“Trâu ơi ta bảo trâu này,

Trâu ra ngoài ruộng trâu cầy với ta

Cấy cầy vốn nghiệp nông gia

Ta đây trâu đấy ai mà quản công

Bao giờ cây lúa còn bông

Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn”. (Khuyết danh)

Thú thực, tôi đã đọc và học thuộc bài ca dao này từ lâu, nhưng tôi lại chẳng có tí cảm nhận nào. Có lẽ lúc đó tôi còn bé nên không nhận ra cái đẹp trong bài ca dao này. Sáng nay, 30 Tết, ngồi bên tháp giáo đường, tôi nhớ lại bài ca dao này và thấy nó thật sâu sắc. Ngoài kia, người người đang nô nức đi sắm Tết, tôi ngồi đây ghi lại vài dòng tâm sự.

Người việt nam có câu: Con trâu là đầu cơ nghiệp. Câu nói này nói lên vị trí và chỗ đứng của con trâu trong cuộc sống của người dân Việt Nam. Đa phần người dân sống bằng nông nghiệp nên con trâu là con vật được đặt lên hàng đầu. Bài ca dao nói về mối quan hệ thân thiết của người nông dân và con trâu. Con trâu được gọi như một người bạn đồng hành trong cuộc sống với con người. Không có trâu thì lấy ai cầy ruộng? Tôi nhìn thấy ở đây một triết lý sâu sa của các cụ ngày xưa. Con người chúng ta thường hay tự hào cho rằng mình là loài cao cả. Vì thế mà con người hay tự cho mình cái quyền được hành xử với con vật thế nào tùy thích. Tuy nhiên, Con người không thể làm như thế. Con người cần phải trở về để sống với các con vật và với mọi tạo vật trong một mối tương quan thân thiết. Chỉ khi sống được như thế, con người mới thực hiện được sứ mạng mà Thượng Đế giao cho mình.

Hồi bé, nhà tôi ở ngay cạnh cánh đồng. Thời ấy, ruộng đất chưa được chia riêng cho người dân. Vẫn còn hình thức làm ăn tập thể. Nhìn qua cửa sổ, tôi thấy mấy ông đi cầy ruộng. Những từ ngữ như Đi, Vắt, Họ…. vang lên. Đôi lúc là tiếng roi quất vào lưng con trâu. Tôi thích cái cách của một ông trong xóm khi ông đi cầy. Ông hiếm khi dùng roi quất mà ông chỉ dùng dây thừng để điều khiển con trâu. Và con vật ngoan ngoãn nghe theo lời ông. Nó làm việc chăm chỉ và chẳng khi nào nó phá ngang. Cách ông đối xử với con vật thật tuyệt vời. Giữa ông và con vật như hai người bạn thân. Ông yêu nó và nó cũng yêu ông. Nó sẵn sàng làm việc để phục vụ cho ông chủ của mình mà không than trách.

Khi còn học ở Chủng Viện, tôi vẫn nhớ cái cách mà Đức Cố Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng giáo huấn chúng tôi. Ngài không chỉ dạy chúng tôi yêu các con vật mà còn phải yêu cả các đồ vật mình tiếp xúc hàng ngày. Ngài bảo chúng tôi khi đóng cửa các con hãy đóng nhẹ nhàng. Đừng làm phát ra tiếng động. Đừng làm cánh cửa bị đau. Khi kéo chiếc ghế hoặc đặt cái ghế xuống, hãy làm một cách nhẹ nhàng. Từng đồ vật ta dùng hàng ngày, chúng tuy là chỉ là vật chất, nhưng nếu chúng ta trân trọng và yêu quý chúng, giữa chúng và ta có một cái gì đó gắn kết thiêng liêng. Chiếc xe chúng ta đi , chiếc bàn làm việc, cái ghế chúng ta ngồi, tất cả đều có một cái gì đó rất sâu sắc. Tôi nhớ tới bài hát “Diễm Xưa” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong đó có câu: “ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”.Có lẽ, chỉ những người có cuộc sống nội tâm sâu sa mới thấu hiểu được.

Con người ngày nay đã sống một cuộc sống bá đạo. Họ phá hủy thiên nhiên, khai thác thiên nhiên một cách bừa bãi. Những động vật bị săn bắn một cách vô tội vạ. Có những loài đang nguy cơ bị tuyệt chủng hoàn toàn. Những cánh rừng nguyên sinh cứ ngày một ít đi. Hậu quả là con người phải gánh chịu những thiên tai dịch bệnh. Đừng hỏi tại sao lại có lũ lụt. Đừng hỏi tại sao lại có Covid. Chúng ta đã đối xử quá bạo ngược với Thiên Nhiên. Dịch bệnh Covid 19 dường như là lời nhắc của Mẹ Thiên Nhiên dành cho con người: Hãy dừng lại.

Tôi viết những dòng này khi chỉ còn ít tiếng nữa là năm mới Tân Sửu bắt đầu. Năm Tân Sửu là năm con Trâu. Con Trâu đã từng được cha ông ta đối đãi tuyệt vời. Chúng ta hãy quay trở lại. Hãy trở thành bạn hữu với loài vật. Đừng sát hại chúng một cách vô tội vạ. Hãy yêu mến Thiên Nhiên và hãy làm cho trái đất này thêm màu xanh tươi bằng những việc làm cụ thể. Mỗi ngày, chúng ta hãy quyết tâm không xả rác, xả các khí thải vào môi trường. Mỗi người hãy trồng lấy một cây xanh trong mùa xuân Tân Sửu này. Như thế, trái đất của chúng ta sẽ xanh sạch đẹp hơn. Con người chúng ta cũng hãy ngưng xả rác tinh thần là sự nóng giận, ghen ghét, đố kỵ,… Hãy thay vào đó bằng lòng bao dung, sự tha thứ và tình yêu thương. Tôi tin rằng chúng ta sẽ có được cuộc sống hạnh phúc thực sự trên hành tinh này.

Thế À

bài liên quan mới nhất

Gp Lạng Sơn - Cao Bằng: Thánh Lễ Truyền Dầu 2024

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng