Thứ Hai Tuần Bát Nhật Phục Sinh

THỨ HAI TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH

"Hãy đi nói với anh em đến Galilêa mà gặp Ta ở đó".

 

Lời Chúa: Mt 28, 8-15

Khi ấy, các bà vội ra khỏi mồ vừa sợ lại vừa hớn hở vui mừng, chạy báo tin cho các môn đệ Chúa. Và này Chúa Giêsu đón gặp các bà, Người nói: "Chào các bà". Các bà liền lại gần ôm chân Người và phục lạy. Bấy giờ Chúa Giêsu bảo: "Các bà đừng sợ. Hãy đi báo tin cho các anh em Ta phải trở về Galilêa, rồi ở đó họ sẽ gặp Ta".

Đang khi các bà lên đường, thì mấy người lính canh vào thành báo tin cho các thượng tế biết tất cả những gì đã xảy ra. Các thượng tế liền họp với các kỳ lão, và sau khi đã bàn định, họ cho lính một số tiền lớn và bảo rằng: "Các anh hãy nói rằng: Ban đêm khi chúng tôi đang ngủ, thì môn đệ ông đến lấy trộm xác ông. Nếu việc này đến tai tổng trấn, chúng tôi sẽ thương lượng với ông, không để các anh phải phiền hà đâu".

Bọn lính canh nhận tiền và đã làm y như họ căn dặn chúng. Bởi thế, lời đó được phao truyền nơi người Do-thái cho đến ngày nay.

 

BÀN TAY CHE MẶT TRỜI

(ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Chúa phục sinh. Điều kỳ diệu chưa từng có. Chưa trí khôn nào nghĩ tới. Như một mặt trời mọc lên chiếu soi khắp cùng thế giới. Làm bừng lên chân lý trong tâm hồn các môn đệ. Một niềm vui vô bờ bến. Vì Chúa đã chiến thắng. Con người được cứu chuộc. Lịch sử sang một trang mới hào hùng. Trí khôn mở ra. Các môn đệ chợt hiểu thấu tất cả.

Thì ra đó là kế hoạch của Thiên Chúa. Đã được báo trước từ ngàn đời. Thiên Chúa đã hứa cho một người thuộc dòng dõi Đa-vít sẽ lên kế vị. Và triều đại Người sẽ vô cùng vô tận. Còn hơn thế nữa Đấng ấy sẽ từ cõi chết sống lại. Thánh Phê-rô, trong niềm xác tín mãnh liệt, đã nhắc lại cho dân Do thái: “Thưa anh em, …Thiên Chúa đã thề với người (vua Đa-vít) là sẽ đặt một người trong dòng dõi trên ngai vàng của người, nên người đã thấy trước và loan báo sự phục sinh của Đức Ki-tô khi nói: Người đã không bị bỏ mặc trong cói âm ty và thân xác Người không phải hư nát”. Quả thật, “theo kế hoạch Thiên Chúa đã định và biết trước, Đức Giê-su ấy đã bị nộp, và anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Người vào thập giá mà giết đi. Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại, giải thoát Người khỏi những đau khổ của cái chết”.

Kế hoạch cho thấy quyền năng của Thiên Chúa vô cùng cao siêu. Không trí khôn nào hiểu thấu. Không sức mạnh nào ngăn cản được. Kế hoạch cũng cho thấy tình yêu thương của Thiên Chúa là vô bờ bến. Vượt qua mọi yếu đuối tội lỗi. Vượt qua cả cái chết. Để đưa con người đến sự sống. Mà Chúa Ki-tô, Con yêu dấu của Người là Trưởng Tử đi đầu. Cho chúng ta được đi theo: “Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống, và cho con được vui sướng tràn trề khi ở trước Thánh Nhan”.

Một cuộc đời mới khởi đầu. Không còn sợ hãi nữa. Nhưng bắt đầu lại từ đầu. Để làm chứng cho Chúa: “Chị em đừng sợ! Hãy về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê, Họ sẽ được thấy thầy ở đó”. Ga-li-lê là khởi đầu. Ga-li-lê sẽ bắt đầu lại. Tươi mới. Phấn khởi. Tràn đầy niềm vui và hi vọng.

Nhưng thế lực sự chết vẫn còn cố gắng chống lại Chúa. Vẫn còn mưu toan lừa dối: “Các anh hãy nói như thế này: Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác”. Thánh Âu-tinh đã vạch rõ thủ đoạn gian dối: Các anh là lính canh. Tại sao ngủ. Nếu ngủ làm sao biết là họ đến lấy xác. Nếu thức làm sao để họ lấy. Đúng là vải thưa không che được mắt thánh. Bàn tay không che nổi ánh mặt trời. Chỉ tối mắt mình. Mặt trời vẫn chiếu soi rạng rỡ.

 

ĐỪNG GIỮ THẦY LẠI

(Lm. Vinhson Ngọc Biển SSP)

Để diễn tả niềm tiếc thương với người mới chết, nhất là người quá cố ấy là cha, mẹ, anh chị em hay con cháu của chúng ta, thường chúng ta hay ra mộ để cắm nhang, đốt nến... rồi khóc lóc thảm thiết... Hành vi này là lẽ thường tình và nó cũng rất nhân văn! Qua nghĩa cử này, người ta vừa biểu lộ niềm tiếc thương, vừa diễn tả tâm tình biết ơn với người đã khuất.

Cũng trong tâm trạng ấy, nên hôm nay, thánh sử Mátthêu trình thuật việc các phụ nữ đi ra mộ để khóc thương và xức thêm dầu thơm vào xác Chúa. Họ là những người đã từng lặn lội theo Đức Giêsu trong suốt hành trình rao giảng Tin Mừng, vì thế, tình cảm Thầy và trò thật thắm thiết, keo sơn, nên chuyện đi ra mộ để làm những việc trên là chuyện đương nhiên nơi một người có lòng mến...

Tuy nhiên, những gì diễn ra trước mắt các bà khi các bà đi ra mộ và chứng kiến đã là điều bất thường và không khỏi ngỡ ngàng! Ngôi mộ thì trống; xác thì mất; lại xuất hiện các thiên thần kèm theo lời loan báo giật gân: Chúa đã sống lại! Sự hốt hoảng, hoang mang chen lẫn vui mừng đang mãnh liệt xâm chiếm tâm hồn các bà.

Khi các bà còn đang quá bối rối, thì Đức Giêsu đã hiện ra với các bà và cất lên tiếng nói thân thương hồi nào: "Chào chị em!". Khi nhận ra Chúa, các bà hết đỗi vui mừng và sụp lạy Ngài. Hành vi này cho thấy thái độ trân trọng, yêu mến và tôn thờ mà các bà dành cho Đức Giêsu. Thái độ này đi ngược hẳn với những động thái của nhóm Thượng tế và Kỳ mục! Họ là những người vốn đã có kế hoạch xóa sổ con người Giêsu cũng như những ảnh hưởng của Ngài trên dân chúng và trong xã hội. Vì thế, họ lại tiếp tục đưa ra những kế sách mới, vu khống cho các môn đệ là đang đêm đến lấy xác Đức Giêsu và loan tin đồn là Ngài đã sống lại!

Nhưng sự thật vẫn là sự thật, vì thế, Đức Giêsu đã hiện ra trực tiếp với các phụ nữ và trấn an các bà. Đồng thời ngay lập tức, Ngài muốn cho các bà vượt qua tâm lý, tình cảm tự nhiên, để đi đến một tình cảm trưởng thành và một tình yêu sứ vụ. Vì thế, Ngài nói: “Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Galilê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó".

Sứ điệp của Đức Giêsu trao ban cho các phụ nữ cũng chính là sứ điệp cho mỗi người chúng ta hôm nay, đó là: sống và loan truyền Chúa chịu chết, tuyên xưng Chúa sống lại cho mọi người, mọi nơi và mọi lúc.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho mỗi người chúng con biết yêu mến Chúa tha thiết như mẫu gương của các phụ nữ hôm nay. Xin Chúa giúp cho chúng con khi đã yêu mến và tin tưởng vào Chúa, thì cũng can đảm ra đi chia sẻ niềm tin ấy cho người khác, để họ cũng gặp được niềm vui cứu độ như chúng con. Amen.

 

PHÉP LẠ PHỤC SINH

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Truyện các thánh ẩn tu trong sa mạc thời Giáo Hội tiên khởi có kể lại câu chuyện như sau:

Một người đàn ông nọ nghe đồn về rất nhiều phép lạ do các bậc chân tu thánh thiện thực hiện, nhưng ông không chấp nhận một lời đồn đại nào, ông chỉ tin những gì mắt thấy tai nghe. Thế là ông lên đường để diện kiến cho bằng được vị chân tu, ông gọi một đệ tử lại và hỏi:

- Thầy của anh đã làm được bao nhiêu phép lạ rồi?

Người đệ tử trả lời:

- Không thể đếm xuể được. Trong xứ của ông, người ta xem như là phép lạ mỗi khi Thiên Chúa làm theo ý muốn của con người. Còn ở đây thì trái lại, chúng tôi coi là phép lạ mỗi khi con người thực thi thánh ý Chúa.

Phép lạ mỗi khi con người thực thi thánh ý Chúa. Ðó có thể là ý tưởng được rút ra từ bài Tin Mừng hôm nay. Thánh Mátthêu là tác giả duy nhất đã so sánh thái độ của hai dạng chứng nhân về việc Chúa phục sinh: một bên là những phụ nữ đã từng theo Chúa Giêsu, và một bên là những lính canh mồ do các thượng tế và biệt phái sắp đặt. Cả hai bên đều nhận lãnh một sứ điệp: những phụ nữ được các thiên thần cổ võ đã lên đường loan báo sứ điệp Phục Sinh cho các tông đồ; những lính canh mồ thoạt tiên cũng nhận lãnh các sứ điệp như thế: họ đã chứng kiến một phép lạ, nhưng thay vì tuân phục với đức tin, họ đã bóp méo và chối bỏ sự thật. Một sự kiện nhưng hai phản ứng: với sự tuân phục của đức tin, các phụ nữ đã đón nhận phép lạ và trở thành sứ giả của Tin Mừng Phục Sinh; trong khi đó, với thái độ mù quáng và khước từ, những lính canh mồ đem biến sự kiện thành một bôi nhọ phỉ báng.

Hai ngàn năm qua và mãi mãi về sau, sứ điệp Phục Sinh vẫn tiếp tục được loan báo. Phép lạ Phục Sinh vẫn mãi mãi tiếp diễn. Các Tông Ðồ và những phụ nữ được Chúa hiện ra có lẽ diễm phúc hơn chúng ta. Thế nhưng, các ngài cũng không được trang bị hơn chúng ta khi đứng trước việc Chúa sống lại và hiện ra. Những lính canh mồ cũng chứng kiến các điều lạ lùng, nhưng với họ, những điều đó chưa phải là phép lạ.

Phép lạ thiết yếu không phải là một việc phi thường, nhưng trước tiên là một gặp gỡ trong đức tin. Chỉ trong đức tin, con người mới tin nhận phép lạ. Có phép lạ khi con người thực thi thánh ý Chúa. Thiên Chúa vẫn tiếp tục thể hiện tình yêu của Ngài. Thiên Chúa vẫn tiếp tục hiện diện và tác động trong lịch sử nhân loại. Nhưng chỉ khi nào con người tin nhận và sống theo thánh ý Thiên Chúa, con người mới nhận ra sự hiện diện và tình yêu của Ngài. Chúa Giêsu đã tuyên bố: "Phúc cho những ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa". Có tâm hồn trong sạch chính là để cho Chúa ngự, chính là chiều theo tư tưởng và ý muốn của Ngài.

Nguyện xin ánh sáng Chúa Kitô Phục Sinh soi sáng và hướng dẫn tâm tư hành động của chúng ta, để trong mọi sự, chúng ta sống theo thánh ý Ngài, và như vậy, cảm nhận được phép lạ của tình yêu Ngài trong từng phút giây của cuộc sống.

bài liên quan mới nhất

Các bài Suy niệm Lễ Chúa Ba Ngôi – Năm B

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng