Thứ Tư Tuần Thánh - Năm C

THỨ TƯ TUẦN THÁNH

"Con Người ra đi như đã được ghi chép sẵn từ trước, nhưng khốn thay cho kẻ sẽ làm cho Ngài bị phản nộp".

 

Lời Chúa: Mt 26, 14-25

Khi ấy, một trong nhóm Mười Hai tên là Giuđa Iscariô, đi gặp các thượng tế và thưa với họ: "Các ông cho tôi bao nhiêu, tôi nộp Người cho các ông?" Họ liền ấn định cho ba mươi đồng bạc. Và từ đó, hắn tìm dịp thuận tiện để nộp Người.

Ngày thứ nhất trong tuần lễ ăn Bánh không men, các môn đệ đến thưa Chúa Giêsu rằng: "Thầy muốn chúng con sửa soạn cho Thầy ăn Lễ Vượt Qua ở đâu?" Chúa Giêsu đáp: "Các con hãy vào thành đến với một người kia, và nói rằng: Thầy bảo, giờ Ta đã gần, Ta sẽ mừng Lễ Vượt Qua với các môn đệ tại nhà ông". Các môn đệ làm như Chúa Giêsu đã truyền và sửa soạn Lễ Vượt Qua.

Chiều đến, Người ngồi bàn ăn với mười hai môn đệ. Và khi các ông đang ăn, Người nói: "Thầy nói thật với các con: có một người trong các con sẽ nộp Thầy". Môn đệ rất buồn rầu và từng người bắt đầu hỏi Người: "Thưa Thầy, có phải con không?" Người trả lời: "Kẻ giơ tay cùng chấm vào đĩa với Thầy, đó chính là kẻ sẽ nộp Thầy. Thật ra, Con Người sẽ ra đi như đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nộp Con Người, thà kẻ đó đừng sinh ra thì hơn!"

Giuđa kẻ phản bội cũng thưa Người rằng: "Thưa Thầy, có phải con chăng?" Chúa đáp: "Ðúng như con nói".

 

NGƯỜI TÔI TRUNG

(ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Người tôi trung được Thiên Chúa tuyển chọn để lắng nghe thánh ý. Để nói lời Thiên Chúa. Để “lựa lời nâng đỡ những ai rã rời kiệt sức”. Nhưng để thi hành ý Chúa, người tôi trung phải chấp nhận đau khổ: “Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ”. Trong đau khổ người tôi trung hoàn toàn phó thác tin tưởng. Vì “có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, vì thế, tôi đã không hổ thẹn…Này, có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, ai còn dám kết tội”?

Hình tượng người tôi trung hoàn thành nơi Chúa Giê-su.

Chúa Giê-su là Ngôi Lời. Được Chúa Cha sai xuống trần để nói lời Thiên Chúa với nhân loại. Người không nói lời gì ngoài những gì đã nghe nơi Chúa Cha. Để nhân loại biết thánh ý Chúa Cha. Để nhân loại được ơn cứu độ.

Người đến “nâng đỡ những ai rã rời kiệt sức”. Nên đi tìm con chiên lạc. An ủi những ai sầu khổ. “Bổ sức cho những ai vất vả gồng gánh nặng nề”. Chữa lành bệnh tật. Xua trừ ma quỉ.

Vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết”. Biết rằng “thời đã đến”. Nên Người chủ động đi vào cuộc khổ nạn. Bằng chủ động chuẩn bị ăn lễ Vượt Qua. Người trở thành con chiên vượt qua mới. Chịu sát tế để cứu chuộc nhân loại.

Ngài chịu sát tế bằng những phản bội của môn đệ. Giu-đa vẫn đang “tìm dịp thuận tiện để nộp Đức Giê-su”. Ngài không né tránh. Nhưng trực diện: “Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy”. Thật đau đớn vì đó chính là kẻ thân tín, cùng ăn, cùng ở với Thầy: “Kẻ giơ tay chấm chung một đĩa với Thầy, đó là kẻ nộp Thầy”. Và nói thẳng với Giu-đa: “Chính anh nói đó”. Trong cuộc hành hình, Người cũng như người tôi trung của I-sai-a, “đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu”. Và còn hơn thế, Người chịu vác thánh giá. Chịu đóng đinh giữa hai tên trộm cướp. Chịu chết tức tưởi. Người trung tín đến cùng. Người yêu thương đến cùng. Người vâng phục đến cùng.

Tiến sâu vào cuộc khổ nạn, ta hãy xin Chúa giúp sức. Để ta không phản bội như các môn đệ. Không thay lòng đổi dạ như đám đông. Để ta trung tín với Chúa. Cả trong những khổ sở đau đớn. Để ta cũng trở thành tôi trung của Chúa. Trong xã hội đầy gian dối, lừa lọc hôm nay.

 

THƯA THẦY, CÓ PHẢI CON KHÔNG?

(Lm. Vinhson Ngọc Biển SSP)

Trong cuộc sống, không ai thoát được đau khổ. Tuy nhiên, có nhiều loại đau khổ. Đau khổ nhất vẫn là sự phản bội của chính người mà chúng ta đã từng ra tay nâng đỡ...!

Hôm nay, thánh sử Mátthêu cũng gợi lại cho chúng ta tấm thảm kịch bi thương khi họa lại khung cảnh của một bữa tiệc cuối cùng của Thầy Giêsu với các môn sinh của mình, để rồi chính trong bữa ăn thân tình và huynh đệ này lại diễn ra một sự phản bội trắng trợn của ngay học trò Giuđa, kẻ đã được tin tưởng trao cho trách vụ quản lý. Tệ hơn nữa, âm mưu này lại bị hắn che lấp bằng câu hỏi: "Rápbi, (thưa Thầy) chẳng lẽ con sao?" Ngay sau lời loan báo về sự phản bội của Đức Giêsu: “Thầy nói thật với các con, có một người trong các con sẽ nộp Thầy”.

Nếu các môn đệ khác khi hỏi cùng câu hỏi như Giuđa, thì trong tâm hồn của các ông là lo lắng, buồn rầu và đau đớn, còn Giuđa thì không, bởi hắn đã dùng hình thức này nhằm đánh lạc hướng để mọi người không còn nghi ngờ về hành vi bỉ ổi của hắn và để hắn dễ bề hành động. Chính vì thế mà làm cho Đức Giêsu trong tư cách là người thi ân giáng phúc, là thầy, là Thiên Chúa càng thêm đau khổ!

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay dạy cho chúng ta những bài học sau:

Trước tiên, chúng ta hãy xác định rõ mục đích của cuộc đời mình, đó là đi tìm hạnh phúc chứ không phải danh, lợi, thú, để rồi vỡ mộng như Giuđa khi xưa mà dẫn đến thất vọng và lựa chọn hành vi phản thầy.

Thứ hai, tin và theo Chúa không có nghĩa là thoát khỏi đau khổ, nhưng điều quan trọng là thấy được ý nghĩa, giá trị của khổ đau.

Thứ ba, khi chọn Chúa là gia nghiệp, lý tưởng, chúng ta chỉ thấy được hạnh phúc sau khi đã hoàn thành hành trình theo Ngài trên dương thế mà thôi. Họa hiếm mới có được ân phúc này khi còn bình sinh.

Trong những ngày cuối cùng của Mùa Chay này, xin Chúa ban cho chúng ta ý thức được căn tính và mục đích của cuộc đời, từ đó biết hiệu chỉnh lương tâm và những lựa chọn sao cho phù hợp với vai trò môn đệ của Đức Giêsu.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho mỗi người chúng con biết mặc lấy tâm tình của mười một môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay, đừng như Giuđa, mà làm cho Chúa phải đau buồn. Amen.

 

GIUĐA MƯU PHẢN

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

“Cả người thân con hằng tin cậy,

Đã cùng con chia cơm sẻ bánh,

Mà nay cũng giơ gót đạp con”.

Thánh vịnh 40 là một trong những lý do mà các kitô hữu tiên khởi đưa ra trong cố gắng tìm hiểu về biến cố Giuđa phản bội: “Khi ấy một trong nhóm mười hai tên là Giuđa Iscariot đi gặp các Thượng tế mà nói: “các ngài cho tôi bao nhiêu, tôi sẽ nộp ông ấy cho các ngài”.

Bối cảnh của bài Tin Mừng hôm nay là Lễ Vượt Qua cuối cùng Chúa Giêsu cử hành với các môn đệ. Mỗi năm người Do Thái thời Chúa Giêsu long trọng mừng lễ Vượt Qua để tưởng niệm biến cố Thiên thần Chúa vượt qua cửa nhà người Do Thái có bôi máu chiên để không giết con đầu lòng của họ, khởi đầu cho cuộc giải phóng họ khỏi ách nô lệ và khai mào cuộc xuất hành tiến về Đất Hứa. Chúa Giêsu đã có ý định dùng môi trường và ý nghĩa của lễ Vượt Qua này để thiết lập Thánh Thể, nói lên ý nghĩa Ngài là Con Chiên mới sẽ hiến thân chịu chết và đổ máu trên Thập giá để giải phóng và cứu rỗi không những dân Do Thái, mà cả nhân loại. Nhưng soạn giả Matthêu không che dấu một biến cố khác xẩy ra cùng lúc với ngày trọng đại này đó là Giuđa, một trong nhóm mười hai mưu phản Thày. Đấy là biến cố gây chấn động dữ dội nơi cộng đoàn kitô tiên khởi chính vì cố đưa ra để tìm hiểu những bí ẩn bên trong dẫn đến ý định bán nộp Thày cho Giuđa. Ngoài lý do tìm thấy trong câu Tv 40 mang ý nghĩa tôn giáo, người ta cũng phân tách con người Giuđa được các soạn giả bốn sách Tin Mừng nhận xét, là con người tham lam, biển lận, ăn cắp của chung. Có người còn cho rằng Giuđa thuộc một đảng chính trị quá khích chủ trương dùng bạo lực để chống lại ách đô hộ của người Rôma; y theo Chúa Giêsu vì thấy Ngài có quyền năng làm nhiều phép lạ hy vọng Ngài sẽ dùng quyền năng đó để đánh đuổi ngoại xâm. Giuđa thất vọng khi thấy Ngài chọn con đường dẫn tới cái chết Thập giá để kết thúc sự nghiệp giải phóng và cứu rỗi của Ngài. Chính sự thất vọng ấy đưa đến bất mãn, và quyết định nộp Thày. Có người chủ trương rằng Giuđa không có ý định giết chết Chúa Giêsu, nhưng qua việc giải nộp Ngài trong tay quân Rôma, Giuđa hy vọng dồn Ngài vào chân tường, buộc Ngài phải chống cự để tự vệ và do đó đánh đuổi quân Rôm ra khỏi bờ cõi. Nếu như thế ngoài tội nộp Thày phản bạn, Giuđa còn vấp phải một lầm lỗi khác là muốn cưỡng bách Chúa Giêsu hành động theo ý riêng mình.

Để hiểu trọn ý nghĩa bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta không thể dừng lại ở những lỗi lầm của Giuđa, nhưng cần phải hội tụ chú ý vào vai chính là Chúa Giêsu. Trước tiên ngài cố gắng đến cùng để cảnh tỉnh và giải thoát Giuđa khỏi những ý nghĩ mù quáng và đen tối: vì thế Ngài đã cảnh cáo ý bằng một lời mạnh mẽ: “Con Người ra đi như đã viết về Ngài, nhưng khốn cho người đó, kẻ làm cho Con Người bị nộp. Thà rằng người ấy đừng sinh ra thì hơn”. Rồi Chúa Giêsu cũng gọi đích danh Giuđa là người sẽ nộp Ngài. Nhưng lời cảnh cáo và sự vạch mặt chỉ tên đó cũng không làm cho Giuđa tỉnh thức và cũng không ngăn cản y tự nhảy xuống vực thẳm tội lỗi. Tuy nhiên, mặc cho hành động phản bội của Giuđa, Chúa Giêsu vẫn tiến hành việc lập Bí tích Thánh Thể, dấu chỉ của lòng yêu thương đến cùng. Tình yêu đáp lại tình yêu là chuyện thường tình, nhưng tình yêu đáp lại hận thù mới là hành động của một vĩ nhân.

Xin Chúa đánh động tâm hồn chúng ta, để chúng ta tiến vào ba ngày thánh tưởng niệm việc lập Bí tích Thánh Thể, cuộc khổ nạn và cái chết trên Thập giá của Chúa, để Mùa chay này thực sự biến đổi con tim và cuộc sống của chúng ta.

 

bài liên quan mới nhất

Các bài Suy niệm Lễ Chúa Ba Ngôi – Năm B

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng