Thứ Tư tuần IV Mùa Chay: Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì Tôi cũng làm việc

“Chúa Cha cho người chết sống lại và làm cho họ sống thế nào, thì Chúa Con cũng vậy, Người làm cho ai sống là tuỳ ý Người”. 

Lời Chúa: Ga 5, 17-30

Khi ấy, Chúa Giêsu trả lời dân Dothái rằng: “Cha Ta làm việc liên lỉ, Ta cũng làm việc như vậy”. Bởi thế, người Dothái càng tìm cách giết Người, vì không những Người đã phạm luật nghỉ ngày Sabbat, lại còn gọi Thiên Chúa là Cha mình, coi mình ngang hàng với Thiên Chúa. Vì thế, Chúa Giêsu trả lời họ rằng:

“Quả thật, quả thật, Ta nói cho các ngươi biết: Chúa Con không thể tự mình làm gì nếu không thấy Chúa Cha làm. Ðiều gì Chúa Cha làm, thì Chúa Con cũng làm y như vậy. Vì chưng, Chúa Cha yêu Chúa Con và bày tỏ cho Chúa Con biết mọi việc mình làm, và sẽ còn bày tỏ những việc lớn lao hơn thế nữa, đến nỗi các ngươi sẽ phải thán phục.

Bởi vì, cũng như Chúa Cha cho người chết sống lại và làm cho họ sống thế nào, thì Chúa Con cũng vậy, Ngài làm cho ai sống là tuỳ ý Ngài. Vì hơn nữa, Chúa Cha không xét xử ai cả, mà trao cho Chúa Con trọn quyền xét xử, để cho mọi người tôn trọng Chúa Con cũng như tôn trọng Chúa Cha: ai không tôn trọng Chúa Con thì không tôn trọng Chúa Cha, Ðấng đã sai Ngài.

Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: Ai nghe lời Ta và tin Ðấng đã sai Ta, thì được sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng được từ cõi chết mà qua cõi sống.

Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi, vì đến giờ và ngay bây giờ, kẻ chết nghe tiếng Con Thiên Chúa, và ai đã nghe thì sẽ được sống. Cũng như Chúa Cha có sự sống nơi chính mình thế nào, thì Người cũng cho Chúa Con có sự sống nơi mình như vậy, và Người đã ban cho Chúa Con quyền xét xử, vì Ngài là Con Người. Các ngươi đừng ngạc nhiên về điều này, vì đến giờ mọi kẻ trong mồ sẽ nghe tiếng Con Thiên Chúa và ra khỏi mồ; kẻ đã làm việc lành thì sống lại để được sống, còn kẻ đã làm việc dữ thì sống lại để bị xét xử. Ta không thể tự mình làm điều gì. Nghe sao, Ta xét xử vậy.

Và án Ta xử thì công minh, vì Ta không tìm ý riêng Ta, mà tìm ý Ðấng đã sai Ta”.

SUY NIỆM

1. Chân lí ngôi vị

Để biện minh cho cung cách ứng xử và hành động của mình, người Dothái và Đức Giêsu đều nói mình thuộc về Thiên Chúa và đều nhân danh Thiên Chúa. Người Dothái dựa vào hai yếu tố khách quan gần như tuyệt đối bất khả xâm phạm, đó là luật Sabát, vốn là trung tâm của Mười Điều Răn, và là luật do chính Thiên Chúa lập ra để tưởng nhớ Ngày Thứ Bảy được chúc lành và thánh hóa trong công trình sáng tạo và biến cố Ngài giải phóng dân khỏi kiếp nô lệ (x.Xh 20 và Đnl 5); và yếu tố thứ hai còn quan trọng hơn, đó chính là sự siêu việt tuyệt đối của Thiên Chúa; và vì là siêu việt tuyệt đối, không ai được phép tự coi mình là ngang hàng.

Còn Đức Giêsu thì không dựa vào những yếu tố ngoại tại nào khác, chẳng hạn Lề Luật, bản văn Kinh Thánh xét như chữ viết hay suy tư thần học, mà chỉ dựa vào Điều Người Là trong sự thật: đó là tương quan duy nhất và đồng nhất của Ngài với Thiên Chúa mà Ngài gọi là Cha: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc”; “Chúa Cha yêu Người Con…Kẻ nào không tôn kính Người Con, thì cũng không tôn kính Chúa Cha, Đấng đã sai Người Con”.

Vậy thì ai chân thật, ai không chân thật ? Xem ra, người Dothái có lí hơn, vì Luật Sabát là luật thành văn, có thể mở sách ra kiểm chứng; và sự siêu việt của Thiên Chúa cũng là lời tuyên xưng đức tin của mọi người, vừa có thể kiềm chứng nơi Sách Thánh và vừa phù hợp với những suy tư về Thiên Chúa. Còn những gì Đức Giêsu nói về căn tính “Người Con” của Ngài, về tương quan duy nhất và đồng nhất của Ngài với Thiên Chúa, thì chẳng tìm thấy dẫn chứng trong bất cứ văn bản nào (văn bản Kinh Thánh của người Dothái thời đó) và cũng không thể là kết quả của bất cứ suy tư “thần học” nào! Chính vì thế, trong trường hợp này cũng như trong những trường hợp khác, khi tranh luận với người Dothái về căn tính của mình trong tương quan với Thiên Chúa, nhất là khi Ngài nói, mình là “Bánh Hằng Sống từ trời xuống” (x.Ga 6), Ngài chỉ khẳng định mình “một cách không không” như thế thôi, và không dựa vào bất cứ dẫn chứng hay dấu lạ ngoại tại nào.

Tại sao vậy? Đơn giản vì đó là chân lí liên quan đến ngôi vị không có bằng chứng nào khác ngoài chính mình. Một kinh nghiệm đời thường có thể giúp chúng ta hiểu phần nào: để nhìn nhận “chân lí” của trái soài là vừa thơm và vừa ngon, thì trái soài không có bằng chứng nào khác ngoài chính mình, với lời mời gọi: “Hãy ăn tôi đi”! Để cảm nếm trái soài, chúng ta không thể tra cứu sách vở vì chân lý của trái soái không phải là đối tượng của kiến thức. Vì thế, chúng ta không có cách nào khác ngoài việc “áp dụng ngũ quan”, nghĩa là “nhìn, nghe, ngửi, nếm và đụng”, để cấm lấy và  thưởng thức, qua đó đón nhận và sống với, thậm chí sống nhờ và sống bởi. Và cũng như vậy đối với ngôi vị của Đức Giêsu trong tương quan với Thiên Chúa là Cha và đối với sự sống của con người.

Hiểu như thế, trong đời sống chung, chúng ta sẽ tìm lại được bình an và tự do đối với tất cả những cảm xúc, lời nói và thái độ không đúng về bản thân chúng ta; bởi vì “chân lí ngôi vị không có bằng chứng nào khác ngoài chính mình”. Chúng ta được mời gọi cảm nếm sự bình an và sự tự do của Đức Giêsu, khi Ngài bị “bao phủ” bởi biết bao tâm tình, lời nói và hành động vu cáo, sỉ nhục và lên án trong cuộc đời và nhất là trong cuộc Thương Khó của Người.

2. Dấu chỉ sự sống dư tràn

Tuy nhiên vẫn còn một cách thức giúp chúng ta tin nhận ra ai thuộc về Thiên Chúa và đến từ Thiên Chúa. Đó là phương pháp “phân định thiêng liêng”, ngang qua dấu chỉ “sự sống” và nhất là dấu chỉ “sự sống dư tràn”. Loài người chúng ta dường như thích sòng phẳng hơn, sống với Thiên Chúa theo qui tắc “ngang bằng” của Lề Luật, mà hình ảnh là cái cân và nghĩ Thiên Chúa cũng “phải theo” qui tắc ngang bằng. Nếu là như thế, Thiên Chúa không còn là Thiên Chúa nữa, vì Lề Luật lớn hơn Thiên Chúa, ở trên và chi phối cách hành xử của Thiên Chúa!

Dấu chỉ diễn tả căn tính thần linh của Thiên Chúa là dấu chỉ “sự sống dư tràn”, bởi vì Người là tình yêu; và dấu chỉ này hiện diện tràn ngập trong các sách Tin Mừng kể về lời nói, hành động và cách hiện diện của Đức Giêsu:

  • Mưa nắng được ban không phân biệt; người gieo giống ra đi gieo giống và gieo cách quảng đại; sinh hoa kết quả gấp trăm; làm một giờ cũng được một đồng như người làm cả ngày; mục tử bỏ chín mươi chín con chiên lại đi tìm một con chiên lạc; người cha nói với mọi người: “Con ta đã chết nay sống lại”; người chủ chạnh lòng thương tha mười ngàn yến vàng; chủ vườn nho sai luôn người duy nhất yêu dấu…
  • Sáu chum nước đầy trở thành rượu ngon, ai nấy được ăn và được ăn no nê trong hoang địa, và dư với số lượng lớn: mười hai thùng bánh đầy, cùng với cá con dư; mẻ cá lạ; chữa bệnh nhưng không, chữa bệnh bởi lòng tin của người khác; chữa bệnh gắn liền và hướng tới tha tội…
  • Nước hằng sống; từ bỏ thì nhận lại gấp trăm; tha thứ bảy mươi lần bảy; “tội nhiều, nhưng được tha nhiều”; không dùng bạo lực chống bạo lực, yêu kẻ thù…

Và mọi dấu chỉ “sự sống dư tràn” đều hướng tới và được hoàn tất bởi dấu chỉ Mầu Nhiệm Vượt Qua: tình yêu đến cùng được thể hiện nơi hành vi rửa chân, nơi bí tích Thánh Thể và nơi mầu nhiệm Thập Giá; từ đau khổ và sự chết tột cùng chuyển hóa thành niềm vui và sự sống viên mãn. Bởi vì Thiên Chúa là nguồn sự sống viên mãn và dư tràn, là Thiên Chúa của sự sống viên mãn và dư tràn. Và từ nguyên tắc này, chúng ta có thể áp dụng cho mọi trường hợp khác, mỗi khi chúng ta băn khoăn về một hiện tượng hay một lựa chọn, ngoại tại hay nội tại, có đến từ Thiên Chúa hay không, có hợp với Thiên Chúa hay không, có đẹp lòng Thiên Chúa hay không, có phải là “Ý Chúa” hay không, có làm Thiên Chúa vui thích hay không, có làm vinh Danh Chúa hay không?

Người Dothái nhân danh Thiên Chúa, nhưng mà nhân danh Thiên Chúa để giết người, hay để gieo bầu khí sợ hãi, chết chóc khi xét đoán, lên án và ra án phạt. Khi huấn luyện đức tin, người ta vẫn hay gieo sự sợ hãi vào tâm trí trẻ thơ như thế ! Làm như thế, người ta đã gieo một hình ảnh lệch lạc về Thiên Chúa vào tâm hồn trẻ thơ, vốn là tình yêu và chỉ là tình yêu mà thôi. Chúng ta không thể sống với ai một cách bền vững trong sự sợ hãi được, theo nguyên tắc thưởng phạt được. Thiên Chúa là sự sống và chỉ là sự sống mà thôi, như Đức Giêsu nói: Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi ban con một của Ngài…” (Ga 3, 16); “Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (10, 10). Thực vậy, như Đức Giêsu nói trong bài Tin Mừng, tương quan của Đức Giêsu với Thiên Chúa là để và chỉ để thông truyền sự sống mà thôi: “Chúa Cha làm cho kẻ chết trỗi dậy và ban sự sống cho họ thế nào, thì người Con cũng ban sự sống cho ai tuỳ ý”.

3.  Trong Đức Kitô, không còn lên án nữa

Đức Giêsu cũng nói về xét xừ. Nhưng không phải là xét xử mọi người. Vì Ngài nói: “Thật, tôi bảo thật các ông: ai nghe lời tôi và tin vào Đấng đã sai tôi, thì có sự sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi sống”. Và thánh Phaolô cũng nói: “Những ai ở trong Đức Kitô, thì không còn bị lên án nữa” (Rm 8, 1). Đơn giản là vì, Ngài không thể xét xử những người thuộc về Ngài, không thể xét xử người thân của Ngài, anh chị em của Ngài, “người nhà” của Ngài. Hơn nữa, ai lựa chọn bóng tối, sự dữ, sự chết, thì đã tự xét xử và lên án mình rồi, đã thuộc về chúng rồi, đã “sống chết” với chúng rồi. Như Đức Giêsu nói: ai không tin vào Con Người, thì đã bị xét xử rồi. Hơn nữa, Ngài là sự sống, Ngài không thể lên án tử cho bất cứ ai. Quyền năng, sức mạnh và cách xét xử của Ngài, là cung cách của Ánh Sáng, ánh sáng đi tới đâu, bóng tối rút lui và tiêu tan đến đó, một cách “tự nhiên”! Đó là ý nghĩa sâu xa của lời Thánh Vịnh, loan báo mầu nhiệm Vượt Qua:

Cho bọn ác nhân mắc bẫy chính chúng gài,
còn con đây thì được thoát khỏi 
(Tv 141, 10)[1]

*  *  *

“Ai tin vào Thầy, thì dù có chết, cũng sẽ sống”. Xin cho chúng ta xác tín sâu sa điều này, và xác tín đến độ không bao nghi ngờ về tình yêu, lòng thương xót và quyền năng dẫn đưa chúng ta đến sự sống của Chúa. Và không chỉ lúc chết, nhưng cả những lúc chúng ta gặp khó khăn, thử thách, bế tắc, ngõ cụt, hoàn cảnh éo le, những tình huống bi đát, những tai họa của mình hay của những người thân yêu. Bởi vì,

Đường của Chúa băng qua biển rộng,
lối của Ngài rẽ nước mênh mông,
mà chẳng ai nhận thấy vết chân Ngài
(Tv 77, 20).

Cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần
hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai,
hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm
hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác,
không có gì tách được chúng ta ra khỏi
tình yêu của Thiên Chúa thể hiện
nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta
(Rm 8, 38-39).

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

[1]Câu này bị cắt bỏ trong sách CGKPV; nhưng chúng ta không nhận ra điều này, vì câu này là câu cuối cùng của Tv 141. Tuy nhiên, câu Thánh Vịnh này lại soi sáng cho chúng ta hiểu được ý nghĩa mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Giêsu! Nơi mầu nhiệm Vượt Qua, Sự Dữ để cho mình bị lộ chân tướng, khi kết án Đức Giêsu nhân danh Lề Luật; đồng thời cũng nơi mầu nhiệm Vượt Qua, Sự Thiện thần linh nơi Đức Kitô rạng ngời, như Ánh Sáng đánh tan bóng tối.   
 

bài liên quan mới nhất

Ngày 28/4: Thánh Phêrô Channe – Linh mục, tử đạo (1803-1841)

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng