Xã hội không tưởng, với những giới hạn

Tất cả chúng ta đều thế. Mỗi một chúng ta đều khao khát một xã hội không giới hạn, một cuộc sống không có gì sai trái, một nơi không có căng thẳng hay chán nản. Nhưng đó là chuyện không bao giờ có. Không có một nơi như thế.

Mới đây, Anahid Nersessian viết một quyển sách với tựa đề Không tưởng, Giới hạn: Chủ nghĩa Lãng mạn và Điều Chỉnh [Utopia, Limited: Romanticism and Adjustment], trong quyển sách này, bà phê phán nhiều hệ tư tưởng vì ngây thơ đã cho chúng ta có ấn tượng chúng ta có thể có một thế giới không có giới hạn. Bà đặc biệt chỉ trích hệ tư tưởng giải phóng đã trao đặc quyền cho sự vô giới hạn bằng cách xem ‘tự thân nó, gần như mặc định, chống lại sự cai quản và điều hướng cho khát khao.’ Nhưng, như bà lập luận trong quyển sách, giới hạn là điều đem lại sự sống. Chúng ta sẽ thấy hạnh phúc, chỉ khi điều tiết bản thân với thế giới bằng cách cực tiểu hóa các đòi hỏi của chúng ta với thế giới. Với bà Nersessian, nếu phải có Xã hội Không tưởng, thì chỉ có thể có được bằng cách tìm ra những giới hạn thực tế trong đời mình và điều chỉnh bản thân theo đó. Những kỳ vọng quá đáng dẫn đến thất vọng.

Bà đã đúng. Tin tưởng có một thế giới không giới hạn tạo nên những kỳ vọng phi thực tế và những chán nản thất vọng. Khi nghĩ rằng chúng ta có thể có Xã hội Không tưởng, là chúng ta triền miên dựng lên sự hoàn hảo làm đối thủ của sự tốt, và tạo lề thói khinh thị những mối liên hệ thực sự của chúng ta, là hôn nhân, sự nghiệp, và cuộc sống của mình, bởi chúng không như những ảo tưởng của chúng ta, chúng luôn mãi có giới hạn và do đó luôn là cái tốt thứ hai mà thôi.

Bà Nersessian có khuynh hướng quy kết hệ tư tưởng giải phóng đã khiến chúng ta có ấn tượng này, nhưng những giấc mơ phi thực tế và kỳ vọng vào một Xã hội không tưởng tồn tại hầu như khắp nơi trên thế giới. Và hơn nữa, trong cả giáo hội lẫn thế giới, chúng ta không còn có những công cụ biểu tượng để giải thích hay xử trí đúng đắn sự nản lòng này. Làm sao lại thế?

Khi còn nhỏ, đầu tôi không chỉ vang dội cái điệp khúc “Tất cả mọi người đang tìm kiếm Xã hội Không tưởng” nhưng còn vang dội nhiều điệp khúc khác nữa mà tôi học được trong nhà thờ và trong nền văn hóa nói chung. Giáo hội của chúng ta thời đó dạy chúng tôi về một thứ gọi là ‘tội nguyên tổ,’ tin rằng có một sự sa ngã nguyên thủy từ sơ khai nhân loại cho đến tận thế, làm cho cả bản tính con người và tự nhiên đều bị khiếm khuyết, và như thế những gì chúng ta sẽ gặp gỡ và cảm nghiệm trong đời sẽ luôn là bất toàn, có giới hạn, có gì đó đau đớn và nản lòng.

Đôi khi, người ta hiểu đây chỉ là cách tối giản hóa và đôi khi nó còn khiến chúng ta tự vấn về bản tính Thiên Chúa, nhưng dù thế, nó cho chúng ta một quan điểm để hiểu cuộc đời và xử trí với sự nản lòng. Đến tận cùng, nó dạy chúng ta rằng, ở đời này, không có niềm vui nguyên tuyền. Mọi thứ đều có cái bóng của nó. Hạnh phúc hệ tại ở việc chấp nhận nhưng giới hạn đó, không phải trong sự cam chịu khắc kỷ nhưng là trong một quan điểm phấn khởi thực tế. Bởi như thế có một giới hạn và không có những kỳ vọng sai lầm, từ đó cho họ đón nhận, trân trọng và tận hưởng đúng đắn những điều tốt đẹp trong đời. Bởi không thể có sự hoàn hảo trong đời này, nên bạn tự cho mình quyền cảm kích những gì không hoàn hảo.

Quan điểm tôn giáo này được củng cố nhờ một nền văn hóa dạy chúng tôi rằng không có một Xã hội Không tưởng. Chúng tôi sống trong một nền văn hóa dạy rằng, dù bạn có thể mơ cao và có thể kỳ vọng mình sẽ sống tốt hơn cha mẹ mình, nhưng đừng kỳ vọng bạn có thể có tất cả. Cuộc sống không thể cho bạn điều đó. Giao nhau với cách hiểu tôn giáo về tội nguyên tổ, sự khôn ngoan thế tục này cũng có nhưng biểu đạt quá tối giản hóa và không hoàn mỹ. Nhưng nó giúp ghi dấu trong lòng chúng tôi những công cụ để hiểu cuộc đời một cách thực tế hơn. Nó dạy chúng tôi một sự thật như câu trích của Karl Rahner mà tôi yêu thích: Trong nỗi giày vò của sự thiếu hụt tất cả mọi thứ có thể đạt được, đến tận cùng, chúng ta học biết rằng, trong đời này, tất cả mọi hòa âm đều phải dang dở. Thật súc tích và chính xác!

Thật thú vị khi thấy quan điểm tôn giáo song song với quan điểm vô thần, cái nhìn của Rahner tương đồng với cái nhìn của Albert Camus, nhà văn đoạt giải Nobel. Camus, người không tin có Thiên Chúa, đã đưa ra một hình ảnh để hiểu đời sống nhân sinh và những nản lòng thất vọng của nó. Ông so sánh thế giới này với một nhà tù trung cổ. Một vài nhà tù trung cổ được xây quá nhỏ cho một tù nhân, với trần quá thấp để tù nhân có thể đứng thẳng lên, và quá nhỏ để ngồi nằm xuống hoàn toàn. Sự chán nản khi không thể đứng lên cũng như không thể nằm xuống, dần dần bẻ gãy tinh thần tù nhân. Với Camus, đây chính là cảm nghiệm của chúng ta trong đời. Chúng ta không bao giờ có thể đứng lên hoàn toàn hay nằm xuống hoàn toàn. Thế giới này quá nhỏ với chúng ta. Dường như diễn đạt này có vẻ khốc liệt, khắc kỷ và vô thần, nhưng xét tận cùng, cũng như Kitô giáo, nó dạy cho chúng ta một sự thật, rằng không có Xã hội Không tưởng ở đời này.

Và chúng ta cần phải đưa sự thật này vào cuộc đời mình một cách lành mạnh, để trang bị tốt hơn cho bản thân, nhằm xử trí nỗi thất vọng nản lòng cũng như biết cảm kích cuộc đời mà chúng ta đang thực sự sống.

Lm. Ron Rolheiser

bài liên quan mới nhất

Ngày 13/5: Đức Mẹ hiện ra tại Fatima

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng