THỨ SÁU SAU LỄ TRO

“Khi tân lang ra đi, bấy giờ họ mới ăn chay”.

 Lời Chúa: Mt 9, 14-15

Khi ấy, Chúa Giêsu sang miền Gêsarênô, các môn đệ Gioan đến gặp Người mà hỏi: “Tại sao chúng tôi và những người biệt phái thì giữ chay, còn môn đệ của Ngài lại không?”

Chúa Giêsu nói với họ: “Làm sao các khách dự tiệc cưới có thể buồn rầu khi tân lang đang còn ở với họ? Rồi sẽ có ngày tân lang ra đi, bấy giờ họ mới giữ chay”.

CHAY TỊNH

(ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Chay tịnh là một thực hành tôn giáo có từ lâu đời. Nhưng nhiều khi biến thành hình thức. Đánh mất ý nghĩa thực sự. Thực ra chay tịnh là để hãm dẹp xác thịt. Kềm chế dục vọng. Loại trừ tính hư tật xấu. Từ bỏ cái tôi. Để Thiên Chúa ngự trị. Khi có Thiên Chúa ngự trị ta đạt đến đích điểm của đạo rồi. Khi đó đạo trở thành niềm vui. Chỉ khi ta phạm tội, lạc mất Thiên Chúa, ta mới phải ăn chay. Như Chúa Giê-su dạy: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ? Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay”.

Vì thế từ xa xưa các tiên tri đã quyết liệt đả phá thói ăn chay hình thức. “Chính ngày các ngươi muốn ăn chay để tiếng các ngươi kêu thấu trời cao thẳm, thì các ngươi lại ăn chay không đúng cách. Phải chăng đó là cách ăn chay mà Ta ưa chuộng trong ngày con người phải thực hành khổ chế? Cúi rạp đầu như cây sậy cây lau, nằm trên vài thô và tro bụi, phải chăng như thế mà gọi là ăn chay trong ngày các ngươi muốn đẹp lòng Đức Chúa?”

Tệ hơn nữa ăn chay trở thành giả hình. Và nhất là trở thành phản chứng. Vì khi ăn chay vẫn còn lo kiếm lợi nhuận bằng áp bức tha nhân. Vẫn còn chia rẽ bất hoà, thậm chí hành hung người khác: “Này ngày ăn chay, các ngươi vẫn lo kiếm lợi, vẫn áp bức mọi kẻ làm công cho mình. Này, các ngươi ăn chay để mà đôi co cãi vã, để nắm tay đánh đấm thật bạo tàn”.

Chúa cho biết cách ăn chay đẹp lòng Chúa là quan tâm đến người nghèo khổ. Chia sẻ vật chất với người túng nghèo. Giải phóng kẻ bị tù tội. “Cách ăn chay mà ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm? Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục?”

Ăn chay là để kết hợp với Chúa. Vì thế ăn chay phải quan tâm phục vụ tha nhân. Vì Chúa ở trong tha nhân. Đặc biệt những người anh em nghèo khổ bất hạnh. Vì thế ăn chay là phải hãm dẹp bản thân. Bớt chi tiêu. Để giúp người nghèo. Khi đó ta gặp được Chúa. Khi đó ăn chay đạt tới ý nghĩa đích thực.

GIỮ CHAY ĐÚNG NGHĨA

(Lm. Vinhson Ngọc Biển SSP)

Tại Giáo phận Taytay – Philippines, có một thầy ẩn sĩ tu rừng. Thày từ bỏ thế giới náo động, nhộn nhịp bên ngoài để vào rừng sâu ăn chay, cầu nguyện và sống thân tình với Thiên Chúa.

Thi thoảng, mỗi dịp lễ lớn, thày thường đi bộ trên đôi chân trần, không giày, không dép, đi hàng chục kilômét để về nhà thờ chính tòa hiệp thông cùng Giáo Hội. Trông thấy thày, ai cũng thấy toát ra một vẻ hồn nhiên, thánh thiện, thanh thoát, vui tươi và bình an.

Có lẽ vì nơi thày có được vẻ đẹp của Tin Mừng và đời sống chay tịnh cũng như cầu nguyện thường xuyên, nên nhìn mọi người, mọi vật dưới con mắt của Chúa!

Trong Kinh Thánh, chúng ta thấy thường xuyên nhắc tới việc ăn chay, chẳng hạn như: vua Đavít ăn chay để cầu nguyện cho con khỏi ốm; từ triều đình đến thường dân thành Ninivê đã đáp lại lời mời gọi của tiên tri Giona nên ăn chay và sám hối để thoát khỏi tai họa...

Sang thời Tân Ước, Gioan Tẩy Giả cũng ăn chay và sống khổ hạnh trong sa mạc để chuẩn bị loan báo Đức Giêsu; đến khi Đức Giêsu xuất hiện, Ngài đã khởi đầu sứ vụ loan báo Tin Mừng bằng việc chay tịnh và cầu nguyện 40 ngày trong hoang địa sau khi chịu phép Thánh Tẩy; không những thế, Ngài thường xuyên nhắc các môn đệ phải ăn chay, cầu nguyện và Ngài còn cảnh báo các ông, nếu muốn trừ được quỷ thì phải ăn chay và cầu nguyện.

Như vậy, vấn đề chay tịnh là vấn đề quan trọng trong Kinh Thánh.

Tuy nhiên, hôm nay, khi các môn đệ của Gioan đến hỏi Đức Giêsu về việc: "Tại sao chúng tôi và các người Pharisêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?", nhân cơ hội này, Đức Giêsu mặc khải cho biết ý nghĩa đích thực của việc ăn chay.

Ăn chay là để chờ đón Chúa đến, nhưng Ngài đang ở giữa họ thì không có lý do gì để ăn chay nữa. Nếu ăn chay lúc này là mâu thuẫn, chẳng khác gì vải mới vá áo cũ, hay rượu mới đổ vào bầu da cũ vậy!

Ý nghĩa chính yếu của việc giữ chay chính là đền tội, hãm dẹp những khuynh hướng xấu xa, đê tiện, tội lỗi, từ bỏ cái tôi ích kỷ, kiêu ngạo, sống liên đới, yêu thương, tha thứ, giúp đỡ người nghèo..., nhất là tin vào Tin Mừng.

Xin Chúa giúp sức, để mỗi người chúng ta sống tinh thần của Mùa Chay thật sốt sắng và ý nghĩa, ngõ hầu chúng ta hưởng trọn vẹn niềm vui phục sinh. Amen.

THÁI ĐỘ DỨT KHOÁT

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Phanxicô được mệnh danh là người nghèo của Thiên Chúa, đã làm một cuộc đoạn tuyệt với tất cả những gì thuộc về thế gian để nên giống Chúa Giêsu trong mọi sự.

Trên bước đường theo Ngài, Chúa Giêsu không chấp nhận bất cứ thỏa hiệp nào nơi người môn đệ: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình”. Nếu chính bản thân mà còn phải từ bỏ, thì huống chi những gì thuộc về thế gian. Thái độ dứt khoát này được Chúa Giêsu làm nổi bật trong cách xử thế của Ngài đối với một số những luật lệ Cựu ước. Trong khi các môn đệ của Gioan Tẩy Giả và những người Biệt phái tuân giữ một số ngày chay tịnh, thì Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài tự miễn chước. Hành động như thế, Chúa Giêsu muốn nói lên sự độc lập của Ngài và của các môn đệ đối với một số truyền thống cũ. Chúa Giêsu đã minh định thái độ của Ngài khi tuyên bố về sự hiện diện của Tân lang. Ngài chính là Tân lang, là Ðấng Cứu Thế mà con người mong đợi.

Theo truyền thống Do thái giáo, việc giữ chay được liên kết chặt chẽ với việc chờ đợi Ðấng Cứu Thế. Ăn chay có nghĩa là nói lên niềm trông đợi Ðấng Cứu Thế. Căn cứ trên ý nghĩa và mục đích của việc giữ chay như thế, Chúa Giêsu muốn cho mọi người thấy rằng Ngài chính là Ðấng Cứu Thế, do đó các môn đệ không cần giữ chay, bởi vì họ không cần phải trông đợi nữa. Ðó là thái độ hợp thời và hợp lý: họ đang sống bên Chúa Giêsu: thái độ của họ không phải là thái độ buồn sầu, khóc lóc. Thời của Ðấng Cứu Thế không phải là thời của tang chế, ủ dột, mà là thời của hân hoan.

Làm môn đệ Chúa Giêsu, sống với Chúa Giêsu, thái độ của người theo Chúa phải là sống tất cả cho Ngài và vì Ngài. Ðưa ra dụ ngôn chiếc áo và bình rượu, Chúa Giêsu muốn nói rằng thái độ của người môn đệ phải là thái độ dứt khoát tận căn, một thái độ không pha lẫn Tin Mừng với tinh thần thế tục.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta xét lại tương quan của chúng ta với Chúa Giêsu. Mang danh hiệu của Ngài, làm môn đệ của Ngài có nghĩa là phải sống trọn cho Ngài. Nói như thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi”.

 

bài liên quan mới nhất

Thứ Sáu tuần IV Phục Sinh: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống”

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng