Thứ tư tuần XIV thường niên


Thứ tư tuần XIV thường niên
Phúc Âm: Mt 10, 1-7
“Các con hãy đến cùng chiên lạc nhà Israel”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu gọi mười hai môn đệ Người lại, và ban cho các ông quyền hành trên các thần ô uế để các ông xua đuổi chúng và chữa lành mọi bệnh hoạn, tật nguyền.
Ðây là tên của mười hai Tông đồ: Trước hết là Simon cũng gọi là Phêrô, rồi đến Anrê em của ông, Giacôbê con ông Giêbêđê và Gioan em của ông, Philipphê và Bartôlômêô, Tôma và Matthêu người thu thế, Giacôbê con ông Alphê và Tađêô, Simon nhiệt tâm và Giuđa Iscariô là kẻ nộp Người.

Chúa Giêsu đã sai mười hai vị này đi và truyền rằng: “Các con đừng đi về phía các dân ngoại và đừng vào thành của người Samaria. Tốt hơn, các con hãy đến cùng các chiên lạc nhà Israel. Các con hãy đi rao giảng rằng: ‘Nước Trời đã gần đến'”.
Ðó là lời Chúa.

SUY NIỆM 1
“PHẢI TRUYỀN GIÁO”
(Mt 10, 1-7)

Truyền Giáo là bản chất của Giáo Hội. Nếu không truyền giáo, chúng ta đánh mất bản chất của mình. Vì thế, Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II khẳng định “Giáo Hội vẫn sẽ tiếp tục là một Giáo Hội truyền giáo trong tương lai, bởi vì đặc tính truyền giáo thuộc về bản chất của Giáo Hội” (Thông điệp Tertio Millennio Adveniente, số 57). Bởi vì Giáo Hội coi: “Truyền giáo là một ân sủng, ơn gọi xứng hợp, và là căn tính sâu xa nhất của Giáo Hội” (Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, số 14).

Hôm nay, Đức Giêsu mời gọi các môn đệ chung chia sứ mạng mà Ngài đã lãnh nhận từ Chúa Cha. Sứ mạng ấy là: hãy đi loan báo Tin Mừng cho mọi người, mọi nơi hầu cho “muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19).

Cùng một sứ mạng, Đức Giêsu cũng mời gọi chúng ta, những Kitô hữu, mỗi người một cách, hãy loan báo Tin Mừng cho mọi người, mọi nơi bằng nhiều cách thế khác nhau để cho muôn dân được nhận biết Đức Giêsu và ơn cứu độ của Ngài mang lại.

Mong sao, lệnh truyền của Đức Giêsu “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16, 15), và thái độ, ý thức về truyền giáo của thánh Phaolô cũng là của chính chúng ta: “Khốn thân tôi, nếu tôi không loan báo Tin Mừng” (1Cr 9, 16).

Lạy Chúa Giêsu, xin ban ơn trợ lực cho các nhà thừa sai trên cánh đồng truyền giáo của Giáo Hội, để các ngài chu toàn bổn phận đã được trao phó, đồng thời, xin cho chúng con được trở nên môn đệ và được tiếp bước với Chúa trên cánh đồng mênh mông bao la hiện nay. Amen.

Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP


SUY NIỆM 2
Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thấy từ “bài sai” được lập đi lập lại nhiều lần dưới mọi hình thức, mọi góc độ. Đó là một công việc, một chỉ thị của cấp trên đối với cấp dưới. Ngay trong nhà đạo, người giáo dân cũng được “sai đi” làm công việc này, công viêc nọ. Các Linh mục, tu sĩ… sau khi lãnh tác vụ Linh mục hoặc khấn dòng. Họ thường có “bài sai” cho một sứ vụ. Hôm nay Tin Mừng Matthêu, thánh sử cho chúng ta thấy “bài sai” mà Chúa Giêsu thực hiện cho các môn đệ của mình.

“Rồi Đức Giêsu gọi 12 môn đệ lại” : Đây là bài sai cho nhóm 12, một nhóm thân tín, cận kề với Chúa Giêsu ngay từ giây phút ban đầu. Con số 12 là con số hoàn hảo. Ngụ ý của thánh sử muốn nói: Chúa Giêsu mời gọi mọi người, đại diện là 12 chi tộc Ísrael, ra đi loan báo Tin Mừng. Đức Giêsu gọi họ lại để làm gì? Để ban quyền trên các thần dữ và chữa lành các bệnh tật” (c.1). Vậy đã rõ về nhân sự và sứ vụ phải thực hiện: chữa lành cả về tinh thần lẫn thể xác. Quyền năng này chỉ có nơi Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô.

Từ câu 2 đến câu 4, thánh sử Matthêu kể tên 12 vị được sai đi. Đứng đầu và trước tiên là Simon và thánh sử còn viết cả tên mà Chúa Giêsu đã đổi cho vị Tông đồ này: Phêrô. Thánh sử còn giải thích những chi tiết đặc biệt của từng vị, ngay cả khi không ngần ngại nêu rõ nghề nghiệp của bản thân khi được Chúa Giêsu mời gọi “Matthêu, người thu thuế” hoặc “ Simon thuộc nhóm quá khích” và “Giuđa Ítcariốt, kẻ phản bội “và nộp Chúa Giêsu” Qua việc kể lễ dài dòng chi tiết này, thánh sử muốn nêu bật tính Tông đồ đoàn với sứ mệnh rao giảng Tin Mừng Nước Trời. Như thế truyền giáo là sứ mệnh của Giáo Hội. Con số 12 tượng trưng cho sự trọn vẹn của Giáo Hội và cũng nói lên sự liên tục giữa Giáo Hội Chúa Kitô và dân Ísrael xưa: như Israel xuất phát từ 12 chi tộc, thì Giáo Hội ngày nay cũng được đặt trên nền móng 12 Tông đồ, mà việc đá góc là chính Chúa Kitô.

Các môn đệ được sai đi giảng những gì? Giảng cho hạng người nào? Đức Giêsu căn dặn họ kỹ lưỡng, mục tiêu mà họ cần nhắm đến không phải là dân Samari, hoặc những người mà chúng ta tạm gọi là “dân ngoại” (vì họ không phải là người Do Thái, là những người chịu phép cắt bì theo luật Môsê…) Chúng ta sẽ thấy đối tượng mà Chúa Giêsu sai các tông đồ đến và Ngài ra chỉ thị như sau: “Tốt hơn hãy đến với các con chiên lạc nhà Ísrael” (c.6). Nghe câu này chúng ta thấy có vẻ như Chúa Giêsu thiên vị dân tộc Do Thái, dân tộc của Ngài. Nhưng khi giới thiệu về lãnh vực hoạt động của các Tông đồ, thánh sử muốn nói lên quyền ưu tiên cho người Israel, là những kẻ được mời gọi trực tiếp hưởng nhờ ơn cứu độ của Đấng Mêsia.

Chúa Giêsu sai các ông đến với các con chiên lạc của Israel là Ngài thực hiện lời sấm Cựu Ước về Đấng Mêsia, Vị mục tử tốt lành (x. Is 40,11) hoặc (Ed 34,23; 37,24).
Nội dung của lời rao giảng là gì? “Nước Trời đã đến gần” (c7). Chúng ta thấy nội dung sứ điệp này tương tự với lời kêu gọi của Gioan Tẩy Giả trên sông Giođan (3,2) hay lời của chính Chúa Giêsu  khi Ngài khởi đầu cho sứ vụ rao giảng của Ngài (4,17) . Lời rao giảng này gồm 2 ý:

Với cách nhìn khách quan, Nước Trời đang thật sự hiện diện tại đây qua con người Giêsu và lời giảng dạy của Ngài; thế nhưng Nước Trời chỉ đến gần đối với những người nghe và đón nhận Lời và con người Đức Giêsu. Với cách nhìn khác : Nếu người ta phải đón nhận sứ điệp này với lòng tin… thì Nước Trời sẽ đến trong lòng họ, nói cách khác là họ đã được gia nhập vào Nước Trời.

Lạy Chúa Giêsu, Nước Trời thực sự đã hiện diện giữa chúng con ngay từ tạo thiên lập địa. Vì nơi nào có hình bóng Thiên Chúa và bàn tay uy quyền của Ngài thì nơi đó là Nước Trời. Nước Trời còn được tỏ hiện rõ ràng qua con người Giêsu. Ngôi Hai Thiên Chúa- xuống thế làm người để “ở cùng” nhân loại. Lời Chúa vẫn còn đó. Quyền năng và tình thương Chúa vẫn bao phủ địa cầu. Thế mà con người chúng ta cứ loay hoay tìm kiếm. Phải chăng do các sứ giả của Chúa (Giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân) chưa ra đi loan báo Tin Mừng, chưa sống thể hiện được khuôn mặt nhân hậu từ bi của Thiên Chúa? Xin hãy tha thứ cho chúng con và giúp chúng con can đảm rà soát lại sứ vụ mà Chúa đã trao cho chúng con, để chúng con cũng dám can đảm nói như Thánh Phao lô: “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”.
 
Nữ Tỳ Thánh Thể.

bài liên quan mới nhất

Nét đẹp của sự tử tế nơi người mục tử nhân lành

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng