Thứ Tư Tuần II Mùa Vọng, Thánh Amrôxiô, giám mục

THỨ TƯ TUẦN II MÙA VỌNG

Thánh Amrôxiô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.

"Hãy đến với Ta, hỡi những ai vất vả cực nhọc".

* Thánh Amrôxiô chào đời ở Trêvêrô khoảng năm 340 trong một gia đình người Rôma. Thánh nhân theo học ở Rôma và bắt đầu sự nghiệp hiển hách ở Xiếcmiô.

Năm 374, lúc đang ở Milanô, thánh nhân bất ngờ được bầu làm giám mục và được tấn phong ngày 7 tháng 12. Người trung thành thi hành bổn phận, nổi bật nhất về lòng bác ái đối với mọi người. Đối với các tín hữu, người vừa là mục tử, vừa là tôn sư. Người đã can đảm bênh vực các quyền của Hội Thánh, người vừa viết lách, vừa hoạt động để bênh vực giáo lý đức tin chân thật, chống lại những người theo phái Ariô. Người qua đời thứ bảy tuần thánh, ngày 07 tháng 04 năm 397.

LỜI CHÚA: Mt 11, 28-30

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: Hãy đến với Ta tất cả, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi. Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an.

Vì ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng.

GIÊSU THIÊN CHÚA NÂNG ĐỠ

(ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)

Kiếp sống con người thật vất vả. Tác giả Thánh vịnh nói cuộc đời con người “phần lớn là gian lao khốn khổ” khi sống trong “thung lũng nước mắt”. Không phải chỉ có đau khổ, nhưng còn những gánh nặng: gánh nặng sự sống, gánh nặng bổn phận, nhất là gánh nặng tội lỗi. Isaia cho biết tự sức con người không gánh nổi đời mình. Vì kiếp người quá vất vả gian lao. Đến nỗi “thanh niên thì mệt mỏi, nhọc nhằn, trai tráng cũng ngả nghiêng, lảo đảo”.

Phải đến với Chúa vì “những người cậy trông Đức Chúa thì được thêm sức mạnh. Như thể chim bằng, họ tung cánh. Họ chạy hoài mà không mỏi mệt”.

Hôm nay Chúa Giêsu khẳng định: “Hãy đến với Ta, hỡi tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho”.

Chúa Giêsu mời gọi ta đến với Chúa vì chính Chúa đã đến với ta. Như Chúa đã chấp nhận gánh nặng nhân loại, Chúa mời gọi ta hãy chấp nhận gánh nặng của bản thân, của tội lỗi, của trách nhiệm của ta.

Chúa Giêsu mời gọi ta đến với Chúa để Chúa bổ sức cho ta. Sức riêng ta không vác nổi gánh nặng. Nhưng có sức của Chúa ta sẽ mạnh mẽ như Isaia đã loan báo: “Những người cậy trông Đức Chúa thì được thêm sức mạnh”.

Chúa Giêsu mời gọi ta đến với Chúa để thăng hoa thánh giá đời ta khi không coi đó là ách giữa đàng, nhưng coi đó là ách của Chúa. Ách của Chúa là tình yêu. Tình yêu có sức biến đổi lạ lùng. Ách nặng nề sẽ trở nên ngọt ngào nhẹ nhàng khi ta gánh vác với tình yêu mến.

Mùa Vọng đã qua đi được một nửa, cuộc chờ đợi còn kéo dài, cuộc thanh luyện càng quyết liệt, nhưng ta hãy an tâm tiếp tục lên đường, vì Chúa hằng theo dõi bước đường của ta, Chúa hằng ban ơn trợ giúp ta, và nhất là Chúa Giêsu cùng đi với ta, cùng chia sẻ gánh nặng với ta. Thật là một chặng đường gian khổ nhưng đầy ngọt ngào vì có Chúa và được cùng Chúa chia sẻ.

HÃY MANG LẤY “ÁCH” VÀ “GÁNH” CỦA ĐỨC GIÊSU

(Lm. Vinhsơn Ngọc Biển SSP)

“Anh em hãy mang lấy ách của tôi ...”. Đây chính là lời mời gọi của Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay. Ngài lên tiếng mời gọi những ai muốn theo Ngài thì cũng phải mang lấy “ách” và “gánh” của Ngài.

Tuy nhiên, “ách” và “gánh” của Đức Giêsu thì hoàn toàn khác với “ách” và “gánh” của các Rapbi Dothái. Nếu “ách” và “gánh” của các thầy Dothái là những lề luật khắt khe và vụ hình thức, thì “ách” và “gánh” của Đức Giêsu lại trở nên êm ái và nhẹ nhàng. Bởi vì “ách” và “gánh” của Ngài cũng chính là đạo lý, cốt lõi Tin Mừng. Thế nên, hệ quả của “ách” và “gánh” đó chính là trở nên hiền lành và khiêm nhường trong lòng.

Như vậy, khi mang “ách” và “gánh” của Đức Giêsu, ấy là chúng ta tin Ngài để trở thành môn đệ. Trở thành môn đệ của Đức Giêsu thì phải trở nên giống như Ngài ở điểm khiêm nhường. Đồng thời học cho biết và sống sự hiền lành với tha nhân.

Nếu một khi chúng ta sống những đặc tính ấy của Đức Giêsu trong lòng mến, thì hẳn chúng ta sẽ được thanh thản và tâm hồn chúng ta sẽ được an vui bình an, nghỉ ngơi bồi dưỡng.

Ngày hôm nay, con người đang bị cơn lốc của kinh tế thị trường, của ăn chơi hưởng thụ, của những chân lý nửa vời lôi cuốn ..., nên họ muốn cho mình được thoát ly khỏi Thiên Chúa. Nhưng khi họ đã mời Chúa đi chỗ khác, thì ngay lập tức, cuộc đời của họ trở nên trống rỗng, cô đơn, bất an và đau khổ .... Họ mong muốn được tự do, nhưng thực ra, con người đang trở thành nô lệ của những thứ mau qua chóng hết.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy mang lấy “ách” và “gánh” của Đức Giêsu chính là từ bi, nhân hậu, hiền hòa, khiêm nhường, là những hy sinh, từ bỏ, và sẵn sàng vác Thập Giá hằng ngày mà đi theo Chúa. Sống mến Chúa trên hết mọi sự và yêu tha nhân như chính mình. Làm mọi việc thiện vì lòng yêu mến Chúa. Tránh kiêu ngạo, hình thức, vụ lợi. Không vì luật mà bỏ qua tình Chúa, tình người để rồi bất nhân với nhau.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con được trở thành môn đệ thực sự của Chúa khi mang trong mình và sống tinh thần của Chúa trong cuộc sống hằng ngày. Amen.

NHỮNG AI KHÓ NHỌC HÃY ĐẾN VỚI TA

(Radio Veritas Asia)

Sách "Liệt Tử" có câu truyện như sau:

Nước Tống có một người đã đứng tuổi tự nhiên mắc phải chứng bệnh quên lãng. Buổi sáng lấy gì của ai, buổi chiều đã quên. Hôm nay ai cho cái gì ngày mai lại chẳng nhớ. Ra đường quên cả đi, về nhà quên cả ngồi. Trước đã làm gì và bây giờ đang làm gì đều quên hết, sau này cũng chẳng nhớ. Cả nhà rất lo lắng về bệnh tình của anh nên đã mời thầy thuốc, chạy đủ hết mọi cách mà cũng chẳng khỏi.

Sau đó có ông thầy đồ người Lỗ nói rằng là tôi chữa được.

Người bệnh hứa với ông đồ: Hễ chữa được bệnh sẽ chia cho ông một phần gia tài.

Trước khi trả lời đáp ứng nhận chữa bệnh, ông đồ dùng nhiều cách thức khác nhau để tìm hiểu khả năng trí nhớ của người bệnh này. Trước hết ông đồ thử bằng cách lột áo của người bệnh để rét lạnh thì thấy anh ta xin áo. Bỏ đói không cho ăn thì anh ta xin ăn. Ðem anh ta vào chỗ tối tăm thì anh ta xin ra chỗ sáng. Sau đó ông đồ mới nhận lời chữa bệnh. Chẳng biết ông đồ chữa thế nào mà sau bảy ngày anh ta đã hết bệnh và trở lại bình thương.

Tuy nhiên, khi đã tỉnh táo như thường thì anh ta lại nổi giận, chửi vợ đánh con, cầm dao rượt đuổi ông đồ.

Người ta bắt giữ anh ta lại hỏi: Tại sao anh lại giận dữ như vậy?

Anh ta trả lời: Lúc trước tôi mắc bệnh quên thì lòng tôi thảnh thơi khoan khoái, trời đất có còn hay không tôi cũng chẳng cần biết. Nay tôi lành bệnh, tôi nhớ lại tất cả những chuyện của mấy mươi năm về trước như chuyện buồn, vui, yêu, ghét, thành công, thất bại, lòng tôi trở nên bối rối, ngổn ngang trăm mối. E rằng sau này các việc ấy cứ bám cứng lấy tâm trí tôi thì dù cho muốn quên chúng đi trong một giây, một phút liệu tôi có được như ý muốn hay không?

Anh chị em thân mến!

Nhìn một người điên, người mất trí, có kẻ chép miệng khen người ấy hạnh phúc, vì chẳng có gì phải lo âu phiền muộn. Thế nhưng nếu hỏi lại những người vừa buông lời khen này xem họ có muốn trở thành người hạnh phúc kiểu như vậy không? Chắc chắn họ sẽ trốn chạy trước câu trả lời, vì đã làm người thì chẳng ai muốn mình được gọi là kẻ ngây ngô, không nhớ, không biết chuyện gì. Không muốn bị gọi là kẻ ngây ngô thì con người lại phải đối đầu với lo âu, phiền muộn, nóng giận, đau khổ, chúng là gánh nặng của thuyết nhân sinh.

Mở mắt chào đời lúc ngửa tay đón nhận sự sống thì cũng là lúc con người phải mang lấy gánh nặng nề. Bởi thế, không ít kẻ dám đánh đổi tất cả để tìm kiếm một chút thú vui để được quên trong chốc lát, có kẻ tìm quên trong sợi khói phù du, có người tìm quên trong men say trác táng, rồi cũng tìm được thú vui trong chốc lát. Nhưng rồi sau những phút giây ngán ngủi ấy, thực tế lại trở nên nặng nề hơn, gánh nặng cuộc đời càng xúi giục sâu hơn.

Lại cũng có những triết thuyết như vô cảm, vô vị, vô sắc chỉ giúp con người giải thoát lo âu vướng bận của cuộc sống, thực hiện những hướng dẫn đó thật là một thái độ lý tưởng cho những ai muốn kiếm tìm sự bình an. Thực tế trong cuộc sống thử hỏi mấy ai hiểu được điều này, vì cuộc sống con người gắn liền với cái cảm tính lo âu, nóng giận, buồn phiền ...có tránh cũng chẳng thoát, khó nhọc và gánh nặng là thân phận của kiếp sống con người.

Về phần Chúa Giêsu, cảm thông với phận kiếp làm người nên khi đến cứu chuộc trần gian Ngài đã nhận một cuộc đời lam lũ ở làng quê Nazareth. Và qua bài Tin Mừng hôm nay, Ngài kêu gọi những ai khó nhọc và gánh nặng hãy đến với Ngài, nếu luật lệ Do Thái đã bị các luật sĩ và biệt phái biến thành chiếc ách kìm kẹp dân Chúa. Hãy đến với Ngài, nếu đau khổ của kiếp nhân sinh như chiếc gánh đè nặng trên vai con người. Ðến với Ngài không phải để được cất khỏi những điều ấy. Vì Ngài đến không phải để hủy bỏ lề luật, nhưng là để kiện toàn lề luật và làm cho ách trở nên êm ái và gánh trở nên nhẹ nhàng.

Lề luật phải được giữ trong tinh thần và sự thật. Lề luật giải phóng con người và đau khổ là con đường dẫn đến vinh quang. Gánh trở nên nhẹ nhàng vì từ nay con người không phải một mình mang lấy đau khổ nhưng đã có người chia sẻ cảm thông. Dân tộc Do Thái đã hằng mong mỏi chở Ðấng Cứu Thế đến, vì khi Ngài đến Ngài sẽ lau khô mọi giọt lệ trên khuôn mặt và kẻ nhọc mệt sẽ được Ngài nâng đỡ bổ sức.

Sống trong tâm tình mùa vọng, mùa trông đợi, ước mong rằng mỗi người trong chúng ta cũng sẽ tìm đến với Chúa Giêsu, Ðấng Cứu Thế để được Ngài an ủi, nâng đỡ, bổ sức và đồng thời học nơi Ngài tâm tình biết chia sẻ cảm thông với người khác. Vì mang kiếp phận con người chẳng ai tránh khỏi khó nhọc và gánh nặng, nhưng khó nhọc sẽ bớt khi được người chia sẻ, gánh nặng sẽ vơi khi có kẻ cảm thông.

bài liên quan mới nhất

Thánh Catherine Thành Siena: Đặc sủng Chữa Lành và Hộ Giáo

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng