Tri ân Tình Chúa

Chuyện kể rằng có một người lữ hành đi ngang qua bờ sông. Ông gặp thấy một người phụ nữ trung niên đang lo lắng vì không tìm được cách qua sông. Con sông tuy nhỏ nhưng thật khó để người phụ nữ tự mình qua được bờ bên kia. Thấy vậy, người lữ hành này đã dùng toàn bộ sức lực của mình để giúp người phụ nữ đó qua sông. Khi qua được con sông, người phụ nữ này không hề nói một lời nào với vị ân nhân của mình mà vội vàng đi ngay. Người lữ hành cảm thấy bất ngờ rồi khó chịu trước thái độ vô ơn của người phụ nữ ấy. Ông cho rằng người phụ nữ này thật không đáng để mình giúp đỡ vì ngay cả một câu “cám ơn” bà ấy cũng không biết nói với người đã làm ơn cho mình.

Người lữ hành lại tiếp tục cất bước, trong lòng cứ cảm thấy tiếc nuối vì đã dốc hết sức để đưa người phụ nữ ấy qua sông. Không lâu sau, có một chàng thanh niên trẻ tuổi đuổi kịp người lữ hành và nói: “Cám ơn ông đã giúp mẹ tôi qua sông. Bà ấy đã chạy vội về nhà, kêu tôi mang cho ông những thứ này”. Nói xong chàng thanh niên đưa cho người lữ hành một cái túi, trong đó có ít tiền và lương khô. Rồi cả con ngựa đang cưỡi, người thanh niên cũng tặng cho người lữ hành này để ông có thể tiếp tục cuộc hành trình của mình một cách nhanh chóng hơn.

Lúc bấy giờ, người lữ hành mới hối hận vì mình đã trách nhầm người. Người phụ nữ ấy đã thể hiện lòng biết ơn của mình không phải bằng một lời cám ơn mà bằng những hiện vật thiết thực mà ông đang cần đến.

Quý vị và các bạn thân mến,

Trong cách ứng xử thông thường, lời cám ơn là một yếu tố quan trọng diễn tả phép lịch sự trong tương quan của con người. Khi nhận được sự giúp đỡ dù lớn hay nhỏ nơi người khác, lời cám ơn là điều tối thiểu nhất mà chúng ta trao gửi cho họ. Cũng vậy, khi giúp đỡ ai đó, chúng ta cũng muốn được nghe họ nói lời cám ơn mình. Một cách mặc nhiên, lời cám ơn không chỉ thể hiện lòng biết ơn của người nhận được sự giúp đỡ, mà còn là lời ghi nhận thành quả và nỗ lực của người thi ân. Do vậy, khi lời cám ơn bị vắng bóng do sự lãng quên vô tình hay thái độ phớt lời có dụng ý của người mà mình đã giúp đỡ, rất nhiều người đã cảm thấy hụt hẫng và thất vọng, thậm chí là loại trừ luôn kẻ vô ơn ấy.

Người lữ hành trong câu chuyện bên trên đã chờ đợi một điều gì đó nơi người phụ nữ mà mình đã giúp đỡ, ít ra thì cũng được một lời cám ơn cho mát lòng mát dạ. Nhưng ông đã không nhận được điều mình mong đợi mà nhận được những sự bất ngờ: bất ngờ khi nhận được sự hờ hững, vô tình của người mình đã thi ân, và bất ngờ vì sau đó lại nhận được những món quà đầy giá trị từ người phụ nữ mà ông vừa đánh giá là vô ơn, bạc nghĩa. Câu chuyện của người lữ hành ấy giúp chúng ta nhìn lại thái độ thể hiện lòng biết ơn của mình đối với Chúa và cách thức mình thi ân cho người khác trong cuộc sống hằng ngày.

Hằng ngày, chúng ta đón nhận biết bao ơn lành của Thiên Chúa nhưng nhiều lúc, chúng ta đã vội vã quay đi, quên nói lời cám ơn với Người. Thiên Chúa không bao giờ trách móc chúng ta về sự vô tâm đó. Người cũng không xem chúng ta là những kẻ vô ơn và đẩy chúng ta ra khỏi suối nguồn yêu thương và phúc lành của Người. Khi nhận ra được rằng Thiên Chúa luôn quảng đại và hào phóng với chính mình một cách nhưng không, chúng ta sẽ không còn tính toán với Chúa và so đo với tha nhân nữa, nhưng biết chia sẻ và trao ban nhưng không cho tất cả mọi người.

Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa về những ơn lành mà Chúa đã quảng đại ban cho chúng con. Xin cho chúng con đừng bao giờ lãng quên ân tình của Chúa để luôn yêu mến Chúa hết lòng và sẵn sàng giúp đỡ tha nhân một cách vô vị lợi. Amen.

Nt. Rosa Lê Ngọc Thùy Trang, MTGCQ 

bài liên quan mới nhất

Ngày 24/4: Thánh Phiđen Díchmarinh ngân, linh mục, tử đạo (1578-1622)

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng