Tiếng nói bạn trẻ: Làm nổi bật "giá trị Công giáo" trong giáo dục

Tôi là một sản phẩm của hệ thống giáo dục công giáo. Và nếu như bạn có hỏi tôi về những điều tôi đã học được ở bậc trung học thì tôi sẽ trả lời bạn rằng tôi đã không có được đầy đủ kiến thức về đức tin của mình.

Tuần Giáo dục Công giáo là khoảng thời gian để các trường học Công giáo trên khắp Ontario tổ chức các sự kiện chúc mừng cho thành công của các học sinh cũng như giáo viên của họ. Nhưng trước khi chúng ta vui mừng vì những điều đã đạt được, tôi mong muốn nền giáo dục Công giáo sẽ cố gắng nhiều thêm nữa.

Rất nhiều học sinh đã rời bỏ Giáo hội sau khi học xong trung học. Tôi tin rằng điều này xảy ra là vì đức tin thường xuyên được bày tỏ như một thủ tục hơn là gặp gỡ với Chúa Phục Sinh. Nhiều học sinh xem giờ học giáo lý như là một cơ hội để nâng cao điểm số trung bình chứ không phải là cơ hội để mời Chúa Giêsu đến với cuộc sống của mình.

Sẽ là vô nghĩa nếu học thuộc lòng các Kinh Tin Kính, Tám Mối Phúc Thật hay Mười Điều Răn mà không hiểu được rằng chúng ta có thể tạo nên một mối tương quan cá vị với Chúa Giêsu.

Tôi không có ý nói đây là thất bại đối với những người thầy của chúng ta. Họ đã cố gắng hết sức mình đối với các học sinh và chương trình giảng dạy của họ. Đây cũng không phải là thất bại của các vị tu sĩ. Các ngài đã dành cả trái tim của mình trong việc tổ chức các nghi thức phụng vụ, các buổi tĩnh tâm hay các hoạt động mục vụ khác cũng như gặp gỡ các học sinh cần được nâng đỡ và khuyến khích.

Theo quan điểm của tôi, thất bại này là của cả một hệ thống giáo dục khi trình bày giáo lý trong một cuốn sách theo dạng tập hợp các nguyên tắc mà hiếm khi tập trung vào lịch sử Giáo hội và đời sống của các vị Thánh hay mời gọi các học sinh xây dựng môt mối tương quan cá vị với Chúa Kitô.

Nhiều năm trước, ngôi trường mà tôi đã tốt nghiệp là trường trung học Công giáo St. Pius X tại Ottawa, Ontario đã xây dựng một khoá học giáo lý đặt trọng tâm vào những lời mời gọi như vậy. Thầy Bob Bedard là một giáo viên và sau đó trở thành hiệu trưởng của trường St. Pius X trong những năm 1960 và 1970. Thầy đã xem việc tạo nên những lời mời gọi là sứ mệnh của thầy. Thay vì bày tỏ đức tin cách lý thuyết và hình thức, thầy đã nhắn nhủ các học sinh cần phải gặp gỡ Chúa Kitô.

Thầy khuyến khích các học sinh cầu nguyện rằng “Lạy Thiên Chúa của con, xin tỏ cho con biết nếu Người luôn hiện hữu.” Điều này là một thử thách quá lớn đối với một vài học sinh nhưng với một số khác đó lại là một kinh nghiệm của sự hoán cải và khao khát được cầu nguyện cùng với nhau.

Hãy tưởng tượng nếu các học sinh ngày nay được thử thách trong các giờ học giáo lý rằng hãy cầu xin Thiên Chúa mặc khải chính Ngài cho từng người. Sự chuyển dịch này chắc chắn sẽ thay đổi mọi thứ cách sâu sắc. Và đó chính là sự chuyển dịch mà hệ thống giáo dục của chúng ta cần phải thực hiện.

Là một khóa học bắt buộc, môn giáo lý cần được đánh giá cách nghiêm ngặt về mặt kết quả. Điều này nên dựa trên việc xem môn học này như một lời mời gọi để giúp các học sinh nhận biết Thiên Chúa. Kết quả đậu hay rớt môn không phụ thuộc vào mức độ thành công trong bài thi nhưng là độ mở của tâm hồn đối với lời mời gọi ấy. Nếu làm tốt được điều ấy, các học sinh sẽ làm chủ được khóa học và thực sự gắn kết với Thiên Chúa.

Việc biến môn học giáo lý trở thành một lời mời gọi sẽ tạo điều kiện cho các học sinh sẵn lòng đón nhận Thiên Chúa và sẽ giúp làm nổi bật các giá trị Công giáo trong các trường học Công giáo và trên toàn thế giới.

Patrick Peori

Huỳnh Phi chuyển ngữ

bài liên quan mới nhất

Thứ Hai tuần V Phục Sinh: “Ai yêu mến Thầy, thì giữ lời Thầy”

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng