Vượt trên chỉ trích và oán giận – Lời mời gọi cảm thông sâu sắc hơn

Gần đây tôi có tham gia một buổi hội thảo chuyên đề, và diễn giả trạc chừng tuổi tôi. Vì chúng tôi đều trải qua các thay đổi về tôn giáo và văn hóa như nhau, nên tôi đồng hưởng những gì ông nói và đồng cảm với ông. Và khi nhận xét về tình trạng chính trị và giáo hội của chúng ta thời nay, ông khá là chỉ trích, thậm chí là giận dữ. Và không phải không có lý do. Trong cả chính phủ và giáo hội của chúng ta thời nay, không chỉ có sự phân cực chua cay và thiếu lòng mến cùng sự tôn trọng căn bản, mà còn có cả sự mù quáng không thể bào chữa, thiếu minh bạch, và cả bất lương vị lợi. Diễn giả của chúng tôi vô cùng nhiệt tình đưa ra những chuyện này.

Và tôi đồng ý với phần lớn nội dung của ông. Tôi cũng có cùng cảm nhận như ông. Tình trạng hiện thời, dù là trong chính trị hay giáo hội, đều thật quá trì trệ, phân cực chua cay, và chỉ làm cho chúng ta thấy chán nản và muốn lên án những người chịu trách nhiệm cho sự mù quáng, bất lương và bất công dường như không thể bào chữa này. Nhưng dù cho tôi thấy nhiều lời ông nói là sự thật và cùng chia sẻ nhiều cảm nghĩ của ông, nhưng tôi không đồng ý với ông về nền tảng động cơ cho những điều này. Dường như ông nói dựa trên sự bi quan và giận dữ, không thể tìm thấy gì khác ngoài căm phẫn. Ông cũng rất tiêu cực trong thái độ của mình đối với những người phải chịu trách nhiệm cho vấn đề này.

Tôi không thể nói những điều ông nói là không đúng, và cảm nhận của ông là sai. Tôi có thể hiểu được vì sao ông có phản ứng như vậy. Nhưng tôi không chấp nhận được nền tảng động cơ của ông. Sự cay đắng và giận dữ, dù có biện minh thế nào, cũng không phải là động cơ tốt. Cả Chúa Giêsu và những người cao thượng đều mời gọi chúng ta hãy vượt qua cơn giận và căm phẫn.

Vượt lên cơn giận và căm phẫn, vượt lên sự chỉ trích chính đáng trước những gì là bất lương và bất công, chính là một sự cảm thông sâu sắc hơn. Lời mời gọi này không yêu cầu chúng ta thôi làm ngôn sứ khi đối diện bất công nhưng yêu cầu chúng ta làm ngôn sứ một cách sâu sắc hơn. Như Daniel Berrigan thường nói, một ngôn sứ là người thề yêu thương chứ không thề giận ghét.

Nhưng thật không dễ làm như thế. Trước bất công, bất lương, và cố ý mù quáng, mọi bản năng tự nhiên của chúng ta đều không muốn cảm thông. Đến mức nào đó, điều này là lành mạnh và cho thấy chúng ta vẫn mạnh mẽ về mặt đạo đức. Chúng ta nên thấy giận dữ và căm phẫn trước sai trái. Cũng có thể hiểu được khi chúng ta cảm thấy giận ghét, phán xét với những người gây ra tình trạng này. Nhưng đó là bước khởi đầu (một bước khởi đầu đủ lành mạnh) chứ không phải là toàn bộ con đường để chúng ta đi. Chúng ta được kêu gọi hướng đến một điều sâu sắc hơn, cụ thể là, một cảm thông mà trước đó chúng ta chưa có được. Cơn giận sâu sắc mời gọi chúng ta cảm thông sâu sắc.

Trong những thời khắc thực sự cay đắng trong đời, khi chúng ta thấy mình chìm trong cảm giác bị hiểu lầm, khinh dễ, bất công, và căm phẫn hợp lý đối với những người gây tình trạng này, thì cơn giận và sự căm ghét tự nhiên nảy sinh trong chúng ta. Chìm trong chúng một thời gian, thì không sao, bởi cơn giận là một hình thức căn thiết của sự đau buồn, nhưng sau một thời gian thì chúng ta phải tiến lên. Và lúc đó, thách thức là phải tự vấn lòng mình: Với những căm ghét này, làm sao để tôi yêu thương đây? Tình yêu mời gọi tôi làm gì trong tình trạng cay đắng này? Tôi có thể tìm được mối mối liên kết chung nào để tôi vẫn xem những người tôi đang oán giận là người trong cùng gia đình mình? Làm sao để tôi vươn ra, vươn qua khoảng cách của cảm giác giận dữ chính đáng này? Và có lẽ, quan trọng nhất là: “Tôi có thể tìm nơi đâu để có được sức mạnh hòng không chìm đắm trong căm phẫn vị kỷ và oán ghét?”

 

Làm sao để tôi yêu thương? Làm sao để tôi yêu thương trong tình thế này? Đó mới là thách thức. Chúng ta chưa từng được kêu gọi yêu thương trong tình thế như vậy. Nhận thức, cảm thông, tha thứ và tình yêu của chúng ta chưa từng trải qua cơn thử thách này. Nhưng đó chính là thử thách đạo đức tối hậu, một thử thách mà chính Chúa Giêsu đã trải qua trong vườn Giếtsêmani. Làm sao để yêu thương khi tất cả mọi thứ đều kêu gọi bạn làm điều ngược lại?

Hầu hết bản năng tự nhiên của chúng ta, và mọi sự xung quanh chúng ta, đều ngăn trở một cảm thông như thế. Khi đối diện bất công, các bản năng tự nhiên của chúng ta sẽ tự phát đóng sầm cánh cửa tin tưởng, và mở cánh cửa phán xét ra. Chúng còn mời gọi chúng ta căm phẫn và oán ghét. Những cảm giác đó tạo nên một sự tẩy rửa nhất định trong chúng ta. Cho chúng ta thấy khá hơn. Nhưng sự tẩy rửa đó chỉ là loại thuốc không ổn nếu dùng lâu dài. Để giữ sự lành mạnh lâu dài, chúng ta cần một điều gì đó vượt trên cay đắng và oán ghét. Và đó chính là sự cảm thông.

Dù không chối bỏ những chuyện sai trái, không chối bỏ rằng chúng ta phải đứng lên làm ngôn sứ trước những chuyện sai trái, nhưng cảm thông mời gọi chúng ta tiến tới giai đoạn hậu-giận dữ, hậu-căm phẫn, hậu-oán ghét. Chúa Giêsu đã làm gương cho chúng ta, và ngày hôm nay, đó chính là điều cần thiết nhất trong xã hội, giáo hội, và gia đình chúng ta.

Ronald Rolheiser,

J.B. Thái Hòa dịch

bài liên quan mới nhất

ĐTC Phanxicô chủ sự Thánh lễ Tiệc Ly và rửa chân cho các tù nhân nữ tại nhà tù Rebibbia

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng