Thứ Năm Tuần 17 Thường Niên

THỨ NĂM TUẦN 17 THƯỜNG NIÊN

"Người ta lựa cá tốt bỏ vào giỏ, còn cá xấu thì ném ra ngoài".

Lời Chúa: Mt 13, 47-53

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: "Nước trời lại giống như lưới thả dưới biển, bắt được mọi thứ cá. Lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi đó mà lựa chọn: cá tốt thì bỏ vào giỏ, còn cá xấu thì ném ra ngoài. Đến ngày tận thế cũng như vậy: các thiên thần sẽ đến mà tách biệt kẻ dữ ra khỏi người lành, rồi ném những kẻ dữ vào lò lửa: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Các ngươi có hiểu những điều đó không?" Họ thưa: "Có".

Người liền bảo họ: "Bởi thế, những thầy thông giáo am tường về Nước trời cũng giống như chủ nhà kia, hay lợi dụng những cái cũ, mới trong kho mình". Khi Chúa Giêsu phán các dụ ngôn đó xong, thì Người rời khỏi nơi ấy.

TẤM LƯỚI NƯỚC TRỜI

(ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Lưới trời lồng lộng. Thưa mà không lọt. Ngày tận thế, các thiên thần sẽ kéo một mẻ lưới cuối cùng trên biển trần gian. Rồi sẽ chọn cá tốt tức là người lành để được cho vào Nước Trời hưởng hạnh phúc, chọn cá xấu tức người dữ để ném vào Hỏa ngục chịu hình phạt muôn đời.

Muốn chắc chắn được tuyển chọn, ta phải kéo lưới hằng ngày trong mảnh ao tâm hồn ta. Vì trong mảnh ao tâm hồn bé nhỏ cũng có cá tốt lẫn cá xấu và cả rác rưởi nữa. Lưới của ta là Lời Chúa soi dẫn cho ta biết đường ngay nẻo chính. Là tiếng lương tâm giúp ta phân biệt phải trái, đúng sai trong những việc ta làm hằng ngày. Là lời giáo huấn của Bề trên hướng dẫn ta cách cụ thể trong môi trường ta sống. Là quyết tâm chọn Chúa, chọn lề luật Chúa, chọn đường nên thánh. Là ý chí diệt trừ điều xấu ngay khi phát hiện. Là ước muốn nên thánh, nên trọn lành, nên người con hiếu thảo của Cha trên trời. Nếu ta kéo lưới tâm hồn hằng ngày, dứt khoát loại bỏ những con cá xấu, những rác rưởi khỏi tâm hồn, thì đến ngày tận thế, khi các thiên thần kéo mẻ lưới cuối cùng, ta đã được thanh luyện trở nên cá tốt rồi.

Để trở nên cá tốt, ta phải noi gương Mô-sê. Mô-sê không làm gì theo ý riêng. Nhất nhất đều theo ý Chúa, từng chi tiết trong việc xây dựng lều Hội Ngộ. Từng chi tiết trong việc trang hoàng Hòm Bia. Từng chi tiết trong các nghi lễ tế tự dành cho Chúa. Càng nghe lời Chúa, ông càng đi trên đường trọn lành và lại càng được Chúa tiếp tục hướng dẫn. Không những hướng dẫn cho cá nhân ông, Chúa còn hướng dẫn cho cả dân Israel, dẫn đường chỉ lối cho họ đi vào Đất Hứa, tránh xa mọi nơi nguy hiểm, thù nghịch (năm lẻ).

Để trở nên cá tốt ta phải noi gương Giê-rê-mi-a, để Chúa nhào nặn đời mình như người thợ gốm nhào nặn đất sét thành chiếc bình quí giá. Hoàn toàn vâng phục. Hoàn toàn để Chúa thực hiện chương trình của Chúa trong đời ta. Mọi sự sẽ tốt đẹp. Và khi ta lầm lỗi, Chúa có thể đập nát chiếc bình dang dở, để làm lại từ đầu. Đó là việc sửa phạt sẽ khiến ta đau đớn. Nhưng chính nhờ thế, Chúa vứt bỏ cá xấu, gạt bỏ rác rưởi khỏi tâm hồn ta, biến ta thành loài cá tốt, thành chiếc bình hoàn hảo không còn tì vết.

CHÚA YÊU HẾT MỌI NGƯỜI

(Lm. Vinhson Ngọc Biển SSP)

“Thiên Chúa là Tình yêu” (1 Ga 4, 8), vì thế, Ngài luôn yêu thương hết mọi người không phân biệt tốt xấu, giàu nghèo hay chức vị cao thấp.

Bản chất đó hôm nay được Đức Giêsu mặc khải qua dụ ngôn “chiếc lưới”.

Qua dụ ngôn này, Đức Giêsu muốn nói: chiếc lưới như là Nước Trời. Chụp xuống biển là hành động Lời Chúa được trao ban. Bắt được đủ mọi thứ cá chính là mọi người đều được Lời Chúa dạy dỗ. Cá tốt, là những người nghe và thực hành Lời Chúa. Cá xấu là những người không nghe, hay có nghe nhưng Lời Chúa không biến đổi được họ vì sự ích kỷ và kiêu ngạo. Tuy nhiên, cá tốt và cá xấu đều tồn tại! Chỉ khi chiếc lưới chụp xuống và được kéo lên, lúc ấy chúng mới bị phân biệt. Cá tốt thì cho vào giỏ. Cá xấu thì quăng ra ngoài.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy là cá tốt trong chiếc lưới của Ngài. Đồng thời cũng dạy ta bài học về sự kiên nhẫn và sẵn sàng yêu thương hết mọi người. Biết mở lòng để đón nhận sự bất toàn của anh chị em mình, hầu chờ cơ hội để Chúa và cả chúng ta cải hóa anh chị em.

Cuối cùng chúng ta cần xác định quyền xét xử là của Chúa và do Chúa. Bổn phận của chúng ta là tin tưởng, cậy trông vào lòng thương xót của Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con tin tưởng, phó thác nơi Chúa, cậy dựa vào ơn Chúa để can đảm biến đổi. Xin cho chúng con được trở thành cá tốt trong ngày sau hết để được Chúa cho vào giỏ của Chúa là Nước Trời. Amen.

DỤ NGÔN VỀ CHIẾC LƯỚI

(Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Dụ ngôn chiếc lưới này gần giống như dụ ngôn cỏ lùng. Cả hai dụ ngôn đều nói tới vần để kẻ tốt và kẻ xấu sống chung với nhau, và sự phân biệt rõ ràng dứt khoát, mỗi kẻ một nơi, chỉ xảy ra vào ngày tận thế, ngày phán xét cuối cùng.

Như chiếc lưới quăng xuống biển bắt được mọi thứ cá, Thiên Chúa cũng căng lưới tình yêu ra và chụp vào mọi người, không ai bị loại ra khỏi vòng tay yêu thương của Thiên Chúa. Thế nhưng, Chúa chỉ lựa cá tốt. Thiên Chúa chỉ đón nhận những ai muốn được Ngài biến đổi và làm cho tốt, còn những ai chối bỏ, thì sẽ bị loại ra khỏi vòng tay yêu thương và sẽ chịu hình phạt muôn đời.

Dụ ngôn lưới cá thời Chúa Giêsu không giống cách đánh cá công nghiệp thời nay. Cách đánh cá này giống như cách đánh cá của người dân quê miền bể chúng ta. Đây là thứ lưới vét (lưới giùng) dài và rộng. Dân chài chia thành hai nhóm kéo hai đầu lưới, bao vây cả một vùng biển mà dân chài tưởng là có đàn cá, từ từ vòng vào bờ, kéo lưới lên bãi, xum nhau lại nhặt cá.

Theo giải thích của nhiều giáo phụ thì biển là thế gian, cá là nhân loại, dân chài là các tông đồ, lưới là Hội thánh và là việc rao giảng Tin mừng, nhặt cá tốt và cá xấu là phân biệt kẻ lành kẻ dữ trong ngày phán xét.

Theo cánh đánh cá ở trên, các ngư phủ sau khi kéo lưới vào bờ, họ thường ngồi lựa cá tốt và cá xấu. Cá tốt thì thu gom lại còn cá xấu thì loại bỏ đi. Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh lưới cá này để chỉ Nước Chúa, tức là Hội thánh của Chúa, có nhiều thành phần khác nhau, tốt xấu khác nhau. Ai cũng có thể ở trong Giáo hội, không phân biệt, không kỳ thị chủng tộc, màu da, tiếng nói, văn minh, giàu nghèo. Tuy nhiên sẽ có ngày Chúa phân xử là lựa chọn kỹ càng, lúc ấy Thiên Chúa sẽ quyết định ai là người tốt, ai là người xấu, ai là con cái thật của Chúa, ai là thứ giả hình giả mạo. Chúa Giêsu còn nói rõ: các thiên thần sẽ tách biệt kẻ xấu và người công chính. Kẻ xấu sẽ bị ném vào lò lửa không hề tắt, ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng, còn người công chính sẽ chói sáng như mặt trời.

Dụ ngôn cái lưới có mục đích diễn tả lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa, Ngài chấp nhận tốt xấu pha trộn, đợi đến ngày cuối cùng Chúa mới lấy quyền xét xử. Trong trần gian cũng như trong Giáo hội luôn có những người xấu sống bên cạnh những người tốt, cái thiện và cái ác lẫn lộn. Ánh sáng và bóng tối trong thế giới ta đang sống, thiện và ác trong lòng mọi người. Thiên Chúa cho kẻ lành người dữ sống chung với nhau, cũng như để cho các tốt cá xấu sống chung trong biển cả, đến ngày tận thế Thiên Chúa mới phân xử, mới tách biệt cá tốt ra khỏi cá xấu, người lành khỏi kẻ dữ.

Trong Hội thánh và nơi mỗi người có một sự pha trộn thánh thiện và tội lỗi, thiện và ác đó là điều không tránh được. Hội thánh là thánh thiện tự bản chất, nhưng Hội thánh cũng có những con người yếu đuối và tội lỗi, và chúng ta, mặc dầu đã nhận nhiều ân sủng qua phép Rửa tội cũng có khuynh hướng phạm tội.

Một lần nữa chúng ta được nghe Chúa Giêsu mạc khải về ngày tận thế qua dụ ngôn chiếc lưới đầy cá và sự lựa chọn của ngư dân. Trong ngày sau hết cũng vậy, Thiên Chúa sẽ tách biệt người công chính ra khỏi kẻ gian ác. Kẻ gian ác thì chịu án phạt, còn người công chính được ân thưởng trong Nước trời.

Vì thế, Hội thánh ở trần gian giống như chiếc lưới, mời gọi mọi người không trừ ai. Thế nhưng, trong Hội thánh, mọi tín hữu đều hướng tới mục tiêu là nên thánh, nên công chính để được Chúa tuyển chọn vào hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trong ngày sau hết. Trở nên người công chính, đó là ước mong của mọi người chúng ta khi làm môn đệ Chúa Kitô. Và chính điều mong ước này là động lực thúc đẩy chúng ta sống công chính theo gương Ngài để được chọn vào trong Nhà Chúa. Lời Chúa mời gọi “nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Nhờ bí tích Rửa tội chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa. “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”, chúng ta nên sống công chính thánh thiện để mỗi ngày một nên giống Chúa hơn (5 phút Lời Chúa).

 

bài liên quan mới nhất

Thiên Chúa và sự dữ có thể cùng tồn tại không?

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng