sỉ nhục, bạn chạy đến với Chúa Giêsu, bạn sẽ được Ngài đồng cảm với bạn, chia sẻ với bạn. Bởi chính Ngài đã bị người ta sỉ vả, bị hiểu lầm đến độ bị kết án tử hình trên cây thập giá một cách oan uổng.

Bạn bị đổ vỡ cần được hàn gắn, bạn đến với Chúa Giêsu bạn sẽ được Ngài yêu thương vỗ về và hàn gắn vết thương cho bạn. Ngài sẽ làm cho bạn trở nên phong phú hơn bạn tưởng.

Khi bạn có những tâm sự mà không biết nói với ai, bạn đến với Chúa Giêsu, Ngài luôn sẵn sàng lắng nghe bạn và cảm thông với bạn.

Nếu bạn đang lâm cảnh túng bấn, đói khổ, bạn đến với Chúa Giêsu, bạn sẽ gặp Ngài, một Đấng vốn là Thiên Chúa nhưng đã sống một kiếp người nghèo khổ tột cùng: sinh ra trong hang đá bò lừa, sống nơi thôn giã, lang thang không nơi gối đầu và chết nhục nhã, tàn tạ trên cây thập giá. Bạn sẽ nhận thấy giá trị đích thực của cuộc sống và tìm ra lối thoát cho cuộc đời.

Khi bạn bị người mà mình hết mực yêu thương quay lại phản bội bạn, bạn đến với Chúa Giêsu bạn sẽ được Ngài yêu thương và chia sẻ với bạn. Bởi chính Ngài đã yêu thương con người ta, yêu đến tột cùng, yêu đến chết vì người yêu. Thế nhưng biết bao con người đã phản bội lại tình yêu của Ngài, quay lại sỉ vả Ngài thậm tệ.

Bạn đang cần sự chỉ dẫn, bạn đến với Chúa Giêsu, Ngài sẽ chỉ dẫn cho bạn. Hơn nữa, Ngài còn tìm cách giúp đỡ bạn, tiếp sức cho bạn để bạn đạt đến điều Ngài chỉ dẫn. Nếu cần một bằng chứng để chứng minh cho sự thật mà Ngài chỉ dẫn thì Chúa Giêsu đã lấy cái chết của mình, lấy chính mạng sống mình để làm chứng cho sự thật ấy.

Theo đạo là thế, là đi theo Đức Giêsu, là gặp gỡ Ngài, là sống với Ngài, là chia sẻ với Ngài, là kết hiệp với Ngài mọi nơi mọi lúc trong cuộc sống của ta, chứ không phải chỉ trong nhà thờ lúc đi lễ mà thôi. Theo đạo không phải chỉ để giữ một số luật lệ trong đạo cho qua. Nhưng theo đạo là sống một cuộc sống gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu.

Thế nhưng, ta thử nhìn xem đã có bao nhiều người gặp gỡ Chúa Giêsu, bao nhiêu người sống gắn bó với Chúa Giêsu. Xung quanh ta còn hàng vạn hàng vạn người chưa được biết về Chúa Giêsu. Nếu ta đã nhận biết Chúa Giêsu mà ta không giới thiệu Ngài cho những người đang sống xung quanh ta thì ta đã sống quá ích kỷ chăng: thấy hay, thấy tốt mà chỉ biết khư khư giữ cho mình.

Trong những câu chuyện hàng ngày với hàng xóm, trong những giờ giải lao nơi công sở với đồng nghiệp, trong những giờ ra chơi với các bạn cùng lớp tại sao lại không nói về Chúa Giêsu? Việc nhận biết Chúa Giêsu sẽ đưa ta đến sự nhận biết nhau là anh em con một Cha trên Trời. Đẹp làm sao khi mọi người cùng sống yêu thương, đùm bọc nhau theo gương Chúa Giêsu, trong tình yêu của Chúa Giêsu. Truyền giáo là ra đi giới thiệu cho người khác biết về Chúa Giêsu để mọi người cùng trở về đón nhận nguồn ơn cứu độ mà Thiên Chúa đã thực hiện cho ta.

Lạy Chúa Giêsu, xung quanh chúng con còn hàng vạn, hàng triệu người chưa được biết đến Chúa. Xin Chúa hun đúc tâm hồn chúng con để chúng con biết can đảm nói về Ngài cho mọi người đang sống xung quanh chúng con.

3/ CÁCH THỨC TRUYỀN GIÁO

(Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)

Hôm nay ngày khánh nhật truyền giáo, chúng ta nghe âm vang lời mời gọi của Chúa vẫn còn vang vọng tới hôm nay: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”. Chúa không nói riêng một ai. Chúa mời gọi tất cả. Chúa không đòi hỏi khả năng, bằng cấp, học vị mà chỉ cần có nhiệt huyết làm tông đồ cho Chúa. Chúa cũng không đòi hỏi người truyền giáo phải hiểu biết tín lý thần học sâu xa, hay luân lý uyên thâm, Chúa chỉ cần có lòng quảng đại dấn thân mở mang nước Chúa. Chúa đã sai 72 môn đệ ra đi với đôi bàn tay trắng, thế mà khi trở về ai cũng vui mừng vì thành quả họ đã đạt được. Chúa đã thưởng công cho mỗi người như nhau, không phân biệt người đến sớm, kẻ đến muộn, người đạo gốc hay mới theo đạo. Từ người thợ giờ thứ 9 cho tới giờ thứ 11 đều được ân thưởng theo lòng nhân từ của Chúa.

Vậy đâu là cách thức truyền giáo hữu hiệu nhất cho người tông đồ của Chúa?

Thánh Gioan Tông đồ đã viết: “Ngôi lời đã hoá thành nhục thể và cư ngụ giữa chúng ta”. Chúa Giêsu là Lời hằng sống gieo vào thế gian, nhưng Lời đã mang lấy xác phàm giống như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Ngôi Lời đã trở thành nguồn ơn cứu độ để những ai tiếp xúc với Ngài đều có thể nhận lãnh được sự sống dồi dào cả tinh thần lẫn thể xác. Ngôi Lời đã mặc lấy thân phận con người, để có thể gần gũi, cảm thông và chia sẻ với những khổ đau của con người. Cuộc sống của Ngài đã trở thành trở thành lẽ sống cho con người, “Sống để yêu thương”, và Ngài đã đi trọn con đường tình yêu là “dám chết cho người mình yêu”. Vì vậy, cách thức duy nhất mà Chúa trối lại cho chúng ta là “anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Lời Chúa và giáo huấn của Chúa phải trở thành cung cách sống của người tín hữu. Một đời sống bác ái yêu thương mới thực sự là phương thế hữu hiệu nhất để giới thiệu về Chúa cho tha nhân. Lời nói và việc làm phải đi đôi với nhau. Mang danh kytô hữu và sống đời kytô hữu phải nên một trong con người có đạo mới thực sự trở thành chứng nhân cho Chúa.

Vì vậy, Truyền giáo không thể chỉ đi lễ, đọc kinh cầu nguyện là xong bổn phận chứng nhân cho Chúa. Nếu như thế mới chỉ là hành vi trả lại công bằng cho Chúa, vì việc tạ ơn là hành vi đền đáp lại ân ban của Thiên Chúa dành cho con người. Truyền giáo không phải là việc tuân giữ các giới răn của Chúa. Nếu như thế mới là giữ đạo chứ chưa truyền đao. Truyền giáo không phải là nói thật hay, thuyết trình thật hùng hồn là có thể đem nhiều người về với Chúa. Nếu như thế mới chỉ là tiếp thị chứ chưa mang đạo vào đời như muối như men ướp mặn trần gian.

Trong thông điệp “khánh nhật truyền giáo 2006”, Đức Thánh Cha Bênedictô 16 đã viết: “Sứ mạng truyền giáo, nếu không được định hướng bởi Lòng mến, nếu không phát sinh từ một hành động sâu xa của tình yêu thần thiêng, thì sứ mạng đó liền bị rút gọn về chỉ còn như là một hành vi nhân ái và xã hội không hơn không kém. Tình yêu mà Thiên Chúa có đối với mỗi người, kết thành trung tâm của kinh nghiệm sống và loan báo Phúc Âm”.

Như vậy, Đức Thánh Cha đã tái khẳng định cách thức mà Chúa Giêsu muốn chúng ta đi đó là thực hành bác ái. Không có lòng mến thì không thể trở thành nhân chứng cho niềm tin của mình. Yêu Chúa luôn đi liền với yêu mến tha nhân. Và thánh Phaolô còn quả quyết “Lòng mến chính là sợi giây ràng buộc chúng ta nên một với Đức Kytô”.

Hôm nay nhân ngày khánh nhật truyền giáo, chúng ta hãy rà xét lại lòng mến của chúng ta đã trở nên dấu chỉ của người kytô hữu hay chưa? Ngày xưa cộng đoàn tín hữu tiên khởi họ đã sống thật hiệp nhất với nhau, ngày ngày họ đến hội đường để nghe các tông đồ rao giảng. Họ chia sẻ đời sống hằng ngày với nhau, để không ai phải thiếu thốn. Họ được toàn dân thương mến và ngày càng có thêm nhiều người gia nhập Giáo Hội. Ước gì cộng đoàn xứ đạo chúng ta cũng được những người chung quanh nhìn bằng ánh mắt trìu mến, đầy thiện cảm và tôn trọng, và ngày càng có những người muốn sống đời kytô hữu như chúng ta. Amen.

4/ ĐỜI SỐNG CHỨNG NHÂN

Hôm nay, ngày thế giới truyền giáo. Chúng ta cùng tìm hiểu xem: Truyền giáo là gì? Chúng ta phải truyền giáo thế nào?

Trước hết, truyền giáo là gì? Truyền là truyền bá, truyền thông, chuyển giao, rao giảng, loan truyền… Giáo là giáo lý, đạo giáo, Tin Mừng, Phúc âm… Truyền giáo là truyền bá đạo, là rao giảng Phúc âm, là loan truyền chân lý của Chúa cho người khác. Đó là ý nghĩa thứ nhất, nghĩa hẹp, nghĩa chặt và chính xác. Đàng khác, truyền giáo còn có nghĩa là lập những cộng đoàn Kitô hữu trong đức tin, trong phụng tự Thánh Thể, bác ái như Giáo hội mong muốn. Nói khác đi, truyền giáo là “trồng” Giáo hội vào các dân tộc, các địa phương, cho đến khi những người trong địa phương ấy trở nên tín hữu, thành một đoàn chiên. Theo ý nghĩa này, truyền giáo không phải chỉ là truyền bá một số giáo lý, nhưng là truyền thông sự sống của Chúa cho anh em khác, vì Thiên Chúa là Đấng hằng sống, đạo Chúa là đạo sự sống, là nguồn sống, có khả năng thay đổi, biến cải những con người từ không có Chúa trở thành có Chúa, từ mất Chúa trở thành tìm lại được Chúa. Truyền giáo theo nghĩa này là truyền sự sống của Chúa Kitô mà chúng ta đã có sang cho anh em mình, như thân cây nho chuyển nhựa sống sang cho cành nho. Sau hết, truyền giáo còn có một nghĩa nữa là củng cố, tăng cường, huấn luyện đức tin cho một cộng đoàn, cho các tín hữu, để họ lại ra đi truyền giáo cho những người khác.

Những ý nghĩa trên đây cho thấy hai chiều của việc truyền giáo: chiều rộng và chiều sâu. Nếu làm cho những người chưa biết Chúa hoặc những người biết mà đã bỏ Chúa, được nhận biết và yêu mến Chúa. Đó là truyền giáo theo chiều rộng, là mở rộng nước Chúa và làm tăng thêm số người thờ phượng Chúa. Còn nếu làm cho những người đã biết và yêu mến Chúa được hiểu biết và yêu mến Chúa hơn, để rồi họ lại tiếp tục làm những công việc ấy nơi những người khác. Đó là truyền giáo theo chiều sâu, vì làm cho nước Chúa được vững chắc hơn và làm tăng thêm số người Công giáo sốt sắng, đạo đức.

Việc phân biệt ý nghĩa như trên đây rất quan trọng để chúng ta hiểu rõ hơn việc truyền giáo, vì truyền giáo không phải chỉ có nghĩa là làm cho những người ngoại, những người lương, những người chưa biết được biết và yêu mên Chúa, nhưng còn có nghĩa là truyền giáo cho cả những người Công giáo sống trong một họ, một xứ với chúng ta nữa. Chúng ta phải sống một đời đạo đức, sốt sắng, thánh thiện để làm gương tốt cho họ, để giúp cho họ thêm lòng yêu mến và tôn kính Chúa.

Đó là ý nghĩa của việc truyền giáo. Và như vậy tất cả chúng ta đều có nhiệm vụ truyền giáo. Việc truyền giáo không của riêng ai và không phải là một việc làm tùy sở thích, muốn làm hay không cũng được. Nhưng đây là một bổn phận, một nhiệm vụ bắt buộc. Mỗi người chúng ta phải coi đây là vấn đề sống đạo, là vấn đề sinh tồn của Giáo Hội và là trách nhiệm của chính mình.

Vậy chúng ta phải truyền giáo thế nào? Có rất nhiều cách. Chúng ta muốn dùng cách nào cũng được, nhưng nhất thiết phải thi hành hai cách này là cầu nguyện và đời sống chứng nhân: Cầu nguyện cho việc truyền giáo là cách thức rất quan trọng: cầu nguyện cho những người đi truyền giáo, cầu nguyện cho mọi người mở rộng lòng sẵn sàng đón nhận ơn Chúa, Lời Chúa. Cụ thể như thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, cả đời không đi đâu truyền giáo, chỉ ở trong bốn bức tường dòng kín cầu nguyện cho việc truyền giáo. Thế mà Giáo Hội đã tôn phong ngài là quan thầy các nơi truyền giáo, ngang hàng với thánh Phanxicô Xaviê. Xin anh chị em hãy suy nghĩ: Chúng ta có thường xuyên thi hành việc này không? Chúng ta có cầu nguyện cho việc truyền giáo không? Nếu không thì đó là tội thiếu sót, bỏ việc phải làm. Thứ hai là truyền giáo bằng chính đời sống chứng nhân của mình: Đây là cách truyền giáo tốt nhất và hữu hiệu nhất, đó là truyền giáo bằng đời sống tốt đẹp của chúng ta. Một đời sống đạo đức, chân thành, cởi mở, yêu thương là một tấm gương sáng trước mặt mọi người. Một đời sống tốt đẹp có sức lôi cuốn hơn những lời nói hay, vì “Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo”. Chúng ta hãy suy nghĩ: đời sống chúng ta hiện nay có làm chứng cho Chúa, cho đạo không?

 

bài liên quan mới nhất

Thánh Catherine Thành Siena: Đặc sủng Chữa Lành và Hộ Giáo

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng