Thứ Sáu tuần 7 Thường Niên

THỨ SÁU TUẦN 7 THƯỜNG NIÊN

"Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân rẽ".

Lời Chúa: Mc. 10, 1-12

Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt xứ Giuđêa và miền bên kia sông Giođan. Dân chúng lại tụ họp bên Người và Người lại dạy dỗ họ như thường lệ.

Những người biệt phát đến gần và hỏi thử Người rằng: "Người ta có được phép ly dị vợ mình chăng?" Người đáp: "Môsê đã truyền cho các ông thế nào?" Họ thưa: "Môsê cho phép làm giấy ly dị và cho ly dị".

Bấy giờ Chúa Giêsu đáp lại: "Chính vì sự cứng lòng của các ông mà Môsê đã viết ra điều luật đó. Nhưng lúc khởi đầu cuộc sáng tạo, Thiên Chúa đã dựng nên một người nam và một người nữ. Bởi đó người nam sẽ lìa cha mẹ để luyến ái vợ mình, và hai người sẽ nên một huyết nhục. Vì thế, họ không còn là hai mà là một huyết nhục. Vậy sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không thể phân rẽ".

Về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điểm đó. Và Người bảo các ông: "Ai bỏ vợ mình và lấy vợ khác, thì phạm tội ngoại tình đối với người vợ trước. Và người nữ bỏ chồng mà lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình".

 

TRUNG TÍN VÀ YÊU THƯƠNG

(ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Trung tín là một phẩm chất cao quý của con người. Vì thế nó bao gồm nhiều phẩm chất khác.

Sách Huấn ca đưa ra ba phẩm chất. Trước hết cần có sự cẩn trọng. Đừng vội vàng trong chọn lựa bạn bè. Phải xem xét kỹ lưỡng. “Nếu con muốn làm bạn với ai thì hãy thử người ấy trước, nhưng đừng vội tin tưởng ngay. Vì có kẻ chỉ là bạn nhất thời, ngay con gặp nạn, nó chẳng còn là bạn con nữa”. Kế đến cần có sự trung tín. Muốn có bạn tốt chính ta phải là bạn tốt. Muốn người trung tín với ta chính ta phải trung tín trước. “Vì bản thân mình thế nào, thì cận thân mình cũng thế”. Trên hết phải kính sợ Chúa. Vì “những ai kính sợ Đức Chúa sẽ gặp được người bạn như vậy. Người kính sợ Đức Chúa thì điều khiển được tình bạn của mình”. Yêu mến Chúa sẽ biết trung tín với bạn bè (năm lẻ).

Thư Gia-cô-bê đề nghị hai phẩm chất khác. Trước hết là sự kiên nhẫn. Người trung tín là người kiên nhẫn vượt qua khó khăn. “Phúc thay những kẻ đã có lòng kiên trì! Anh em đã nghe nói đến lòng kiên trì của ông Gióp”. Gióp đã gặp rất nhiều thử thách. Nhưng ông vẫn kiên trì vượt qua. Cuối cùng giữ được lòng trung tín với Chúa. Để trung tín cũng cần ngay thẳng. “Đừng có thề, dù là lấy trời, lấy đất, hay lấy cái gì khsc mà thề. Nhưng hễ “có” thì nói “có”. “Không” thì nói “không”. Trung tín thật thà thì ngay thẳng và đơn sơ. Quanh co phức tạp thường khó thật (năm chẵn).

Tuy nhiên sang đến tình yêu và hôn nhân thì còn đòi thêm phẩm chất tình yêu. Yêu đến độ trở nên một. Đó là ý định của Thiên Chúa: “Vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Vậy sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”. Nếu yêu nhau thật sự hai người sẽ nên một. Nên một rồi không thể lìa xa nhau. Không thể sống thiếu nhau. Đó là tình yêu theo khuôn mẫu của Thiên Chúa. Ba Ngôi Thiên Chúa yêu thương nên không thể tách lìa. Thiên Chúa yêu con người nên luôn trung tín. Dù con người tội lỗi đến đâu Thiên Chúa vẫn tha thứ. Dù con người phản bội muôn ngàn lần, Thiên Chúa vẫn yêu thương. Cứu chuộc. Chết cho con người.

Trung tín giúp đạt tới tình yêu đích thực. Trung tín làm nên phẩm giá của con người có trách nhiệm. Trung tín giúp con người đạt tới Thiên Chúa.

 

THIÊN CHÚA KHÔNG LY DỊ CON NGƯỜI

(Lm. Vinhson Ngọc Biển SSP)

Nói về sự chung thủy trong hôn nhân Công Giáo, nhiều người đã không khỏi khó chịu và buông theo những lời chê bai như: Giáo Hội không thích ứng với thời đại; Giáo Hội là một bà già; Giáo Hội bảo thủ...

Khi nhận định như thế, người ta đòi Giáo Hội phải duyệt xét lại vấn đề hôn nhân. Một mặt họ muốn dễ dãi, không muốn ràng buộc. Mặt khác, người ta muốn coi đời sống hôn nhân như là một sự thỏa thuận thuần túy con người, tức là giảm thiêng.

Tuy nhiên, Giáo Hội từ bao đời vẫn luôn trung thành với Giáo Huấn của Đức Giêsu, người sáng lập nên Giáo Hội mà chúng ta là thành phần trong Giáo Hội ấy. Giáo huấn về hôn nhân được khởi đi từ ý định Thiên Chúa, vì thế, nó thuộc Thiên Luật: “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phép phân ly”.

Nếu chỉ giải thích như thế, hẳn con người thời nay rất khó đón nhận. Nhưng cần thêm giáo huấn của thánh Phaolô để làm sáng tỏ ý định của Thiên Chúa: “Chồng hãy yêu thương vợ, như Chúa Kitô yêu mến Giáo Hội và phó nộp mình vì Giáo Hội”.

Thật vậy, Thiên Chúa không từ bỏ con người. Đức Giêsu không ly dị Giáo Hội của Ngài, mặc cho con người và Giáo Hội có những điều trái khuấy.

Sự trung thành trong hôn nhân được mời gọi diễn tả tình yêu giữa Thiên Chúa và Giáo Hội. Bí quyết của việc sống chung thủy, đó là sự tha thứ. Cần cảm nghiệm được sự tha thứ của Thiên Chúa cho mình, thì chúng ta mới có thể tha thứ cho nhau và cùng nhau vượt qua thử thách để sống sự chung thủy trong đời sống hôn nhân.

Khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, mỗi người chúng ta đều đã kết ước với Chúa. Chúa thuộc về ta và ta thuộc về Chúa. Chúa làm chủ và ta là thần dân của Ngài. Từ giao ước đó, chúng ta được mời gọi trung thành giữ giáo huấn của Thiên Chúa. Tuy nhiên, nhiều lúc, chúng ta đã bội ước và đã làm cho cuộc hôn nhân thánh của mình bị đứt đoạn.

Nguyên nhân làm cho sự trung thành của chúng ta gãy cánh, đó chính là những tội lỗi, ngờ vực và thiếu tin tưởng, phó thác nơi Thiên Chúa khi chúng ta đi tìm những lợi lộc thấp hèn qua những thụ tạo do con người và ma quỷ tạo nên.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người chúng con biết yêu mến luật của Chúa và trung thành với giao ước mà chúng con đã ký kết với Ngài. Amen.

 

MỐI GIÂY BẤT KHẢ PHÂN LY

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Tin Mừng hôm nay như muốn đưa chúng ta về những trang đầu tiên của lịch sử nhân loại, trong đó Thiên Chúa đã tạo dựng người nam và người nữ để họ chung sống với nhau trong mối giây bất khả phân ly của đời sống đôi lứa. Có thể nói, đó là gia đình đầu tiên của lịch sử loài người. Chúa Giêsu đã nại đến sự kiện này để giải đáp vấn nạn của người Biệt phái: "Người ta có được phép rẫy vợ không?", và như vậy một cách nào đó, Ngài đã đề cập đến hôn nhân, đến giá trị và đòi hỏi của hôn nhân.

Trước hết, hôn nhân là một sự tự do trao đổi yêu thương giữa người nam và người nữ, một sự cam kết sống chung suốt đời. Chiếc nhẫn mà họ trao cho nhau trong ngày cưới là dấu chứng tình yêu, và từ ngày đó mọi hành vi đi ngược với lời cam kết đều bị coi là ngoại tình, bởi vì hôn nhân là do Thiên Chúa thiết lập và con người không thể phân ly những gì Ngài đã kết hợp.

Hôn nhân còn là một cộng đồng kết hợp hai tâm hồn và được xây dựng trên nền tảng tình yêu. Hôn nhân là giây tình yêu liên kết hai người phối ngẫu, và tình yêu này phản chiếu tình yêu thần diệu giữa Chúa Kitô và Giáo Hội. Thánh Phaolô đã ân cần nhắc nhở: "Chồng hãy yêu thương vợ như Chúa Kitô yêu mến Giáo Hội và phó nộp mình đi". Trong đời sống hôn nhân, hai người nương tựa vào nhau, bổ túc và tài bồi lẫn nhau. Thiên Chúa thấy người nam ở một mình không tốt, Ngài đã dựng nên cho nó một người nữ, rút từ cạnh sườn người nam, và người nam sẽ bỏ cha mẹ để nên một với vợ mình, đó là hình ảnh của một tình yêu kết hợp. Nhờ tình yêu kết hợp trong hôn nhân, người nam và người nữ sẵn sàng chấp nhận việc sinh dưỡng và giáo dục con cái thành những đứa con ngoan của Thiên Chúa, của Giáo Hội, của gia đình và xã hội.

Nhưng một cuộc hôn nhân chỉ thành công khi người nam và người nữ thực tình yêu nhau, có sức hiến thân cho nhau, sẵn sàng chấp nhận mọi thử thách mà hoàn cảnh đè nặng trên con người, trong tâm tình chúc tụng tạ ơn. Thật vậy, việc cam kết trước bàn thờ là một lời khấn trọng thể, một lời hứa thánh thiêng đặt nền tảng trên tình yêu, tình yêu mà Thánh giá là biểu hiện rõ nét nhất, tình yêu mà Chúa Kitô hiến mình cho Giáo Hội đến cùng mức. Hôn nhân không phải luôn luôn là một khúc tình ca, một cuộc ve vãn suốt đời, nhưng là một cuộc sống chung nhiều khi khó khăn. Do đó chỉ có tình yêu đích thực khi đôi bạn có khả năng và muốn giữ lời gắn bó với nhau cho đến chết. Những hy sinh từ bỏ, sự trung tín qua những thử thách, những lần nhượng bộ, đều là bằng chứng của đức tin và sức mạnh nhận được từ Thánh Thần.

Chính vì những giá trị cao đẹp của hôn nhân như thế, nên thái độ của Chúa Giêsu về vấn đề hôn nhân thật dứt khoát. Ngài xác định lại nền tảng thánh thiêng cũng như tính cách bất khả phân ly của giây hôn phối. Ngài mạnh mẽ lên án tội dâm bôn ngoại tình, cả việc rẫy vợ nữa, trừ phi là nố gian dâm, nhưng điều đó có lẽ không nhằm biện minh cho việc ly dị, mà chỉ là đuổi người vợ bất chính, hoặc là ly thân rồi sau đó không được tái hôn nữa. Như thế, chính nhờ Chúa Giêsu, hôn nhân đã được nâng lên hàng Bí Tích và mặc một sắc thái mới phản ánh vẻ đẹp ban đầu đã bị lu mờ vì tội lỗi nhân loại.

Chúng ta hãy cầu xin cho các gia đình được luôn gắn bó với nhau trong tình yêu thương hợp nhất, để làm chứng cho tình yêu duy nhất và vĩnh cửu của Thiên Chúa.

 

bài liên quan mới nhất

Thánh Catherine Thành Siena: Đặc sủng Chữa Lành và Hộ Giáo

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng