THỨ TƯ TUẦN 29 THƯỜNG NIÊN
"Người ta đã ban cho ai nhiều, thì sẽ đòi lại kẻ ấy nhiều".
Lời Chúa: Lc 12, 39-48
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con hãy hiểu biết điều này, là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, ắt sẽ tỉnh thức, không để nó đào ngạch nhà mình. Cho nên các con hãy sẵn sàng: vì giờ nào các con không ngờ, thì Con Người sẽ đến".
Phêrô thưa Người rằng: "Lạy Thầy, Thầy nói dụ ngôn đó chỉ về chúng con hay về mọi người?" Chúa phán: "Vậy con nghĩ ai là người quản lý trung tín khôn ngoan mà chủ đã đặt coi sóc gia nhân mình, để đến giờ phân phát phần lúa thóc cho họ? Phúc cho đầy tớ đó, khi chủ về, thấy nó đang làm như vậy. Thầy bảo thật các con, chủ sẽ đặt người đó trông coi tất cả gia sản mình. Nhưng nếu đầy tớ ấy nghĩ trong lòng rằng: "Chủ tôi về muộn", nên đánh đập tớ trai tớ gái, ăn uống say sưa: chủ người đầy tớ ấy sẽ về vào ngày nó không ngờ, vào giờ nó không biết, chủ sẽ loại trừ nó, và bắt nó chung số phận với những kẻ bất trung. Nhưng đầy tớ nào đã biết ý chủ mình mà không chuẩn bị sẵn sàng, và không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. Còn đầy tớ nào không biết ý chủ mình mà làm những sự đáng trừng phạt, thì sẽ bị đòn ít hơn. Vì người ta đã ban cho ai nhiều, thì sẽ đòi lại kẻ ấy nhiều, và đã giao phó cho ai nhiều, thì sẽ đòi kẻ ấy nhiều hơn".
TRUNG TÍN VÀ KHÔN NGOAN
(ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)
Việc chờ đợi của chúng ta không giản đơn là tỉnh thức. Nhưng còn là có trách nhiệm. Vì trong khi Chúa vắng nhà Chúa trao cho ta quyền quản gia. Nhiệm vụ của quản gia được Chúa định nghĩa là trung tín và khôn ngoan. Khôn ngoan là “cấp phát lúa gạo đúng giờ đúng lúc”. Có của cải nhưng phải biết dùng đúng nơi, đúng lúc, đúng cách, mới sinh hiệu quả tối đa. Làm lợi cho kho tàng của chủ. Đó là người quản gia khôn ngoan. Ta quản chính con người mình với những tài năng của thân xác, trí tuệ và linh hồn. Làm sao phân phát lương thực đúng thời đúng lúc cho chúng phát triển? Trung tín là ta không được gian tham chiếm đoạt của chủ. Trong Tin Mừng Chúa cho biết sự bất trung đó là: “Người đầy tớ ấy nghĩ bụng: “Còn lâu chủ ta mới về”, và bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gài và chè chén say sưa”. Dùng những gì Chúa ban để thoả mãn dục vọng. Và tệ hơn, không làm phát triển anh em. Nhưng bóc lột anh em. Đó là bất trung, gian tham.
Thư Rô-ma cho biết bất trung xảy ra vì ta làm nô lệ cho thân xác. Nô lệ cho thân xác tội lỗi sẽ phải chết. Hãy làm nô lệ cho Thiên Chúa ta sẽ nên công chính và được sống. “Anh em không biết sao? Khi đem thân làm nô lệ để vâng phục ai, thì anh em là nô lệ của người mà anh em vâng phục: hoặc làm nô lệ tội lỗi, thì sẽ phải chết; hoặc làm nô lệ phục vụ Thiên Chúa, thì sẽ được nên công chính”. Thánh nhân khuyên nhủ ta: “Anh em đừng dùng chi thể của anh em như khí cụ để làm điều bất chính, phục vụ cho tội lỗi nữa. Trái lại, anh em là những người sống đã từ cõi chết trở về, anh em hãy hiến toàn thân cho Thiên Chúa, và dùng chi thể của anh em như khí cụ để làm điều công chính, phục vụ Thiên Chúa” (năm lẻ).
Thư Ê-phê-sô cho thấy việc quản lý cao quí nhất chính là quản lý Tin Mừng. Vì thế việc phục vụ cao quí nhất cũng là phục vụ Tin Mừng. Và phải phân phát lương thực Tin Mừng cho mọi người đúng nơi đúng lúc. Thánh Phao-lô hãnh diện vì nhiệm vụ đó: “Thưa anh em, hẳn anh em đã được nghe biết về kế hoạch ân sủng mà Thiên Chúa đã uỷ thác cho tôi, liên quan đến anh em. Người đã mặc khải để tôi được biết mầu nhiệm Đức Ki-tô….Tôi đã trở nên người phục vụ Tin Mừng đó, nhờ ân sủng đặc biệt Thiên Chúa ban cho tôi” (năm chẵn).
Tạ ơn Chúa cho ta được làm quản gia của Chúa. Và đã trao cho ta kho tàng quí giá nhất là Tin Mừng cứu độ. Nhưng bổn phận phân phát Tin Mừng đúng nơi đúng lúc là nhiệm vụ vô cùng cấp bách và khó khăn. Biết bao linh hồn đang khao khát Tin Mừng cứu độ. Tôi làm nhiệm vụ phân phát thế nào? Có xứng đáng là quản gia trung tín và khôn ngoan không?
HÃY QUẢN LÝ CÁCH TRUNG TÍN
(Lm. Vinhsơn Ngọc Biển SSP)
Bài Tin Mừng hôm nay tiếp nối hôm qua. Tuy nhiên, cùng một đề tài về sự tỉnh thức. Nhưng nếu hôm qua, Đức Giêsu nhắm đến đối tượng chính là các môn đệ nói chung, thì hôm nay, Ngài trực tiếp để ý đến những người quản lý, hay nói đúng hơn là những người lãnh đạo.
Thật vậy, qua dụ ngôn này, Đức Giêsu nhắm đến sự trung thành, tận tụy với công việc được giao. Ngài nói: không được chè chén say sưa, ngược đãi người khác. Nếu không làm được điều này thì ắt sẽ bị đòn nhiều: “Vì người ta đã ban cho ai nhiều, thì sẽ đòi lại kẻ ấy nhiều, và đã giao phó cho ai nhiều, thì sẽ đòi kẻ ấy nhiều hơn".
Mỗi người chúng ta, một cách nào đó, hẳn đều là những người lãnh đạo. Có thể là chủ công ty, xí nghiệp, trưởng hội này, nhóm kia, hoặc ít ra là cha là mẹ trong gia đình. Nhìn rộng ra thì hết thảy ai ai cũng đều được Chúa trao cho những nén bạc như: sự sống, tài năng, sức lực... Khi được trao ban như thế, ấy là lúc Chúa tin tưởng và trao phó trách nhiệm cho chúng ta, để trong mọi hoàn cảnh, môi trường, chức nghiệp, chúng ta phải làm vinh danh Chúa và lợi ích cho phần rỗi của mình cũng như anh chị em.
Làm được điều đó, chúng ta được Chúa ví như một quản gia trung thành và khôn ngoan.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy tỉnh thức và sẵn sàng để chu toàn bổn phận được trao. Hãy luôn nghĩ đến giờ chết của mình để chuẩn bị sẵn sàng trong tư thế của người môn đệ là lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Cần nhạy bén với ơn Chúa và các dấu chỉ để ý thức chu toàn bổn phận.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con một tinh thần tỉnh thức và sẵn sàng, để biết chu toàn bổn phận của mình cách trung thành. Xin cho chúng con luôn biết ý thức mình sẽ chết, để từ đó biết sám hối và canh tân đời sống ngay trong giây phút hiện tại. Amen.
TỈNH THỨC VÀ SẴN SÀNG
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Với thắc mắc của tông đồ Phêrô: "Lạy Thầy, Thầy nói dụ ngôn đó chỉ về chúng con hay chỉ về cho mọi người", Chúa Giêsu khai triển thêm về chủ đề tỉnh thức và sẵn sàng, và có vẻ như trong lần khai triển này Ngài nhắm đến những người có trách nhiệm trong cộng đồng.
Chủ đề tỉnh thức và sẵn sàng được nối tiếp với những giáo huấn của Chúa Giêsu dành cho giới có trách nhiệm trong cộng đồng dân Chúa. Và dĩ nhiên trước tiên là những người có trách nhiệm trong cộng đồng dân Chúa, họ phải gương mẫu trong thái độ tỉnh thức và sẵn sàng vì không những là sự tỉnh thức, sẵn sàng cần thiết cho ơn cứu độ của bản thân họ mà họ còn phải tỉnh thức và sẵn sàng để người khác có được ân sủng của Chúa nữa.
Công việc của một người có trách nhiệm trong dân Chúa thì muôn vẻ, muôn mặt và thường là những công việc không tên, không tuổi. Họ sống cho dân Chúa và ở giữa dân Chúa để mọi người có thể thấy Chúa qua họ. Trong cuộc sống rao giảng của Chúa Giêsu, Ngài liên tục kiếm tìm, khuyên lơn, an ủi, thánh hóa và giải cứu cho con người. Ngài không có thời khóa biểu cho công việc của mình mà trọn vẹn Ngài sống là cho đi, là trao ban, là sứ mệnh. Dĩ nhiên, chúng ta không thể đòi hỏi những người có trách nhiệm của chúng ta làm như Chúa Giêsu được, nhưng đòi hỏi phải tỉnh thức và sẵn sàng hơn những người khác để xứng đáng là môn đệ, xứng đáng là những người gần Chúa hơn, hầu có thể đem Chúa đến cho mọi người, vì dù sao đi nữa thì các vị ấy cũng được gọi và bản thân của họ tình nguyện để đi theo Chúa.
Anh chàng thanh niên khi nghe Chúa nói: "Anh hãy về bán của cải cho người nghèo rồi hãy đến theo Ta". Anh đã lẳng lặng bỏ đi vì anh không thể làm được chuyện ấy. Chúa Giêsu có buồn đôi chút nhưng Ngài tôn trọng tự do của anh, nếu anh vẫn sống trọn vẹn các giới răn như anh đã thưa với Chúa thì anh vẫn là người rất tuyệt. Thế nhưng, theo rồi mà không dành tất cả cho Chúa và cho anh chị em của mình như Chúa dạy thì thế nào cũng bị Chúa khiển trách. Thỉnh thoảng, có những vị phân bua: "Là gì đi chăng nữa thì cũng phải có những khoản riêng cho mình chứ, có những thứ thuộc đời tư của mình chứ". Không đâu, quí vị không còn đời tư nữa, quí vị không còn gì là riêng rẽ nữa. Tất cả đã là của Chúa và của anh chị em mình, ban cho ai nhiều thì đòi kẻ ấy nhiều; giao phó cho ai nhiều thì đòi kẻ ấy nhiều hơn.
Lạy Cha,
Tất cả chúng con đều là những đầy tớ phải biết thức tỉnh và sẵn sàng, nhưng hôm nay thì Chúa Giêsu, Con Cha, nói về những vị đầy tớ đặc biệt. Ðiều đó quá đúng, vì dù sao thì trong một tổ chức, một cơ cấu, cũng có nhiều công tác khác nhau, và mỗi người đều có một cách phục vụ tùy theo chỗ đứng, tùy theo công việc được giao phó. Chúng con cầu nguyện cho những người được giao cho những trách nhiệm đặc biệt ấy, để các ngài năng giống Con Cha hơn, không có thời khóa biểu cho riêng mình nhưng có thời khóa biểu để phục vụ Cha nơi những anh chị em được trao phó.