Thứ Tư, Mùa Giáng Sinh Trước Lễ Hiển Linh

THỨ TƯ TRƯỚC LỄ HIỂN LINH

"Chúng tôi đã gặp Ðấng Cứu Thế".

LỜI CHÚA: Ga 1,35-42

Khi ấy, Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông nhìn theo Chúa Giêsu đang đi mà nói: Ðây là Chiên Thiên Chúa.

Hai môn đệ nghe ông nói liền đi theo Chúa Giêsu, Chúa Giêsu ngoảnh mặt lại, thấy họ đi theo mình, thì nói với họ: "Các ngươi tìm gì?"

Họ thưa với Người: "Rabbi, nghĩa là thưa Thầy, Thầy ở đâu?"

Người đáp: "Hãy đến mà xem".

Họ đã đến và xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy, lúc đó độ chừng giờ thứ mười.

Anrê, em ông Simon Phêrô, một trong hai người đã nghe Gioan nói và đã đi theo Chúa Giêsu. Ông gặp Simon anh mình trước hết và nói với anh: "Chúng tôi đã gặp Ðấng Messia, nghĩa là Ðấng Kitô". Và ông dẫn anh mình tới Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu nhìn Simon và nói: "Ngươi là Simon, con ông Gioan, ngươi sẽ được gọi là Kêpha, nghĩa là Ðá".

ĐẤNG CÔNG CHÍNH

(ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)

Công chính là trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa. Ma quỉ muốn chiếm đoạt quyền Thiên Chúa. Luôn cám dỗ loài người đi theo chúng. Bà E-và là điển hình. Đó là tội lỗi. Chúa Giê-su là Đấng Công Chính. Đến để tái lập sự công chính. Để “phá huỷ công việc của ma quỉ”. Chúa Giê-su công chính vì được Thiên Chúa sinh ra. “Mầm sống của Thiên Chúa ở lại trong người ấy, và người ấy không thể phạm tội, vì đã được Thiên Chúa sinh ra”. Từ đây thế giới phân định rạch ròi. Ai theo Chúa Giê-su thì sống công chính và trở thành con Thiên Chúa. “Căn cứ vào điều này mà người ta phân biệt con cái Thiên Chúa với con cái ma quỷ: phàm ai không sống công chính thì không thuộc về Thiên Chúa”.

Không chỉ sinh ra bởi Thiên Chúa, Chúa Giê-su còn sống công chính trọn đời. Vì luôn làm theo ý Chúa Cha. Vâng phục Chúa Cha trong mọi sự. Cho đến nỗi chết trên thánh giá. Nhận tất cả từ Chúa Cha. Dâng hiến tất cả cho Chúa Cha. Chúa Giê-su thật là Đấng Công Chính.

Vì vâng phục Chúa Cha mà Chúa Giê-su trở thành “Chiên Thiên Chúa” như lời thánh Gio-an Tẩy giả giới thiệu. Là Chiên Thiên Chúa để tự hiến thân mình làm của lễ dâng lên Chúa Cha. Là Chiên Thiên Chúa để gánh lấy tội nhân loại. Làm cho nhân loại nên công chính. Làm cho nhân loại trở nên con Thiên Chúa. Sinh lại nhân loại trong đức công chính.

Thánh Gio-an Tẩy giả sống công chính. Vì giới thiệu Chúa Giê-su cho các môn đệ của mình. Trả các môn đệ mình cho Chúa. Vì tất cả là của Chúa.

An-rê và Gio-an sống công chính. Vì bỏ tất cả mà theo Chúa. Bỏ cả người thầy yêu quí. Vì Chúa Giê-su mới là đường thật. Mới thật là Thầy. Dạy chân lý. Dẫn đến sự công chính đích thực. Đến sự sống đời đời. An-rê sống công chính nên đã dâng cho Chúa cả người em của mình. Vì Si-mon cũng thuộc về Thiên Chúa. Si-mon sống công chính. Vì từ bỏ tất cả. Từ bỏ cả con người cũ. Cả tên họ. Tên là người. Chúa đặt tên mới. Vì ông là con người mới. Thuộc về Chúa. Tên mới của Si-mon là Phê-rô. Là đá tảng xây toà nhà mới. Là đầu trong dân mới. Dân được Chúa sinh ra để sống công chính. Để dâng hiến cho Chúa tất cả cuộc đời.

Xin cho con được sinh lại. Được đặt tên mới. Được trở thành con Chúa. Được dâng hiến mọi sự cho Chúa. Để thuộc về dân mới. Sống công chính thánh thiện.

TRUYỀN GIÁO BẰNG ĐỜI SỐNG

(Lm. Vinhsơn Ngọc Biển SSP)

Có một hôm, cha bề trên của một hội dòng muốn cho các đệ tử của mình sống đức khó nghèo! Tuy nhiên, thao thức của ngài, ngài không chỉ nói, mà hôm ấy, ngài đã dẫn một nhóm đi đến thăm một cha xứ tại một họ đạo ngay tại trung tâm thành phố.

Khi đến nơi, nhóm đệ tử không khỏi ngạc nhiên về lối sống giản dị, nghèo khó của cha xứ ấy! Phòng của ngài chỉ vỏn vẹn có khoảng 6 mét vuông, trong đó, sách vở và những vật dụng cần thiết khác đã chiếm hết chỗ ngủ của ngài. Trong phòng chỉ còn có một lối đi nhỏ bé chừng 40cm. Đêm về, ngài thường thu gọn sách vở lại và ngủ ngay trên lối đi.

Sau cuộc gặp gỡ đó, khi trở về, các đệ tử đã không dám đòi hỏi điều gì nữa, ngược lại, sẵn sàng vui vẻ sống khó nghèo, bởi vì những gì đang có thì đã hơn hẳn cha xứ của một họ đạo rồi!

Tin Mừng hôm nay thuật lại: sau khi nghe Gioan giới thiệu Đức Giêsu là “Chiên Thiên Chúa, là Đấng xóa bỏ tội trần gian”, ngay lập tức đã có hai môn đệ đến gặp Đức Giêsu, khi thấy họ, Ngài đã hỏi họ đi đâu và tìm ai? Họ đã thưa với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, Thầy ở đâu?”; Đức Giêsu đã mời họ đến và xem chỗ của Ngài, họ đã đi và ở lại ngày hôm ấy, sau đó một trong hai người là Anrê đã đi theo Đức Giêsu.

“Hãy đến mà xem”, ấy là lời mời gọi của Đức Giêsu dành cho hai môn đệ của ông Gioan. Khi nói: “Hãy đến mà xem”, Ngài muốn các ông phải có kinh nghiệm thực sự về Ngài, chứ không phải chỉ có nghe Gioan nói rồi đi theo... Vì khi đến và xem, các ông sẽ thấy tận mắt đời sống và việc làm của Đức Giêsu. Như thế, lựa chọn đi theo Chúa hay không là tùy thuộc vào quyết định của các ông sau khi đã cảm nghiệm.

“Hãy đến mà xem”, Đức Giêsu không muốn họ chỉ tin rằng “có” Ngài, mà khi đến và xem, Đức Giêsu muốn các ông tin “vào” Ngài. Bởi tin “vào” Đức Giêsu không có nghĩa thuần túy là chấp nhận một giáo điều nào đó, mà là chấp nhận chính Ngài cũng như sứ vụ của Ngài.

Nói khác đi, tin “vào” Đức Giêsu chính là có một kinh nghiệm sống động, gần gũi đến riêng tư về Ngài. Khi tin “vào” Ngài như thế, Đức Giêsu muốn các môn đệ đặt Ngài làm trung tâm cuộc đời và sứ vụ của họ. Nếu không có một kinh nghiệm thì trong khi thi hành sứ vụ, các ông sẽ tìm cách làm theo ý riêng và quy chiếu mọi sự về phía các ông thay về Chúa.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: “Hãy đến mà xem” để có kinh nghiệm thực sự về Thiên Chúa. Bởi nếu có đến tận nơi và xem cho kỹ thì mới có những lời chứng hùng hồn về Thiên Chúa trong cuộc đời và sứ vụ của mình được! Nếu không, lời chứng của chúng ta có khi chỉ dừng lại trên giấy tờ, những khái niệm trừu tượng, không ăn nhập gì với con người và cuộc sống hôm nay.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho tinh thần của hai môn đệ Gioan khi xưa được trở nên lựa chọn của chính chúng con ngày hôm nay khi chúng con sẵn sàng “đến và xem” rồi ở lại với Chúa để được hạnh phúc đời đời. Amen. 

HÃY ĐẾN MÀ XEM

Tin Mừng thứ tư không ghi lại một cuộc đối thoại nào giữa Chúa Giêsu và Gioan Tẩy giả. Gioan thấy Chúa Giêsu, ông chỉ cho thấy Ngài, ông nói về Ngài. Ông là chứng nhân, là người bạn, là tiếng kêu. Những gì ông phải nói, ông đã học được từ Đấng đã sai phái ông. Ông không phải là môn đệ Chúa Giêsu, nhưng là vị tiền hô. Sau ông, với Chúa Giêsu là một thời đại mới đang bắt đầu, sau phép rửa trong nước là phép rửa trong Thánh Thần. Gioan vừa là người chiêm ngưỡng sự mới mẻ ấy, vừa là người chỉ cho thấy sự mới mẻ ấy. Thấy Chúa Giêsu đi ngang qua, ông lên tiếng nói: “Đây là Chiên của Thiên Chúa”. Hai môn đệ đã nghe lời ông nói và đi theo Chúa Giêsu. Gioan phải có khả năng lột bỏ bản thân lắm mới có thể làm điều đó. Không những dọn đường cho Chúa, ông còn chuẩn bị để có những người nhận biết và đi theo Ngài. Chính khi đón nhận các môn đệ của Gioan mà Chúa Giêsu khởi sự sứ mạng của Ngài.

Cuộc đối thoại thật ngắn gọn, dứt khoát: “Các ngươi tìm gì? Thưa Thày, Thày ở đâu? Hãy đến mà xem. Họ đi với Ngài và đã ở lại với Ngài ngày hôm ấy”.

Như thế, bước đầu tiên của những người sẽ là Tông đồ và chứng nhân của Chúa Giêsu chính là biết Ngài, đi theo Ngài, ở lại với Ngài, chỉ sau đó chúng ta mới là chứng nhân của Ngài. Nếu chúng ta nghĩ rằng chính chúng ta sẽ đi cứu độ thế giới, thì chúng ta lạc đường rồi. Chỉ có một Đấng Cứu thế là Chúa Giêsu, chẳng ai là chứng nhân nếu trước đó không là môn đệ.

Ở đây, cuộc gặp gỡ đầu tiên mau chóng đưa tới việc làm chứng đầu tiên. Anrê đi gặp anh mình trước hết và nói: “chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia, tức là Đức Kitô”, và ông đưa anh mình đến với Chúa Giêsu.

Ba môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu đã được một người khác dẫn đến với Ngài như thế. Đó không là những điều vẫn xảy ra cho chúng ta sao? Có biết bao người trên đường chúng ta đi đã giúp chúng ta đi đã giúp chúng ta biết được Ngài.

Suy niệm bài Tin Mừng hôm nay, xin cho chúng ta cũng biết tìm Chúa, sống thân mật với Chúa và đem Chúa đến cho mọi người.

 

bài liên quan mới nhất

Thánh Catherine Thành Siena: Đặc sủng Chữa Lành và Hộ Giáo

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng