Đa đoan là một nét tính cách thường dùng để chỉ phụ nữ. Thông thường khi nói đến đa đoan, người ta hay nghĩ đến một nét tính cách có phần tiêu cực. Theo cách hiểu này, có từ điển giải thích rằng, người đa đoan là người có nhiều duyên nợ, lắm mối tơ lòng, sống nặng về tình cảm nội tâm, thường rất khổ và hay dở dang trong tình cảm. Chính vì thế, người đa đoan là người đa sầu và nhạy cảm. Tuy nhiên, cũng có những cách giải thích khác tích cực hơn về nét tính cách này. Theo đó, người ta hiểu đoan là một đức tính tốt đẹp của con người theo luân thường, đạo đức của Nho giáo. Đoan lúc này đồng nghĩa với tính cách “đoan trang”, “đức hạnh” của người phụ nữ. Những tư tưởng, hành động trái với đoan đều bị phản bác, được gọi là dị đoan, chẳng hạn “mê tín dị đoan”. Đoan theo nghĩa tích cực được hiểu theo hai hướng. Hướng thứ nhất, đoan là thị phi, tức là con người phải biết yêu, biết ghét. Hướng thứ hai, đoan là lòng trắc ẩn, là hiếu kính, là tín nghĩa. Nói một người đàn bà đa đoan là nói người ấy giỏi giang nhưng nhiều lo toan, nhiều lòng trắc ẩn, thương cảm… do vậy mà tình duyên lận đận.

 

            Theo cách nghĩ của cá nhân, chúng ta cần nhìn nhận cả hai mặt tích cực và tiêu cực của tính cách này, bởi mọi vấn đề trong cuộc sống đều có tính hai mặt của nó. Soi xét một vấn đề bằng cái nhìn đa diện sẽ cho ta những kết luận đầy đủ, chính xác và khách quan hơn. Trước hết, nói về mặt tiêu cực, tính cách đa đoan sẽ mang lại những khổ lụy cho người phụ nữ. Cái khổ xuất phát từ việc họ sống quá tình cảm. Việc sống tình cảm khiến họ có nhiều mối tơ lòng, đa tình và đa sầu. Họ dễ rung động trước những nghĩa cử đẹp hoặc sự ân cần của người khác dành cho mình. Những người đa đoan nhiều tình cảm và luôn dành hết tình cảm cho những người xung quanh nhưng họ không nhận lại được nhiều niềm vui xứng đáng với tình cảm của họ bỏ ra mà trái lại thường chuốc thêm nhiều phiền muộn. Bởi dành quá nhiều tình cảm cho người khác, hết lòng vì người khác nên họ thường hy vọng quá lớn hoặc yêu cầu quá cao ở tình cảm người khác dành cho mình. Điều đó dễ khiến họ hụt hẫng hoặc thất vọng vì đôi khi nhận lại không như mong đợi. Hoặc giả, họ sẽ bị lợi dung hoặc bị rơi vào tình trạng “làm ơn mắc oán”. Thực tế cho thấy những người sống cảm tính thường dễ bị lợi dụng. Họ luôn hết lòng với người khác, đặt mình vào người khác để hiểu, trân trọng những mối quan hệ nên họ bị sai khiến lúc nào không biết và cứ nghĩ việc mình làm là tốt cho những người mình yêu thương. Mặt khác, người đa đoan hay đảm đương mọi việc một mình, làm hết trách nhiệm một cách âm thầm. Vì thế, họ cũng hay bị hiểu nhầm, bị trách móc một cách vô cớ. Nhớ lúc còn đi học, mỗi khi được giao nhiệm vụ thảo luận nhóm, cô bạn nhóm trưởng của chúng tôi chuyên là người cực khổ nhất vì cô ấy là người cuối cùng tổng hợp báo cáo, phần thảo luận của các thành viên, biên tập chỉnh sửa lại thành bài hoàn chỉnh để nộp. Nhớ có lần, các thành viên gửi bài muộn, cô đã phải thức đến 3 giờ sáng để tổng hợp. Do sáng phải nộp gấp cho đúng hạn nên cô đã biên tập theo ý mình, không kịp gửi bản cuối lại để nhóm đọc nhận xét mà gửi nộp luôn cho cô giáo. Cuối cùng, cô giáo nhận xét đúng ngay chỗ cô cắt bỏ, nhóm bị điểm trừ chỗ đó. Cả nhóm dồn ánh mắt trách móc về phía cô nhóm trưởng, không nói gì nhưng tự ai cũng hiểu vì sao. Thế nhưng sau này ngẫm nghĩ lại, tôi tự hỏi nếu hôm đó bài báo cáo được khen ngợi thì sao? Có ai nghĩ đến công cô đã thức đêm tổng hợp, hay mỗi thành viên đều nghĩ đó là do công sức và trí tuệ của mình đã đóng góp để tạo nên sản phẩm hoàn hảo ấy? Thói đời vốn vậy, “ba năm xây chùa không ai biết, nửa viên gạch vỡ cả làng hay”. Người ta không nhớ bạn đã làm được gì nhưng sẽ nhớ rất rõ những sai lầm của bạn. Những người hay xông pha đảm đương nhiều việc như những người đa đoan chắc chắn sẽ gặp phải tình cảnh này.

 

            Việc sống tình cảm cũng dẫn đến cái khổ nữa cho người đa đoan là sự nhạy cảm và sống nội tâm. Người đa đoan rất nhạy cảm nên họ đặc biệt nhanh nhạy với sự thay đổi thái độ, cách cư xử của người khác với mình. Một thái độ lạnh lùng, một lời nói bâng quơ, một cử chỉ vô tình đều có thể khiến tâm hồn những con người nhạy cảm tổn thương nghiêm trọng. Nhưng cái đau là ở chỗ dễ bị tổn thương nhưng họ lại ôm vết thương đó trong lòng, ít chia sẻ và suy nghĩ nhiều, gặm nhấm nỗi buồn một mình. Vì thế, buồn càng buồn hơn, khổ càng khổ hơn.

 

            Nói về khía cạnh tích cực, người đa đoan vẫn là những con người đáng trân trọng, đáng được yêu thương bởi trước hết họ là những người sống tình cảm, luôn lo lắng và chu đáo với mọi người xung quanh. Họ là những người sống hết trách nhiệm, trân trọng các mối quan hệ, luôn vun vén xây dựng đời sống tình cảm của mình một cách chân thành. Hơn hết, đây là những con người giàu lòng trắc ẩn, hiếu kính, lễ nghĩa, luôn trao ban tình yêu và khát khao nhận lại được những gì xứng đáng với tình yêu của mình. Hiểu được cả hai khía cạnh của đa đoan như vậy, ta mới cảm nhận được hình ảnh người Chị đa đoan trong bài hát “Chị tôi” của nhạc sĩ Trần Tiến:

“…Thời con gái lưng ong có bao người thầm mong theo

Mẹ giục con gái yêu lấy chồng đi

Chị thương hai đứa em thương mẹ già còn đau í a

Chị tôi chưa lấy chồng.

Rồi mẹ tôi khuất xa, chúng tôi không còn thơ ngây

Chị lại lo các em chuyện chồng con

Ngày chia tay bến sông thấy chị buồn mà thương í a

Chị tôi chưa lấy chồng…”

 

BXM – LONG XUYÊN

bài liên quan mới nhất

Ngày 20/4: Thánh Anê Môntepuxiano (1268-1317)

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng