Thứ Bảy Tuần Thánh - Đêm Thánh Vọng Chúa Phục Sinh

THỨ BẢY TUẦN THÁNH

ĐÊM THÁNH VỌNG CHÚA PHỤC SINH

"Ngài đã sống lại và sẽ đến xứ Galilêa".

 

Lời Chúa: Mt 28, 1-10

Qua chiều ngày Sabbat, khi ngày thứ nhất trong tuần vừa tảng sáng, Maria Mađalêna và bà Maria khác đến thăm mồ. Bỗng chốc đất chuyển mạnh vì Thiên Thần Chúa từ trời xuống và đến lăn tảng đá ra, rồi ngồi lên trên đó. Mặt Người sáng như chớp và áo Người trắng như tuyết. Vì thế những lính canh khiếp đảm run sợ và hầu như chết. Nhưng Thiên Thần lên tiếng và bảo các người nữ rằng: "Các bà đừng sợ. Ta biết các bà tìm Chúa Giêsu, Người đã chịu đóng đinh. Người không có ở đây vì Người đã sống lại như lời Người đã nói. Các bà hãy đến mà coi nơi đã đặt Người và đi ngay bảo các môn đệ Người rằng: Người đã sống lại, và kìa Người đến xứ Galilêa trước các ông: Ở đó các ông sẽ gặp Người. Ðây Ta đã báo trước cho các bà hay".

Hai bà vội ra khỏi mồ, vừa sợ lại vừa hớn hở vui mừng, chạy báo tin cho các môn đệ Người. Và này Chúa Giêsu đón gặp các bà, Người nói: "Chào các bà". Các bà liền lại gần ôm chân Người và phục lạy. Bấy giờ Chúa Giêsu bảo: "Các bà đừng sợ. Hãy đi báo tin cho các anh em Ta phải trở về Galilêa, rồi ở đó, họ sẽ gặp Ta".

 

ĐÊM VỌNG PHỤC SINH

 (ĐTGM Phêrô Nguyễn Văn Nhơn)

Trong đêm Vọng Phục Sinh, việc công bố Lời Chúa là một phần căn bản của nghi thức Phụng vụ. Khởi đầu, chúng ta đọc bài trích Sách Sáng Thế, tường thuật việc Thiên Chúa tạo dựng muôn vất muôn loài. Và lời sáng tạo đầu tiên của Thiên Chúa là “Hãy có ánh sáng!” Nơi nào có ánh sáng, nơi đó phát sinh sự sống.

Lễ nghi đêm nay, khởi đầu trong bóng tối là hình ảnh của nhân loại đi trong bóng tối tội lỗi, bóng tối của sự chết. Nến Phục sinh được thắp lên, lan tỏa ra khắp mọi người, cả nhà thờ rực sáng. Đức Kitô phục sinh đem lại sự sống cho cả thế giới, cho cả lịch sử nhân loại. Ngọn lửa nến Phục sinh vừa sáng vừa nóng biểu hiện Đức Giêsu Kitô vừa là Chân lý vừa là Tình yêu, là Chân lý trong Yêu thương. Nhưng nến cháy sáng rồi thì bị tiêu hủy, sống-chết đi đôi với nhau. Chúa Giêsu qua cái chết thập giá, Ngài đã phục sinh và phục sinh tất cả những ai tin vào Ngài. Cây nến mà chúng ta cầm trong tay được thắp lên từ cây nến phục sinh cũng như Chúa Phục sinh đã thông ban sự sống của Ngài cho chúng ta. Lát nữa đây, khi cử hành Phụng vụ làm phép rửa cho 37 anh chị em dự tòng đây, chúng ta cầu nguyện và cũng hãy cảm nghiệm sự sống của Chúa được chuyển qua anh chị em để trở nên con cái của Chúa. Khi chịu phép rửa, anh chị em hãy tin vào lời Chúa phán:” Hãy có ánh sáng”, và Chúa phân chia anh chị em ra khỏi bóng tối như Ngài đã làm vào lúc sáng tạo vũ trụ. Và trong Đức Kitô, chúng ta nhận ra cái gì đúng cái gì sai, cái gì rạng ngời cái gì tối tăm, cái gì phải làm cái gì phải tránh. Và ánh sáng cuộc đời chúng ta, nhờ đó, cũng lan tỏa ra chung quanh để người khác nhận ra Đức Kitô cũng là ánh sáng cho cuộc đời của họ.

Yếu tố quan trọng thứ hai trong nghi lễ nầy là nước. Trong Đêm Canh thức Phục sinh, đọc 9 bài Kinh thánh: 7 bài Cựu Ước và 2 bài Tân Ước. Vì lý do thời gian hay yếu tố nào khác, phải bớt các bài Đọc , thì cuối cùng cũng giữ lại tối thiểu 4 bài. Nhưng trong bất cứ trường hợp nào cũng không được bỏ bài Sách Xuất Hành, chương 14, là chương tường thuật dân Do Thái vượt qua Biển đỏ cách lạ lùng. Nói đến biển, chúng ta dễ dàng liên tưởng đến sức mạnh của sóng thần đã tàn phá miền Bắc Nước Nhật vừa qua. Trong mạc khải, biển cũng được diễn tả như thế lực thù nghịch, nơi giam giữ ác thần, là nơi hoành hành của sự chết. (Chúa ra lệnh cho biển im tiếng !) Dân Do Thái đi vào Biển Đỏ là nơi chôn vùi binh lính của Pharaô Aicập đuổi theo. Người dự tòng, ngày nay thay vì được dìm vào hồ nước, thì được dội nước trên đầu, nói lên sự chết cho tội lỗi, như Chúa Giêsu bị đóng đinh thân xác vào thập giá và chôn cất trong mồ. Và như lời thánh Phaolô trong thư Do Thái: “(…) khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Giêsu Kitô, là chúng ta đã được dìm vài trong cái chết của Người …” Nhưng nước đồng thời cũng mang ý nghĩa của sự thanh tẩy, của sự sống mới, sự tăng trưởng và Chúa Giêsu cũng dùng để nói về Chúa Thánh Thần. Và thánh Phaolô nói tiếp: “Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được một đời sống mới”.

Qua bí tích Thánh tẩy, chúng ta được tham dự vào sự Phục Sinh của Đức Kitô. Qua Đêm Canh thức nầy, Giáo hội mời gọi tất cả chúng ta hãy vui mừng, vì trong Đức Kitô, sự sống của chúng ta đã chiến thắng sự chết và sự cứu rỗi cho chúng ta mạnh hơn tội lỗi, vì thế, như Phụng vụ Lời Chúa vừa được cử hành, “Tôi loan báo cho anh chị em một tin rất vui mừng, đó là Alleluia, Chúa đã sống lại!”

 

CHẾT MÀ CHƯA CHẾT

(Lm. Đaminh Đỗ Văn Thiêm)

Thức đêm mới thấy đêm dài. Đêm nay sao dài đến thế! Cái bóng đen cứ mãi dày đặc trong không gian. Không chỉ trong không gian, mà còn dày đặc trong cả cõi lòng Maria Macđala. Cả đêm ngối chong đèn chờ sáng. Nỗi nhớ Thầy day dứt trong tim, không cho bà nhắm mắt, chỉ mong sao cho trời mau sáng, để chạy ù đến mộ Thầy nằm. Thầy chết! Một tai họa khủng khiếp nhất trên đời. Không! Một người hiền lành nhân ái như Thầy, quyền phép như Thầy, nhất định không thể chết. Nỗi nhớ Thầy quay quắt khôn nguôi.

Trời vừa hé sáng, không cầm lòng được nữa, Maria đã vội vã bước ra khỏi nhà; tiến thẳng tới nấm mộ của Thầy Giêsu. Đến là đến cho thỏa nỗi nhớ Thầy mà thôi, chứ cũng không hi vọng gì, vì tảng đá to đùng nằm chình ình chắn cửa, làm sao mà mở ra. Maria dừng lại. Lạ lùng chưa kìa! Hòn đá đã được lấy ra. Ngôi mộ đã được ùa đầy ánh sáng. Maria sợ. Đúng là phụ nữ. Maria không dám bước vào. Vội vã quay ra; ba chân bốn cẳng chạy về gặp Phêrô và Gioan.

Rồi cả ba cùng chạy đến mồ. Ngôi mộ trống trơn. Chúa không còn ở đó. Chỉ còn những thứ dính liền với sự chết được để lại. Đó là những băng vải, khăn che đầu. Tất cả đã được xếp lại ngọn gàng. Sự chết không thống trị được Chúa. Gã thần chết cứ ngỡ tưởng rằng: Hắn là người thắng cuộc. Hắn chưa một lần thất bại trong thời gian hành tẩu của mình. Nhưng hôm nay, hắn đã phải xoe tròn đôi mắt ngạc nhiên. Chúa đã tự mình sống lại.

Chúa sống lại. Đó là một sự thật. Một sự thật làm chứng về bản tính Thiên Chúa của Chúa Giêsu. Một sự thật, là cho khuôn mặt của gã thần chết bẽ bàng. Cái chết không còn là nỗi kinh hoàng khủng khiếp nữa, vớiChúa Giêsu đã đành, mà còn ngay cả đối với những ai tin vào Ngài nữa. như có lần Ngài đã nói: “Ta là sự sống lại và là sự sống. ai tin Ta sẽ không phải chết”.

Sự sống lại của Chúa hôm nay, mở ra cho chúng ta một sự bình tâm thanh thản. Sự chết không còn là dấu chấm lạnh lùng cho cuộc đời; mà nếu tin vào Chúa Giêsu, nó chỉ là vuông cửa nhỏ, giúp ta đi vào cõi sống. Nhưng là sự thật quan trọng không bao giờ quên được. Chỉ một mình Chúa Giêsu, là đấng duy nhất thắng được thần chết. và cũng vì thế, chỉ có ai tin và bước theo Ngài, mới không bị cái chết đe dọa, và mới tìm thấy cả sự sống vĩnh hằng cho mình.

Gợi ý

1. Trong nấm mồ hồn bạn, Chúa đang chết hay đã sống lại?

2. Bạn có quá sợ hãi, khi nghĩ về cái chết không?

(Tập San Tĩnh Tâm GP Long Xuyên 04/2011)

 

bài liên quan mới nhất

Các bài Suy niệm Lễ Chúa Ba Ngôi – Năm B

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng