Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm A
( Is 2, 1-5; Rm 13, 11-14; Mt 24, 37-44)
"Hãy tỉnh thức để sẵn sàng".
1/ KHÁT VỌNG TRỜI CAO
(ĐTGM. Giuse Vũ Văn Thiên)
Chúng ta đã bước sang năm Phụng vụ mới, mà khởi đầu là Mùa Vọng. Có lẽ mọi tín hữu đều biết đến bài thánh ca quen thuộc: “Trời cao hãy đổ sương xuống…”. Bài thánh ca diễn tả niềm khát vọng sâu xa của Dân riêng, mong đợi Chúa thực hiện lời hứa của Ngài mà ban Đấng Cứu thế. Đó là niềm khát vọng hướng về trời cao. Như đất khô mong nước nguồn, trần gian mong đợi Đấng Cứu tinh.
Sống ở đời, ai cũng có khát vọng. Khát vọng hay hy vọng là hướng về những điều tốt đẹp sẽ đến trong tương lai. Niềm khát vọng nuôi dưỡng ý chí và tạo nghị lực cho con người. Ai cũng khát vọng có một cuộc sống ổn định và một tương lai tươi sáng. Đó là những khát vọng chính đáng.
Mùa Phụng vụ đầu năm mang tên Mùa Vọng. Trong thời gian này, Giáo Hội gợi lại cho chúng ta tâm tình hy vọng đợi chờ của dân Israen. Mặc dù trải qua những giai đoạn vô cùng khó khăn, kể cả trong thời lưu đầy, dân Israen vẫn mong đợi Đấng Cứu thế. Họ tin vào lời Chúa hứa với tổ tiên họ. Họ chắc chắn Thiên Chúa sẽ không rút lời, vì Ngài là Đấng trung tín.
Trong Mùa Vọng, các Kitô hữu sống tinh thần chờ đợi của Dân Israen. Họ tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Cứu độ mà Thiên Chúa đã hứa từ ngàn xưa. Những gì các ngôn sứ đã tiên báo trong Cựu ước đều đã được thực hiện nơi Đức Giêsu thành Nagiarét, vị ngôn sứ có quyền năng trong lời nói và việc làm. Nếu ngôn sứ Isaia tiên báo nhân loại sẽ đúc gươm đao thành cuộc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái, thì Chúa Giêsu lại đề nghị một thế giới huynh đệ lấy đức yêu thương làm luật sống và làm nền tảng cho mọi hành động của con người.
Ngôn sứ Isaia say sưa chiêm ngưỡng và diễn tả thành thánh Giêrusalem trong tương lai. Giêrusalem sẽ là trung tâm thế giới, sẽ là Nhà của Thiên Chúa, nơi muôn dân quy hướng về. Isaia đệ nhất là vị ngôn sứ sống ở hậu bán thế kỷ thứ tám trước Công nguyên. Thời đó, Giêrusalem là thủ đô, là trung tâm chính trị, văn hoá và tôn giáo của dân Do Thái. Hằng năm người Do Thái tuốn về thánh đô để hành hương cầu nguyện. Nhưng sẽ có ngày vinh quang của thành thánh vượt qua mọi biên giới để đến với thế giới. Đức Giêsu là Ánh sáng trần gian. Người đã đến để xoá tan bóng tối đêm đen, chiếu rọi ánh sáng tới khắp mọi miền thế giới. Ngày hôm nay, một phần lớn dân số thế giới đều tin nhận Đức Giêsu. Dù những thực hành đức tin có phần giảm sút, nhưng họ vẫn tin rằng Đức Giêsu là Đấng trung gian của lịch sử. Như thế, có thể nói hình ảnh thành Giêrusalem mà ngôn sứ Isaia đã thấy trong thị kiến nay đã thành hiện thực. Giáo Hội của Chúa Kitô chính là thành Giêrusalem đích thực. Công đồng Vatican II đã khẳng định Giáo Hội là ánh sáng muôn dân. Giáo Hội có mục đích loan báo Đức Giêsu, và nhờ ánh sáng Đức Giêsu, Giáo Hội dẫn đưa nhân loại tìm về chân hạnh phúc. Giáo Hội không phải Nước Trời, nhưng tiếp nối sứ vụ loan báo Nước Trời mà Chúa Giêsu đã khai mở ở trần gian.
Để Giáo Hội toả sáng, mọi thành viên của Giáo Hội được mời gọi sống thánh thiện và đạo đức, nghĩa là tỉnh thức. Đức Giêsu đã trích dẫn nhân vật ông Nôê trong Cựu ước. Xã hội hôm nay cũng giống như thời ông Nôê. Người ta vẫn lo lắng việc đời, vẫn ăn uống và vẫn cưới vợ gả chồng. Những sinh hoạt này tự nó không phải là tội. Vấn đề ở chỗ, người ta coi những sinh hoạt ấy như đích điểm tối hậu của cuộc đời và dửng dưng với sứ điệp sám hối của Chúa. Bản thân ông Nôê là một thông điệp Chúa muốn gửi đến cho nhân loại lúc bấy giờ. Việc ông đóng tàu trước bàn dân thiên hạ như một lời cảnh báo những tai ương sẽ đến do cơn giận của Thiên Chúa, nhưng những người đương thời vẫn dửng dưng làm ngơ. Qua nhân vật ông Nôê, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta tỉnh thức để nhận ra những dấu chỉ của quyền năng Thiên Chúa. Nhiều người hỏi rằng sao chờ đợi mãi mà không thấy ngày tận thế hoặc không thấy các dấu chỉ Chúa Giêsu loan báo được thực hiện. Nếu ngày tận thế chưa đến với toàn thể vũ trụ, thì ngày ấy lại đang đến gần mỗi chúng ta. Đó là lúc chúng ta kết thúc hành trình cuộc đời để gặp gỡ Chúa. Lúc đó chúng ta phải trình bày với Ngài về những hành động chúng ta đã làm khi sống trên dương thế. “Anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em sẽ đến”. Chúa Giêsu nói đến một tương lai. Tương lai ấy lại không biết lúc nào, nhưng chắc chắn sẽ đến. Thiên Chúa đang đến gần chúng ta, nên chúng ta phải loại bỏ những việc làm đen tối và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. Thánh Phaolô khuyên chúng ta như thế. Mang vũ khí của sự sáng, đó chính là sự tỉnh thức, khôn ngoan. Đó cũng là lòng mến Chúa yêu người mà Chúa Giêsu dạy chúng ta.
“Maranatha, lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến!” (Kh 22,20). Đó là lời kết của sách Khải Huyền, cũng là cuốn sách cuối cùng của bộ Kinh Thánh. Đó cũng là tâm tình của chúng ta, tâm tình hướng về trời cao với những khát vọng tốt đẹp trong cuộc sống. Cùng với những khát vọng về một cuộc sống ổn định bình an, chúng ta hãy hướng về Đấng Emmanuel. Người sẽ lấp đầy những khát vọng sâu xa của chúng ta.
2/ SẴN SÀNG ĐÓN CHÚA
(ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)
Hôm nay cung thánh đượm vẻ u buồn. Bàn thờ đạm bạc không hương hoa. Lễ phục mang màu tím. Màu tím của lặng lẽ hy sinh. Màu tím của âm thầm cầu nguyện. Màu tím của tha thiết đợi chờ. Màu tím ấy nhắc cho ta biết: hôm nay ta đã bước vào mùa Vọng.
Mùa Vọng là mùa đợi chờ. Đợi chờ Chúa đến cứu độ ta. Cuộc đời ta quá nhiều đau khổ, quá nhiều tội lỗi, quá nhiều bế tắc. Chỉ có Chúa mới có thể thay đổi đời ta, giải thoát ta khỏi ách nô lệ tội lỗi, đưa ta vào tình trạng thánh thiện của con cái Chúa.
Như thế mùa Vọng cũng là mùa hy vọng. Đợi chờ chính là hy vọng. Như thế trong màu tím buồn chờ đợi đã thấy thấp thoáng màu xanh hy vọng vui tươi. Nhưng làm sao để màu tím biến thành màu xanh? Làm sao nắm bắt được niềm hy vọng? Làm sao gặp được Chúa khi Người ngự đến? Lời Chúa sẽ hướng dẫn ta sống tinh thần mùa Vọng này.
Trong tuần thứ nhất mùa Vọng, Chúa Giêsu khuyên ta noi gương tổ phụ No-e. Tổ phụ No-e đã được cứu thoát khỏi nạn hồng thủy nhờ thái độ sống tích cực trước lời hứa của Chúa. Thái độ tích cực đó gồm hai điểm hỗ tương.
1) Chiếu ánh sáng hy vọng tương lai vào cuộc đời tối tăm hiện tại
Người ta sống nhờ hy vọng. Không có hy vọng, không ai sống nổi ở đời. Cuộc đời phù du mau qua. Cuộc đời tràn ngập đau khổ. Cuộc đời quá nhiều thử thách. Nhờ hy vọng con người mới có thể tiếp tục sống, làm việc, thăng tiến.
Chính vì hy vọng một mùa gặt bội thu mà người nông dân không ngại dầm sương dãi nắng, thức khuya dậy sớm, cần cù cày bừa, gieo vãi và vun tưới.
Chính vì hy vọng đậu đạt mà học sinh, sinh viên không ngại vất vả, ăn uống đơn sơ, giảm bớt vui chơi, đêm đêm chong đèn đọc sách.
Chính niềm hy vọng được cứu thoát đã giúp tổ phụ No-e có đủ can đảm và kiên nhẫn, đầu tư thời giờ và công sức để đóng một con tàu lớn như thế. Niềm hy vọng được nuôi dưỡng bằng lời hứa của Chúa. Tin tưởng vững vàng vào Lời Chúa, tổ phụ No-e sống tràn đầy niềm hy vọng vào tương lai. Niềm hy vọng đó giúp Ngài vượt qua những khó khăn hiện tại.
2) Sống tích cực giây phút hiện tại để chuẩn bị cho tương lai.
Niềm hy vọng vào tương lai giúp ta thêm can đảm. Nhưng nó không cho phép ta thoát khỏi cuộc sống hiện tại. Niềm hy vọng tách rời khỏi thực tế sẽ trở thành ảo vọng. Vì thế muốn đạt tới niềm hy vọng tương lai, ta phải tích cực sống phút giây hiện tại. Phải tích cực làm việc cho tương lai.
Người học trò muốn có tương lai tươi sáng không thể chỉ ngồi đó chờ đợi, nhưng phải ngày đêm chăm lo học hành.
Người nông phu muốn có mùa gặt bội thu không thể khoán trắng công việc đồng áng cho trời đất. Nhưng phải cần cù chăm chỉ dầm mưa dãi nắng.
Tổ phụ No-e không ngồi khoanh tay chờ Chúa đến cứu, nhưng đã bắt tay vào việc. Ngài làm việc cật lực, bất chấp những lời dèm pha, dị nghị của những người chung quanh.
Tục ngữ Pháp có câu: Hãy tự giúp mình, rồi Trời sẽ giúp. Tổ phụ No-e đã thực hiện đúng như thế. Ngài đã dồn hết công sức vào việc chuẩn bị tương lai. Và Chúa đã cứu Ngài như lời đã hứa.
Đời sống ta là một mùa Vọng kéo dài. Mùa Vọng trần gian muốn phủ ta trong màu tím buồn của những gian nan thử thách, những thất bại, những chán nản, lo âu, nghi ngờ, mệt mỏi. Ta hãy noi gương tổ phụ No-e, tin tưởng vững chắc vào lời Chúa hứa. Lời Chúa sẽ chiếu ánh sáng hy vọng tương lai vào những tăm tối u buồn hiện tại. Như tổ phụ No-e, ta không ngồi khoanh tay chờ đợi, nhưng tích cực làm việc bổn phận trong hiện tại. Làm mọi việc thường ngày với lòng tin tưởng vững chắc. Làm những việc nhỏ mọn với tình mến Chúa yêu người tha thiết. Đó chính là cách ta sẵn sàng chờ đón Chúa đến. Đó chính là ta tỉnh thức không bị lỡ cơ hội khi Chúa đến.
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến. Amen.
GỢI Ý SUY NIỆM
1) Có nhiều người chỉ quan tâm tới đời sau mà không chịu làm việc hiện tại. Có nhiều người lại chỉ lo làm ăn sinh sống mà không nghĩ đến đời sau. Bạn nghĩ sao về hai thái độ đó?
2) Ta phải sống thế nào để chu toàn nhiệm vụ hiện tại với bản thân, với gia đình mà không quên Chúa, không quên phần linh hồn của mình?
3) Tuần này, bạn sẽ làm gì để chuẩn bị đón Chúa đến?
3/ ÂM VANG MÙA VỌNG
(Lm. Giuse Lê Quan Trung)
Thiên tai, địch họa, bão lũ, cuồng phong trong thời gian gần đây đã gieo bao tai ương! Đã gây bao đổ vỡ! Đã cướp bao sinh mạng! Đã vùi bao mái ấm! Tại trời? Tại đất? Tại đời?
Cuộc sống ngày càng mang tới nhiều nơm nớp lo âu: bạo hành từ gia đình! Bạo lực nơi học đường! Bạo ngược trong cuộc sống! Bạo thiên nghịch địa mất hết nghĩa nhân! Tại Trời? Tại đất? Tại đời?
Đạo đức ngày càng thêm tuột dốc! Nhân cách ngày càng lúc nhạt phai! Lọc lừa ngày một thêm táo tợn! Tình đời ngày tráo trở liên hồi! Nào phải tại trời! Đâu phải tại đất! Cũng chẳng tại đời! Mà tại lòng người không thích lắng nghe lời hay, không muốn đi vào đường thiện, không cùng hòa nhịp yêu thương!
Tất cả những điều bất hạnh ấy đã được vị Mục Tử nhân lành Giêsu cảnh báo từ ngàn xưa: “Hãy tỉnh thức!”(Lc 21,36); ” Sẽ có những điềm lạ trên trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẻ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét”(Lc 21,25).
“Hãy tỉnh thức”: – để sống cho ra sống, sống có mục đích, có lý tưởng, cố gắng hoàn thiện đời mình!
“Hãy tỉnh thức”: – để tỉnh táo phân biệt chính- tà; tội- phước; cố gắng thoát kiếp “con”để sống đẹp kiếp “người”!
“Hãy tỉnh thức”: – để làm vui lòng cha, để làm mát dạ mẹ, để gia đình luôn là bến đậu vững chắc trước bão đời đang vùi dập tình thân huyết thống; đang phá tan đạo Hiếu gia phong; đang hủy hoại nếp đời nếp đạo.
Lũ lụt miền trung
Bởi từ lòng tham không đáy, mà chính mình đã gây họa cho nhau: rừng không còn bóng râm ươm mát, giữ nước chặn nguồn, nên lũ trôi nước cuốn là lẽ đương nhiên! Những dãy núi xanh thẫm bị khai thác vô tội vạ, còn biết lấy đâu ra bức bình phong ngăn cơn thịnh nộ của cuồng phong, nên đồi sạt đá lở nào phải tại trời? Nếu đủ tỉnh thức, bao dòng sông đã không ô nhiễm! Bao khí trời đâu mất tinh khôi! Bao kiếp người đâu vương nhiều mầm bệnh!
Do từ lòng tham không đáy, mà chính mình đã giết chết đời nhau: bao cô gái chàng trai, bỗng trở thành món hàng bị bán buôn, trao đổi, bị xóa đi nhân phẩm một thời! Danh- Lợi- Thú đã giết chết đường tương lai rạng rỡ. Đam mê, dục vọng, bạc tiền, quyền lực đã dìm chết bao lứa tuổi mộng mơ!
Rồi cũng từ lòng tham không đáy, nơi được gọi là rèn đúc nền tảng đạo đức làm người, đã đâm thủng cái tâm của bao nhà giáo chân chính: loạn học đường cũng do thiếu Tỉnh Thức từ đầu. Nỗi đau này ai gánh, ai mang?
Mùa Đông se lạnh đang về. Mùa Vọng chờ mong một cuộc hoán chuyển lòng người đã tới. Có mấy ai muốn nghe lời nhắn nhủ đầy yêu thương của Đấng muốn ban mầm sống vĩnh cửu cho mình: “Hãy tỉnh thức đi con! Hãy quay về đi con! Hãy can đảm đi đến tận cùng của sự lột xác, để đời không còn bị trói buộc trong ganh tỵ, trong thù hận, trong ghen tương, trong tính toán tom góp vật chất mà quên rằng: cuộc sống này rồi cũng qua đi nhưng điểm dừng đâu chỉ là cái chết! Nếu nghĩ vậy, con chỉ mới đi hết phần “con” chứ đâu đã hưởng trọn vẹn phần “người”!
Nếu sống phút giây hiện tại như giây phút cuối đời mình: Chắc không mấy ai mãi mê chạy theo danh vọng!
Nếu sáng thức dậy mà biết hoàng hôn chưa xuống thì cuộc đời mình sẽ không thấy ngày mai: chắc chẳng mấy ai đắm chìm trong biển vàng rừng bạc!
Nếu sống mà tỉnh thức như thế, tận thế hay không cũng chẳng còn là nỗi âu lo! Cuộc sống mỗi ngày sẽ trở nên niềm vui hạnh phúc! Nỗi lo lắng cơm- áo- gạo- tiền không còn là gánh trĩu nặng trên vai!
Chúa không cảnh báo, răn đe, mà Chúa đang khuyên nhủ, đang mời gọi, đang mở đường để ta không phải lệch đường, sai lối trên con đường lữ hành hoàn thiện kiếp người! Âm vang đầy yêu thương ấy; lời mời gọi đầy ân tình ấy; có phút nào ta mở rộng tim mình để cảm nhận, để đáp trả, để Chúa có thể vào trú ngụ không đây?
4/ SỐNG TỈNH THỨC
(Lm Jos. Tạ Duy Tuyền)
Người Việt Nam có câu “nước tới chân mới nhảy” thì quá trễ. Người Miền Trung đã quá thấm thía câu nói này qua những ngày tháng lũ lụt kéo dài suốt gần 1 tháng qua. Không có lương thực dự trữ, đa phần phải sống trong cảnh thiếu thốn, bữa no bữa đói. Có những nơi chỉ còn biết trông chờ ở những đoàn cứu trợ từ khắp nơi mang đến. Không ai nghĩ rằng lũ lụt lại quá kinh khủng như vậy. Thế nên, họ vẫn ăn uống, vẫn vui chơi, vẫn không cần tích trữ cho ngày mai. Họ đâu ngờ rằng có những ngày “gạo quế củi châu”, khiến họ phải đói khổ cơ hàn, để rồi phải ngửa tay van xin lòng thương xót của người khác. Họ đâu ngờ rằng những gì họ tích luỹ, cất dấu lại bị nước cuốn trôi và trở nên trắng tay lại hoàn trắng tay. Xem ra trên thế gian này chẳng có gì an toàn, chẳng có gì trường cửu. Tất cả đều mong manh, kể cả kiếp người cũng mong manh như loài hoa trước gió, đến độ “một cơn gió thoảng cũng làm nó biến đi. Nơi nó mọc cũng không còn mang vết tích”.
Hôm nay, Lời Chúa nhắc nhở chúng ta hãy tỉnh thức đừng để ngày khốn đốn xảy đến mà chẳng hay biết gì, như “thời ông Noe, người ta vẫn ăn uống, vẫn cưới vợ, lấy chồng”. Người ta tưởng rằng thế giới mãi mãi là thế, chẳng có gì thay đổi, chẳng có gì phải lo, phải sợ. Chỉ có một mình Noe, ông đã vượt ra khỏi thói quen của mọi người. Một mình ông đóng tàu. Một mình ông chuẩn bị đối phó với tai hoạ sẽ xảy đến cho ông và cho toàn thế giới. Và vì vậy, cũng chỉ một mình ông và gia đình lên tàu, còn những người khác vẫn ăn uống, vẫn đàn hát cho đến khi cơn hồng thủy đến và nhậm chìm vạn vật và hàng triệu sinh linh trên mặt địa cầu.
Mùa vọng là mùa đợi chờ, mùa trông mong. Người ta trông mong quà cáp, thư từ, tiền lương, xum họp gia đình nhân dịp lễ Noel. Người tìn hữu được mời gọi trông mong ngày Chúa quang lâm. Ngày đó sẽ đến, nhưng không biết khoảng thời gian nào. Ngày đó sẽ đến như kẻ trộm. Ngày đó sẽ đến một cách bất chợt và thình lình. Sự khôn ngoan luôn nhắc nhở chúng ta là hãy tỉnh thức để luôn sẵn sàng đón chờ ngày đó sẽ đến.
Ngày xưa có một ông cụ già cố cứu kinh thành Sôđôm khỏi bị Chúa tiêu diệt bằng cách mỗi ngày đi gặp người dân trong thành để cảnh cáo và kêu gọi mọi người tin Chúa, thờ Chúa cho khỏi bị tiêu diệt. Không ai chịu nghe lời ông cụ mà còn chế diễu là mê tín dị đoan nữa. Ông cụ vẫn bền chí đi hết nhà này sang nhà nọ để kêu gọi họ thống hối ăn năn. Thấy chuyện vô tích sự của cụ, nên có người hỏi:
– Tại sao cụ nói cho họ biết làm gì cho mệt. Họ có nghe cụ và thay đổi gì đâu? Nói với họ cũng như nước đổ đầu vịt!
Ông cụ bình tĩnh đáp:
– Có lẽ tôi không thuyết phục nổi ai, cũng không thay đổi được ai đâu. Nhưng làm như thế cũng là giúp tôi, đừng lao vào cuộc sống sa đoạ như họ.
Câu truyện kể trên chỉ là một dụ ngôn. Nhưng trên thực tế ông Lót ngày xưa sống trong kinh thành Sôđôm. Chính là ông già đó.
Trong thư thứ hai của thánh Phêrô có ghi rằng: “Chúa cứu Lót ra khỏi Sôđôm vì ông là người công chính, tâm hồn luôn luôn bị dày vò vì những cảnh đồi bại luân lý diễn ra hàng ngày quanh mình.
Ông Lót sinh sống tại vùng Sôđôma. Khi Sôđôma bị các nước lân bang xâm chiếm, Lót bị bắt đi. Abraham là chú phải ra tay tiếp cứu Lót. Nhưng Lót vẫn về sống ở kinh thành Sôđôma. Khi Chúa quyết định giáng tai họa xuống kính thành Sôđôma, Abraham đã cầu xin Chúa giải cứu, nhưng vì Sôđôma không có đến mười người kính thờ Chúa, nên đã bị tiêu diệt. Trước khi tai họa xảy ra, có hai thiên sứ của Chúa đến giải cứu Lót. Nhưng ông ta vẫn còn lần lữa. Khi đã ra khỏi Sôđôm, bà vợ ông Lót còn ngoái lại nhìn và đã bị biến thành tượng muối.
Vâng, trong thế giới ngày nay, tình trạng sa đoạ và trụy lạc ngày càng nhiều và lan rộng, đến độ người ta cho rằng phải sống đồi trụy mới là tiến bộ. Chẳng hạn như: quan hệ trước hôn nhân, đồng tính luyến ái, ngoại tình, phá thai và các sách báo, phim, băng hình đồi trụy mỗi ngày đều gia tăng, mặc dù cơn đại dịch Sida, aid đã tiêu diệt hàng trăm ngàn người mỗi năm, thế nhưng nhiều người vẫn nhắm mắt làm ngơ, vẫn lao vào cuộc sống hưởng thụ, sa đoạ, bất chấp lề luật, bất chấp tai họa. Cuộc sống sa đoạ đến mức Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II đã than thở rằng: “cái đáng buồn của thế giới ngày này, đó chính là mất ý thức về tội, người ta không còn nghĩ đến tội phúc, và cũng chẳng cần nghĩ đến danh dự của phẩm giá con người, người ta chỉ cần thoả mãn nhu cầu dục vọng của mình đến độ bất chấp cả lề luật mà Thượng Đế đã an bài”.
Là người tin Chúa sống trong xã hội băng hoại, ta cần cẩn thận. Phải nói về Chúa cho đồng bào mình vì nếu không, chính chúng ta sẽ thay đổi theo chiều đồi trụy. Đó chính là phương cách bảo vệ niềm tin Chúa và đưa người khác đến với Chúa. Nếu không làm như vậy, không mấy lúc mà ta sẽ thay đổi theo với xu hướng tục hoá của xã hội, chứ không phải xã hội chung quanh thay đổi vì ta.
Nguyện xin Chúa giúp chúng ta luôn tỉnh thức trong từng giờ từng phút. Tỉnh thức để vượt ra khỏi những cám dỗ của danh lợi thú, của những đam mê thấp hèn, hầu xứng đáng là người tôi trung luôn cầm đèn dẫn dắt anh em đi trong chân lý và hồng ân của Chúa. Amen.