Thứ Hai Tuần 6 Phục Sinh

THỨ HAI TUẦN 6 PHỤC SINH

"Thần Chân lý sẽ làm chứng về Thầy".

 

Lời Chúa: Ga 15, 26-16, 4

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Khi Đấng Phù Trợ đến, Đấng Thầy sẽ từ nơi Cha Thầy sai đến với các con, Người là Thần Chân lý bởi Cha mà ra, Người sẽ làm chứng về Thầy. Và các con cũng sẽ làm chứng, vì các con đã ở với Thầy từ ban đầu.

Thầy đã nói với các con điều đó để các con khỏi vấp ngã. Người ta sẽ loại các con ra khỏi hội đường. Đã đến giờ kẻ giết các con tưởng làm thế là phụng sự Thiên Chúa. Họ sẽ làm những điều đó cho các con, vì họ không biết Cha, cũng không biết Thầy. Nhưng Thầy đã nói với các con như vậy, để khi đến giờ của họ, các con nhớ lại là Thầy đã bảo các con".

 

LÀM CHỨNG CHO SỰ THẬT

(ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo Vệ và Thần Chân Lý. Hai chức năng quan trọng và rất cần thiết cho thời đại chúng ta.

Chúng ta cần Đấng Bảo Vệ vì chúng ta không ngừng bị tấn công. Mà không có phương tiện gì chống trả hay tự vệ. Chúa Giê-su đã từng bị tấn công rồi. Sau đó Giáo hội liên tục bị như thế. Bắt bớ 3 thế kỷ ở Rô-ma. Bắt bớ 3 thế kỷ tại Việt nam. Ngày nay các thừa sai vẫn bị giết. Nhiều cộng đoàn Kitô hữu vẫn bị ngược đãi. Ngày nay các cuộc tấn công còn tinh vi bạo tàn hơn nữa. Vì không tấn công thể lý nữa, nhưng tấn công luân lý. Người ta tố cáo Giáo hội ngược đãi trẻ em. Trọng nam khinh nữ. Ràng buộc lương tâm khiến con người không được hạnh phúc…

Chúng ta cần Thần Chân Lý vì kẻ tấn công nguy hiểm nhất chính là sự gian dối. Những đánh tráo khái niệm. Những từ ngữ hoa mỹ phỉnh gạt. Phá thai thì gọi là pro choice. Tôi có quyền lựa chọn nhưng sao không cho bào thai có quyền được sống.

Sự thật trần gian đã khó biết. Sự thật Nước Trời còn khó nhận hơn. Và Chúa kêu gọi chính chúng ta phải cùng với Thần Chân Lý làm chứng cho sự thật. Sự thật về Thiên Chúa, về Nước Trời có thực sự chiếu tỏa nơi ta hay không? Ta có sống thật vui tươi vì cảm nghiệm hạnh phúc Nước Trời trong một đời sống quên mình, nghĩ đến người khác không?

Cộng đoàn tín hữu sơ khai đã sống sự thật theo Thần Chân Lý. Nên thánh Phao-lô không còn tha thiết gì với những gì xưa kia ngài coi là lợi lộc nữa. Sau khi gặp Chúa Giê-su Phục sinh ngài chỉ còn biết một mình Chúa và coi đây là mối lợi lớn lao nhất. Ngài đi tìm dấu vết những người tin Chúa để cùng hợp đoàn với họ. Ngài không còn sống theo xác thịt nữa, chỉ theo Thần Chân Lý hướng dẫn.

Bà Ly-đi-a cũng để cho Thần Chân Lý hướng dẫn nên gặp được Phao-lô, gặp được Lời Chúa. Từ đó bà không coi trọng việc buôn bán vải điều nữa. Nhưng dành hết tâm trí sức lực vào đức tin, thực hành đức bác ái, mong được đón tiếp các tông đồ, phục vụ anh chị em.

Ta hãy tha thiết xin Chúa Thánh Thần đến trong ta và trong xã hội hôm nay. Ta hãy kiên quyết sống theo ơn Chúa Thánh Thần. Sống và Bảo vệ Chân Lý.

 

LOAN BÁO LÀ LÀM CHỨNG

(Lm. Vinhson Ngọc Biển SSP)

Trong Thông điệp “Evangelii Nuntiandi”, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã để lại cho chúng ta một phương châm thực hành như sau: “Người thời nay sẵn sàng nghe những chứng nhân hơn là thầy dạy và người ta có nghe theo thầy dạy là vì thầy dạy cũng là chứng nhân” (Thông điệp “Evangelii Nuntiandi” số 41).

Bài trình thuật Tin Mừng hôm nay cho thấy: Đức Giêsu trước khi trở về với Chúa Cha, Ngài đã giới thiệu Chúa Thánh Thần là Thần Chân Lý, là Đấng Bảo Trợ sẽ đến với các môn đệ.

Khi giới thiệu Chúa Thánh Thần như thế, Đức Giêsu muốn nhắc cho các môn đệ rằng: khi Chúa Thánh Thần đến, Người sẽ làm chứng và giúp các ông hiểu được tất cả những gì Đức Giêsu đã làm và những lời Ngài đã dạy trước đó. Mặt khác, Chúa Thánh Thần sẽ ban ơn phù trợ, để các ông can đảm làm chứng và sẵn sàng đón nhận tất cả mọi khổ đau vì Đức Giêsu.

Thật vậy, nếu không có Chúa Thánh Thần, các môn đệ vẫn là những con người khờ dại, kém tin và sợ sệt thủa nào. Tuy nhiên, khi đón nhận Chúa Thánh Thần, các ông trở nên những người can đảm, uyên thâm, mạnh mẽ và dám chấp nhận tất cả, kể cả cái chết để làm chứng cho điều mình loan báo là có thật, đáng tin. Các ông đã thực hiện lời nói đi đôi với hành động.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy ngoan ngùy dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Sẵn sàng can đảm loan báo lời Chân Lý, chấp nhận mọi thử thách đau thương để Lời Chúa được lan rộng khắp nơi. Tin và sống dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần còn là một lời mời gọi chúng ta từ bỏ con đường, cách sống và hành vi cũ, chấp nhận lột xác, trở nên con người mới để được biến đổi như các môn đệ khi xưa.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban Chúa Thánh Thần trên chúng con. Xin cho chúng con được ơn biến đổi. Can đảm làm chứng và loan báo Lời Chân Lý của Chúa đến với muôn dân. Amen.

 

THẬP GIÁ VÀ ĐỨC KITÔ

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Tại một trung tâm truyền giáo bên Italia, người ta đọc thấy một bài thơ với nội dung như sau: Bạn thân mến, tôi đã tìm một Thập giá. Một hôm tại tiệm bán đồ cổ, tôi đã mua được một tượng Đức Kitô, đây là Đức Kitô tuyệt đẹp nhưng sứt mẻ và bơ vơ vì bị tách lìa khỏi Thập Giá. Tôi chợt nghĩ không chừng bạn đang có một Thập giá, nhưng là một Thập giá trơ trụi không có Đức Kitô. Đức Kitô của tôi không có nơi ngơi nghỉ vì thiếu Thập giá, còn Thập giá của bạn thì lại thiếu Đức Kitô. Đức Kitô không Thập giá và Thập giá không Đức Kitô. Tôi xin đề nghị với bạn: tại sao chúng ta không liên kết cả hai lại? Tại sao bạn không trao Thập giá trống trơn của bạn cho Đức Kitô? Bạn chỉ có một thập giá đơn độc trống rỗng lạnh giá vô nghĩa, một Thập giá không có Đức Kitô. Hẳn bạn đã hiểu đau khổ như thế là vô lý, tôi không hiểu được tại sao bạn lại chịu đau khổ như thế từ bao lâu nay. Một thập giá không có Đức Kitô là một tra tấn, là nguyên nhân dẫn đến thất vọng. Giờ đây bạn đã có liều thuốc trong tay, bạn sẽ không còn đơn phương chịu đau khổ nữa. Bạn hãy trao cho tôi Thập giá trống không của bạn, tôi sẽ trao cho bạn Đức Kitô sứt mẻ của tôi. Bạn hãy trao Thập giá và hãy đón nhận Đức Kitô, rồi bạn sẽ thấy mọi sự đổi thay, bạn sẽ không còn đơn độc trong đau khổ, bởi vì trong Thập giá của bạn có Đức Kitô.

Bách hại, khổ đau là phần số gắn liền với ơn gọi Kitô hữu. Trong những giây phút cuối cùng ngồi bên các môn đệ, Chúa Giêsu không những loan báo cuộc tử nạn của Ngài, mà còn báo trước những khổ đau mà họ sẽ trải qua vì mang Danh Ngài. Ngài sẽ tiếp tục hiện diện ấy càng rõ nét hơn qua chính những khổ đau mà các môn đệ Ngài sẽ trải qua. Một cách nào đó, vụ án của Chúa Giêsu sẽ tiếp tục trong chính các môn đệ của Ngài. Thế gian đã kết án Chua Giêsu và do đó trút hận thù lên các môn đệ của Ngài. Thật ra, không phải thế gian xét xử Chua Giêsu, mà chính Ngài xét xử thế gian. Cuộc tử nạn và cái chết của Chua Giêsu là một tố cáo về chính tội ác của thế gian. Qua cuộc tử nạn dưới nhiều hình thức mà các môn đệ Đức Kitô phải trải qua trên khắp thế giới và suốt lịch sử nhân lọai, sự xét xử của Chúa Giêsu đang tiếp diễn, tội ác của con người được tiếp tục phơi bày qua những khổ đau mà các môn đệ Đức Kitô phải gánh chịu vì niềm tin của họ.

Nhưng Chúa Giêsu không đến để luận phạt thế gian. Ngài đến để bày tỏ tình yêu của Thiên Chúa đối với con người. Cuộc tử nạn và cái chết của Ngài mạc khải cho nhân lạo gương mặt yêu thương của Thiên Chúa, và ngày nay qua cuộc tử nạn của các môn đệ Ngài, gương mặt yêu thương của Thiên Chúa lại tiếp tục được sáng tỏ. Qua cuộc tử nạn ấy, con người mới nhận thấy rằng chỉ có tình yêu mới thắng được hận thù, chỉ có tình yêu mới mang lại ý nghĩa cho cuộc sống. Tình yêu chiến thắng hận thù, tình yêu mang lại ý nghĩa cho cuộc sống, tình yêu ấy người môn đệ chỉ có thể múc lấy từ Đức Kitô mà thôi. Ngài là Đấng Phục Sinh, Ngài đang hiện diện trong tâm hồn các môn đệ Ngài. Hãy để cho Ngài được hiện diện và đồng hành với ta, hãy để cho Ngài được tiếp tục dự phần vào thập giá của ta mỗi ngày, khi ấy cuộc sống sẽ mãi mãi có ý nghĩa, khổ đau sẽ có sức thanh luyện, và tình yêu sẽ chiến thắng hận thù.

 

 

bài liên quan mới nhất

Các bài Suy niệm Lễ Chúa Ba Ngôi – Năm B

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng