Thứ Hai Tuần 27 Thường niên

THỨ HAI TUẦN 27 THƯỜNG NIÊN

"Ai là anh em của tôi?"

Lời Chúa: Lc 10, 25-37

Khi ấy, có một người thông luật đúng dậy hỏi thử Chúa Giêsu rằng: "Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?" Người nói với ông: "Trong Lề luật đã chép như thế nào? Ông đọc thấy gì trong đó?"

Ông trả lời: "Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi, và hãy thương mến anh em như chính mình". Chúa Giêsu nói: "Ông trả lời đúng, hãy làm như vậy và ông sẽ được sống". Nhưng người đó muốn bào chữa mình, nên thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Nhưng ai là anh em của tôi?"

Chúa Giêsu nói tiếp: "Một người đi từ Giêrusalem xuống Giêricô, và rơi vào tay bọn cướp; chúng bóc lột người ấy, đánh nhừ tử rồi bỏ đi, để người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ một tư tế cũng đi qua đường đó, trông thấy nạn nhân, ông liền đi qua. Cũng vậy, một trợ tế khi đi đến đó, trông thấy nạn nhân, cũng đi qua. Nhưng một người xứ Samaria đi đường đến gần người ấy, trông thấy và động lòng thương. Người đó lại gần, băng bó những vết thương, xức dầu và rượu, rồi đỡ nạn nhân lên lừa của mình, đưa về quán trọ săn sóc. Hôm sau, lấy ra hai quan tiền, ông trao cho ông chủ quán mà bảo rằng: "Ông hãy săn sóc người ấy, và ngoài ra còn tốn phí hơn bao nhiêu, khi trở về tôi sẽ trả lại ông".

"Theo ông nghĩ, ai trong ba người đó là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp?"

Người thông luật trả lời: "Kẻ đã tỏ lòng thương xót với người ấy".

Và Chúa Giêsu bảo ông: "Ông cũng hãy đi và làm như vậy".

AI LÀ NGƯỜI THÂN CẬN CỦA TÔI?

(ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)

Tiên tri Gio-na và người Sa-ma-ri-ta-no nhân hậu là hai hình ảnh trái ngược. Gio-na là người Do thái, người có đạo, nhưng tâm địa hẹp hòi không muốn cứu dân thành Ni-ni-ve. Người Sa-ma-ri-ta-no nhân hậu là người ngoại đạo, nhưng tấm lòng bác ái bao la, quan tâm chăm sóc cho tha nhân. Gio-na là tiên tri, là người tin có linh hồn nhưng lại chẳng quan tâm cứu linh hồn dân thành Ni-ni-ve. Còn người Sa-ma-ri-ta-no nhân hậu tuy không có đức tin nhưng đã sẵn sàng cứu giúp dù chỉ là thân xác người lâm nạn. Gio-na là tiên tri của Chúa nhưng lại không vâng lệnh Chúa truyền. Người Sa-ma-ri-ta-nô nhân hậu không có đạo nhưng lại thực hành Lời Chúa. Và được Chúa đem làm gương mẫu cho những nhà lãnh đạo: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy”. Bên trong hai bài Sách Thánh còn những trái ngược lớn lao gây suy nghĩ. Gio-na là tiên tri thì trốn Chúa. Những người đi thuyền ngoại đạo lại muốn tìm thánh ý Chúa, muốn cầu nguyện cùng Chúa. Cũng vậy thầy tư tế và thầy Lê-vi trong đạo tránh qua một bên để khỏi giúp người bị nạn. Trong khi người ngoại đạo xứ Sa-ma-ri lại tỏ lòng nhân hậu cứu giúp nạn nhân (năm lẻ).

Và để trả lời cho câu hỏi: “Ai là người thân cận của tôi?”, Chúa Giêsu đã hỏi ngược lại: “Theo ông, ai là người thân cận của người bị nạn?”. Chúa Giêsu trả lời bằng một mệnh đề kép. Muốn có người thân cận, chính tôi phải thân cận với mọi người. Nói khác đi người thân cận không tự nhiên có nhưng tôi phải tạo ra. Tôi tạo ra người thân cận bằng tấm lòng nhân hậu, bằng thái độ quảng đại, bằng cử chỉ phục vụ. Như thế người thân cận là tất cả những ai cần sự giúp đỡ, cần sự quan tâm, là những ai đang lâm nạn, đang không thể tự lo cho mình, cả phần hồn lẫn phần xác.

Trong thư Ga-lát, thánh Phao-lô chê trách giáo dân Ga-lát đã mau chóng trở mặt lại giáo lý của Chúa. Lời chê trách đó có thể áp dụng cho Gio-na. Dù là tiên tri nhưng lại không tuân lời Chúa dạy. Lời đó cũng nhắm đến thầy tư tế và thầy Lê-vi vì đã không thực hành Lời Chúa. Lời thánh nhân chê trách cũng nói với chúng ta hôm nay, có đạo nhưng lại không tuân giữ Lời Chúa (năm chẵn).

Chúng ta có thể hỏi một câu hỏi khác. Ai là người thân cận của Chúa. Câu trả lời thật hiển nhiên. Nhưng khá cay đắng. Không phải vị tiên tri người đem Lời Chúa cho mọi người. Không phải thày tư tế và thày Lê-vi những người dâng của lễ trên bàn thờ, trước tôn nhan Chúa. Nhưng lại là người Sa-ma-ri-ta-nô, kẻ ngoại đạo. Hôm nay, chúng ta hãy tỉnh ngộ trở nên người thân cận của mọi người. Và người thân cận của Chúa. Như thế tôi mới “được sự sống đời đời làm gia nghiệp”.

YÊU LÀ BIẾT HY SINH CHO NGƯỜI MÌNH YÊU

(Lm. Vinhsơn Ngọc Biển SSP)

Bài hát: “Qua cầu gió bay” có lẽ nhiều người trong chúng ta đều đã quen thuộc, hoặc đôi khi còn thuộc lòng! Bài hát này diễn tả tình yêu của hai người: khi yêu nhau, họ trao tặng cho nhau tất cả, ngay kể cả cái áo, cái nhẫn và chiếc nón là những thứ gắn liền với bản thân của con người, nhưng một khi đã yêu thì sẵn sàng trao tặng, miễn sao người mình yêu được vui và hạnh phúc...

Bài Tin Mừng hôm nay, qua hình ảnh người Samaritanô nhân hậu, Đức Giêsu cũng dạy cho người thông luật một bài học của tình yêu. Tình yêu đó là một tình yêu biết cho đi, hy sinh và chấp nhận gian khó vì người mình yêu.

Khởi đi từ việc người thông luật đến hỏi Đức Giêsu: "Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?"; và: “Ai là anh em của tôi?”. Đức Giêsu đã giúp ông xác tín nguyên lý của sự sống đời đời là yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và yêu người thân cận như chính mình.

Tuy nhiên, Đức Giêsu còn muốn ông đi xa hơn nữa trên lộ trình tình yêu đó khi  kể cho ông nghe dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu.

Hình ảnh của người Samaritanô nhân hậu đối đãi với nạn nhân như: dừng lại, băng bó vết thương, xức dầu và rượu, đỡ nạn nhân lên lừa của mình, đưa về quán trọ, thuê người chủ quán trọ săn sóc cho nạn nhân... tất cả những nghĩa cử đó cho thấy người Samaritanô đã vì yêu mà chấp nhận tất cả, chịu đựng tất cả, cho đi tất cả... ngang qua hành vi của người Samaritanô, Đức Giêsu muốn giới thiệu cho người thông luật biết: những người đau khổ chính là anh em của ông.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: hãy đi và làm như người Samaritanô nhân hậu, làm tất cả và cho đi tất cả vì người mình yêu.

Có lẽ chúng ta sẽ thắc mắc là nhiều khi tôi nghèo quá, nên khó có thể có gì để thể hiện tình yêu như người Samaritanô với người thân cận. Tuy nhiên, chúng ta sẽ không nghèo đến độ không thể không có gì để cho!

Có thể tôi nghèo về vật chất, nhưng tôi giàu về tấm lòng, giàu về tình yêu. Tôi không có hiện vật để trao tặng, nhưng tôi có nụ cười, thời giờ, niềm an ủi, sự cảm thông và tinh thần liên đới... Đây chính là món quà cao quý hơn cả bạc vàng.

Mong sao mỗi chúng ta hiểu rằng: chỉ có tình yêu là không thể chết, và cho đi là còn mãi.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết yêu mến Thiên Chúa tha thiết và yêu tha nhân như chính mình. Đồng thời xin cho chúng con biết sống tinh thần liên đới trong một thế giới quá nhiều bất công và vô cảm. Amen.

NGƯỜI SAMARITANÔ NHÂN HẬU

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Một phóng viên nọ muốn biết cách đối xử với con người thế nào, ông đã giả vờ làm người bị thương nằm bên vệ đường cùng với chiếc xe bị hư của ông. Nhiều người đã đi qua..., cuối cùng có một người dừng xe lại xem xét và đến trạm gọi điện thoại cho cảnh sát. Người phóng viên đã cẩn thận ghi các số xe đã chạy qua, sau đó, ông đến tận nhà họ để phỏng vấn. Mỗi người đều nói lên lý do của mình, nhưng không ai nghĩ mình một ngày kia có thể rơi vào hoàn cảnh như thế: bàn tay của mình đưa ra để mong tìm được sự nâng đỡ của người khác mà không gặp được.

Người Samaritanô nhân hậu được nhắc đến trong Tin Mừng hôm nay là chính Chúa Giêsu. Dĩ nhiên, các tư tế, lêvi có lý do của họ: họ đã sống đúng luật, tuy nhiên luật đã giết chết lòng yêu thương của con người vì trọng mặt chữ mà thôi. Chúa Giêsu đã vượt qua luật lệ và hướng dẫn tâm hồn con người lên cao, đi vào chiều sâu của bác ái. Ngài đã đến với từng con người, Ngài không đứng xa nhìn con người đương đầu với những khó khăn thử thách trong cuộc sống. Như người Samaritanô nhân hậu, Ngài đến gần bên con người, Ngài nhìn họ với ánh mắt đầy trắc ẩn, cảm thông, Ngài cúi xuống băng bó các vết thương của họ và còn tình nguyện trả nợ cho họ bằng giá máu của Ngài khi chấp nhận chết trên Thập giá để cứu sống và đưa họ về quê trời.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta noi theo gương mẫu của người Samaritanô nhân hậu là hình ảnh của chính Chúa. Chung quanh chúng ta còn biết bao nạn nhân, dưới nhiều hình thức, đang chờ bàn tay nâng đỡ của chúng ta. Nhưng thử hỏi chúng ta đã làm được gì? Có thể chúng ta không có tiền bạc, nhưng một lời nói, một nụ cười, một cử chỉ, một việc làm tốt cũng có sức xoa dịu và cảm thông với những nỗi khổ đau của đồng loại.

Nguyện xin Chúa kiện cường lòng bác ái của chúng ta, một lòng bác ái biết tìm đến, dừng lại và xoa dịu những nỗi khổ đau của người khác; một lòng bác ái vị tha, không bị lấm bẩn bởi bản tính ích kỷ trục lợi.

bài liên quan mới nhất

Suy niệm thứ Bảy tuần Thánh: Mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng